Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thì hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng được mở rộng, các giá trị văn hóa mới được tiếp thu và dần phổ biến hơn. Cũng từ đó, không ít những tập quán và bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số dần bị mai một...
Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thì hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng được mở rộng, các giá trị văn hóa mới được tiếp thu và dần phổ biến hơn. Cũng từ đó, không ít những tập quán và bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) dần bị mai một. Dù vậy, trong cộng đồng người đồng bào DTTS có những người con luôn mang trong mình niềm tự hào dân tộc. Họ giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc mình và mong muốn những tinh hoa văn hóa ấy được nhiều người biết đến và truyền lại cho thế hệ trẻ tiếp tục nắm giữ, kế thừa một cách xứng đáng. Tấm gương già làng K’Bon, người dân tộc K’Ho tại thôn Kala, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh là một điển hình.
|
Già làng K’Bon (phải) lại tỉ mỉ ngồi chuốt từng sợi lồ ô để đan nong, đan gùi |
Căn nhà dài mà già làng K’Bon đang sinh sống đã được xây dựng cách đây hơn 20 năm, và đây cũng là một trong số rất ít nhà dài của người K’Ho còn sót lại trên mảnh đất Di Linh. Hơn 20 mùa rẫy đã đi qua, già làng K’Bon vẫn ra sức giữ gìn ngôi nhà nguyên vẹn như một báu vật của ông cha để lại. Vì thế, trong ngôi nhà ấy, những vật dụng quen thuộc của người K’Ho như chiêng, trống, kèn bầu đều được ông cất giữ cẩn thận. Với già làng K’Bon, giữ gìn những vật dụng này cũng đồng nghĩa với việc lưu giữ hồn dân tộc K’Ho. Già làng K’Bon chia sẻ: “Tôi chỉ mong được giữ lại những truyền thống của ông bà, tổ tiên người K’Ho từ những vật dụng đến những nghi thức lễ hội và truyền cho các thế hệ sau để dù có 10 hay 20 năm sau nữa, những truyền thống quý báu đó vẫn không bị mất đi”.
Sau thời gian tất bật với nương, với rẫy, già làng K’Bon lại tỉ mỉ ngồi chuốt từng sợi lồ ô để đan nong, đan gùi. Với ông, những chiếc gùi này được làm ra để sử dụng trong gia đình cũng như để bán, quan trọng là ông được đan nó mỗi ngày để không bao giờ quên cái nghề truyền thống của dân tộc ông. Cũng chính vì thế mà trong thôn, trong xã, hễ ai muốn học đan gùi, ông đều tận tình hướng dẫn với mong muốn đây là cách để cái gùi truyền thống của người K’Ho được nhiều người biết đến hơn nữa.
Không chỉ biết đánh chiêng, đan lát, già làng K’Bon còn biết nấu rượu cần, làm cây nêu và lưu giữ những nghi thức lễ hội truyền thống của đồng bào K’Ho. Nhiều năm qua, ông đã cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con trên địa bàn xã duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian, nhất là Lễ hội gieo sạ, cúng dưỡng lúa và mừng lúa mới. Anh Hàng Đờng K’Chiến - Trưởng phòng Dân tộc huyện Di Linh cho biết: “Già làng K’Bon cũng như nhiều già làng và người uy tín khác là những “bảo tàng sống” về những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Vì vậy, huyện cũng đã phối hợp, tạo điều kiện để các già làng, người có uy tín được phát huy những đóng góp của họ không chỉ trong cộng đồng người K’Ho mà còn mở rộng ra để những nét đẹp văn hóa truyền thống ấy được biết đến nhiều hơn”.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS, lãnh đạo huyện Di Linh đã tích cực vận động bà con chung tay bảo tồn những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Mỗi xã, mỗi thôn đã tạo điều kiện để thế hệ trẻ người K’Ho được học tập những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc vừa để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và quan trọng hơn hết là duy trì và phát huy những truyền thống văn hóa của dân tộc. Thời gian qua, già làng K’Bon không chỉ là một nghệ nhân cồng chiêng thực thụ, ông còn là người thầy của rất nhiều thế hệ thanh niên, học sinh địa phương. Với K’Bon, được dạy cho lớp trẻ biết đánh chiêng chính là niềm vui lớn trong cuộc đời ông. Em K’Yên - học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Di Linh chia sẻ: “Em rất tự hào khi được học đánh chiêng từ thầy K’Bon, nhờ đó mà em thấy được những cái hay trong nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình”.
Với tốc độ phát triển của xã hội hiện nay, mục tiêu hội nhập cần được thực hiện song song với nhiệm vụ giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc, đặc biệt là với đồng bào các DTTS. Mỗi thôn, mỗi xã cần lắm những người như già làng K’Bon, cần lắm những môi trường để bà con người đồng bào DTTS được chia sẻ cho nhau những truyền thống văn hóa của dân tộc mình, từ đó góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
PHAN NHÂN