Thằng nhỏ ngồi bên máy tính, đôi mắt nó mở to nhìn không chớp vào màn hình. Nghe tiếng xe và tiếng mở cửa nó cũng không dứt mắt ra khỏi cái màn hình...
Thằng nhỏ ngồi bên máy tính, đôi mắt nó mở to nhìn không chớp vào màn hình. Nghe tiếng xe và tiếng mở cửa nó cũng không dứt mắt ra khỏi cái màn hình, nó chỉ nói:
- Em chào thầy, thầy chờ em xí em đang up cái ảnh này lên!
Người mới vào có nước da bánh mật, mái tóc nửa đen nửa trắng để hơi dài che cái cổ ốm có cục hầu nhọn hoắt. Ông ta nhìn qua thằng bé rồi nhìn vào màn hình. Tằng hắng một tiếng, người đàn ông nói:
- Thôi ông tướng nghỉ đi đến giờ học rồi!
Lúc đó là một giờ trưa ca học bắt đầu ở giờ này, thằng bé càm ràm:
- Thầy ơi cho em một chút nữa! Em mới ăn cơm xong lúc một giờ kém mười mà thầy, em đang trên face!
- Ông lúc nào cũng phây với phét sao để tôi coi ông tải cái hình nào mà lên lâu quá “dzậy”?
Đó là hình một con bé giơ hai ngón tay hình chữ V, con bé có một cái lúm đồng tiền nó đang cười khoe một cái răng khểnh nhỏ xíu, thằng nhỏ đang viết comment. Ông nghiêm giọng:
- Bạn gái của ông hả, cũng đẹp đó, nhưng thôi dẹp, học đi đã sau này muốn gì thì muốn!
Thằng nhỏ trợn mắt:
- Thầy nói sao con “nanh trắng” này mà là bạn gái của em hả? Không bao giờ, em ghét nó nhứt đó thầy!
- Sao lại ghét?
Người được gọi bằng thầy hỏi, thằng nhỏ không trả lời mà hỏi ngược lại:
- Thầy có kẻ thù không?
Người đàn ông nhướng mắt:
- Kẻ thù à, để tôi coi lại đã không lẽ con bé đó lại là kẻ thù của ông à?
- Đúng đó thầy, hễ em nói bất cứ điều gì nó đều cãi lại hết! Nói đúng nó cũng cãi, nói sai nó lại càng cãi bạo hơn! Em ghét quá định méc với cô chủ nhiệm nó đi học bằng xe 110 phân khối gởi ở nhà con Yến cho nó bị hạ bậc đạo đức chơi!
- Rồi ông có méc không?
Thằng nhỏ cúi đầu:
- Em mới “định” thôi, nhưng nghĩ lại thấy làm sao ấy bởi lâu lâu nó mới đi một lần. Hôm trước em rình nó vừa gởi xe xong quay ra đi học với con Yến, em vờ vô nhà con Yến hỏi bà nội nó mấy câu rồi quay ra xì bánh xe…
Người thầy hỏi:
- Rồi sao?
- Dạ, không sao hết, nó dắt có chút xíu ra đầu ngõ là có tiệm sửa xe mà!
- Tôi hiểu rồi…và nó cười vào mũi ông chớ gì?
Thằng nhỏ im lặng, người thầy nói “thôi học đi ba ông trả cho tôi tám chục một giờ, nãy giờ mất toi năm phút ông tính coi hết bao nhiêu tiền hả?”
Thằng nhỏ lí nhí “dạ, dạ…”. Người thầy:
- Có chút đó mà cũng tính không ra, ông chỉ phây, phét là giỏi!
Buổi học trôi qua lặng lẽ. Dường như thằng nhỏ hơi mệt, mắt nó lơ mơ chắc nó buồn ngủ, người đàn ông nghĩ. Trước khi cho cuốn sách vào cặp ra về người đàn ông dặn:
- Sáng mai lên lớp ông cố nhớ giúp tôi cách làm bài người ta chỉ thay số thôi hiểu chưa?
