Vũ Phong quê Kiên Giang, lớn lên cùng cây đước, cây mắm và rừng tràm, từng chiến đấu dọc ngang khắp rừng U Minh hạ, U Minh thượng và, sau này là vùng rừng Sác, nên anh thuộc lòng đường đi lối lại vùng sông nước đầy kênh rạch ấy. Vì thế, anh được mệnh danh là "giao long" vùng sông nước rừng Sác.
Vũ Phong quê Kiên Giang, lớn lên cùng cây đước, cây mắm và rừng tràm, từng chiến đấu dọc ngang khắp rừng U Minh hạ, U Minh thượng và, sau này là vùng rừng Sác, nên anh thuộc lòng đường đi lối lại vùng sông nước đầy kênh rạch ấy. Vì thế, anh được mệnh danh là “giao long” vùng sông nước rừng Sác.
Năm 1954, Vũ Phong tập kết ra Bắc, chuyển ngành, tham gia lao động khắp các công trường xây dựng giao thông: Trái Hút, Đồng Đăng,… sau đó được điều về làm phó giám đốc kiêm trưởng phòng tổ chức cán bộ xí nghiệp chế biến gỗ.
Một hôm, anh đang cặm cụi làm việc thì có một cô gái gõ cửa xin được gặp ông trưởng phòng tổ chức và, đứng khựng nơi ngưỡng cửa như bị hớp hồn bởi ông trưởng phòng quá kẻng trai, khiến con tim cô bị sét đánh từ đấy, như sau này cô thổ lộ với bạn bè.
|
Minh họa: Phan Nhân |
Vũ Phong bỏ bút đứng lên, nhìn cô gái từ đầu đến chân, có lẽ đó là thói quen nghề nghiệp của cánh lính trinh sát: Đến đâu, ở đâu, trước hết phải quan sát địa hình, con người xung quanh để đề phòng bất trắc.
Cô gái có thân hình và khuôn mặt ưa nhìn, có thể gọi là một cô gái đẹp, một bông hoa đồng nội khiến con tim sắt của Vũ Phong cũng phải xao xuyến. Cô gái, một tay cầm nón lá, một tay xách túi vải vẫn đứng yên, chờ.
- Tôi là trưởng phòng tổ chức cán bộ đây. Mời cô dzô. Mời ngồi!
- Thưa bác! Cháu đến để xin vào làm việc ở xí nghiệp ạ!
Vũ Phong thoáng nhíu mày khó chịu, với tay lấy ly rót nước đặt trước mặt cô gái.
- Mời cô uống nước. Tôi sẵn sàng nghe đây.
- Thưa bác!
- Bác, bác cái gì? Sao cô cứ bác bác, cháu cháu hoài dzậy? - Vũ Phong bỗng nổi đóa: Có thể tôi chỉ nhỉnh hơn cô vài ba tuổi mà đã già lắm sao?
- Em! Em xin lỗi! Dạ thưa! Tiếng bác trong thưa gửi quê em không hàm ý tuổi tác. Đó là cách xưng hô bình thường ở quê em. Em quen mồm thôi ạ!
- À ra dzậy! Tôi xin lỗi vì đã hiểu lầm.
Cô gái cúi xuống mở túi xách lấy ra hai tờ giấy viết sẵn, cầm hai tay trịnh trọng đưa cho Vũ Phong. Vũ Phong đón nhận rồi chăm chú đọc, bỗng anh buông tờ giấy xuống bàn, mắt chớp chớp: gia đình này là gia đình có công với cách mạng, thuộc diện cần được quan tâm, giúp đỡ.
- Cô hãy nói sơ qua hoàn cảnh gia đình của cô hiện nay cho tôi nghe thử. Bản lý lịch sẽ xem xét kỹ sau này.
- Thưa! Vâng ạ! Gia đình em làm lông, làm lương (làm nông, làm nương), lúc lông nhàn (nông nhàn) thì mò cua, bắt ốc ở đồng, chạy chợ kiếm thêm đồng mắm muối ạ.
