Khi người ấy ở hai nơi (truyện ngắn)

08:01, 15/01/2015

Quán bia ấy đang đến điểm đỉnh. Tiếng ồn ào, náo loạn do tác động của chất men nằm trong thứ nước uống được con người phát hiện từ vài nghìn năm nay và cho đến giờ phút này nhân loại vẫn chia hai phái để phồng mang tranh luận nhau rằng đó là một phát minh vĩ đại làm lợi cho con người hay là một quà tặng ác độc của ma quỉ làm băng hoại thế giới động vật cao cấp đi thẳng bằng hai chân...

Minh họa: H.T
Minh họa: H.T
Quán bia ấy đang đến điểm đỉnh. Tiếng ồn ào, náo loạn do tác động của chất men nằm trong thứ nước uống được con người phát hiện từ vài nghìn năm nay và cho đến giờ phút này nhân loại vẫn chia hai phái để phồng mang tranh luận nhau rằng đó là một phát minh vĩ đại làm lợi cho con người hay là một quà tặng ác độc của ma quỉ làm băng hoại thế giới động vật cao cấp đi thẳng bằng hai chân. Vốn là kẻ nhút nhát, lại bị ảnh hưởng quá nhiều tin tức về các vụ án đăng tải trên báo chí. Thoáng chút thở dài. Chưa thời buổi nào người ta có thể đâm chém, giết nhau vì những nguyên nhân đơn giản như vậy. Khi chỉ bởi một cái nhìn có thể rất thiện cảm nhưng bị hiểu lầm thành nhìn đểu, hay chỉ tại cổ áo của anh làm khó chịu một gã nào đấy, nhất là trong người gã ta đang có chất nước quà tặng của ma quỉ. Tôi lại đang đi một mình. Về nhà không kịp, giấy mời cuộc họp ghi rõ 1 giờ 30 phút, vậy thì chỉ có thể uống một cốc để giải cơn khát đang giày vò. Thôi cũng đành. Tôi sửa soạn lại một chút cổ áo, rồi cụp mắt bước vào phía ngoài cùng của quán. Cố rặn ra một nụ cười nịnh nọt với thằng con trai chạy bàn mồ hôi đang chảy dài trên khuôn mặt đỏ gắt để nó đặt xuống cốc bia, sau đó sẽ nhanh chóng uống hai hơi cho cạn rồi nhanh chóng rời khỏi quán. Rón rén ngồi xuống chiếc ghế nhựa đỏ, cúi gằm mặt vào cốc bia đang do chính tay mình nâng lên, đôi môi khát khao chưa kịp chạm vào thành cốc mát lạnh đến sùi bong bóng để thụ hưởng thì có tiếng vật gì đúng là thuộc thứ đồ cứng kiểu như gỗ hay sắt gì đấy đập vào nhau. Tôi rụt cổ kín đáo ngước nhìn về phía tiếng động, hơi sững lại khi nhận ra gốc tích của tiếng động đó bắt đầu từ cuốn sổ khá dầy màu đen đang trên tay người đàn ông cao đến một mét bảy, da mặt hình như có màu da nguyên thủy không thuộc loại trắng trẻo, giờ lại như xạm hơn vì tức giận, và cũng có thể vì đôi lông mày rậm rì, đen kịt. Bàn tay có những ngón tay tròn, lẳn ngắn chỉ thẳng vào một người nhỏ bé đang cố giữ nụ cười cầu hòa:
 
- Mày đã nhìn kĩ mặt thằng anh mày chưa mà dám bảo là tao say. Này còn lâu nhé, cứ phải dăm vại nữa anh mày cũng chẳng mùi mẽ gì. Không tin anh với mày cùng uống. Mày chơi bao nhiêu anh mày chiều mày từng nấy…
 
- Em đâu dám bảo anh sếp say. Em chỉ muốn nhắc là chiều nay sếp phải họp…
 
- Bố láo. Họp trên thành phố, trên trung ương cần tao tham luận, phát biểu tao còn chả ngán nữa là họp ở cụm công ty lằng nhằng này…
 
-  Bố không say mà lúc nãy nghe điện thoại của con mẹ ấy cứ líu hết cả lưỡi.
 