- Dạ hiểu.
- Tôi về à?
- Mà thầy ơi, chiều mai thầy cho em nghỉ nghen?
Người đàn ông:
- Không được!
Thằng nhỏ:
- Đi thầy?
Người đàn ông:
- Ba ông thuê tôi tuần tám tiết nghỉ hai tiết là tôi mất toi trăm sáu, ông biết trăm sáu là gì không hả?
Thằng nhỏ:
- Đâu có sao thầy, em sẽ nói mẹ em trả đủ cho thầy mà!
- Tôi nói không được là không được, mà tôi hỏi thật ông nghỉ học để làm gì?
- Dạ em đi sinh nhật bạn!
Ngần ngừ một chút người đàn ông nói tiếp:
- Thôi tôi cũng chịu hy sinh một chút, vậy chiều chủ nhật này học bù từ ba giờ đến bảy giờ. Chúc ông dự sinh nhật “dzui dzẻ”, tôi về à!
Dạy xong buổi học chiều chủ nhật người đàn ông định về như thường lệ thì ông chủ nhà ra phòng học mời:
- Mời thầy ở lại dùng cơm với gia đình! Tôi nhờ thầy kèm thằng Hiếu lâu nay mà hôm nay tôi mới có dịp!
Người thầy trả lời:
- Cám ơn ông chủ tịch! Xin phép ông cho tôi về!
Người chủ nhà cười:
- Thầy lại nói quá lên rồi, tôi chỉ là phó thôi nhưng ở nhà ai lại đem chuyện chức vụ ra gọi làm gì cho kém thân mật đi hả thầy?
Người thầy cười:
- Thì tôi gọi trước mà! Chánh với phó chỉ cách nhau một chút chớ bao xa, ông phó chủ tịch thông cảm nhà tôi hay coi phim Hàn Quốc tôi cũng nhiễm chút xíu phim Hàn mà!
Ông chủ nhà thân mật nắm tay người thầy mời vào phòng ăn, ông trang trọng kéo cái ghế mời người thầy ngồi. Bữa ăn chỉ có hai người, bà chủ nhà loay hoay chăm sóc cho hai người đàn ông, bà ta không ăn. Sau ba ly rượu câu chuyện của họ trở nên tự nhiên hơn, ông chủ nhà nói:
- Vợ chồng tôi cám ơn thầy hôm kia làm bài tập môn toán thằng Hiếu được tám điểm!
Người thầy ngạc nhiên:
- Sao lại tám, tôi đã dặn kỹ kiểu bài tập này cách làm là như thế… như thế, sao lại chỉ tám thôi?
Người vợ giờ mới nói:
- Thầy coi đó là con tám đầu tiên của thằng Hiếu từ ngày lên cấp ba, vợ chồng tôi mừng lắm. Nhà tôi bảo làm mấy món để anh ấy mời thầy dùng cơm nói mấy lời cảm tạ.
Ông chủ nhà cười:
- Nhà tôi nói đúng đó thầy tôi mừng lắm, thầy thông cảm tôi bận công tác tối ngày không có thì giờ chăm sóc cho thằng Hiếu, thôi thì trăm sự nhờ thầy…
“Ra là vậy” người thầy nghĩ, “chẳng bù ngày trước môn toán mà mình được thầy cho mười sáu điểm chắc là mất ngủ cả tuần, mà mình nào biết cái cảm xúc được mười sáu điểm ra sao, chỉ toàn hai mươi, hai mươi, rồi lại hai mươi, hai mươi…”. Ông giáo cười khẽ nhớ cái thang điểm hai mươi ngày mình học khác với bây giờ mười điểm là tột bậc.
- Thằng Hiếu cũng thông minh nhưng có cái tội nghịch và nghiện…
Nghe tới đó bà chủ nhà kêu lên:
- Thầy nói sao thằng Hiếu nó nghiện à?
