Ngày nay, giống như người Kinh, vào dịp Tết Nguyên đán, bà con dân tộc thiểu số cũng thường diện những bộ áo quần đẹp nhất để đến thăm hỏi và chúc phúc cho nhau. Những bộ trang phục thổ cẩm ấy dần trở thành một nét đẹp văn hóa rất đáng trân trọng trong cộng đồng người thiểu số ở những buôn làng ngày xuân...
Ngày nay, giống như người Kinh, vào dịp Tết Nguyên đán, bà con dân tộc thiểu số cũng thường diện những bộ áo quần đẹp nhất để đến thăm hỏi và chúc phúc cho nhau. Những bộ trang phục thổ cẩm ấy dần trở thành một nét đẹp văn hóa rất đáng trân trọng trong cộng đồng người thiểu số ở những buôn làng ngày xuân. Như đã trở thành một thói quen, các thiếu nữ, các cụ bà người thiểu số khi vào đêm ba mươi tháng chạp âm lịch lại lấy từ trong ngăn tủ ra bộ váy thổ cẩm đẹp nhất, tinh tươm nhất để diện vào và ra khỏi nhà... Và, đằng sau những chiếc váy đó là cả một làng dệt hiện ra...
|
Bà Cill Mup Ha Bông (thôn Bnơ C, xã Lát, Lạc Dương) bên khung dệt |
Đã là phụ nữ thì phải biết ngồi trước khung cửi
Chị Ka Yêu (người Cơho) ở Nthol Hạ (huyện Đức Trọng) năm nay chưa đến bốn mươi tuổi nhưng con gái của chị đã sắp “bắt chồng”. Chị bảo: “Cái váy, cái áo của con gái mình, mình mua nó ở trên tận xã Lát của huyện Lạc Dương đấy. Hôm trước mình lên Đà Lạt chơi, vào trong xã Lát, thấy bộ áo váy đẹp, mình mua để con gái “bắt chồng”. Nó thích lắm. Tết này là lần đầu tiên nó mặc. Mình vui lắm!”. Chúng tôi hỏi chị: “Nhà mình không có khung dệt hả?”. Ka Yêu trả lời: “Có chớ! Thì mình vẫn nhận hàng dệt thổ cẩm của mấy người ở Klong để dệt ở nhà mà. Mình dệt, con gái mình cũng dệt. Phụ nữ Cơho ai cũng biết dệt hết đấy! Nó là cái nghề của ông bà mình để lại nên phải giữ chớ. Còn với bộ thổ cẩm cho con gái mình, mình mua ở xã Lát ấy là mua để cho con gái mình mặc vào dịp lễ tết, cũng là mua để học hỏi cái hay cái đẹp của cách dệt thổ cẩm của người Cill ở trên ấy rồi áp dụng vào cái dệt thổ cẩm của người Cơho ở Nthol Hạ này”.
Phải thẳng thắn mà thừa nhận thì trong những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm - một nghề truyền thống có tự lâu đời của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên - đã bị mai một khá nhiều. Đến các buôn làng ngày nay, rất ít khi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ ngồi trước khung dệt tỉ mẩn với từng sợi tơ màu chàm được làm từ cây bông vải. Tuy nhiên, không ai bảo ai, những phụ nữ làm mẹ trong những buôn làng ấy vẫn cứ thỉnh thoảng ngồi trước khung dệt để dạy cho con gái mình cách dệt tấm ui, cách dệt chiếc khố, cái áo khoác chui đầu của đàn ông, tấm áo có cài nút của đàn bà... Họ, những người phụ nữ ấy, “hành nghề” không vì miếng cơm manh áo thường nhật mà đơn giản chỉ vì đó là cái nghề truyền thống không bỏ được. Với lại, với người phụ nữ dân tộc thiểu số Mạ, Cơho, Churu, Cill, Lạch... không biết ngồi trước khung cửi thì không phải là phụ nữ. Vì thế, ngoài lúc làm vườn, ngoài lúc lên nương hay xuống suối bắt con cá, con cua..., vào thời gian rỗi rảnh ban trưa hoặc chiều tối, người phụ nữ lớn tuổi lại mang khung dệt ra để dạy cho con gái mình, cho cháu gái mình từng kiểu bật bông, từng cách xe sợi, từng cách nhuộm màu để có sợi bông đưa vào khung dệt; dạy cho đứa cháu gái lớn cháu gái nhỏ biết đâu là con thoi lớn và đâu là con thoi nhỏ để xiên con xỏ gỗ theo mớ ba hay mớ bảy qua sợi chàm hay sợi trắng để có chiếc váy đẹp nhất, đúng với kiểu mặc truyền thống của dân tộc mình nhất.
