(LĐ online) - Lâu lắm rồi mới có dịp trên những con đò để đến với những cù lao xanh trên con sông Tiền hiền hòa. Lâu lắm rồi mới có được cái cảm giác bồng bềnh như cơn say để nhớ về một khúc sông trên dòng sông ấy đã chở tuổi thơ tôi… Và cho dù không có dịp ghé qua - nhưng nỗi nhớ thì vẫn trở về…
(LĐ online) - Lâu lắm rồi mới có dịp trên những con đò để đến với những cù lao xanh trên con sông Tiền hiền hòa. Lâu lắm rồi mới có được cái cảm giác bồng bềnh như cơn say để nhớ về một khúc sông trên dòng sông ấy đã chở tuổi thơ tôi… Và cho dù không có dịp ghé qua - nhưng nỗi nhớ thì vẫn trở về…
Lúc chín hay mười tuổi gì đó - cứ mỗi dịp hè, ba lại đưa hai anh em tôi về vùng đất có con sông Tiền vắt ngang. Ngày đó, ba tôi làm công ăn lương năm cho ông chủ điền có mảnh đất trên cù lao mang tên An Bình. Cách đây hơn 40 năm - cù lao An Bình chỉ như một dấu chấm trên tờ giấy A4, và chẳng mấy ai biết đến nếu đều đặn mỗi ngày, cù lao này không mang vào đất liền những chiếc ghe nặng oằn, nào là chôm chôm, mận Sài Gòn, sầu riêng, măng cụt, cóc, ổi, xoài và cả những giỏ chanh giấy mỏng vỏ chua lè, thơm phức.
Nói là mảnh nhưng đất vườn của ông chủ điền mà ba tôi nhận trông coi rộng lắm. Rộng đến nỗi bước chân của một cậu bé lớp ba như tôi suốt hơn tháng trời chạy tới, chạy lui mà không thấy bờ bao.
Còn nhớ những ngày đầu ở cù lao này, có ông anh hơn vài ba tuổi mặt mày đen nhẻm nhưng được cái hiền lành tên là Lăng Lửa ngày nào cũng qua lán chơi, rồi dắt xuống sông tập bơi, nhưng vì là dân thành phố nên mấy lần uống nước, bụng to phè đành để cho chuồn chuồn cắn rún, đau thấu trời mà không dám khóc. Ông anh tên Lăng Lửa còn bày cho cách câu con cá trắng trong đìa, con cá rô, cá lóc ngoài mé sông, còn con cá sặc rằn thì không thể câu mà chỉ có cách tát cạn, chịu khó lội sình thì mới may ra bắt được.
Ngày đó, cá trong đìa nhiều lắm - cá lóc, cá trê, cá trắng, cá thác lác đủ cả. Nhiều đến nỗi đi câu chừng hai ngày là ngán; ăn cơm với cá cũng chừng hai ngày là thèm thịt mỡ, nên ông anh Lăng Lửa bày cho cách câu con cá thòi lòi nướng ăn cho đỡ ớn, nhưng… chỉ có ảnh là câu được!.
Con cá thòi lòi mình dài như con cá lóc, hai mắt to, lòi lên trên như mắt ếch. Gọi là cá nhưng thòi lòi có 4 cái chân nhỏ xíu, chỉ sống trên vùng đất bồi nơi có nhiều cây đước hay dừa nước. Khi thủy triều lên - gọi là nước lớn, cá thòi lòi rút hết vào hang, đợi khi nước rút mới kéo nhau ra nằm phơi nắng và kiếm chút mồi sau những lần nằm dưới hang sâu.
Có bốn cái chân nhỏ xíu mà cá thòi lòi chạy rất nhanh; tính tình lại cả thẹn, nhút nhát vô cùng, chỉ nhìn được ở xa, rất khó đến gần… vậy mà đối với ông anh Lăng Lửa của tôi thì đưa cá vào rọ… dễ ợt.
Hình như con gì nhút nhát cũng ngon (ví như thịt thú rừng bây giờ), nên con cá thòi lòi mỗi lần bắt được, to bằng cổ tay người lớn, chỉ cần lột da, nướng trên đống than riu riu lửa, trở qua trở lại cho vàng đều, xé ra chấm với chén muối ớt có vắt thêm chút chanh thì có mấy nồi cơm Thạch Sanh cũng sạch…
|
Một khúc sông Tiền. Ảnh: N.T.N |
… Ngày có dịp ghé qua những cái cù lao trên con sông Tiền - chợt nhớ câu rao xưa trên chiếc ghe nhỏ, ở khúc sông quanh cù lao mỗi sớm. Rao rằng: Ai bánh mì cà rem không? Thật tình, sáng nào cũng nghe nhưng không biết nên cứ để tiếng rao đi qua, còn thằng nhỏ lớp 3 dân thành phố thì cứ nướng qua, nướng lại trên chiếc chiếu mòn, lót tạm trên mấy lớp là dừa nước, chờ nắng xé vách rọi vô mặt mới chịu ngồi dậy. Rồi có một lần ông anh Lăng Lửa ngủ lại lán, sáng dậy bơi theo tiếng rao mua cho ổ bánh mì cà rem. Rồi thèm, rồi nhớ đến tận bây giờ…
Ngày đó, món bánh mì cà rem là thức ăn sáng dành cho người nghèo. Ổ bánh mì cũng giống như bây giờ nhưng chỉ nhỏ như cổ tay đứa con nít, dài chừng hai lăm, ba chục phân. Ổ bánh mì cũng được xẻ ra, nhưng thay vì bỏ thịt mỡ, pa tê gan, chả lụa, xúc xích, dưa chua, hành ngò với thêm chút ớt cho cay, cho chảy nước mắt… thì ổ bánh mì ở khúc sông xưa chỉ là một khúc… cà rem hương dừa, hương sữa. Người nghèo ít vốn đi bán bánh mì cà rem, nên cây cà rem cũng thiếu ăn, chỉ to bằng ngón tay cái đứa con nít. Ai nhiều tiền thì được khúc cà rem dài; ai tiền ít thì được khúc cà rem ngắn và dĩ nhiên từ ngày biết món bánh mì cà rem do ông anh Lăng Lửa mua cho - sáng nào hai anh em tôi cũng được ổ bánh mì với khúc cà rem ngắn… nhưng mà thơm ngon; mát lạnh; nuốt tới đâu, biết tới đó.
Ngày trở về trên con sông Tiền - nhìn những cù lao ngan ngát một màu xanh, chợt nhớ quá ông anh Lăng Lửa, có lẽ bây giờ đã tuổi năm mươi, không biết còn hay mất?
Ngày trở về với con sông Tiền - nhận ra trong vườn cây trái trên những cù lao có những mái ngói nhô cao, chợt thương quá tiếng rao đã thuộc về ngày hôm qua: Ai bánh mì cà rem không? Vội vàng hỏi bà chị đồng nghiệp: Bây giờ ở đây còn món bánh mì cà rem không chị? Buồn thiu, khi chỉ nhận được cái nhìn lạ lẫm và cái lắc đầu. Hỏi bác chạy ôm còm nhom đã già đậu xe ở mé sông, rồi cũng nhận được cái lắc đầu và mấy chữ, nhưng không phải là câu trả lời: Bây giờ ai còn thèm ăn bánh mì cà rem nữa!
Chợt nghĩ - Cù lao An Bình bây giờ vẫn cù lao An Bình - nhưng cù lao An Bình bây giờ không còn là nơi cho đất liền những chiếc xuồng đuôi tôm chở đầy các loại trái cây, mùa nào thức ấy.
Cù lao An Bình bây giờ thì vẫn là cù lao An Bình nhưng không còn là mảnh đất để cho những đứa trẻ nghèo về tắm sông, hái trái, nướng cá thòi lòi trong mỗi dịp hè… mà chỉ dành cho những người không còn lo chạy cơm ngày ba bữa, rủng rỉnh tiền uống rượu tây, nhắm cá thòi lòi nướng chỉ to bằng ngón tay út, nghe đờn ca tài tử.
Cù lao An Bình bây giờ thì cứ vẫn có cái tên trong trí nhớ tuổi thơ, nhưng thiếu… một tiếng rao: Ai bánh mì cà rem không?…?..
VĂN QUANG