Gã đàn ông lùn tịt mặc dù đang bị tay bé nhỏ liên tục lấy khuỷu tay hích hích vào mạng sườn nhưng vẫn thao thao trêu.
 
- Này thằng kia, tao nể mày là bạn thân thằng đệ ruột của tao. Mày tưởng mời được tao ra uống thì mày có quyền nhận xét tao hả. Ranh con. Nứt máu mắt. Láo quen. Thôi tiền bữa này tao giả. Cần đếch gì vài đồng tiền rách của mày mà sĩ diện.
 
- Kìa sếp. Em đùa tí thôi. Sếp tự ái làm gì .
 
- Tự ái, tự ái cái mẹ gì. Đồ ngu, nói điện thoại với đàn bà con gái cứ toang toang ra thì có mà ăn cám cho chúng nó. Hiểu chưa. Thôi câm ngay đi, không đừng trách tao. Tao ý à. Từ bé đến nay chưa biết sợ thằng chó nào hết kể cả tay thứ trưởng hôm nọ xuống định khiền tao. Tiên sư khỉ, giúi cho cái phong bì thì nhũn như bún rối… Còn thứ mày…
 
Em nói em xin đại ca rồi còn gì…
 
Vừa lúc đó gã “sếp” nhìn về phía tôi. Hốt hoảng tôi bèn vừa đánh mắt ra chỗ khác vừa uống thật nhanh cốc bia khiến chỉ thiếu chút nữa bị nghẹn. Đặt cốc xuống thật nhanh, làm thêm động tác đưa tay lên xem đồng hồ, trả tiền cũng thật nhanh cho đứa con trai chạy bàn, tôi cố thu người nhỏ hơn bình thường hi vọng tránh ánh mắt của người đàn ông có máu yêng hùng, len lén bước vội ra chỗ gửi xe.
 
Loanh quanh mãi để nguôi nỗi sợ mơ hồ về người đàn ông trong quán bia cùng hai lần bị tắc đường, tôi đến cuộc họp được mời trễ đến gần 50 phút. Tôi chưa yên vị thì gã đồng nghiệp của tôi vỗ nhẹ vào cánh tay tôi nắc nỏm vẻ thành thạo:
 
- Thằng cha vừa đi học chính trị cao cấp về có khác. Nói hay ra phết.
 
Không ngẩng mặt lên, tôi hỏi chiếu lệ:
 
Sao cậu biết? 
 
-  Thì tớ vừa học chính trị cao cấp với tay ấy chứ đâu. Trông thế nhưng bình dân lắm. Tiền nhiều nhưng chỉ khoái bia hơi thế mới lạ.
 
Nghe tiếng “bia hơi” tôi giật mình ngẩng lên và lại thêm một lần cảm thấy sống lưng có một đường lạnh chạy suốt khi nhận ra khuôn mặt da xạm, đôi lông mày rậm rì. Bàn tay có những ngón ngắn, tròn cầm cuốn sổ đen đang đều đặn đưa lên đưa xuống làm nhịp cho lời nói:
 
- Thưa các đồng chí. Nếu chúng ta cứ vin vào cơ chế thị trường thì chúng ta sẽ bỏ quên nếu không muốn nói là xem nhẹ tình người của chế độ chúng ta. Bao nhiêu trẻ em các vùng sâu, vùng xa không được đến trường đến cái ăn còn chưa đủ. Rồi còn bao nhiêu bà con đang khốn khổ ở các vùng bão, lụt. Kinh doanh sòng phẳng để kiếm lãi thì dễ nhưng chúng ta cần cân đối giữa lợi nhuận với trách nhiệm của tình đồng chí, nghĩa đồng bào. 
 
Tràng vỗ tay làm mồi lẹt đẹt vang lên kéo theo cả hội trường ran lên tiếng của hàng trăm bàn tay đập vào nhau. Tai tôi ù lên trong khi tay đồng nghiệp của tôi gật gù và lẩm bẩm câu gì không rõ.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN HIẾU