Lặng lẽ với thời gian
Một trong những làng dệt thổ cẩm nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua là làng dệt thổ cẩm Bnơ C thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương. Chị Mbon Ka Đa, một cán bộ phụ nữ của xã Lát nói: “Chị em dân tộc thiểu số ở xã Lát chúng tôi làm cái nghề này, trước hết là vì nghề truyền thống phải gìn giữ. Còn bảo rằng dệt thổ cẩm để đổi lấy gạo thì khó lắm! Có những chị ở làng Bnơ C này được tổ chức hội phụ nữ huyện, xã đưa về tận làng dệt Chăm ở Ninh Thuận tập huấn, học nghề...; đến khi về, tay nghề vào hạng đẳng cấp cao trong làng nhưng vẫn không thể sống bằng nghề dệt thổ cẩm chứ nói gì đến mấy chị em “tay ngang” trong làng”.
Một trong những phụ nữ có tay nghề dệt thổ cẩm đẳng cấp cao của làng dệt Bnơ C đó là chị Ka Chương (năm nay hơn 40 tuổi), con dâu của cụ bà Cill Mup Ha Bông (73 tuổi), nhà ở gần nhà thờ thôn Bnơ C. Hôm chúng tôi tìm đến, nhà Ka Chương đóng cửa. Bà Ha Bông bảo: “Đang vào vụ thu hoạch cà phê, cả hai vợ chồng nó ở miết trên rẫy. Chúng nó hái cà phê được tiền nhiều hơn làm thổ cẩm. Đến tối mịt nó mới về!”. Chúng tôi hỏi: “Ka Chương được đưa đi học ở Ninh Thuận, chả nhẽ bỏ nghề?”. Bà Ha Bông trả lời: “Ơ, không đâu! Ngày nào rảnh, nó vẫn ngồi trước khung dệt. Nó chỉ bảo bày vẽ cho mấy đứa con gái nhỏ đâu vào đó lắm. Chỉ có điều là cái ui nó làm ra bán không bằng cái cà phê trên rẫy nên nó làm cái cà phê trước rồi sau đó làm cái thổ cẩm. Thì cũng đúng thôi, chỉ có mình già rồi, cái chân mỏi rồi, không đi xa được nên phải ngồi ở nhà mang cái khung dệt ra cho đỡ buồn, đỡ nhớ. Còn chúng nó, cái chân còn nhanh, cái mắt còn tinh thì lên nương, ra vườn kiếm tiền. Khi nào hết công hết việc thì chúng mới ngồi bên khung dệt”. Cũng ở Bnơ C, khi dân làng không sống được bằng nghề dệt thổ cẩm thì một nhóm người mang cả khung dệt lên đỉnh núi Langbian, một điểm du lịch có đông du khách ghé thăm, để “dệt biểu diễn” và bán hàng ngay tại chỗ cho khách du lịch. Công việc này của những người phụ nữ Cill, phụ nữ Lạch hẳn là khá phập phù, nhưng nếu ai đó chịu khó quan sát thì dễ nhận ra điều này: Cho dù cả ngày không bán được món hàng nào thì trên gương mặt những người phụ nữ đó vẫn giữ vẻ bình thản, bình thản một cách lạ thường. Chỉ đơn giản một điều là, họ dệt ở đó, ở chỗ có đông du khách, trước hết là để giữ nghề, sau đó là còn nhằm mục đích giới thiệu với du khách rằng người Lạch, người Cill dưới chân núi Langbian có một nghề truyền thống thổ cẩm rất độc đáo! Cô bé Chil Ben năm nay chưa đến mười tuổi nhưng có đến hơn 5 năm theo mẹ lên đỉnh Langbian vào những ngày không phải đến lớp để “phụ mẹ bán hàng” (lời của cô bé). Có hôm, cả ngày chúng tôi lang thang trên đỉnh Langbian để quan sát cô bé Chil Ben chưa đến mười tuổi ngồi dệt những sợi dây trang trí một cách thành thục và vừa “phụ mẹ bán hàng” xem có bán được gì không, nhưng chỉ thấy những du khách đến hỏi hỏi sờ sờ vào các mặt hàng thổ cẩm của hai mẹ con họ đang bày trên tấm bạt ngay trên mặt đất chứ không thấy ai móc ví trả tiền cho món hàng nào đó. Một chút buồn thoáng qua; nhưng ngay sau đó, hình ảnh cô bé bé xíu ngồi trên đỉnh Langbian dưới cái lạnh se sắt với đôi tay thoăn thoắt trên khung dệt be bé xinh xinh đã lấn át tất cả.
