Văn Miếu (Hà Nội) được xây dựng tháng 8 năm Canh Tuất tức tháng 10/1070 để làm nơi thờ các thánh hiền đạo Nho: Khổng Tử, bốn vị Tứ phối (Tăng tử, Nhan tử, Tử tư, Mạnh tử) và Thập triết (mười vị hiền triết).
Văn Miếu (Hà Nội) được xây dựng tháng 8 năm Canh Tuất tức tháng 10/1070 để làm nơi thờ các thánh hiền đạo Nho: Khổng Tử, bốn vị Tứ phối (Tăng tử, Nhan tử, Tử tư, Mạnh tử) và Thập triết (mười vị hiền triết).
Sáu năm sau (1076), nhà Quốc Tử Giám được xây ở kề sau Văn Miếu, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ.
|
Cổng VănMiếu. Ảnh: BN |
Văn Miếu có tường bao quanh xây bằng gạch Bát Tràng. Bên trong cũng có những lớp tường ngăn ra làm năm khu. Khu thứ nhất bắt đầu với cổng chính, trên cổng có chữ “Văn Miếu môn”. Dưới cổng là đôi rồng đá mang phong cách thế kỷ 17. Lối đi giữa dẫn đến cổng “Đại Trung Môn” mở đầu cho khu thứ hai. Hai bên còn hai cổng nhỏ có tên là Thành Đức (hoàn chỉnh về đạo đức) và Đạt Tài (thành đạt về tài năng). Vẫn lối đi ấy dẫn đến Khuê Văn Các (gác sao Khuê). Đây là một lầu vuông tám mái, bốn bề có cửa tròn để trống, hình mặt trời (ngôi sao?) tỏa tia sáng, bốn góc lầu có viền câu lơn. Khuê Văn Các được dựng đầu thế kỷ 19, mặt phía Bắc có đôi câu đối: Khuê tinh thiên lãnh, nhân văn xiển. Tứ thủy xuân thâm, đạo mạch trường. Nghĩa là: Sao Khuê (chủ về văn học) rực sáng ở bầu trời, nhân văn được mở rộng. Sông Tứ (quê Khổng Tử) nước sâu trong mùa xuân, kéo dài mạch đạo lý.
Hai bên gác cũng có hai cổng nhỏ có tên là “Súc Văn” và “Bí Văn” (Văn hàm súc và Văn sáng đẹp). Khu thứ ba là từ gác Khuê Văn tới “Đại Thành môn”. Ở giữa khu này có một hồ vuông gọi là “Thiên Quang Tỉnh” (giếng trời trong sáng) có tường hoa bao quanh. Hai bên hồ là hai khu vườn bia tức nơi dựng những bia ghi tên những người đỗ tiến sĩ. Hiện có 82 bia, xưa nhất là bia ghi Khoa Đại Bảo thứ 3 (năm 1442), muộn nhất là bia Cảnh Hưng thứ 40 (tức năm 1779). Giữa mỗi khu có dựng ngôi nhà bia. Nhà bia bên tả có câu đối ở hai bên cửa:
Xa thư cộng đạo kim thiên hạ
Khoa giáp liên đề cổ học cung
Nghĩa là: Thiên hạ nay, xe cùng một vệt bánh, sách cùng một chữ viết, chung sống với nhau
Nhà học xưa, những người đỗ đạt được đứng tên liền nhau.
Nhà bia bên phải cũng có đôi câu đối hay:
Khoa giáp trung lai danh bất hủ
Cung tường ngoại vọng, đạo di tồn
Nghĩa là: Những người trong giới khoa bảng danh tiếng được sống mãi. Từ ngoài cung tường trông vào, càng thấy đạo thánh là tôn quí.
