Ngày 3-2-1930, vào mùa xuân cách đây 85 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng với mùa xuân hồn hậu như một lẽ tự nhiên, một cuộc hội ngộ "đẹp như cùng hẹn trước".
Ngày 3-2-1930, vào mùa xuân cách đây 85 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng với mùa xuân hồn hậu như một lẽ tự nhiên, một cuộc hội ngộ “đẹp như cùng hẹn trước”.
Trong bài thơ “Một nhành xuân”, Tố Hữu từng viết: “… Năm hai mươi của thế kỷ hai mươi/Tôi sinh ra nhưng chưa được làm người/Nước đã mất, cha đã làm nô lệ/Ôi những ngày xưa mưa xứ Huế, mưa sao buồn vậy hỡi mưa rơi!?/Ngẩng đầu lên không thấy mặt trời/Đất lai láng những là nước mắt… Từ vô vọng mênh mông đêm tối,/Người đã đến chói chang nắng dội,/Trong lòng tôi ôi Đảng thân yêu...”.
Vừa ra đời, Đảng đã trở thành người lãnh đạo, người tổ chức của cách mạng Việt Nam. Và, suốt 85 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, đất nước ta, dân tộc ta và nhân dân ta vươn lên muôn vàn thử thách, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên biết bao kỳ tích vẻ vang.
|
Làm đẹp mùa xuân. Ảnh: PHAN VĂN EM |
Những vần thơ viết về Bác Hồ, về Đảng của các nhà thơ phần nào nói được tình cảm sâu sắc của mình và của mọi người trước những chặng đường lịch sử vĩ đại của Đảng ta.
… Ôi giữa lòng ta Bác đến từ hồi nào
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc
Hạnh phúc cho chúng ta là Hồ Chủ tịch - người đầu tiên mang đến cho dân tộc ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, cũng là người suốt đời tiêu biểu hoàn mỹ nhất cho chân lý của chủ nghĩa đó. Cả dân tộc có một tấm gương sống động để noi theo, tin tưởng và kính yêu. Như một nhu cầu về tình cảm, Chế Lan Viên đã viết nhiều bài thơ về Bác. “Người đi tìm hình của nước” viết năm 1960, trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng là một bài đặc sắc: “Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”. Làm sao quên được thời khắc xúc động và thiêng liêng đối với Bác, đối với Tổ quốc, nhân dân! Chân lý cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã soi sáng tâm hồn Người, đất trời và vạn vật xung quanh như bừng tỉnh, cùng hòa chung niềm hạnh phúc vô bờ: “Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc: “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”/Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.
Với Chế Lan Viên, ngày vào Đảng chính là ngày sinh lại của đời mình; ngày ông có một quê hương thứ hai là Đảng để gắn bó, yêu thương. Đảng “đã trở thành nơi cắt rốn chôn nhau”: “Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác/Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt/Đá sỏi, cây cằn sao bỗng thấy thiêng liêng?/Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn/Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết!
(Kết nạp Đảng trên quê mẹ).
Đảng rất gần gũi, thân thiết, với nhân dân từ việc nhỏ nhặt nhất như: hạt muối, cọng rau, bát cơm, manh áo… Từ ngày mới ra đời, Đảng ta giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong: “Đảng nghĩ số triệu dân, nghĩ sức nước sông Cả, sông Hồng/Những vóc dáng những Trường Sơn, dung mạo những đồng bằng/Những mâm cơm ta có gì, Trung ương phải nghĩ/Một lạng ngô thôi cũng lo đều cho mười chín triệu đầu dân…/Ta nghĩ chuyện nghìn năm chưa kịp nghĩ/Và đôi mắt thần của Đảng chiếu tầm xa
(Nghĩ về Đảng - Chế Lan Viên).
Viết về Đảng, ngợi ca Đảng đến nay đã có nhiều nhà thơ đề cập đến, nhưng ấn tượng nhất vẫn là những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu. Đảng là niềm tin, là sức mạnh. Đảng đấu tranh vì lợi quyền dân tộc, mang hạnh phúc, ấm no cho mỗi con người: “Đảng ta, muôn vạn công nông/Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin/Đảng ta, Mác - Lê-nin vĩ đại/Lại hồi sinh, trả lại cho ta/Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người”
(Ba mươi năm đời ta có Đảng). Sức mạnh của Đảng và sự bền vững của chế độ bắt nguồn từ sức mạnh của lòng dân, của mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng đồng thời là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hữu cơ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Dù trong hoàn cảnh nào, khi đã có niềm tin thì người dân luôn tin theo Đảng, bảo vệ Đảng đến cùng: “Dù khi tắt lửa tối trời/Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta/Dù khi giặc khảo giặc tra/Cắn răng thà chết không xa Đảng mình
(Ba mươi năm đời ta có Đảng - Tố Hữu).