Những tiếng “làm lông, làm lương, lông nhàn” anh nghe lạ hoắc. Anh liên tưởng: làm lông, làm lương, lông nhàn là… là… cũng lại ngọng nghịu như người quê mình rờ…gờ…đấy thôi. Người vùng Kiên Giang thường phát âm r thành g. Tôi đi ga guộng…
Vũ Phong cầm đơn cô gái lên xem một lần nữa rồi đột ngột, hỏi:
- Cô có xe đạp không?
- Dạ thưa! Em mượn xe của bạn.
- Thế thì tốt. Đúng 7 giờ sáng mai cô lại đến đây rồi cùng tôi về quê cô, nhân thể tôi có việc cần trao đổi với ủy ban nơi cô đang sinh sống, giờ chưa thể nói điều gì được. Thế có được không?
Cô gái thoáng nghi ngờ và cảnh giác.
Hai chiếc xe đạp chạy song song, chậm rãi trên con đê. Một buổi sáng đẹp trời. Gió sông Hồng mơn man. Tuy vậy cả hai mải đạp xe mà không hề trao đổi với nhau điều gì. Cô gái đang nghĩ, liệu có xin được việc làm không hay lại có chuyện gì đây ở trong đầu ông trưởng phòng đẹp trai này. Đường về nhà cô gái tuy ngắn nhưng cũng phải mất gần hai giờ mới về đến nhà. Thì ra, cô gái đến xin việc có tên Nguyễn Thị Liên đẹp đẽ kia lại sống với một bà mẹ già trong ngôi nhà quá ọp ẹp, chơ vơ ngoài đê sông Cầu. Hoàn cảnh gia đình Liên khiến Vũ Phong cảm động.
Nghe có khách đến thăm, mẹ Liên dưới bếp đon đả bước lên, chùi hai bàn tay gầy guộc, đen đúa vào ống quần đã bạc màu, rối rít chào:
- Chào cháu! Thật quý hóa quá. Cháu ngồi chơi. Bà giục Liên lấy nước mời khách.
- Nghe tiếng, bác biết ngay cháu là người trong ấy tập kết ra ngoài này. Đúng thế không? Lâu nay cháu có nhận được thư từ gì trong quê? Chắc gia đình ta đều mạnh khỏe?
Mồm bà xởi lởi chào hỏi nhưng trong lòng đang nghĩ: có lẽ anh chàng này có “tình ý” với đứa con gái của bà nên đưa nhau về ra mắt…
Sau khi đã tận mắt nhìn thấy “cơ ngơi” gia đình “làm lông, làm lương” và nói rõ lý do ghé nhà mẹ Liên, uống xong chén nước từ tay Liên rót mời, Vũ Phong đứng lên xin phép ra ủy ban xã có việc. Trước khi đi, anh dặn Liên:
- Ngày mai cô đưa đơn và hồ sơ trình ủy ban xã, nhờ họ chứng thực, đóng mộc rồi mang lên xí nghiệp đưa cho tôi. Chắc mọi việc sau đó sẽ ổn thôi.
Từ khi được nhận vào làm việc tại xí nghiệp gỗ, Liên thường tìm cớ để được gặp Vũ Phong. Lúc thì cô mượn bút viết thư cho mẹ, lúc mang trái cây nói là mẹ gửi từ quê lên biếu.
Ngày nào cô cũng tìm cách lượn qua lại phòng làm việc của Vũ Phong đôi ba lần hình như có như thế cô mới yên tâm. Cái việc cô lượn qua lại phòng làm việc của Vũ Phong đã tạo ra dư luận bàn tán, nghi ngờ trong cán bộ công nhân viên và, đến tai lãnh đạo xí nghiệp. Thời ấy người ta sợ dư luận về cái chuyện “trai gái” lắm. Việc đó khiến Vũ Phong hết sức bực bội, khó chịu, nên anh chủ động mời Liên đến phòng làm việc để trao đổi.
