Xây dựng lực lượng kế cận như một tất yếu khách quan, hợp quy luật đối với mọi ngành nghề, không riêng với văn học nghệ thuật. Những năm gần đây, văn học nghệ thuật Lâm Đồng đang đứng trước thực trạng lão hóa đội ngũ, công tác xây dựng lực lượng kế cận càng là vấn đề cấp thiết.
Xây dựng lực lượng kế cận như một tất yếu khách quan, hợp quy luật đối với mọi ngành nghề, không riêng với văn học nghệ thuật. Những năm gần đây, văn học nghệ thuật Lâm Đồng đang đứng trước thực trạng lão hóa đội ngũ, công tác xây dựng lực lượng kế cận càng là vấn đề cấp thiết.
|
Mùa xuân của sự sáng tạo bao giờ cũng bắt đầu từ tuổi trẻ |
Tính đến cuối năm 2014, Hội VHNT Lâm Đồng có 266 hội viên, xét về mặt số lượng thì đây là lực lượng khá hùng hậu cho một “làng” văn nghệ cấp tỉnh. Trong số đó, có tới 62 văn nghệ sĩ thuộc các Hội VHNT chuyên ngành TW (chiếm tỷ lệ 26%) là lực lượng nòng cốt cho hoạt động sáng tác của Hội. Tuy nhiên, các văn nghệ sĩ mà tên tuổi đã quen thuộc với công chúng đều đã ở vào độ tuổi hơn 50 trở lên như: Đình Nghĩ, Dương Toàn Thiên, Krajan Dick, Dương Toàn Thắng, Khắc Dũng (âm nhạc); Lý Hoàng Long, Võ Văn Nghệ, Bá Trung, Nguyễn Văn Thương, Vũ Thị Tịnh, Trần Thiết Dũng, Vũ Hồng Quang... (nhiếp ảnh); Chu Bá Nam, Vũ Thuộc, Phạm Vĩnh, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Tấn On, Nguyễn Thánh Ngã, Nguyễn Khương Trung, Lê Văn Hiếu (văn học); Lê Hồng Phong, Phan Thị Hồng (nghiên cứu dân gian); Vi Quốc Hiệp, Đặng Ngọc Trân, Sinh Thục, Phạm Mùi, K’Minh Tuấn, Đinh Thanh (mỹ thuật)... Công tác kết nạp hội viên mới cũng không ngăn nổi thực trạng lão hóa đội ngũ khi đa số hội viên mới đều đã ở vào tuổi xấp xỉ 60, cá biệt có cả hội viên ở tuổi 70, 75. Riêng trong năm 2014, Hội kết nạp được 11 hội viên mới thì đến 10 hội viên có tuổi đời từ 55 - 75; chỉ có 1 hội viên chuyên ngành nhiếp ảnh ở Bảo Lộc gọi là trẻ nhất nhưng cũng đã gần 50 tuổi. Ai cũng biết văn học nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù, văn nghệ sĩ già có thể sẽ có những sáng tác chất lượng bởi vốn sống, sự chiêm nghiệm, từng trải đúng với câu thành ngữ “gừng càng già càng cay”. Nhưng không phải gừng nào già cũng cay, và già quá cũng sẽ trở nên cỗi. Có nhiều văn nghệ sĩ khi bước vào độ tuổi “cổ lai hy”, bắt đầu có dấu hiệu khô cứng trong suy nghĩ, đi theo lối mòn, tác phẩm nhạt nhòa, không có dấu ấn, không theo kịp tư duy, lối nghĩ hiện tại. Suy đi nghĩ lại, sự sáng tạo, đột phá vẫn luôn bắt đầu từ tuổi trẻ!
Tuy nhiên, lực lượng sáng tác đang bị lão hóa không đáng lo ngại bằng sự hẫng hụt về lực lượng sáng tác trẻ. Rất hiếm hoi những người trẻ tuổi quan tâm đến hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật. Số hội viên ở tuổi 40 - 50 đã là hiếm; thế hệ 7X (đã xấp xỉ 40 tuổi) của Hội thì chỉ có thể kể không hết đầu ngón tay: Trần Hoàng Vũ Nguyên, Đỗ Xuân Phòng...; thế hệ 8X trên 30 tuổi lại càng hiếm hoi: Cát Miên (văn học), Lê Trọng Nghĩa (mỹ thuật). Mới đây vừa xuất hiện thêm Lê Hòa với những bài thơ có nội lực, nhưng ngay sau đó Lê Hòa đã chuyển về thành phố Hồ Chí Minh với những lo toan đời thường. Thật đáng lo lắng khi nhìn vào các hội nghị của Hội đa phần là những mái đầu bạc, muối tiêu, rất hiếm hoi những mái đầu xanh. Có lần nhà thơ, tiến sĩ Phạm Quốc Ca - Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng từng nói đùa: “Các hội nghị của Hội ta nhìn bề ngoài rất giống hội nghị phụ lão”.
Vấn đề càng khó khăn hơn khi không có nguồn để phát hiện, bồi dưỡng. CLB Sáng tác trẻ từ lâu hầu như không hoạt động, bởi không có những hạt nhân mới để tập hợp. Những người là thành viên CLB được gọi là “trẻ” từ cách đây 15 năm nay đã ở vào tuổi 50. Từ 3 năm nay, Hội VHNT Lâm Đồng đã không thể tổ chức một lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ. Năm 2014, ngay từ đầu năm, BCH Hội đã có công văn gửi đi các cơ sở đào tạo, các trường đại học, nhờ phát hiện những sinh viên, học viên đã có sáng tác mong giúp đỡ, khuyến khích để tập hợp mở lớp bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ 2014. Kết quả chỉ thu được danh sách 11 bạn trẻ đã có sáng tác, và lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ đã không thực hiện được vì thiếu học viên. Trăn trở về vấn đề này, tiến sĩ - nhà thơ Phạm Quốc Ca luôn đặt vấn đề phải phát hiện và bồi dưỡng lực lượng kế cận, trong tất cả các cuộc họp Ban chấp hành. Lãnh đạo Hội chỉ đạo cho 11 chi hội chuyên ngành và chi hội ở các địa phương phải có trách nhiệm phát hiện bồi dưỡng những người viết mới, đặc biệt quan tâm đến các trường học, hướng đến các đối tượng là giáo viên, học sinh. Vì có thể chỉ 15 - 20 năm nữa thôi, đến một nửa các văn nghệ sĩ già sẽ “về với các cụ”, những người còn lại (hiện tại đang ở độ tuổi 50 - 60) cũng vào tuổi “quá chiều”.
Với tinh thần, khó mấy vẫn phải làm, nhiều năm trở lại đây, Hội đã tăng cường tổ chức các hoạt động đưa văn học nghệ thuật đến với công chúng như: ngày thơ, triển lãm, chương trình giao lưu thơ nhạc, giới thiệu tác giả tác phẩm... Trước mắt, Hội chú trọng công tác nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cả về nội dung, tư tưởng nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm ngày càng cao của công chúng. Từ đó “truyền lửa”, khơi dậy khả năng sáng tạo văn học nghệ thuật tiềm ẩm trong một bộ phận công chúng trẻ yêu văn học nghệ thuật. Mặt khác, cũng cần phát động một cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật trẻ trên toàn tỉnh, có thể kéo dài thời gian cuộc thi 2 - 3 năm cho đối tượng người viết không chuyên dưới 35 tuổi. Cuộc thi có thể phối kết hợp với các tổ chức, cơ quan, trường học; có giải thưởng xứng đáng, được trao một cách trân trọng nhằm thu hút lớp trẻ có khả năng sáng tác tham gia. Qua đó, hy vọng sẽ phát hiện được nguồn để bồi dưỡng; đồng thời khôi phục lại CLB Sáng tác trẻ, để lan tỏa các hoạt động sáng tạo.
THÁI AN