Để văn học nghệ thuật gặt hái những mùa vàng

10:01, 04/01/2015

Cuối năm 2014, hơn 150 văn nghệ sĩ của Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng đã quần tụ về Đà Lạt tham dự Hội thảo nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật trong một cuộc bàn luận long trọng. Hội thảo đã thể hiện tinh thần đoàn kết của đội ngũ văn nghệ sĩ, phấn đấu sáng tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị phục vụ cho sự phát triển bền vững của địa phương và của đất nước. 

Cuối năm 2014, hơn 150 văn nghệ sĩ của Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng đã quần tụ về Đà Lạt tham dự Hội thảo nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật trong một cuộc bàn luận long trọng. Hội thảo đã thể hiện tinh thần đoàn kết của đội ngũ văn nghệ sĩ, phấn đấu sáng tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị phục vụ cho sự phát triển bền vững của địa phương và của đất nước. 
 
Với mục đích, thẳng thắn nhìn nhận thực trạng văn nghệ Lâm Đồng, xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong chặng đường mới, đề dẫn “Nâng cao chất lượng sáng tạo - một nhiệm vụ thường xuyên của văn học nghệ thuật”, và hơn 10 tham luận, những ý kiến trao đổi thẳng thắn đã đề cập đến những vấn đề hết sức quan trọng mà văn học nghệ thuật Lâm Đồng đang đặt ra. 
 
Văn nghệ sĩ Lâm Đồng đi thực tế sáng tác tại Đam Rông - Thực tiễn cuộc sống là chất liệu tạo nên những tác phẩm VHNT có giá trị.
Văn nghệ sĩ Lâm Đồng đi thực tế sáng tác tại Đam Rông - Thực tiễn cuộc sống là chất liệu tạo nên những tác phẩm VHNT có giá trị.
 
Báo Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến xác đáng:
 
Nhà thơ Phạm Quốc Ca: Nâng cao chất lượng sáng tạo đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng là một yêu cầu thường xuyên theo quy luật của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng. Tài năng thật sự bao giờ cũng hiếm. Trong Hội chúng ta, số người dám tự nhận mình có tài năng không nhiều, đa số chỉ là người có khả năng về sáng tạo văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, tài năng như lửa nằm trong đá, phải tác động, phải cọ sát, đánh thức nó bằng sự lao động nỗ lực, miệt mài. Một nhà văn nổi tiếng thế giới đã nói rằng thành công của ông ta chỉ có một phần trăm tài năng, chín mươi chín phần trăm lao động. Đa số hội viên của Hội không phải là người sáng tác chuyên nghiệp, chỉ coi sáng tác là tay trái, trong khi đó, văn học nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải sống toàn thân, toàn trí, toàn hồn cho công việc sáng tác như một tín đồ cuồng tín thì may ra mới có tác phẩm xuất sắc.   
 
Nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm: Văn học nghệ thuật lấy hiện thực cuộc sống làm đối tượng, lấy con người làm trung tâm cho mọi hoạt động sáng tạo. Mục đích sáng tạo văn học nghệ thuật không ngoài phục vụ cuộc sống và con người. Đã xác định phục vụ cuộc sống và con người thì tác phẩm văn học - nghệ thuật bên cạnh chức năng giải trí, phải hướng tư tưởng, nội dung tới giá trị “chân, thiện, mỹ”, nhận diện và đấu tranh gạt bỏ cái xấu, cái ác để hướng tới sự cao đẹp, vị tha, nhân văn. Để nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật và tầm vóc của văn nghệ sĩ, mỗi văn nghệ sĩ phải khẳng định mình là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Tiếng nói của văn nghệ sĩ phải là tiếng nói của đất nước, của địa phương, là tiếng lòng của dân tộc. Đồng thời, phải đi sâu, gắn bó với hiện thực cuộc sống, bởi những chất liệu nóng hổi và sinh động ấy mới làm nên sức sống của tác phẩm. 
 
