Hồi còn nhỏ tôi thích chạy xe lên ngọn đồi ở thung lũng Tình Yêu ngồi chơi. Thuận tay tôi hay bứt cọng cỏ đưa lên miệng nhâm nhi, cái mùi hăng hăng hoang dã của cỏ dại tới giờ vẫn nhớ. Cỏ dại mọc trên đồi hồi đó người làm vườn hay cắt về để dành làm nhiều thứ...
Hồi còn nhỏ tôi thích chạy xe lên ngọn đồi ở thung lũng Tình Yêu ngồi chơi. Thuận tay tôi hay bứt cọng cỏ đưa lên miệng nhâm nhi, cái mùi hăng hăng hoang dã của cỏ dại tới giờ vẫn nhớ. Cỏ dại mọc trên đồi hồi đó người làm vườn hay cắt về để dành làm nhiều thứ. Cỏ có thể đậy rò cà rốt khi mới gieo để giữ ẩm cho đất hay cho vào chuồng heo, chuồng bò để ra thứ phân chuồng bón cho vườn. Cỏ dại là một phần của thiên nhiên, ngọn đồi nào mà cỏ mọc lưa thưa dường như thiếu sức sống. Đất mà không có cỏ thì giống như khi con người không mặc quần áo vậy. Quần áo làm ấm và làm cho con người trở nên đẹp. Cỏ cũng vậy, cỏ giữ cho mặt đất khỏi xói mòn bởi nước chảy và lại làm cho mặt đất đẹp hơn. Một bãi cỏ xanh nếu có bàn tay con người vun vén vào một chút sẽ cho ta những cảm xúc thăng hoa nhiều khi lại là điều kiện để có một bài thơ hay. Có như vậy mới hình thành một nghề mới nổi trong hơn chục năm trở lại là nghề trồng cỏ, tất nhiên không phải là cỏ dại. Những loại cỏ, nhiều khi là cỏ ngoại được trồng, bón phân, tưới nước đàng hoàng để chờ một ngày nào đó một tòa vi la, một công viên… cần là cỏ được “di thực” đến để tô màu cho cuộc sống.
|
Đồi Mộng Mơ (Đà Lạt). Ảnh: H.T |
Cỏ đôi khi cũng làm cho ta dịu lại trước bộn bề công việc, có lẽ vì vậy mà một người quen của tôi ở thành phố Bảo Lộc khi xây một biệt thự năm 2010 đã bỏ ra mấy trăm triệu để thiết kế và thi công một cái sân vườn sau nhà chừng 50 mét vuông, trong đó có trồng một loại cỏ mịn như nhung nghe đâu là loài cỏ Mỹ? Năm 2013, Nhà khách Công đoàn, tiền thân là Công ty Du lịch Công đoàn, sau khi được giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì được đầu tư nâng cấp. Người ta ưu tiên nâng cấp bãi cỏ dại dưới cánh rừng thông bằng thuần một loại cỏ gừng. Cỏ gừng có lá như lá gừng thu nhỏ mọc sát dưới đất, đó là loại cỏ Việt Nam trăm phần trăm. Đi dạo trên bãi cỏ xanh dưới tán rừng thông mới tuyệt diệu làm sao!
Trên cái nền xanh của cỏ, bên đường hay trên đồi, trên bờ ta luy hay dưới đường mương… ta thường bắt gặp một loài cỏ dại có hoa màu vàng rất đẹp: hoa bồ công anh. Bồ công anh chỉ là một loài cỏ dại thôi không hơn không kém nhưng màu vàng của hoa thì vừa hoang dại, vừa rực rỡ, khiến người ta ngẩn ngơ nhớ đến hoa cúc vàng của mùa thu? Không ai trồng bồ công anh cả, cỏ dại ai mà trồng chứ? Bồ công anh tự sinh tự diệt và nở hoa dường như quanh năm dưới những tán rừng thông, trên đường đi hay bất cứ nơi nào, miễn là có chút đất cho hạt bám vào rồi đâm chồi nẩy lộc ra hoa. Hoa vàng bồ công anh nở rất sớm. Buổi sáng hơi sương là đà mặt đất hoa đã nở rồi. Đến tầm mười giờ hoa đang độ đẹp nhất. Một vạt hoa dại màu vàng óng ả trong thứ nắng vàng như mật cũng đủ làm nên một cảnh đẹp khiến lòng người xao xuyến. Đến buổi trưa hoa cúp lại, dường như loài hoa dại ấy không phù hợp với nắng buổi trưa, thời điểm ánh mặt trời gay gắt nhất? Không biết khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca từ “hoa vàng mấy độ” có liên tưởng đến vạt hoa bồ công anh, dã quỳ hay một vạt cúc vàng?
