Lão Dê

04:12, 31/12/2014

"Lão Dê"! Chắc là lão phải "dê" lắm, nếu không bồ bịch lăng nhăng ắt cũng lắm vợ nhiều con. Không, lão sống độc thân và ghét cay ghét đắng chuyện đàn bà. Cả cuộc đời lão gắn liền với con dê. Ăn dê, ngủ dê, tâm sự chuyện trò cũng xoay quanh chủ đề dê. Tóm lại, lão là chuyên gia dê. Cái nghề nuôi dê nuốt hết cuộc đời lão. Ngoài 90 tuổi chưa biết đau ốm là gì.

“Lão Dê”! Chắc là lão phải “dê” lắm, nếu không bồ bịch lăng nhăng ắt cũng lắm vợ nhiều con. Không, lão sống độc thân và ghét cay ghét đắng chuyện đàn bà. Cả cuộc đời lão gắn liền với con dê. Ăn dê, ngủ dê, tâm sự chuyện trò cũng xoay quanh chủ đề dê. Tóm lại, lão là chuyên gia dê. Cái nghề nuôi dê nuốt hết cuộc đời lão. Ngoài 90 tuổi chưa biết đau ốm là gì. “Hay kiếp trước cụ là dê?”. Đúng! Lão tự hào: “Và kiếp sau nữa cũng lại vẫn là dê. Dê, dê và… dê!”.
 
Đầu đội mũ cối, lưng phủ chiếc bao tải gai dầy bịch, tay cầm cuốn sách đọc dở, ung dung trên lưng con dê đực đầu đàn hoặc thu lu bên đống lửa về đêm, đó là hình ảnh của lão. Lão thường ngồi như tượng trước lều cỏ đơn sơ của mình, ngắm không chán mắt con dê đứng cheo leo trên mỏm đá, râu vểnh hiên ngang với cặp sừng cứng cáp in hình trên nền trời phía Tây trong ráng chiều tà, trông mới kiêu hãnh, hùng dũng làm sao! 
 
Minh họa: PHAN NHÂN
Minh họa: PHAN NHÂN

Lão Dê có nhà cao cửa rộng ở giữa làng nhưng đóng cửa bỏ đấy. Bên phải là nhà thầy đồ, bên trái có ông giáo dạy tiếng Pháp. Hai ông hai tủ sách đầy ắp mà ít đọc. Năm bữa nửa tháng Lão Dê choạng về mượn một cuốn, đem đi nghiền ngẫm rồi trả lại đổi cuốn khác, cứ thế lão ngốn hết hai tủ sách của láng giềng, biến thầy đồ và ông giáo Pháp ngữ thành thủ thư giữ sách cho mình.
 
Một hôm lão nói:
 
- Có một thằng Tây nghiên cứu về địa lý, sau khi đi khảo sát địa hình Việt Nam nó phát biểu: “Ở Việt Nam không có đồng bằng, chỉ có núi và thung lũng”. Có lẽ nó chưa tới đồng bằng sông Cửu Long hoặc mới đến vào mùa nước nổi. Miền Bắc và miền Trung thì đúng là núi ăn ra tận biển, châu thổ hẹp bị chia cắt, hầu hết là vùng bán sơn địa.
 
- Phải chăng chính vì thế mà cụ chọn nghề nuôi dê?
 
- Đúng vậy. - Lão gật đầu. - “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, vô công rồi nghề thì nuôi ngỗng”. Con chó nó ăn tốn như người, thêm một con chó là thêm một nhân khẩu. Mình lấy đâu ra của cải mà phải nuôi chó giữ nhà. Con dê nó không biết đòi hỏi, tự kiếm lấy ăn mà ăn toàn những thứ vứt đi. Rừng nguyên sinh phá hết rồi, còn toàn rừng tái sinh gỗ tạp nghèo kiệt, không có giá trị kinh tế. Nên nhớ 95% những cây hoang dại tầm thấp là thức ăn khoái khẩu của loài dê. Nó biết chừa lại cây có độc để con người làm thuốc. Toàn những lá lảu trời ơi mà thành thịt thành sữa thì tài thật. - Lão đắc ý rung đùi nhâm nhi chén trà nóng.
 