Mặt bà tái mét. Người chồng cũng không hơn gì, ông đưa mắt nhìn vợ rồi quay qua nhìn người thầy. Thấy vậy người thầy cười xòa:
- Anh chị yên tâm không có gì là nghiêm trọng đâu, tôi nói chưa hết, thằng Hiếu nó nghiện face book mà thôi!
Bà chủ nhà:
- Ôi thầy, thế mà tôi tưởng…
Tới ly rượu thứ năm, người thầy xin thôi, ông định ra về nghỉ ngơi ngày mai “cày” tiếp. Nhưng gia chủ không cho, ông nói:
- Mấy khi được tiếp thầy, vả lại hôm nay là một bữa tối hiếm hoi tôi được rảnh, thôi thì mời thầy uống với tôi vài ba ly nữa. Tôi nghe nhà tôi nói thầy không đi dạy mà sao thầy đi dạy kèm được, cái môn toán đó đâu dễ dàng gì?
Người thầy trả lời:
- Anh nói đúng, tôi không đi dạy nhưng kiến thức môn toán cấp ba tôi không quên chút nào đâu!
Ông tiếp:
- Chắc anh chưa tin phải không. Số là thế này: thằng con đầu tôi lúc đi học phổ thông cháu xin học thêm tôi không cho bởi không có tiền đóng học phí, đâu phải ít so với thu nhập của tôi lúc đó. Cháu nói “con không đi học thêm con sợ không theo kịp bạn”. Tôi dỗ nó “con yên tâm, ba sẽ kèm con học”. Nó vẫn nằn nì xin đi học, tôi gắt, nó bảo “con sợ cô đì vì không đi học thêm ở nhà cô”. Cáu quá tôi nói “con phải đặt mục tiêu trong đời là tốt nghiệp phổ thông thi đậu đại học, những kỳ thi đó cô con có chấm bài không?”. Nó trả lời “dạ không?”. Tôi nói “vậy sao cô đì con cho được?”. Lúc đó nó mới chịu im. Tôi lỡ hứa với cháu nên phải tìm sách coi lại kiến thức để kèm cho nó, theo riết bảy năm trời nên kiến thức thuộc như cháo, giờ anh hiểu rồi chớ?
Ông chủ nhà nói:
- Hóa ra là vậy, lúc đó anh làm nghề gì?
- Thưa thiệt với anh hồi thanh niên tôi cũng đi học sư phạm, ra trường đi dạy mấy năm ở trường cấp một bây giờ ta gọi là trường tiểu học. Tôi lấy vợ ở nơi dạy học, sinh ra được đứa con gái nó xinh như một thiên thần nhưng cháu không ở lâu với vợ chồng tôi. Nó bị suy dinh dưỡng chưa tròn năm thì chết. Lương thầy giáo như tôi lúc đó anh biết rồi không đủ ăn đã đành, lại chỉ nhận được ít gạo còn lại là bo bo với sắn mì thì lấy đâu mà mua sữa nuôi con? Nhà tôi thì bị mất sữa nên cháu cứ phải uống thứ nước cháo pha chút đường tiêu chuẩn hàng tháng của tôi! Sau đận đó vợ tôi ly dị với lý do là tôi không đủ khả năng nuôi con, cô ấy vượt biên giờ ở bên Mỹ. Lúc đó tôi đau lắm nhưng cô ấy nói đúng, tôi không có khả năng nuôi con vì thu nhập của giáo viên thấp lắm, tôi bỏ dạy… đi buôn. Mà nói anh đừng cười không phải ai cũng buôn bán được. Tôi quay qua làm nghề khác và trụ lại với nghiệp xe ôm để nuôi hai đứa con với người vợ sau, sống cũng khổ lắm. Cách đây ba năm, tôi dạy con gái tôi làm một bài toán hóc búa với cách giải ngắn, gọn, chính xác, thầy giáo cháu khen quá xá. Từ đó tôi… “nổi tiếng”, mấy vị phụ huynh lớp cháu nhờ tôi dạy kèm con họ. Từ từ tôi bỏ hẳn nghề xe ôm chuyển qua đi dạy kèm tại tư gia, vậy mà sống được…
Người thầy kết luận:
- Tôi sai lầm lúc bỏ nghề đi dạy, tôi có duyên với nghề giáo mà cái duyên này quá lớn nên kéo tôi trở lại làm thầy. Tôi mới kèm cháu Hiếu nửa tháng anh chị yên tâm, đầu học kỳ hai cháu Hiếu sẽ khá, nó là một thằng thông minh tuy hơi “quậy” một chút nhưng tôi đã có cách. Thôi tôi xin chào ông bà tôi về.
Thằng Hiếu đưa thầy ra cổng nó nói:
- Thưa thầy về ạ!
Người thầy dặn:
- Ông bớt lên face lại ngày một tiếng thôi, loạng quạng ông thua con “nanh trắng” đó. Con trai mà thua toán con gái là nhục biết chưa ông tướng?
Thằng nhỏ kêu lên:
- Sao thầy biết con nhóc đó hả?
Người thầy:
- Nè ông nhóc không lẽ tôi lại không biết con gái tôi à?
Ông giáo già ra về bỏ lại phía sau gương mặt của thằng Hiếu còn chưa hết vẻ sượng sùng.
Hết học kỳ một là gần tết, người thầy dạy kèm giữ đúng lời hứa với ba mẹ thằng Hiếu, thằng nhỏ chỉ sém chút nữa là đạt học sinh giỏi. Lần này vợ chồng ông phó chủ tịch vui ra mặt, hai người không giữ ông giáo lại mời cơm mà “chỉ xin gặp mặt thầy chút xíu sau giờ dạy, nhà tôi tối nay còn phải đi tiếp khách”. Ông giáo ngạc nhiên khi vợ chồng ông phó chủ tịch biếu ông một giỏ quà. Nhìn thoáng qua thấy một chai rượu ngoại và một hộp bánh ngọt kèm cái bì thư. Rất thẳng thắng ông giáo dứt khoát không lấy cái bì thư, chỉ xin nhận chai rượu và hộp bánh với cái lý do hết sức thực tế:
- Tôi đã nhận tiền công từ việc dạy cháu đúng như thỏa thuận giữa tôi và anh chị. Tôi nghĩ anh chị nên dùng số tiền này thưởng cho cháu Hiếu, tiền thưởng đúng thời điểm sẽ khiến cháu Hiếu nỗ lực hơn nữa trong học kỳ hai!
Quà tết là một tập tục tốt đẹp có từ lâu đời, ông giáo đi dạy kèm tháng tháng cũng kiếm được chừng mươi lăm triệu nên cũng không đắn đo lắm với việc mua quà đi tết mấy chỗ thân tình, những người ơn nghĩa. Ông giáo cũng nhận được quà tết như giỏ quà của cha mẹ thằng Hiếu, ông thấy vui trong lòng. Về tới nhà ông giáo gặp khách, ông ngạc nhiên kêu lên:
- Bác Toàn! Lâu quá cháu mới gặp lại bác, bác khỏe không?
Đó là một ông già nhà quê, từ cung cách, cử chỉ đến nước da màu nâu đậm của một người làm việc trong nắng gió. Ông Toàn là chủ nhà cho ông giáo ở trọ không tiền những ngày ông giáo mới vào nghề. Sau một hồi hỏi thăm sức khỏe nhau, ông Toàn nói:
- Tôi đem biếu thầy mấy lít rượu quê nhà nấu, quà tết chỉ có vậy mong thầy đừng cười!
Ông giáo nói “bác ơi cháu không dám cười đâu mà còn thích nữa, rượu nhà nấu còn ngon hơn ở chỗ nghĩa tình, cháu cám ơn bác”.
|
Minh họa: HT |
Ông Toàn:
- Tôi cám ơn cậu thì có, cậu nhớ thằng út nhà tôi không, báo cậu mừng nó vừa làm xong cái luận án tiến sĩ. Tháng rồi nó về thăm nhà, tôi thấy nó tần ngần đứng miết chỗ cái bàn ngày trước nó làm góc học tập. Tôi hỏi sao nó đăm chiêu vậy, nó mới kể hồi nó học lớp 2, lớp 3 gì đó thầy dạy nó phép chia, thầy dặn khi chia phải chia cho hết cho đến khi không còn số dư, đó mới là công bằng. Nó than con làm theo lời thầy mấy chục năm nay nhưng nhiều khi lợn cợn, cái số dư nhiều khi nằm chình ình vậy mà không sao chia cho hết. Rồi nó kể, nhờ thầy dạy nó làm toán giúp người ta giải quyết công việc chính xác, khoa học và hiệu quả. Nó thích học toán, nghe lời thầy nó chia thời gian không còn số dư nên được cái học bổng đi Pháp du học, giờ nó ở bển dạy luôn. Tôi biết nhờ lời dạy của thầy mà cháu được đến ngày nay, tôi cám ơn thầy lắm. Tôi có bà con ngoài Bắc gởi biếu tôi tạ nếp cái hoa vàng, tôi nấu nồi rượu chắt ra thứ nước nhứt gởi thầy uống lấy thảo ba ngày tết!
Ông Toàn vừa về thì thằng con đầu ông giáo ở Sài Gòn về ăn tết, nó dẫn theo đứa bạn. Thăm hỏi một hồi, thằng Thắng thấy trên bàn chai rượu ngoại, nó cầm lên xem kỹ, lại còn lắc lắc rồi dốc ngược chai rượu. Xem xong thằng nhỏ nói:
- Rượu này là rượu giả, bác!
- Sao cháu biết?
- Nhà con buôn rượu này mà, rượu thì nhập khẩu đàng hoàng, tem này là tem xịn, nhưng thứ nước bên trong thì là cồn cộng phẩm màu và hương liệu, thứ này ở “bển” làm!
Ông giáo:
- Ở đâu?
Thắng cười cười, tay nó chỉ về phương bắc. Thấy ông giáo cũng chưa tin hẳn, Thắng giải thích:
- Con lắc chai rồi dốc ngược, nếu là rượu thiệt thì sẽ có “nước mắt rượu” từ từ chảy xuống óng ánh bảy màu, còn cái chai này không có gì hết!
Ông giáo sầm mặt, không biết ai đã biếu ba thằng Hiếu chai rượu này? Chắc ba Hiếu cũng không biết cái vụ chai rượu nhập là chai rượu giả, chắc ông thuận tay quơ đại một chai rượu cho vào giỏ biếu mình, cũng chỉ là lấy của làng làm ơn ông xã, ông giáo nghĩ.
Ông giáo mang chai rượu ra sau nhà bếp, lặng lẽ đổ rượu xuống cái cống lộ thiên. Một dòng nước màu nâu sẫm nồng nặc mùi cồn chảy ra từ miệng chai nhanh chóng hòa lẫn vào màu đen của thứ nước cặn bã đang rì rì chảy.
Ông giáo súc thật kỹ cái vỏ chai rượu Tây, ông sẽ chứa thứ rượu cất từ nếp cái hoa vàng nhâm nhi ba ngày tết. Vừa làm ông giáo vừa nghĩ không biết rượu quê có nước mắt rượu không? Chắc là không, nước mắt rượu có lẽ thấm ngược vào bên trong những người nông dân như ông già Toàn để biến thành nước da màu nắng gió!
Ông giáo tủm tỉm cười với cách lý giải của mình.
Tết này ông giáo tiếp khách bằng rượu “Tây”…
Truyện ngắn: VÕ ANH CƯƠNG