Cỏ là một phần tất yếu của cuộc sống. Cỏ dại cứ vô tư mọc không cần biết con người có thích chúng hay không. Hễ có đất là có cỏ, “già sinh tật đất sinh cỏ” mà! Mùa nắng cỏ úa vàng, ấy vậy mà chỉ cần một cơn mưa đầu mùa cỏ đã hồi sinh. Những lá cỏ già xám xịt ngay tức khắc ngậm nước và màu xanh ẩn tàng trong ấy sống dậy. Không phải tự nhiên mà người ta gọi màu xanh là màu của sự sống. Đúng, sự sống dường như bao giờ cũng liên quan đến màu xanh. Bao quanh ta là bầu trời xanh, cây cỏ xanh, dòng sông xanh, biển xanh… Màu xanh còn là màu hy vọng, hy vọng vào một vạt sú, vạt lơ, khoai tây hay cải thảo trúng mùa được giá của người làm vườn có lẽ là hy vọng nhiều cảm xúc bởi người làm vườn cực lắm! Mùa mưa cỏ dại xanh mơn mởn trên đồi, trên sân nhà, đường đi… và đặc biệt mọc trong những vườn rau. Đất vườn được bồi bổ mỗi mùa vụ với nhiều thứ phân từ vô cơ đến hữu cơ. Nhà vườn thường đổ đất mới lên trên lớp đất cũ đã nhiễm độc để tăng năng suất cây trồng và cũng là để tránh cỏ mọc. Đất có tốt thì những vạt khoai tây, cà rốt, cải thảo… mới xanh ngát một màu, trong cái màu xanh ngan ngát ấy hàm chứa nỗi niềm của người trồng. Trong gam màu xanh của các loài rau đó có lẫn màu xanh của cỏ. Cỏ cũng “hưởng xái” những thứ phân mà người làm vườn bón cho cây trồng nên cỏ mọc ở vườn tốt lắm. Cỏ đã tốt thì lấn át cây rau, nó ăn mất chất màu trong phân bón để đất phì nhiêu, cây trồng mau lớn. Cỏ tốt người làm vườn không ưng bụng một chút nào, họ phải ra tay nhổ bỏ ngay... Bây giờ người làm vườn vẫn nhổ cỏ dại mọc trong vườn nhưng công việc này đã đỡ nhọc hơn ngày trước nhiều. Chẳng phải cỏ dại tự nhiên ít đi, cỏ dại vẫn thế, vẫn vô tư mọc để làm duyên cho mặt đất và không cần biết con người có cần chúng hay không. Người ta đã có cách trị cỏ dại, những “người khách” không mời mà đến trong những vườn rau, những luống hoa đang chúm chím nở… bằng cách trải bạt ni lông trước khi xuống giống hay phun thuốc diệt cỏ sau khi thu hoạch nên cỏ dại trong vườn giờ ít hơn trước rất nhiều.
Cỏ dại ít hơn ngày trước nhưng mùi cỏ dại vẫn vậy. Mùi cỏ vẫn hăng hăng khi tôi đưa một cọng cỏ lên mũi ngửi khi làm cỏ cho mấy cây cải xoăn trước nhà. Cái mùi hoang dã của cỏ gợi nhớ đến tuổi thơ tôi… xa lắc, đôi khi đọng lại cả một nỗi niềm!
Tản văn: Võ Anh Cương