Tính triết lý trong tập thơ "Nổi sóng"

08:01, 08/01/2015

Đến nay, họa sĩ Vi Quốc Hiệp (Đà Lạt) đã in 7 tập thơ, "Nổi sóng" là tập thơ mới, lạ của anh. Bốn tập thơ trước, anh viết còn lãng đãng, trong thơ có họa, có nhạc, trong tập "Nổi sóng", anh viết với một giọng khác, giàu chất triết lý, ngắn gọn hơn và có vẻ hơi khô hơn, chân chất hơn.

Đến nay, họa sĩ Vi Quốc Hiệp (Đà Lạt) đã in 7 tập thơ, “Nổi sóng” là tập thơ mới, lạ của anh. Bốn tập thơ trước, anh viết còn lãng đãng, trong thơ có họa, có nhạc, trong tập “Nổi sóng”, anh viết với một giọng khác, giàu chất triết lý, ngắn gọn hơn và có vẻ hơi khô hơn, chân chất hơn.
 
Mới, bởi Vi Quốc Hiệp lấy nhan đề rất “nóng”, rất thời sự, như tên phim “Nổi sóng”. Lạ, bởi phần lớn là mỗi bài chỉ có 2 câu. Nhiều người viết tứ tuyệt, nhiều người tập tễnh viết thơ Hai-kư (ba câu), còn anh thì chuyên thơ hai câu. Với người làm thơ, đạt được tuyệt cú, giản dị, hàm súc, “ý tại ngôn ngoại” là rất khó. Thơ bốn câu-tứ tuyệt hay đã khó, thơ hai câu hay còn khó hơn nhiều. 
 
“Nổi sóng” gồm 200 bài thơ ngắn, vài bài hơn mười câu, mười câu, vài bài bốn câu, ba câu, phần lớn (140 bài) là thơ hai câu. Thú thật đọc “Nổi sóng” một lèo, tôi “lặng người” luôn, vì không ngờ anh chàng họa sĩ, ca sĩ xởi lởi, vui tính, hòa đồng, ruột để ngoài da, hay vồ vập, hứng khởi, nhiệt tình với công việc, với bạn bè, đồng nghiệp lại viết những bài thơ ngắn tỏ rõ chính kiến, thái độ mãnh liệt trước cuộc sống. Tính công dân, tính chiến đấu, phê bình trong thơ rất rõ ràng, không khoan nhượng trước cái ác, cái xấu, cái vô tâm, vô cảm. Hầu như đọc bài nào trong “Nổi sóng”, chúng ta cũng dễ tâm tư, suy ngẫm trước gia đình, xã hội, không thể “mũ ni che tai” trước nghịch cảnh cuộc sống quanh ta. 
 
Thơ anh có tính triết lý nhẹ nhàng, sâu sắc: Ngọn gió thổi qua còn vọng lại tiếng xào xạc/ Người hỡi, ta đi qua có để lại gì? (Gió vọng), Mới rực hồng má em tháng ba mùa hoa gạo/ Sao đã bạc trời bông trắng nỗi nhớ giêng hai (Mùa hoa gạo), Người ta nói thất bại là mẹ thành công/ Nhưng khi thành công rồi nhớ đừng quên “mẹ” (Mẹ 1), Trong những cuốn sách cũ bị đem bán tính ra cân/ Vẫn còn nhiều cuốn giá trị nặng tới “ngàn cân” (Sách bán cân), Hàng trăm căn chung cư để hoang chờ bán rao trơ gan cùng trời đất/ Mặc bao kẻ không nhà, đêm sống tạm dưới gầm cống cầu thang (Nghịch lý 1), Đi mãi rồi cũng sẽ thành đường mòn/ Nhưng sợ nhất là trong sáng tác lại đi theo lối mòn người đi trước (Đường mòn), Người ta thường bảo “trăm nghe không bằng một thấy”/ Giờ sợ nhất lãnh đạo chỉ hay... nghe mà không chịu...thấy (Nghe và thấy), Người ta hay ví “vòng vo Tam quốc”. Đó cũng là cách các nghị sĩ trả lời trước dân mỗi kỳ họp (Triết lý mới).
 
Đọc “Nổi sóng”, tôi thích những bài Vi Quốc Hiệp viết về phận người, nghe ngùi ngùi triết lý nhân sinh: Người ta thấy chợ thì vui/ Tôi đây thấy chợ lòng ngùi ngùi thương/ Chợ gì ngồi, đứng chật đường/ Tìm đâu việc giữa đời thường áo cơm (Chợ người), Những đường cong của đồi/Gợi cho ta vẻ đẹp thiên nhiên ngây ngất/Những đường cong của em cho ta cảm xúc mê hồn/ Nhưng khi bắt gặp lưng còng của mẹ/ Cho ta nhớ tháng ngày mẹ oằn lưng vất vả nuôi ta lớn khôn (Đường cong)...
 
“Nổi sóng” của Vi Quốc Hiệp không chung chung, không mông lung, mà gắn với đời sống xã hội, cả quá khứ lẫn đương đại, muốn khơi gợi, nhắc nhở, tỏ bày cho mọi người sống có lòng nhân ái, vị tha, phê phán tính vô cảm trước cái đẹp, trước nỗi đau con người, sự tàn phá môi trường, thói nhũng nhiễu, thói hư, tật xấu của xã hội. Đọc “Nổi sóng”, làm cho tâm hồn ta muốn thoát khỏi cái tầm thường, vươn lên cái cao cả, cao đẹp, cao thượng.
 
Nhà thơ họ Vi chưa bằng lòng với mình, sau “Nổi sóng”, trong dự định anh sẽ xin giấy phép Nhà xuất bản Văn Học để cho ra đời tập thơ hai câu mới nối tiếp những vấn đề gọi là nhạy bén, “nhạy cảm” một cách minh triết hơn.
 
Lê Anh Dũng