Tuần Văn hóa Trà, một sự kiện gắn liền với quảng bá thương hiệu Trà B'Lao

09:12, 19/12/2014

Tuần Văn hóa Trà là một sự kiện văn hóa mang tính xã hội quan trọng, gắn liền với quảng bá thương hiệu Trà B'Lao. Do vậy, TP phải tổ chức chu đáo để đáp ứng yêu cầu sự kiện quan trọng này. 

Được UBND tỉnh Lâm Đồng giao trách nhiệm tổ chức Tuần Văn hóa Trà Lâm Đồng lần thứ 5 (năm 2014), UBND thành phố (TP) Bảo Lộc đã tích cực triển khai các bước chuẩn bị để Tuần Văn hóa Trà đạt được kết quả như mong muốn. Qua trao đổi với phóng viên Báo Lâm Đồng, ông Lê Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, Phó Ban Tổ chức Tuần Văn hóa Trà, khẳng định: Tuần Văn hóa Trà là một sự kiện văn hóa mang tính xã hội quan trọng, gắn liền với quảng bá thương hiệu Trà B’Lao. Do vậy, TP phải tổ chức chu đáo để đáp ứng yêu cầu sự kiện quan trọng này. 
 
Phóng viên: Thưa ông! Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho TP Bảo Lộc tổ chức Tuần Văn hóa Trà Lâm Đồng lần thứ 5 (2014). Vậy, ông có thể khái quát lộ trình chuẩn bị. Và, đến thời điểm này, khâu chuẩn bị cho Tuần Văn hóa Trà đã thực hiện như thế nào? 
       
Ông Lê Trọng Tuấn: Xác định tầm quan trọng của Tuần Văn hóa Trà Lâm Đồng và trách nhiệm khi được UBND tỉnh giao, từ đầu tháng 6/2014, UBND TP Bảo Lộc đã thành lập Ban Tổ chức, các tiểu ban và đến đầu tháng 8, TP đã ban hành Kế hoạch triển khai Tuần Văn hóa Trà. Vừa triển khai các bước chuẩn bị, TP vừa điều chỉnh, bổ sung rồi sau đó ban hành kế hoạch và chương trình hoạt động chính thức. Nội dung Tuần Văn hóa Trà lần thứ 5 được xác định bao gồm các chương trình chính và các  chương trình hưởng ứng. Nhờ triển khai chu đáo, công tác chuẩn bị đã hoàn tất theo đúng kế hoạch, sẵn sàng cho lễ khai mạc vào sáng chủ nhật, ngày 21/12/2014, tại Nhà thi đấu đa năng TP Bảo Lộc. Tuy nhiên, một số nội dung nằm trong khuôn khổ chương trình của Tuần Văn hóa Trà đã lần lượt diễn ra từ ngày 18/12. 
 
Phóng viên: Nội dung, qui mô của Chương trình Tuần Văn hóa Trà lần này ra sao và có gì khác so với những kỳ lễ hội trước? Thưa ông!
 
Ông Lê Trọng Tuấn: Về quy mô thì vừa phải, nhưng về nội dung thì Tuần Văn hóa Trà lần này là một hoạt động trong chuỗi sự kiện kết thúc Năm Du lịch Quốc gia 2014 - Tây Nguyên - Đà Lạt. Do vậy, việc tổ chức đòi hỏi phải chu đáo hơn. Về không gian được tổ chức tại TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Di Linh và TP Đà Lạt. Riêng Lễ bế mạc Tuần Văn hóa Trà lần này sẽ tổ chức cùng với Lễ tổng kết Năm Du lịch Quốc gia 2014 - Tây Nguyên - Đà Lạt vào tối 25/12, tại Quảng trường Lâm Viên TP Đà Lạt.
 
 Phóng viên: Phải chăng hình thức tổ chức Tuần Văn hóa Trà vẫn là huy động nguồn lực từ “xã hội hóa”? Mức độ hưởng ứng từ phía các doanh nghiệp (DN)? 
 