Có thể có ai đó không mấy thiện cảm trước hình ảnh những người phụ nữ dân tộc thiểu số trong khu du lịch Langbian cứ bám lấy chân du khách để mời mọc mua hàng thổ cẩm của họ; nhưng với chúng tôi thì không, vì dưới một góc độ nào đó mà nhìn thì đây cũng là một trong những cách thức đưa sản phẩm du lịch truyền thống là thổ cẩm của các dân tộc bản địa tiếp cận với thế giới bên ngoài. Vấn đề là chúng ta phải biết tổ chức như thế nào, biết hướng dẫn họ như thế nào để cách tiếp cận này mang lại hiệu quả cao nhất, lịch sự nhất mà thôi!
Giữ gìn những giá trị văn hóa
Không ai dám cãi khi có ai đó nói rằng những giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã đóng góp một phần nào đó vào sự phong phú, đa dạng, đặc sắc của dòng chảy văn hóa của vùng đất Nam Tây Nguyên, Tây Nguyên và cả Việt Nam. Trong nhiều năm qua, chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đó của đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục các làng nghề truyền thống. Đến nay, tỉnh đã công nhận trên dưới 20 làng nghề và một nghề là nghề làm nhẫn bạc. Với riêng nghề dệt thổ cẩm, mới đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định công nhận làng nghề dệt thổ cẩm thôn 3, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm “đạt tiêu chí làng nghề truyền thống”. Như vậy là cho đến lúc này, cả tỉnh Lâm Đồng đã có ít nhất 7 làng nghề phi nông nghiệp - dệt thổ cẩm, được công nhận là làng nghề truyền thống; đó là các làng nghề dệt thổ cẩm Bnơ C (xã Lát, Lạc Dương), Đam Pao (xã Đạ Đờn, Lâm Hà), Đạ Nghịch (Lộc Châu, Bảo Lộc), Buôn Go (Đồng Nai, Cát Tiên), khu phố 6 Đồng Nai (Cát Tiên), thôn 4 Phù Mỹ (Cát Tiên) và mới đây là thôn 3 Lộc Tân (Bảo Lâm). Cùng với nghề và làng nghề dệt thổ cẩm, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng còn có một nghề vô cùng độc đáo là nghề làm nhẫn bạc và nghề này cũng đã được công nhận là “nghề truyền thống”. Được công nhận, những làng nghề và nghề truyền thống này được hưởng những ưu đãi như chính sách khuyến khích về mặt bằng sản xuất, về đầu tư tín dụng, về các chính sách trên lĩnh vực xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực...
Không chỉ có chính quyền mà ngay cả một số cá nhân người Kinh cũng tỏ ra hết sức trăn trở trước sự mai một của nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số. Cách nay cũng khá lâu, trong một chuyến công tác, chúng tôi tình cờ quen được anh Nguyễn Đức Hải ở thôn 3, xã Lộc Tân (Bảo Lâm) - một xã có hầu hết người dân tộc thiểu số sinh sống. Tình cờ nhưng mà chủ động làm quen bởi anh Hải là một người Kinh đã dám bỏ tất cả mọi thứ ở phố thị để lội vào tận vùng sâu Lộc Tân với mục đích duy nhất là khôi phục nghề dệt truyền thống của người Mạ. Rồi sau đó, cách nay vài năm, chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy anh Hải lên Đà Lạt dựng nhà kiểu nửa sàn nửa trệt ngay trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng để đưa nghệ nhân người dân tộc thiểu số từ Lộc Tân lên dệt vải và làm rượu cần. Thật thú vị khi hỏi ra, chúng tôi được biết rằng đó là kết quả của cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh Hải với ông Giám đốc Bảo tàng Phạm Hữu Thọ: Trong một chuyến công tác về Lộc Tân, thấy mô hình “bảo tồn văn hóa người Mạ” của anh Nguyễn Đức Hải khá độc đáo, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng ngỏ lời mời anh lên “lập làng” ngay trong khuôn viên Bảo tàng ở Đà Lạt. Có lẽ không nên đặt nặng vấn đề hiệu quả kinh tế từ những mô hình đó mà chỉ cần nghĩ đến tấm lòng của những người như anh Nguyễn Đức Hải là chúng ta đủ để cảm thấy ấm áp trước một nghề đang có nguy cơ mai một của đồng bào dân tộc thiểu số này rồi!
Có thể nói, ý thức giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Lâm Đồng - Tây Nguyên, cụ thể là nghề dệt thổ cẩm, của chính bản thân bà con, của những người “bên ngoài” như anh Nguyễn Đức Hải và trên hết là của chính quyền các cấp là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để bà con của các làng nghề dệt thổ cẩm sống được bằng chính nghề của họ lại là điều trăn trở cho tất cả chúng ta hiện nay!
VŨ KHẮC