- Này! Cô Liên! Sao ngày nào cô cũng qua lại trước phòng làm việc của tôi thế? Cô có biết việc ấy đã gây phiền phức cho tôi không? Tổ chức đã nhắc nhở tôi đấy. Cô phải chấm dứt ngay, nếu không, chính tôi sẽ đề nghị chuyển cô đi nơi khác.
Liên gục đầu xuống bàn khóc tức tưởi. Từ đó, Liên chỉ dám đứng xa để dõi theo hình bóng con người đã in đậm trong trái tim mình.
Hơn năm sau, mẹ Liên ốm nặng. Được Liên báo cho biết, Vũ Phong thu xếp về thăm, mẹ Liên đã quá yếu, nằm thoi thóp trên giường. Bà nắm tay Vũ Phong thều thào: Mẹ đi, con Liên sẽ bơ vơ, gia đình mẹ không còn ai thân thuộc. Tuy lớn xác, nhưng lời ăn, nết ở của nó chưa được chín chắn. Cuộc đời nó sẽ lận đận. Mẹ mong con giúp đỡ, dìu dắt em nó…
Nước mắt mẹ chảy, chứa đầy hai hốc mắt rồi chảy thành dòng xuống hai gò má hóp như hai cái lúm đồng tiền lớn vì răng đã rụng hết và đọng lại ở đó.
Vũ Phong không khóc, cố nén tình cảm, nhưng nước mắt cũng từ từ ứa ra, nghẹn ngào hứa thực hiện lòng mong mỏi của mẹ. Anh bỗng nhớ hình ảnh người mẹ già của anh đang sống tại quê nhà. Liên gục xuống, ôm mẹ khóc thảm thiết. Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con, mẹ đi…!
Không lâu sau mẹ Liên mất. Thay mặt xí nghiệp đứng ra lo liệu ma chay, giúp đỡ tận tình cũng chính là phó giám đốc kiêm trưởng phòng tổ chức Vũ Phong. Liên nhận một ân huệ quá lớn. Sau này cô mãi nghĩ cách trả cái ơn ấy. Cô nghĩ, chỉ có một cách, một cách thôi là… là…
Nhưng, cô chưa kịp thực hiện ý định vừa nhen nhóm và cũng chính là tiếng gọi của con tim mình thì Vũ Phong bỗng “biến mất” khỏi xí nghiệp. Không một ai biết Vũ Phong “đi đâu, về đâu”. Nhiều đêm Liên ôm gối khóc thầm. Hình bóng Vũ Phong luôn hiện về trong giấc ngủ mộng mị chập chờn. Sự nhớ nhung và hình ảnh chàng rồi cũng dần nhường chỗ cho những trăn trở mưu sinh vì cuộc sống đang thúc bách.
… Hòa bình thống nhất đất nước, sau hơn mười năm thời đổi mới mở ra cơ hội làm ăn mới. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại xí nghiệp gỗ, Nguyễn Thị Liên đứng ra lập công ty sản xuất đồ gỗ gia dụng, làm giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị, một doanh nhân tầm cỡ nổi tiếng khắp cả nước.
Thành đạt trong kinh doanh ở tuổi trên 60, bà Liên giao lại công ty cho con điều hành quản lý, dành thời giờ nghỉ ngơi, thăm thú nơi này nơi khác.
Nung nấu ý định tìm và gặp lại “người xưa”, ân nhân của mình, bà Liên luôn canh cánh trong lòng món nợ, ơn sâu nghĩa nặng. Trong chuyến du lịch tìm về rừng Sác, nơi có nhiều dấu tích chiến công lừng lẫy một thời, may mắn bà quen người sĩ quan đặc công cùng đi trong đoàn, từng cùng Vũ Phong chiến đấu ở rừng Sác, đã từng khiến bọn Mỹ và đám lính đánh thuê phải kinh hồn bạt vía bằng những trận đánh đầy mưu trí. Cái tên Vũ Phong được nhiều người nhắc đến. Qua đó bà nhận được tin về ông.
