Anh quờ tay lên mặt, cảm thấy ngàn ngạt mùi mồ hôi. Chiếc nón! Có ai đó đã úp lên mặt anh? Anh nhớ rất rõ lúc đặt mình xuống chiếc bàn học trò ọp ẹp này. Những con ruồi gan lì di động buồn buồn trên da mặt, chúng bò trên má, thậm chí chui cả vào lỗ mũi làm anh khó chịu.
Anh quờ tay lên mặt, cảm thấy ngàn ngạt mùi mồ hôi. Chiếc nón! Có ai đó đã úp lên mặt anh? Anh nhớ rất rõ lúc đặt mình xuống chiếc bàn học trò ọp ẹp này. Những con ruồi gan lì di động buồn buồn trên da mặt, chúng bò trên má, thậm chí chui cả vào lỗ mũi làm anh khó chịu. Ngay sau đó anh thiếp đi. Hình như có ai vừa quạt xua ruồi cho anh. Giấc ngủ trưa của người lính dã ngoại mới ngon lành làm sao. Anh rút điếu Tam Đảo nhàu nát còn lại châm lửa hút. Xé vỏ bao, anh ngoáy vội mấy câu thơ ngẫu hứng, gấp nhỏ lại, gài vào nan nón phía trong, gần chỗ buộc quai có tết hoa mầu tím. “Hải Yến”, hai chữ bất chợt khiến anh vui như được gặp người. Xoay tròn vành nón, anh thầm gọi “Hải Yến!” rồi thận trọng úp nón xuống mặt bàn, lùi lại mấy bước trước khi quay ra cửa. Ngoài sân không một bóng người. Phần phật lá cờ bay trong gió. Tiếng kèn báo thức vang lên giục giã.
|
Minh họa: Hồ Toàn |
Đó là xuất xứ của bài thơ anh viết ba mươi năm về trước, khi còn là tân binh, giờ đã về hưu với quân hàm đại tá. Hôm nay, Hội Cựu Chiến binh tỉnh cử anh về vùng kinh tế mới này nói chuyện với những thanh niên sắp lên đường nhập ngũ. Chưa bao giờ anh nhắc đến bài thơ trước đám đông, vậy mà giờ đây hắng giọng đọc cho bao nhiêu người nghe. Ý nghĩ nào đã thôi thúc anh? Phải chăng, những người lính trẻ kia đã làm anh sống lại những ngày mới nhập ngũ?
Sau cái buổi trưa nên thơ ấy, một người lính trẻ thông minh, vốn là điển hình cho cả tiểu đội học tập bỗng trở nên phân tâm lạ lùng. Đầu anh trơ lì với những tình huống tiểu đội trưởng phát ra, cứ thế cho đến cuối tuần, và sáng chủ nhật niềm vui đã đến.
“Trực ban nhắn đồng chí Bá ra ngoài chiêu đãi sở có người nhà cần gặp”. Trong nhà tắm, anh đang gội đầu xà phòng thì có người vào báo. Ai thế nhỉ? Nhà anh ở rất xa, bố anh không còn, mẹ thì chẳng bao giờ rời khỏi nhà, em gái còn nhỏ lại đang phải đi học. Vừa bước vào nhà chiêu đãi sở, anh nhìn thấy một cô gái rất xinh, mười chín hai mươi gì đó.
- Chị tìm ai ạ? - Anh hỏi vì chỉ có hai người lúc đó.
- Em tìm anh Bá. - Cô hơi mỉm cười.
- Bá nào? - Bá đúng là tên anh, nhưng không hề quen biết cô nên rất có thể chỉ là sự trùng tên.
Cô gái lúng túng đỏ mặt. Tự tìm đến trước dù sao cũng là không bình thường, nhưng anh là bộ đội, nay đây mai đó, “quân lệnh như sơn”, thời gian eo hẹp. Với lại… mái tóc bồng bềnh xoăn tự nhiên phủ trên khuôn mặt chữ điền của người lính trẻ trong giấc ngủ trưa cùng những câu thơ cứ thôi thúc cô. Đơn vị anh cũng đâu biết quan hệ giữa hai người. Bình tĩnh lại cô hỏi:
- Có đúng anh là Bá không đã.
- Đúng, tôi là Bá. Nhưng…
Hải Yến ngả nón rút mảnh vỏ bao thuốc Tam Đảo chìa ra cho anh.
- Thì ra là cô…
Cả hai bất ngờ bối rối. Cô nói bọn con gái cả lớp cô đều đã thuộc bài thơ này. Cô mang ra một giỏ xách đầy ổi tặng cả tiểu đội. Hải Yến nói khéo đây là quà chung của cả lớp. Cô hẹn chủ nhật sau đón anh về chơi. Ai ngờ, thứ hai, tức là ngay ngày hôm sau, tiểu đội anh được lệnh lên đường đi B.