Ông Lê Trọng Tuấn: Đúng vậy! Cũng như những lần trước, việc tổ chức Tuần Văn hóa Trà năm nay là vận động “xã hội hóa”. Ban Tổ chức đã kêu gọi, vận động và đã có 36 DN trà tham gia. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh, TP Bảo Lộc và các địa phương cùng “đồng hành” với Tuần Văn hóa Trà. Các DN và đơn vị tham gia đều được giao làm chủ các chương trình để họ chủ động tự lo kinh phí tổ chức. Còn ngân sách của tỉnh và thành phố chi phí chỉ mang tính chất hỗ trợ. 
 
Phóng viên: Chúng tôi được biết, mục đích của Tuần Văn hóa Trà là dịp để quảng bá thương hiệu Trà B’Lao và tôn vinh người trồng trà và ngành trà. Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng tích cực qua các lần lễ hội đối với ngành trà ở địa phương?
 
Ông Lê Trọng Tuấn: Theo quy định của tỉnh, cứ 2 năm 1 lần, Tuần Văn hóa Trà đều được tổ chức. Đây là một lễ hội hết sức cần thiết, nhằm tôn vinh ngành trà, người trồng trà và quảng bá thương hiệu Trà B’Lao. Việc quảng bá thương hiệu rất khó để có thể lượng hóa bằng con số cụ thể, nhưng theo tôi, chắc chắn là có ảnh hưởng tích cực và có sức lan tỏa ngày càng rộng. Tên tuổi của các DN, chất lượng của sản phẩm mang thương hiệu Trà B’Lao chắc chắn sẽ có thêm nhiều khách hàng (trong và ngoài nước) biết đến, nhờ tác động trực tiếp của lễ hội và qua các phương tiện báo chí truyền thông.
 
Riêng đối với TP Bảo Lộc, diện tích trà hiện nay có trên 7.800ha (trên 7.400ha thu hoạch, sản lượng đạt trên 72.000 tấn trà búp tươi), xếp thứ 2 sau Bảo Lâm. Diện tích trà giảm đôi chút so với những năm trước, do quá trình phát triển của một TP công nghiệp, nhưng về chất lượng vườn trà và giá trị của ngành trà ngày càng tăng. Trong tổng diện tích trà của TP hiện nay, diện tích trà cao sản đã tăng lên 2.120ha (năng suất đạt 18 - 20 tấn/1ha); diện tích trà chất lượng cao là 130ha (năng suất đạt 15 - 17 tấn/1ha). Trên địa bàn TP Bảo Lộc hiện có 58 DN và 161 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh trà. Trong những năm qua, nhiều DN trà đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu Trà B’Lao. Sản phẩm của họ được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn; uy tín của DN ngày càng được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến; việc sản xuất kinh doanh của DN ngày  càng có hiệu quả hơn; góp phần thiết thực trong việc giới thiệu, quảng bá, thu hút đầu tư, làm “động lực” cho việc phát triển TP Bảo Lộc và tỉnh Lâm Đồng.  
 
Vườn chè Bảo Lộc
Vườn chè Bảo Lộc
 
Phóng viên: Cùng với việc tổ chức Tuần Văn hóa Trà, TP Bảo Lộc đã có giải pháp gì cho việc phát triển ngành trà ở địa phương?
 
Ông Lê Trọng Tuấn: Với mục tiêu sản xuất chè bền vững, TP Bảo Lộc đã và đang triển khai các giải pháp để quản lý, đầu tư vùng nguyên liệu; quản lý sản xuất, chế biến và an toàn vệ sinh thực phẩm. Để quản lý vùng nguyên liệu, TP phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống trà; hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị hái trà; tập huấn kiến thức về quy trình sản xuất trà an toàn theo hướng VietGAP. Đồng thời, TP phối hợp với Sở Công thương xác lập mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm trà tươi giữa DN và nông dân (thông qua tổ hợp tác) để đảm bảo nguồn nguyên liệu và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, TP còn phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tập huấn kiến thức sản xuất trà để sản phẩm trà đảm bảo ATVSTP. 
 
Trong định hướng phát triển ngành trà, TP Bảo Lộc chỉ ổn định diện tích hiện có, nhưng tập trung cải tạo giống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.
 
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
 
BÙI TRƯỞNG (thực hiện)