… Hôm ấy thấy có chiếc xe tắc-xi dừng trước cổng và có người lên tiếng hỏi thăm nhà, Vũ Phong bước vội ra mở cổng và trố mắt chăm chú nhìn người khách lạ, cố xốc lại “bộ nhớ” đã già nua vì tuổi tác.
- Ô! Ô! Trời đất. Cô Liên phải không?
- Ôi! Anh có trí nhớ tốt thật. Em là cô Liên làm lông (làm nông) ngày xưa tại xí nghiệp gỗ đây mà.
- Ôi cha! Lâu quá. Lâu quá rồi. Mời cô dzô nhà.
Bà Liên liếc nhanh. Ngôi nhà quá tuyềnh toàng.
Ông pha nước. Hai người ngồi đối diện, yên lặng ngắm nhìn nhau, bồi hồi xúc động nhắc lại chuyện ngày xưa. Ngày xưa khó khăn là thế nhưng đầy ắp tình người. Cuốn phim quay ngược thời gian hơn 50 năm về trước. Hai người không hỏi thăm nhau về cuộc sống, về gia đình vì có gì quý hơn là sau cuộc chiến tranh ác liệt, cả hai còn sống và được gặp nhau đây. Họ còn nhìn thấy nhau là thỏa nguyện lắm rồi. Hai người ngồi yên lặng như thế khá lâu. Bà Liên liếc nhìn đồng hồ, khẽ khàng, nuối tiếc mà không phải chỉ có bà mới tiếc nuối:
- Có lẽ đến lúc em phải đi. Em có nguyện ước này, mong anh đừng từ chối và, cũng vì nguyện ước đó mà em lặn lội vào đây tìm anh.
Vũ Phong chớp chớp mắt.
- Em mời anh và gia đình ra Hà Nội thăm chơi một chuyến. Chắc đã lâu anh chưa trở lại Hà Nội. Anh không phải lo gì hết. Em có được như ngày hôm nay là nhờ anh giúp đỡ. Mẹ em có được mồ yên mả đẹp cũng là nhờ anh. Bố em lúc sinh thời có dạy rằng: Mình làm ơn cho ai thì đừng mong báo đền, nhưng chịu ơn ai thì đừng bao giờ quên. Xin anh đừng từ chối. Anh mà từ chối thì em có nhắm mắt cũng không yên lòng.
Đây là tiền mua vé máy bay và tiền tiêu vặt. Anh đừng nghĩ là em đã xúc phạm anh. Anh chỉ cần điện thoại cho em trước khi lên máy bay. Đây là danh thiếp của em.
Ôi! Cô Liên! Bà Liên! Không! Không nên thế. Ngày ấy ai cũng suy nghĩ và giúp đỡ người khác như tôi thôi. Cô đừng nhắc đến ân huệ, tôi không nhận đâu.
Ông cầm xấp tiền đặt vào lòng bàn tay bà và giữ bàn tay bà khá lâu trong tay mình. Ông lại nhận được hơi ấm của một thời…
Bà trìu mến nhìn ông, nước mắt chảy thành dòng. Nước mắt chảy từ hai trái tim ân tình, nhân hậu.
- Thôi! Em đi! Hẹn gặp anh ở Hà Nội.
Cái hơi ấm cô Liên, bà Liên truyền sang ông cứ ấm dần lên, ấm dần lên… khiến ông bàng hoàng, chưa kịp phản ứng gì, bà đã bước lên xe. Chiếc xe vội lao đi…
Ông đứng nhìn theo cánh tay vẫy vẫy của bà và chiếc xe khuất dần sau đám bụi mù của con đường đất đỏ và cây cối hai bên đường.
12/2014
Truyện ngắn: Nguyễn Tùng Châu