Bước qua cửa Đại Thành là tới khu thứ tư. Một cái sân rộng, hai bên là hai dãy nhà tả vu hữu vu, vốn dùng làm nơi thờ các danh nho (có thờ cả hai danh nho Việt Nam là Trương Hán Siêu và Chu Văn An). Cuối sân là nhà Đại Bái và Hậu cung. Gian giữa nhà Đại Bái có treo tấm hoành đề bốn chữ “Vạn thế sư biểu” (Bậc thầy của muôn đời) nêu cao vai trò thầy đời của Khổng Tử, lạc khoản bên tả đề “Khang Hy ngự thư” (vua nhà Mãn Thanh); bên hữu đề: “Đồng Khánh Mậu Tý (1888) trọng đông thuật đề”. Ngoài bức hoành này hai gian bên tả còn có hai bức: “Tập đại thành” (tập hợp những thành tựu của các Thánh hiền trước mà kết lại), và: “Đức tham thiên hạ” (Đức hóa sánh cùng trời đất). Hai gian bên hữu cũng treo câu đối bằng hai bức hoành: “Đạo quán cổ kim” (Đạo lý bao trùm cả xưa, nay) và: “Phúc tư văn” (Hạnh phúc cho tư văn).
|
Bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: BN |
Tại nhà Đại Bái còn có một số hiện vật rất đáng chú ý, ấy là bên tả có cái chuông “Bích ung đại chuông” (Chuông lớn của nhà Thái học) do Nguyễn Nghiễm - thân phụ thi hào Nguyễn Du, Vũ Miên và Nguyễn Lệ cùng cả Giám đứng đúc ngày đông chí năm Mậu Tý (1768), Lê Cảnh Hưng thứ 29. Bên phải có một tấm khánh đá, mặt ngoài khắc bài minh viết kiểu chữ lệ, nói về công dụng của loại nhạc khí này; mặt trong có hai chữ Thọ Xương (Khánh này vốn ở Văn Chỉ, huyện Thọ Xương chuyển tới).
Hậu cung là chỗ thờ cúng: Gian giữa có tượng Khổng Tử; trước ban thờ có một tự khí đáng kể là cây đèn Long Trúc (rồng trúc) cao khoảng 2m bằng gỗ, sơn son thếp vàng, hình một đoạn trúc hóa Long, trên có cái đài để đĩa dầu (thảo mộc) thắp khi có tế lễ. Hai bên tả hữu có 4 pho tượng Tứ phối đều hướng mặt vào gian giữa. Sát tường Hậu cung, hai bên tả hữu còn có bệ, bên trên mỗi bệ, mỗi bên đặt 5 tấm bia đá khắc tên Thập triết. Cũng ở đây còn có 4 chiếc nghiên mực bằng đá, mỗi chiếc khắc một lối chữ: chân, lệ, tống, triện đầu đề là “Thái học đường nghiễn” (Nghiên nhà Thái học) và Bính Ngọ Xuân trùng tu (mùa xuân năm Bính Ngọ - 1786 - sửa lại). Bốn nghiên này vốn ở khu Quốc Tử Giám cũ.
Sau khu Đại Bái vốn là trường Giám cũ, nơi suốt đời Lê (có thể cả Lý - Trần) là nơi học trò tới học tập, nghe giảng bài. Sau khi nhà Nguyễn cầm quyền (1802), Quốc Tử Giám rời vào Huế, nhà Giám cũ trở thành điện Khải thánh, thờ những đấng sinh thành ra Khổng Tử. Năm 1947, điện này bị quân Pháp phá hủy.
Nếu nói tổng thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì phải kể cả mảnh hồ trước mặt. Hồ này vốn có tên là hồ Văn. Giữa hồ có gò Kim Châu. Trên gò có một tấm bia ghi việc Hoàng giáp Lê Hữu Thanh và cử nhân Đặng Tá trong 2 năm 1863 và 1865 đã sửa sang, nạo vét, mở rộng hồ Văn và xây cất một đình ngói trên góc Kim Châu, làm nơi ngâm vịnh.
Năm 1999, khu Giám đã được xây dựng lại gồm một tòa chính điện nơi thờ vua Lý Thánh Tông (người cho lập Văn Miếu); vua Lý Nhân Tông (người cho mở khoa thi đầu tiên); vua Lê Thánh Tông (người cho dựng bia tiến sĩ) và Chu Văn An, một bậc sư phạm đạo cao đức trọng, tiết tháo từng có thời gian đứng đầu Quốc Tử Giám.
NGUYỄN TIẾN QUỲNH