Cây trà được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng Nhật Bản mới là quê hương của Trà Đạo. Chỉ ở Nhật, nghệ thuật thưởng trà được nâng tầm, trở thành lễ nghi đẫm chất tôn giáo. Người Nhật Bản xưa nay luôn coi trà như một tôn giáo và Trà Đạo chính là danh xưng nói lên lễ thức này.
Cây trà được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng Nhật Bản mới là quê hương của Trà Đạo. Chỉ ở Nhật, nghệ thuật thưởng trà được nâng tầm, trở thành lễ nghi đẫm chất tôn giáo. Người Nhật Bản xưa nay luôn coi trà như một tôn giáo và Trà Đạo chính là danh xưng nói lên lễ thức này.
|
Trà Đạo Việt Nam. Ảnh: BÙI TRƯỞNG |
Còn Việt Nam, có rất nhiều nơi trồng trà và tương ứng với mỗi vùng miền trồng trà có một cách thức uống trà riêng. Theo đó, cách thức ẩm trà của người Việt cũng rất riêng, rất đặc sắc: Từ dân dã, quê mùa đến cao sang, lịch thiệp..., mỗi một cách thức thể hiện phong phú những vỉa tầng văn hóa ứng xử của người dân Việt đối với trà.
Các bậc tiên hiền cho rằng, ẩm trà là một nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì phi công thức. Song, phi công thức không có nghĩa là không có những nguyên tắc, chuẩn mực nhất định. Ví như, đối với bộ đồ pha và uống trà, người sành trà sẽ chọn loại ấm đất cùng 4 chén quân, 1 chén tống để chuyên trà. Chén quân là loại chén mắt trâu. Ấm cũng có ấm chuyên, ấm tống. Tùy theo lối độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người), tứ ẩm (bốn người), hay quần ẩm (nhiều người) mà chọn bộ đồ pha và uống tương ứng.
Nước dùng pha trà phải là nước mưa được hứng ở giữa trời; chí ít cũng từ các nguồn suối tự nhiên; cầu kỳ hơn là sương đọng trên lá sen. Cách đun nước pha trà là cả một nghệ thuật. Than sau khi làm sạch bụi, thả vào lò, quạt cho thật hồng. Chờ thêm vài phút cho than phát ra ánh sáng nhờ nhờ của sắt nung, thì bắc ấm lên lò và bắt đầu đun nước pha trà. Khi nước reo, phải đợi cho đến lúc tiếng reo đã tắt, hơi nóng bắt đầu xì ra, thì nhấc ấm lên và phải đợi thêm một hai giây nữa mới rót vào ấm trà. Sở dĩ phải thận trọng về việc củi lửa như vậy là vì theo như cụ Tản Đà (nhà thơ của núi Tản, sông Đà) “Nước sôi mà đun quá độ, nó trở thành nước bung. Nước bung có bao nhiêu dưỡng khí đã bay đi hết, sẽ làm cho trà vừa mất hương vừa nồng”.
Để tận hưởng được hết sự tinh túy của trà, các bậc thưởng trà sành luôn biết cách chọn đúng thời điểm, không gian cũng như bạn thưởng trà. Vì nó vừa thể hiện văn hóa thuần chất của người Việt, vừa đảm bảo những tiêu chuẩn về chất lượng cũng như vị thế của người thưởng trà. Nhiều người thưởng trà sành quan niệm, tìm bạn trà đôi có khi khó hơn... kiếm bạn rượu. Bởi, bạn trà không đơn thuần chỉ là người cùng uống trà, cái chính là mượn không gian trà để hàn huyên chuyện nhân tình thế thái; quan trọng hơn, là để lắng nghe nhau và cùng nhau cảm nhận trong trà có cả lời trời đất, cây cỏ. Trà thiên về tịch tĩnh. Rượu lại nghiêng hẳn về vọng động. Vì thế, bạn trà thường là bạn tri âm, tri kỷ.
Thời điểm các bậc trà nhân (người uống trà) chọn để thưởng trà là vào lúc âm dương giao hòa (khoảng 4 - 5 giờ sáng) hoặc trong những đêm trăng sáng. Uống trà ở những thời khắc ấy, tinh thần người thưởng trà sẽ được tỉnh táo, thanh sạch. Còn về không gian thưởng trà thường là không gian thanh tịnh, thuần khiết, tao nhã. Cạnh các trà nhân là quang cảnh thiên nhiên đẹp; xung quanh có treo tranh ảnh, thư pháp, bàn cờ hoặc góc đọc sách... Tuy nhiên, tất cả những điều kiện trên sẽ là vô nghĩa, nếu không có trà ngon.
Trà ngon phải hội đủ 5 chuẩn mực: Sắc, thanh, khí, vị và thần. Bởi vậy, ngoài trà nguyên thủy (trà mộc), người Việt còn dùng trà ướp với nhiều nguyên liệu khác, thành trà sen, trà sói, trà bạch ngọc, trà mật ong, trà long nhãn, trà nhân sâm... Mỗi loại trà làm nên một hương vị. Trong đó, trà sen là thứ trà quý bậc nhất, ngày xưa chỉ dành cho bậc vua chúa. Nhưng với những bậc trà sư (bậc thầy về cách thức uống trà), thì trà mộc móc câu (chưa qua tẩm, ướp) mới là loại trà đứng đầu bảng.
Không quá cầu kỳ, lễ giáo; không nặng về kiểu cách, hình thức như ở Nhật Bản và Trung Quốc, nghệ thuật ẩm trà Việt vừa có nét dân dã, vừa mang tính lễ nghi như chính con người và tính cách Việt Nam vậy.
TRỊNH CHU