Với Xuân Diệu, viết về Đảng là niềm tự hào, là lòng biết ơn và một tình thương thấm thía: “Ôi người yêu, yêu hơn cả ái tình/Người rất mực xa xanh và đỏ thắm/Người gần gũi và bao la vạn dặm/Người một người và ức triệu con người”
(Gánh). Những câu thơ say đắm bộc lộ này là của Xuân Diệu, chúng ta dễ dàng nhận ra cái giọng nồng nhiệt của nhà thơ tình yêu.
Nói đến Lưu Trọng Lư, người đọc thường nghĩ và nhớ đến hình ảnh một con nai vàng ngơ ngác, cái ngơ ngác của người thi sĩ giữa ngã ba đường của cuộc đời cũ. Thì nay trên mỗi “nước bước”, “đường đi” không thể không có ánh sáng Đảng soi đường: “Trên mỗi bước đi, lòng luôn tự hỏi: “Nếu trong ta vắng bóng một ngày”/Nếu trong ta, vắng Người mãi mãi/Đi từ đâu, ta sẽ lại về đâu?”
(Bước theo Đảng - Lưu Trọng Lư).
Thơ Lê Anh Xuân luôn say sưa ca ngợi những con người đã dâng trọn đời mình cho lý tưởng của Đảng: “Phải nhờ lý tưởng chói chang/ Hoa tình yêu mới thơm hương mặt trời... Anh Trần Phú, chị Minh Khai/Tên còn thơm mát cành mai, cành đào/Võ Thị Sáu - đỉnh núi cao/Dưới chân sóng bể dạt dào hát ca”
(Nguyễn Văn Trỗi). Nhất là anh say sưa ca ngợi Bác, thơ Lê Anh Xuân rất nhiều lần nói đến Bác, lần nào cũng với một niềm tin tưởng, một niềm tin kính yêu vô hạn: “Miền Nam đọc thư Bác/Sông Hiền Lương bồi hồi/Trời Cà Mau giàn giụa nước mắt vui”
(Chúng con đón thư Bác).
Lê Anh Xuân miêu tả cô gái bị địch bắt nhốt trong xà lim không hề cảm thấy cô đơn trong bốn bức tường. Từ trong xà lim, cô đã làm thơ tặng người yêu và qua bài thơ cô ấy đã gửi gắm nỗi lòng của mình, với chồng, với Đảng: “Đừng buồn em hỡi anh yêu quý? Trái tim em chung thủy suốt đời/Với Đảng với anh người đồng chí/Em là hoa sen thơm ngát đời anh”
(Bài thơ áo trắng - Lê Anh Xuân).
Với nhà thơ Thanh Hải, anh kể chuyện nhân dân bất chấp kẻ thù hăm dọa vẫn chôn cất người cộng sản và trồng hoa lên mộ anh: “Hôm qua chúng giết anh/Xác phơi đầu ngõ xóm... Thằng này là cộng sản/Không được đứa nào chôn!/Lũ chúng vừa quay lưng/ Chiếc quan tài sơn son/Đã đưa anh về mộ/Đi theo sau hồn anh/Cả làng quê đường phố... Trên mộ người cộng sản/Hoa hồng đỏ và đỏ/Như máu nở thành hoa..”
(Mộ anh hoa nở). PGS.TS Hồ Thế Hà, cán bộ giảng dạy Trường Đại học Khoa học Huế, khi nhắc đến bài thơ này đã viết: “TH với “Mồ anh hoa nở” đã khái quát tình đồng chí, đồng bào, tình quân dân cá nước một cách bản chất nhất, thông qua cái chết của người chiến sĩ cách mạng. Mặc cho kẻ thù dọa dẫm, trên mộ người cộng sản giữa lòng địch vẫn lộng gió bốn phương và đỏ tươi hoa cách mạng”. (“Sức mạnh tinh thần từ những vần thơ”, trích từ sách “Tìm trong trang viết”, NXB Thuận Hóa, 1998).
Ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu - Người đã đem lại cho dân tộc Việt Nam một mùa Xuân bất tận. Đảng và Bác là đề tài tập hợp được nhiều tầng lớp thi sĩ, với biết bao lời thơ chân thành, những ý nghĩ trung thực, chín trong tâm hồn. Xuân Ất Mùi 2015 về, khí thế mới thêm thúc giục mỗi chúng ta đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực kiên định đi tới để xây dựng đất nước ta vừa đẹp vừa giàu.
“Tổ quốc tôi rất đẹp, rất giàu
Đẹp từ mái tóc xanh đầu nguồn Pắc Bó
Đẹp đến gót chân hồng đất mũi Cà Mau”.
(Với Đảng, mùa Xuân - Tố Hữu).
NGUYỄN VĂN THANH