Nhà văn Chu Bá Nam: Đã là nghệ thuật thì văn phải ra văn, thơ phải ra thơ, phải rung động được trái tim người đọc. Để có tác phẩm hay mà lại đúng định hướng thì chúng ta phải sống đúng định hướng. Lúc ấy không phải vất vả tự biên tập tác phẩm của mình. Nửa thế kỷ trước, trong buổi nói chuyện với sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Như ánh sáng xua đuổi đêm tối, khi tâm hồn chúng ta tràn ngập những tư tưởng lớn, tình cảm lớn thì những cái lớn ấy sẽ đẩy lùi những nhỏ nhen thấp hèn”. Thiết nghĩ, lúc ấy ngòi bút sẽ đúng định hướng, và may ra xuất hiện tác phẩm hay. Còn bây giờ ta chưa hay vì ta chưa lớn. 
 
Nhạc sĩ Dương Toàn Thiên: Sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân ca, nhất là những ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, ngoài việc tìm hiểu đời sống sinh hoạt, tâm tư tình cảm của đồng bào để xây dựng nội dung cho ca khúc, chúng ta còn phải tìm hiểu kỹ các làn điệu dân ca của các vùng miền, các dân tộc, làm chất liệu cho tác phẩm của mình. Chúng ta đều biết rằng, khi viết bài hát về một miền quê nào đó  hay một dân tộc nào đó, việc sử dụng chất liệu dân ca thích hợp sẽ làm cho tác phẩm trở nên gần gũi hơn, tác phẩm sẽ có hiệu ứng tốt hơn. Gần đây, chúng ta thường nghe cụm từ “dân gian đương đại”, thực chất, đó là dựa trên những làn điệu dân ca hoặc âm hưởng dân gian, người sáng tác áp dụng tiết tấu mới được tiếp thu từ những tinh hoa âm nhạc quốc tế, là quy luật tất yếu của thời hội nhập. Biết vận dụng hiệu quả sẽ cho tác phẩm của chúng ta một sắc thái mới, hiện đại hơn, gần gũi hơn với hơi thở nhịp sống đương đại. Muốn vậy, mỗi tác giả phải lắng nghe nhiều hơn thông qua các phương tiện truyền thông. Mọi thành công của sáng tạo nghệ thuật không có chỗ cho sự bảo thủ, trì trệ, cố chấp, đố kỵ; mà phải là sự cầu tiến, học hỏi không ngừng. 
 
Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã: Đà Lạt - Lâm Đồng là mảnh đất lý tưởng khơi dậy cảm hứng văn học nghệ thuật và trường dưỡng con người cầm bút. Đội ngũ những người cầm bút rất đông, nhưng phải chân thành mà nói rằng, chất lượng sáng tác không đồng đều, thậm chí còn dễ dãi, sáo mòn. Tại sao văn chương, đặc biệt là thơ lại cần có lý luận phê bình? Bởi văn chương cần có những kiến giải khách quan, khoa học để kích thích sự phát triển. Cần có nền lý luận tốt để phát hiện ra cái đẹp và quy phạm hóa cái đẹp. Tất nhiên, ngành lý luận phê bình ở khắp nơi trong nước đang ở độ quý hiếm, ở tỉnh ta lại càng quý hiếm hơn. Cho nên, tôi cho rằng, chúng ta đang cần một nền phê bình vì văn chương, đi sát đời sống thực tế hơn. Nó tạo ra bầu khí quyển lành mạnh để thúc đẩy sáng tác. Một hội VHNT của một tỉnh không thể thiếu bóng dáng của lý luận phê bình, một đời sống thơ không thể tách rời khỏi lĩnh vực phê bình để hướng tới độc giả. Nó hữu ích và rất cần thiết để nhận diện tác giả, tác phẩm cống hiến thế nào cho văn học nước nhà, tỉnh nhà. Không có nó là thiếu một sự tác động đầy mãnh lực để thưởng thức, nghiên cứu và khám phá văn chương.
 
Những ý kiến được nêu trong hội thảo đều xuất phát từ trái tim đầy trách nhiệm, với niềm tin và hy vọng, trong chặng đường mới năm 2015, văn học nghệ thuật Lâm Đồng sẽ gặp những mùa vàng.
 
QUỲNH UYỂN