Trà B'Lao hương vị khó quên

09:12, 25/12/2014

Nếu có lần đến Bảo Lộc - Lâm Đồng mà chưa ghé lại, để có dịp nâng một tách trà lên môi, thì có lẽ bạn chưa có cơ hội nếm trải cái thú lâng lâng của loại hương vị đặc biệt: Trà B'Lao!

Nếu có lần đến Bảo Lộc - Lâm Đồng mà chưa ghé lại, để có dịp nâng một tách trà lên môi, thì có lẽ bạn chưa có cơ hội nếm trải cái thú lâng lâng của loại hương vị đặc biệt: Trà B’Lao!
 
B’Lao hiểu theo tiếng người Mạ bản địa có nghĩa là cái bàu nước, đầm nước. Và phía trên những đầm nước ấy là những đồi trà xanh ngát, sương sớm bay là là quấn quanh những những chiếc nón trắng, khi ẩn khi hiện ánh nhìn của những cô gái hái chè đang nhanh tay ném vào lưng gùi những đọt trà đẫm sương.
 
Xứ B’Lao là quê núi giàu đẹp và thơ mộng, quanh năm có hương vị trà quyến rũ du khách. Khi dừng chân tại thành phố, điều đầu tiên bạn cảm nhận được là một mùi thơm dìu dịu êm đềm len lỏi vào khứu giác. Đó có thể là loại danh trà Đỗ Hữu, Quốc Thái, Tâm Châu, Trâm Anh, Thiên Thành, Ngọc Trang... Mùi thơm hòa quyện của hoa lài, hoa sói tỏa khắp không gian. 
 
Ai cũng biết Trà B’Lao được người Pháp trồng từ thập niên 1930 của thế kỷ trước. Trải qua nhiều biến đổi, cây trà vẫn phát triển và ngày càng nâng cao chất lượng bởi những doanh nghiệp và doanh nhân mới. Vì thế, trên đất Bảo Lộc đã có hơn 1.000 cơ sở sản xuất chế bến trà. Nghề làm trà phát triển mạnh và đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân, dẫu có lúc ế ẩm vẫn vượt qua được. Hiện nay, danh hiệu Trà B’Lao đã bay cao, bay xa và tỏa hương ở nhiều nước trên thế giới, đem lại tiếng thơm cho vùng “đất lành chim dậu” này. Tôi đã có dịp sống hơn mười năm ở đây, càng hiểu rõ tại sao Trà B’Lao vang danh đến thế, cũng bởi người B’Lao thủ đắc một số bí quyết ướp trà. Trà trồng sẵn trên nương đồi, trồng chung quanh nhà cùng với bụi lài, khóm sói quanh năm nở hoa. Cứ một tuần cho đến mười ngày, người dân mới hái trà một lần, đem về xào, vò, sấy và tẩm ướp với các loại hoa. Người làm trà hiểu rõ ướp hoa hàm tiếu mùi thơm mới sung mãn. Và để có được cái hậu vị thơm ngon, thoang thoảng, người ta phải dùng một số kỹ thuật pha nước cam thảo trong lúc ướp. Lẽ khác, chế biến trà thủ công phải nắm được các công đoạn sấy than, lúc nào thì nhỏ lửa, lúc nào thì nhiệt độ cao… Tóm lại, ướp trà thành công phải để lại dư vị thoang thoảng mà thơm lâu, lúc quyến luyến nồng nàn, lúc dịu nhẹ sâu lắng như sự hội tụ của đất trời trong một tách trà thơm… Nói như thế để du khách phân biệt với các loại trà ướp bằng hóa chất của một số người làm giả mạo, làm mất đi thương hiệu Trà B’Lao truyền thống từ trà mộc, trà buồm cho đến trà đóng gói, đóng hộp tao nhã và nổi tiếng khắp nơi.
 
Có thể nói, xứ sở B’Lao xanh một màu xanh của lá. Chính cái màu xanh có vị chan chát, man mát dịu ngọt ấy đã hòa quyện máu thịt với con người; làm nên những búp trà - một thức uống cao quý được nâng lên tầm văn hóa.
 
NGUYỄN THÁNH NGÃ