Tóc anh bạc hơi sớm, ngoài năm mươi mà chỉ còn loáng thoáng sợi đen. Vừa đọc thơ cho các cháu anh vừa nghĩ, chỉ còn hai câu cuối nữa bỗng quên bặt, không tài nào nhớ lại được. Mấy đầu ngón tay cứ gõ trán liên hồi cho đến khi có một cháu gái nhắc phía dưới thì anh đọc theo như một cái máy, và từ từ dời đến chỗ cháu nhỏ trong khi đọc nốt câu thơ còn lại.
Đúng đây là bài thơ của anh, bài thơ viết vội không đầu đề. Cầm cuốn sổ tay của cháu nhỏ mà ngạc nhiên. Thực tình, anh cũng chỉ nhớ đến nàng mỗi khi bất chợt nghĩ lại bài thơ mà thôi, và vì vậy, hai chữ “Hải Yến” ghi ngay trang đầu khiến anh thấy như mình có lỗi.
Nàng xung phong vào khu kinh tế mới này để dạy học. Trong sổ có trang ghi cả tiêu chuẩn của những người mới đến: Một cái màn, một cái chăn, sáu tháng gạo, mười cuộn giấy dầu Liên Xô và hai mươi viên thuốc sốt rét. Nàng đến với một đứa con gái ẵm ngửa trên tay. Ít ai hỏi chuyện riêng của nàng, mà có hỏi lập tức nàng lái sang chuyện khác. Anh bắt đầu mường tượng ra dáng đi, giọng nói của nàng khi ngắm nhìn cháu nhỏ.
- Ở miền Bắc, quê cháu tỉnh nào?
- Thưa bác, trước ngày mẹ cháu mất, mẹ cháu có nhắc đến một lần, nhưng cháu không nhớ được. Quê cháu trồng rất nhiều ổi. Những cây ổi này là giống mẹ mang từ quê vào.
Buổi nói chuyện đã kết thúc từ lâu mà hai bác cháu vẫn ngồi lại dưới gốc ổi chuyện trò. Bao nhiêu năm rồi, anh mới có dịp nếm lại mùi vị của trái ổi găng. Da ổi nhẵn bóng, trắng mỡ, thịt quả giòn ở phần ngoài lại mềm phía bên trong, vị ngọt mát, tan ngấm ngay vào đầu lưỡi, hầu như không hạt, giống loại ổi dừa trong này nhưng mà thơm hơn nhiều.
- Bác biết quê cháu rồi, bác đã đến quê cháu… - Anh nói, tay vịn cành ổi vỏ tróc ra, xoắn lại màu đồng đỏ, mắt không rời những chùm quả non lúc lỉu như sim.
- Cháu gái mở to đôi mắt.
- Cháu không biết bố cháu là ai…
Có lẽ nó nghĩ mình là bố nó chăng, anh thấy cần nói rõ.
- Bác không phải là bố của cháu. Thế mẹ cháu không bao giờ nhắc đến bố hay sao?
- Dạ không.
- Mẹ cháu mất lâu chưa?
- Lúc cháu mới lên năm.
Tội nghiệp, nàng đã từ giã cuộc đời này đơn giản vậy sao. Đơn giản đến xót xa. Hình như không còn là nghe kể nữa, mà chứng kiến tận mắt: Mặt trời mất hút trong rừng sâu, sương lạnh ảm đạm, muỗi rừng tung ra như trấu, gớm ghiếc. Trạm xá hôm ấy có những hai bệnh nhân chết vì sốt rét, một bên thì thân nhân xúm đến, một bên chỉ có mình cháu nhỏ. Khuya lắm người ta mới kéo sang phòng nàng vì chỉ nghe tiếng trẻ con khóc, chẳng ai nghĩ nàng đã qua đời. Nàng ra đi khi con gái còn yên giấc trong vòng tay giá lạnh của mẹ. Đó, nhưng người đầu tiên đi kinh tế mới đã khai phá mảnh đất hoang vu này để có ngày hôm nay.
Những công dân mới của khu kinh tế đã đến tuổi tòng quân. Ngày mai các em nhập ngũ lên đường, giã từ mái trường thân yêu của tuổi thơ như cha mẹ chúng, như anh ngày xưa. Thế hệ tiếp nối thế hệ. Mây trắng trôi nhanh, cờ Tổ quốc bay trên nền trời xanh thẳm. Hình như trái đất đang quay. Không trung vang lên tiếng phần phật mỗi lúc một rõ của lá cờ đỏ sao vàng giữa sân trường yên ắng vào hè.
Và, anh lại nghĩ về nàng, về bài thơ tặng nàng năm ấy…
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM