Nguyễn Kim Ngân - thơ và đời

09:01, 09/01/2015

Trong tiết trời se lạnh cuối năm, song không gian dường như ấm áp hơn sau những tháng mưa lũ kéo dài lê thê khác thường ở miền Trung năm nay, có một người đàn ông thấp, đậm, tuổi quá lục tuần đang tỉa cành, săm soi vườn cây cảnh trước nhà ở khu phố Triều Sơn, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên...

Trong tiết trời se lạnh cuối năm, song không gian dường như ấm áp hơn sau những tháng mưa lũ kéo dài lê thê khác thường ở miền Trung năm nay, có một người đàn ông thấp, đậm, tuổi quá lục tuần đang tỉa cành, săm soi vườn cây cảnh trước nhà ở khu phố Triều Sơn, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Đó là nghệ nhân cây cảnh - nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Kim Ngân, cựu sinh viên tranh đấu trong lòng đô thị miền Nam trước đây.
 
 Nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Kim Ngân
Nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Kim Ngân
Tuy về hưu đã mấy năm nay nhưng mỗi khi đến ngày Học sinh - Sinh viên được mời họp mặt gặp gỡ, anh cựu sinh viên Văn khoa Nguyễn Kim Ngân như sống lại với bao kỷ niệm của thời trai trẻ hào hùng giữa trận địa lựu đạn cay, dùi cui, còng xích của kẻ thù để đòi độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất Tổ quốc. Và cũng từ thực tiễn hoàn cảnh lịch sử ấy, những bài thơ đầy nhiệt huyết của anh đã ra đời, trong đó có bài Người mẹ Bàn Cờ đóng đinh trên thi đàn thơ Việt vùng tạm chiếm 21 năm ở miền Nam. Đối với tỉnh nhà, bài thơ như một hiện thân niềm tự hào của thế hệ học sinh sinh viên kế tiếp.
 
Vừa làm thơ vừa dạy học, ở lĩnh vực nào người cựu sinh viên Nguyễn Kim Ngân năm xưa cũng để lại trong lòng học trò, đồng nghiệp và quần chúng niềm yêu mến, quý trọng… Quả vậy, Nguyễn Kim Ngân luôn tiên phong các lĩnh vực mình tham gia hoạt động. Lúc cầm bút sáng tác anh đầy trách nhiệm trước lịch sử, trước đồng bào. Khi dạy học anh rất tâm huyết với học trò, trường lớp, với thế hệ trẻ. Kể cả việc chơi cây cảnh anh cũng không giống nhiều người khác. Anh chủ trương và kêu gọi mọi người phải tự trồng cây cảnh, chăm sóc, trao đổi để thưởng lãm. Không xâm hại môi trường, bứng phá rừng đồi, hủy hoại cảnh vật thiên nhiên. Vì vậy, sau nửa thế kỷ cầm bút với hàng trăm sáng tác, ta thấy thơ Nguyễn Kim Ngân như một quá trình tư duy sáng tạo nhất quán, hài hòa giữa cảm xúc thẩm mỹ và lý trí trách nhiệm của một công dân. Khi quê hương bị xâm lược, giày xéo; thơ anh một lòng tin tưởng: “…Tình Việt Nam như tơ.
 
Đồng Việt Nam lầy lội
Giặc đợi chết từng giờ”
(Người mẹ Bàn Cờ - 1970)
 
Giờ đây thơ anh tiếp tục đồng hành cùng nhân dân làm sống dậy những bản sắc văn hóa đậm đà của dân tộc; rồi bảo vệ thiên nhiên môi trường cảnh quan… Cho nên người đọc sẽ không lấy làm lạ, khi thấy hình ảnh mưa lũ trong thơ Nguyễn Kim Ngân không dữ dội tai ương, mà hiền hòa quen thuộc; thấm đẫm tình quê:    
 
“…Cây lụt hàng năm cứ đúng ngay giỗ ngoại
Tôi theo mẹ về Bờ Cao đứng gọi
Cậu tôi bơi thuyền qua lũy tre
Cậu chở tuổi thơ tôi bằng tình yêu thương
Và chở cả một vùng quê
Về neo trước ngõ…”
(Những mùa mưa hiền lành - 2010)
 
Sự điềm đạm, thẳng thắn, cởi mở và da diết với quê hương Phú Yên của một cựu sinh viên tranh đấu năm xưa, đã làm cho thơ Nguyễn Kim Ngân cắm sâu, bám rễ trong lòng bạn đọc trước cuộc sống đổi mới tươi đẹp hôm nay. Có thể nói như nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - người bạn cùng thời sinh viên tranh đấu với tác giả Người mẹ Bàn Cờ, rằng: “thơ Nguyễn Kim Ngân đã góp phần làm cho cuộc sống này vốn dĩ đầy rẫy thi ca và âm nhạc, nhưng đồng thời cũng đầy rẫy những bất trắc, tai ương sẽ trở nên đáng yêu. Anh luôn luôn tư duy bằng trái tim và cảm xúc bằng trí tuệ”. Hy vọng những thi phẩm của Nguyễn Kim Ngân sáng tạo sẽ mãi đồng hành với tuổi trẻ, với giới yêu thơ chân chính giữa cuộc đời này.
 
Nguyễn Tường Văn