"Nhà dài", vì nó cứ dài ra mãi thế, theo thời gian. Nhà mang dáng như những "con tàu" lướt trên đất. Có khi nhà dài đến 70-100-120-150-200-300 mét… Nếu hai cây gỗ trục chính để làm xương sống song hành hình thành nên chiều dài "Nhà dài" không còn chắc chắn/đảm bảo thì thay thế bằng cây khác.
“Nhà dài”, vì nó cứ dài ra mãi thế, theo thời gian. Nhà mang dáng như những “con tàu” lướt trên đất. Có khi nhà dài đến 70-100-120-150-200-300 mét… Nếu hai cây gỗ trục chính để làm xương sống song hành hình thành nên chiều dài “Nhà dài” không còn chắc chắn/đảm bảo thì thay thế bằng cây khác.
|
Nhà dài của sắc dân M’Nông ở Nam Tây Nguyên |
Nếu hiểu chung cư là một khối kiến trúc có nhiều cặp vợ chồng, gia đình, thế hệ cùng chung sống, thì người bản địa Tây Nguyên đã nghĩ ra “Chung cư” từ nhiều trăm năm nay - một cách rất tự nhiên, được dựng cất bằng kinh nghiệm sâu xa của dân gian và chất liệu là thảo mộc. Khác với người Việt, chúng ta biết đến “Chung cư” kể từ khi người Pháp có mặt trên xứ ta, thậm chí phải sau đấy nữa - những thập niên đầu thế kỷ trước, khi những thực thể công trình kiến trúc mang tên “Chung cư” xuất hiện ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, Nha Trang, Đà Lạt. “Chung cư” người Việt biết đến kia là những công trình kiến trúc có bản vẽ, hình khối to, sức chứa người ở lớn (nhiều), và được xây lên bằng vật liệu hóa thạch (xi măng, gạch đá, sắt thép), hay nói cụ thể hơn là nhà ở tập thể cho những công nhân nhà máy đèn, nhà máy nước, ngân hàng, lục lộ, đồn điền…
Nhưng người dân tộc bản địa Tây Nguyên không gọi cái kiểu nhà kia là “Chung cư”. Rất đơn giản, họ gọi là “Nhà dài”.
Tương tự, cho trục thanh ngang vững chắc kết nối từng chặn Nhà dài. “Làm mới” hoặc “nối tiếp”, nối tiếp, cho dài ra để đáp ứng số lượng người sinh sống. Loại gỗ để làm xương sống và bệ đỡ cho căn nhà này luôn được chọn rất kỹ, như cà chít, căm xe, bằng lăng, nên thường khó hư hỏng, trải qua được rất nhiều thập kỷ. Trong một căn nhà có nhiều thế hệ sinh sống chung. Có vợ chồng của ông (đúng ra gọi là “Bà” - vì Mẫu hệ) cố, vợ chồng của ông nội, vợ chồng của cha, vợ chồng của con, vợ chồng của cháu. Tất nhiên, đi cùng mỗi cặp vợ chồng là con cái của họ. Cứ ra thêm một cặp vợ chồng là hình thành/tách thêm một “gia đình”.Thêm “gia đình”, nhưng không phải “Tách ra”, tức không xây cất thêm một căn nhà, mái nhà riêng; mà là thêm một “cái bếp”. Tức không có ý niệm “phân lô”, cát cứ, xây một căn trên một mảnh đất khác ở đâu đó. Thế nên, trong một khối kiến trúc nhà dài như thế có nhiều cái bếp để nấu. Bếp rải ra theo trục chính giữa của khối nhà dài. Không có bức vách nào ngăn chia các bếp cả. Mỗi “cái bếp” là một tổ ấm riêng. Mỗi “cái bếp” là một “tổ người”, là một câu chuyện riêng, tích hợp những vấn đề của một gia đình, một tâm sự, một buồn vui. Khói tỏa từ “cái bếp” này sang cái bếp kia, như tâm hồn người, tình thương yêu. Tất cả chan hòa trong không gian của một công trình kiến trúc tổng thể bằng chất liệu thảo mộc, nếp sống của nền văn minh núi rừng, đời sống gắn với núi rừng, rẫy nương, thuận theo tự nhiên đến tận cùng. Dân thị thành dường như xưa nay hay “chê bai” nếp sống sơn nguyên, nhưng điều lạ là cộng đồng người sơn nguyên xưa nay ít mắc những thứ bệnh nan y như người đô thị, những ung thư, tâm thần, AIDS, gian trá, lường gạt, cướp giật, nói dối, tranh chấp, tham nhũng… Ở trên “căn nhà dài” ấy có những vấn đề cuộc sống riêng tự giải quyết và những vấn đề chung cùng giải quyết, sẻ chia, lắng nghe.Cái “nền” để họ có thể sống chung nhiều “gia đình” mà không xảy ra xung đột là nhờ Niềm tin tuyệt đối vào nhau, và khái niệm “Lòng tham” không tồn tại. Ai cũng phải lao động để sống, và điều xấu nhất trong đời sống, với họ, là lười lao động, nói dối, và lòng tham. Trong các sử thi của Tây Nguyên, ta từng nghe cái câu quen thuộc: “Nhà dài như… một tiếng chiêng” là vì vậy. Độ ngân của tiếng chiêng thì miên man dìu dặt, thăm thẳm, xa mà sâu, gần mà hun hút. Thứ “Chung cư” không làm “tổn thương” thiên nhiên và không làm xa cách lòng người. Thứ “Chung cư” không có tính “cát cứ” và vinh tôn “cái tôi”. Nghĩ ra một thứ “Chung cư” như thế đâu dễ, xuyên qua bao thế kỷ, và đặc biệt nó cứ “sống” sừng sững đến bây giờ. Nhất là khi có những dân tộc chỉ nghĩ được nhà “Ba gian hai chái”, nhà hộp, nhà sàn lẻ tẻ, nhỏ bé, đơn giản. Một “tổ người riêng” trong một “tổ người chung” trong một công trình kiến trúc, một căn nhà lớn, không gọi là “Chung cư” thì gọi là gì chứ!? Người M’Nông, Ê Đê, J’Rai, Mạ, S’Tiêng… là những sắc dân ưa thích và duy trì kiến trúc “Chung cư dân gian” này.
|
Cầu thang Cái (chính, bên trái - cộng đồng theo Mẫu hệ) và cầu thang Đực (phụ, bên phải) của sắc dân Ê Đê ở ngay Tp.Buôn Ma Thuột ngày nay |
Về mặt kiến trúc, đó là thứ “Chung cư” chan hòa với thiên nhiên, thoát khỏi xung đột gần như tuyệt đối, hài hòa từ hình thái kiến trúc, cách thức chống nắng mưa, gió bão, đến vật liệu xây dựng, tầng cao. Về mặt xây dựng, đó là thứ “Chung cư” cách xa mặt đất một mức khá tinh tế (kinh nghiệm khoa học ngàn đời của dân gian chăng!?) để vừa thoát những nguy hại từ thiên nhiên, như nước lũ hoặc ẩm nóng trực tiếp, cũng như tránh khỏi sự xâm nhập của thú dữ.
Ta có thể gọi Nhà dài Tây Nguyên (như tiếng Ê Đê, gọi là: Sang Dlong) là thứ “Chung cư” nguyên bản - chung cư của con người chưa đề cao tính “cá nhân” và bản chất của “địa ốc”, cũng như vật liệu hóa thạch. Dù còn nhiều điều phải bàn, khi chúng ta đang ở nền kiến trúc và xây dựng thời hiện đại; nhưng ở một chiều kích nào đó trước hết phải thừa nhận tính minh triết và tinh thần tôn kính thiên nhiên, cũng như cấu trúc nhân học trong việc trân quí và gìn giữ tình thương yêu chân thành giữa con người. Nên có thể, nó thách thức việc tổ chức nhà ở ở đô thị, hay những cái gọi là “Chung cư hiện đại” ở đô thị ngày nay ở một vài điều, góc nhìn nào đó. Tất nhiên, “Chung cư” của một dòng tộc/liên đại gia đình, khác “Chung cư” của mọi dòng tộc/gia đình bốn phương. Nhưng mà với công trình kiến trúc thì có ý nghĩa nào cao cả hơn khi nói về vẻ đẹp sâu xa nội tại nghệ thuật kiến trúc cùng “công năng” thực dụng của nó.
NGUYỄN HÀNG TÌNH