Theo khoa học thì sữa dê bổ hơn sữa bò. Dê sữa là con bò sữa của người nghèo. Sáng sáng lão nướng cái bánh tráng trên đống than củi sắp vạc giữa mênh mông trời đất rồi ngậm vú dê bú trực tiếp như một đứa trẻ, khỏi bóp vắt lằng nhằng, mà tươi ngon lại vệ sinh. Có lẽ dê ăn đủ loại lá nên lão không thấy thèm rau. Bánh tráng có cả đống, hết lại nhờ bọn học trò ngang qua tiếp tế giùm. Cao hứng lão thịt cả con dê mời chúng. Chẳng hạn có lần lão đố bọn trẻ, món tái dê ra đời như thế nào, “giải” được cho một bữa thỏa thích.
 
Có đứa kể:
 
Giữa chiến trường, Hốt Tất Liệt muốn có món ăn khao quân, mà phải ăn được ngay không cần chén bát lỉnh kỉnh. Một người lính hiến kế, chỉ cần xẻo thịt dê nhúng vào chảo nước sôi mà ăn, vô cùng đơn giản mà ngon tuyệt. Ba quân sẵn dao kiếm, mỗi người “tự phục vụ” theo ý mình. Về sau lan truyền trong dân gian thành món tái dê. Ăn tại nhà thì đủ gia vị hơn và có khác về chi tiết nhưng công đoạn chính vẫn chỉ là nhúng thịt dê tươi thái mỏng vào nước sôi mà thôi. Nhiều món ăn ngon thường được phát minh giản dị như một sự tình cờ.
 
- Giỏi! giỏi… - Lão Dê khen, quên khuấy rằng chính mình đã kể cho chúng nghe trước đó.
 
Bây giờ chơi trò “Bịt mắt bắt dê”. Trò chơi này được trẻ con rất thích, nhất là vào những đêm trăng sáng. Một đứa bị bịt mắt bằng chiếc khăn, dỏng tai nghe tiếng động, quờ tay bắt hú họa những đứa xung quanh. Đứa nào chậm chân bị túm phải chịu bịt mắt thay, cứ thế chiếc khăn luân phiên đứa nọ qua đứa kia. Mỗi khi có đứa bị túm vạt áo hoặc ôm chầm lấy, bọn trẻ lại ré lên reo hò. Nhưng hôm nay không đứa nào bị bịt mắt và những con dê bị đuổi là dê thật. Tay bọn trẻ nhúng bùn, cuộc chơi kết thúc khi một con dê đực non bị vỗ bùn vào mông.
 
Chục đứa trẻ tuổi 13 - 14 đuổi gần trăm con dê chạy tán loạn trong cái hàng rào vòng tròn như sân bóng giữa đỉnh đồi. Bọn dê con hình như cũng khoái cuộc chơi này. Hai thằng túm đuôi con dê vấy bùn kéo đến báo công. Lão Dê phì cười: “Không được, nó là dê cái, để nó đẻ. Dê đực sừng dài hơn”. Chúng vội buông ra, đuổi tiếp. Tiếng reo hò rộn lên, dội vào vách núi hai bên náo động cả một vùng. Cuối cùng thì cũng có con dê đực non không may sa vào tay lũ trẻ. Người và dê mướt mồ hôi thở hồng hộc. Con dê vã mồ hôi, lông bết lại như tắm bị treo ngược bốn vó làm vật “tế thần”. Lão sai bọn trẻ cầm gậy thi nhau quật túi bụi, tiếng kêu cứu be be vang vọng, thảm thiết. Đành vậy chứ biết làm sao, công đoạn đầu tiên của quy trình thịt dê phải thế. Mồ hôi dê toát hết ra, đem theo những chất độc có mùi khó chịu, xong mới làm lông, thui lên, xả thịt nhúng vào xoong nước sôi như quân tướng Hốt Tất Liệt từng làm.
 
Trong lúc chờ thịt tái, Lão Dê nói tiếp:
 
- Ai cũng biết dân Mông Cổ sống bằng nghề du mục, hàng ngày ăn thịt như ăn rau, thế kỷ XIII, dê nuôi, dê rừng sẵn như gà, kẻ chiến thắng thường thêu dệt nhiều chuyện. Quân Nguyên Mông đánh Đông dẹp Bắc, chiến thắng lẫy lừng, chinh phạt khắp từ Đông sang Tây, tưởng cả thế giới dưới vó ngựa của chúng. Ấy vậy mà sang ta bị chặn đứng, thua đau, mà thua cả ba keo cơ chứ. Thế các cháu có biết vua Trần khao quân bằng gì không?
 
Bọn trẻ ngơ ngác nhìn nhau, những khuôn mặt non choẹt sáng bừng trong ánh lửa chập chờn.
 
- Thịt dê! - Lão bật mí cho bọn trẻ rồi moi trong túi áo ngực chai rượu nhỏ, rót vào cái ly mắt trâu và nâng lên. - Hôm nay “trẫm” có rượu ngon và dê béo thết các “khanh”… Thấy chưa, tiệc vua ban là tiệc sang nhất cũng lấy thịt dê làm đầu vị.
 
Bọn trẻ cũng khum khum mấy ngón tay vờ nâng ly, chìa ra rồi đưa lên miệng tợp một ngụm, chặn ly xuống đất buông một tiếng “khà” điệu nghệ. Những miếng thịt dê thái mỏng, phần nạc tái hồng lại kèm theo vành mỡ dưới một lớp da dai dai được thui ngả màu nâu sậm có rắc lớp thính thơm lừng, gắp kèm với lát chuối xanh và rau kinh giới, chấm ngập tương gừng, vị ngọt lại vừa béo vừa bùi ngấm tận chân răng.
 
Tất niên năm nào bọn trẻ cũng được khao một bữa thịt dê tới bến. Chúng hỏi lão nhiều điều và bao giờ cũng được trả lời rành rẽ. Năm nào lão cũng đưa ra câu hỏi: “Có bao nhiêu loài dê?”. Đa số không biết gì, thảng hoặc mới có đứa kể được vài loài. Năm nay khác hẳn, chúng nói vanh vách.
 
Con người biết nuôi dê từ thời kỳ đồ đá mới, hàng vạn năm về trước. Loài dê rừng Capra Falconeri có cặp sừng chẽ hướng lên, sống ở Tây Hymalaya thì được người châu Á thuần hóa. Vùng Địa Trung Hải lại thuần hóa loài dê núi Ai Cập có cặp sừng dẹp và cong về phía sau. Giống dê núi Capra Pirica thì hai sừng cong lại tạo vòng. Dê nuôi ngày nay thường có sừng nhỏ, tai dài cúp xuống là những thế hệ lai tạo của những loài hoang dã kể trên.
 
Quái, chẳng phải chúng đã nghe mình giảng giải, vì nhiều điều chính mình cũng mới được nghe lần đầu. Lão Dê đây ngót thế kỷ nuôi dê đọc sách phải kinh ngạc trước những đứa trẻ lên mười.
 
- Ai đã dạy các cháu? - Lão hỏi?
 
- Internet! - Chúng đồng thanh reo lên. - Mạng có tất!
 
Lão thoáng buồn. Cuốn từ điển sống về dê giờ hóa lỗi thời. Đã vậy dồn cho chúng câu nữa:
 
- Sơn Dương còn gọi là con gì?
 
- Con Than! - Lại đồng thanh bật ra không cần suy nghĩ. - Sơn Dương là loài dê hoang dã sống ở Tây Trường Sơn, có màu đen tuyền nên gọi là con than, loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được ghi trong sách đỏ.
 
Lão thua rồi. Tuổi trẻ tài cao, “Hậu sinh khả úy” quả không sai chút nào. Đã vậy ta đi vào khía cạnh văn hóa, vốn là thế mạnh của người già:
 
- Câu thơ này ở đâu: “Phải duyên hương lửa cùng nhau…”?
 
Còn lạ gì, đó là một câu trong “Cung Oán Ngâm Khúc” của Nguyễn Gia Thiều. Không đợi lão đọc xong, chúng nối luôn câu sau thay vì phải trả lời:
 
- … “Xe dê lẹ dắt lá dâu mới vào”.
 
Lão chắp tay bái bọn trẻ và gật gù “Cúi đầu làm ngựa trước nhi đồng”!
 
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM