Bâng khuâng "Nỗi niềm quan họ"

08:01, 15/01/2015

Nhắc đến Chu Bá Nam, bạn đọc sẽ nhớ ngay đến một nhà văn với những áng văn xuôi súc tích, sắc gọn đầy chất tài hoa nhưng rất đỗi bình dị, chân tình và sâu sắc về nhân sinh quan sống. Hiếm ai biết ông còn là một người làm thơ với những câu thơ duyên dáng và chan chứa nỗi niềm. Đến với bài thơ "Nỗi niềm quan họ" hẳn nhiều người sẽ đồng quan điểm này với tôi.

“Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”              
                                           (Nguyễn Du)     
 
Hát dân ca ba miền. Ảnh: Thanh Toàn
Hát dân ca ba miền. Ảnh: Thanh Toàn
                              
Nhắc đến Chu Bá Nam, bạn đọc sẽ nhớ ngay đến một nhà văn với những áng văn xuôi súc tích, sắc gọn đầy chất tài hoa nhưng rất đỗi bình dị, chân tình và sâu sắc về nhân sinh quan sống. Hiếm ai biết ông còn là một người làm thơ với những câu thơ duyên dáng và chan chứa nỗi niềm. Đến với bài thơ “Nỗi niềm quan họ” hẳn nhiều người sẽ đồng quan điểm này với tôi.
 
“Vừa mới mời trầu sao đành giã bạn
Trăng nguyên tiêu đâu đã tỏ mặt người
Cô Tấm dùng dằng vẫn chưa đi trẩy hội
Hoàng tử đứng chờ tay nắm chiếc hài xinh
 
Câu người ơi day dứt mãi sân đình
Trầu quan họ biết bao giờ thắm lại
Nước cứ chảy mà cầu thì đầy gió
Áo cứ bay cho lúng liếng đi tìm
 
Anh Hai ngồi tựa mạn thuyền
Trăng chiêm bao chở con thuyền chiêm bao”
 
Có những bài thơ chỉ cần lướt qua thôi cũng đủ để khắc sâu vào tâm khảm ta với giai điệu bâng khuâng, man mác đến ám ảnh. “Nỗi niềm quan họ” là một bài thơ như vậy.
 
Thoạt nhìn, ta sẽ nhận ra ngay dư âm đượm buồn pha lẫn chút ngậm ngùi, nuối tiếc của mối tình quan họ dở dang:
 
“Vừa mới mời trầu sao đành giã bạn
Trăng nguyên tiêu đâu đã tỏ mặt người”.
 
Ngay câu mở đầu ta thấy sự nghiệt ngã của thời gian đã nhuốm sầu vào không gian. Hay nói như Xuân Diệu: “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”. Chữ “đành” buột ra như tiếng thở dài, diễn tả hết niềm tiếc nuối đang cố nén vào trong. Và cái sự “dùng dằng” ở đây là bằng chứng xác thực nhất cho điều ấy:
 
“Cô Tấm dùng dằng vẫn chưa đi trẩy hội
Hoàng tử đứng chờ tay nắm chiếc hài xinh”
 
Đó là tình yêu còn e ấp như trong Truyện Kiều: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Hai người vừa mới gặp gỡ, chưa kịp trao nhau nửa lời thương yêu mà tình cảm đã như gắn bó từ lâu lắm rồi. “Dùng dằng” - hai chữ dùng rất đắt, miêu tả hết tâm trạng phân vân đến day dứt của “cô Tấm”. Qua đó, gợi mở cho ta biết đến một chuyện tình đầy trắc trở. 
 
Nhìn chung, khổ thơ đầu đã lột tả hết cảm giác bâng khuâng, chờ đợi nhau đến ngẩn ngơ của “cô Tấm” và “hoàng tử”. Thi sĩ khéo léo mượn hình ảnh hai nhân vật trong cổ tích để miêu tả một chuyện tình đẹp lung linh, huyền ảo. Điều mà thời hiện đại ngày nay ta rất hiếm gặp. Bây giờ dường như người ta đang yêu vội, sống vội và quên cũng vội nên còn đâu cái sự “dùng dằng” ấy nữa. Nhưng ở đây, với mối tình của liền anh, liền chị thì không như vậy. Dù là cái tình chợt đến rất nhanh đó, nhanh đến nỗi mặt người còn chưa tỏ trong ánh trăng rằm. Thế nhưng, họ vẫn yêu nồng cháy, đắm say. Bởi tình yêu của họ đến từ sự đồng điệu của hai tâm hồn qua câu hát trao duyên “người ơi người ở”. Nhưng tiếc thay, tình yêu ấy lại không trọn vẹn và có hậu như cổ tích. Lời thơ tiếp tục ngân lên như lời hát trong trẻo, thiết tha mà nghẹn ngào, day dứt:
 
“Câu người ơi day dứt mãi sân đình
Trầu quan họ biết bao giờ thắm lại
Nước cứ chảy mà cầu thì đầy gió
Áo cứ bay cho lúng liếng đi tìm”
 
Một phong cảnh đẹp như tranh thủy mặc. Câu thơ trở nên duyên dáng, đáng yêu với hình ảnh “áo cứ bay” và “lúng liếng đi tìm”. Nhưng biết tìm đâu khi người thương ngay đây mà chẳng thể cùng nhau se duyên kết tóc? Lời thơ không giấu được nỗi xa xót, ngậm ngùi. Sự hững hờ của thiên nhiên “nước cứ chảy” và lòng người “áo cứ bay” càng làm nỗi buồn thêm chất chứa. Niềm vui hội ngộ chưa tày gang mà nỗi sầu chia ly đã ập đến! Vừa mới gặp gỡ, vừa mới cảm mến nhau đấy thôi, thế mà đành xa cách.
 
Nhịp thơ cứ vồi vội cho lòng người thêm ngổn ngang…
 
Sân đình kia lời ca vẫn còn ấm, sao thành day dứt trái tim nhau? Miếng trầu kia mới mời nhau chưa kịp thắm, sao đành nhạt phai? Và liệu sau này miếng trầu ấy còn có bao giờ thắm lại được nữa không? Câu hỏi tưởng như bâng quơ mà ẩn chứa cả một nỗi niềm. Bởi trong luật hát quan họ các liền anh, liền chị chỉ được hát cùng nhau chứ chẳng bao giờ được kết duyên chồng vợ. “Cầu đầy gió” hay lòng ai kia đang lắt lay giông bão? Tác giả khéo léo dùng hình ảnh ca dao và lời quan họ như muốn lấp khuất nỗi niềm ấy. Thế nhưng càng cố giấu thì nó lại càng chơi vơi trong từng câu chữ:
 
“Anh Hai ngồi tựa mạn thuyền
Trăng chiêm bao chở con thuyền chiêm bao”. 
 
Hai câu kết như thực, như mơ với trăng nước trời mây. Nhịp thơ biến chuyển sang vần lục bát thể hiện sự tiếc nuối không thể giấu vào đâu được. Cái sự “chiêm bao” ở đây đã nói lên tất cả. Có lẽ anh Hai đang ước rằng: Ước gì mối tình ấy chỉ là một giấc mơ để khi tỉnh dậy sẽ nguôi quên và lòng lại bình yên như thuở trước. Nhưng không, dẫu có chiêm bao thì giấc mơ đó cũng đã thấm đẫm một nỗi buồn - nỗi buồn trong veo của những mối tình quan họ. Phải là người rất yêu mến và hiểu sâu sắc về quan họ thì Chu Bá Nam mới thấm thía những trắc trở của mối tình ấy. Điều này dễ hiểu thôi, bởi ông sinh ra trên quê hương Bắc Ninh nên dòng máu quan họ lúc nào cũng rân rân chảy trong huyết quản. Vì thế giọng thơ của ông mới đau đáu đến vậy! Lời thơ ngân lên làm ta như lạc vào giấc chiêm bao cùng anh hai và con thuyền. Tất cả cứ thực thực, hư hư mà đầy thẫn thờ, tiếc nuối. Tiếc cho những liền anh, liền chị cảm mến nhau qua lời ca tiếng hát, nhưng lại chẳng thể cùng nhau xe tơ kết tóc đến trọn đời. Có lẽ vì vậy mà những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh thường thấm đượm một nỗi buồn thương man mác, diết da đến đắm say lòng người.
 
LÊ HÒA