(LĐ online) - Trang bìa 1 là bức tranh với gam màu sáng tươi về thiên nhiên, cảnh vật, trong đó khắc họa nhân vật con dê biểu tượng cho năm "Mùi". Bìa 2 là bức tranh ấn tượng về Đảng và Bác Hồ của một hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, tác giả Phan Văn Gái, đạt Giải nhì Cuộc thi tranh cổ động toàn quốc năm 2015.
(LĐ online) - Tạp chí LangBian số 137, 138 (tháng 2 và 3/2015) là ấn phẩm sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) của Hội VHNT Lâm Đồng vừa ra mắt bạn đọc. Đây là ấn phẩm gộp 2 số với nhiều chủ đề như: Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2015); Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cùng những thể loại, chuyên mục thường lệ: văn; thơ; sáng tác trẻ; nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT; văn nghệ dân gian; văn học nước ngoài; nhạc và mỹ thuật…có độ dày 132 trang. Bài viết này chỉ chấm phá vài nét nhằm giới thiệu với bạn đọc ngày xuân.
Trang bìa 1 là bức tranh với gam màu sáng tươi về thiên nhiên, cảnh vật, trong đó khắc họa nhân vật con dê biểu tượng cho năm “Mùi”. Bìa 2 là bức tranh ấn tượng về Đảng và Bác Hồ của một hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, tác giả Phan Văn Gái, đạt Giải nhì Cuộc thi tranh cổ động toàn quốc năm 2015.
|
LangBian Xuân Ất Mùi 2015 |
Như đã nói, tạp chí LangBian số này đăng tải nhiều thông tin về sự kiện kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ở chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bài viết về thầy giáo THPT Nguyễn Hải Lâm ở huyện Di Linh của tác giả Kiều Ninh và vận động viên (VĐV) thể hình người dân tộc Chu Ru-anh Se Pha, huyện Đức Trọng của tác giả Ma Nhung. Hai tấm gương được các tác giả khắc họa về quá trình phấn đấu, rèn luyện để đạt những đỉnh cao trong chuyên môn của mỗi người. Một thầy giáo 33 năm tâm huyết có nhiều thành tích tiêu biểu trong sự nghiệp “trồng người”, một VĐV 26 tuổi đã trở thành VĐV người Chu Ru đầu tiên dự tranh SEA Games, lực sĩ dân tộc thiểu số đầu tiên ở Việt Nam của môn thể hình.
Về “địa hạt” văn xuôi, LangBian kỳ này có đến 15 tác phẩm, trong đó nhiều nhất là truyện ngắn, cùng một số tác phẩm thể ký… Có những tác phẩm ngược về quá khứ chiến tranh (truyện ngắn “Gặp lại mùa xuân” của Nguyễn Thanh Hương), có tác phẩm mới thời của hôm qua (truyện ngắn “Hoa đồng tiền mùa xuân” của Nguyễn Tấn On), và cả những xúc cảm tươi mới thời hiện tại (tùy bút “Đà Lạt nỗi nhớ đằm sâu” của Nguyễn Thánh Ngã)… Đó là không gian về những vùng đất cụ thể ở Lâm Đồng, cảm xúc “chân thiện mĩ” gắn với cái đẹp của mùa xuân về sau ô cửa… Với truyện ngắn “Mùa người”, nhà văn Chu Bá Nam đưa đến người đọc sự thích thú, từ tên của tác phẩm gợi, đến cách khép lại đầy triết lí chiêm nghiệm. Tác giả Chu Bá Nam dựng truyện bằng vốn liếng nhiều về hiện thực cuộc sống và ngôn từ, hình ảnh. Mạch kể chậm rãi, có phần dí dỏm, quan sát kỹ lưỡng và luận giải lắng sâu về lẽ nhân sinh, về thân phận…
Ở mảng thơ, tạp chí có 31 tác phẩm của nhiều nhà thơ trong và ngoài tỉnh đã quen thuộc với bạn đọc như Phạm Vĩnh, Phạm Vũ, Mộng Sinh, Lê Bá Cảnh, Vũ Dậu, Đặng Thị Thanh Liễu, Nguyễn Thanh Đạm, Phan Hữu Giản, Lê Đình Cánh,… Ngoài một số tác phẩm viết về Bác Hồ, về Đảng và đất nước, thơ của các tác giả hướng cảm xúc nhiều đến mùa xuân. Rất nhiều cung bậc cảm thức về xuân của đất nước, từ đất liền đến hải đảo, từ miền cao đến đồng bằng…Sắc xuân, nét xuân được cảm cả chiều rộng của không gian, cả chiều dài của thời gian. Có cảm giác Nàng Xuân hiện hữu ở mọi vùng quê hương nước Việt dấu yêu.
Chuyên mục Nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT có bài “Ý thức mới về Thơ mới” của nhà thơ Phạm Quốc Ca, bàn về cuốn sách “Thơ mới những bước thăng trầm” của GS Lê Đình Kỵ. Qua đọc chuyên luận này, tiến sĩ Phạm Quốc Ca một lần nữa khẳng định sự đóng góp về phương diện lý luận, phương pháp luận của GS Lê Đình Kỵ rất đáng trân trọng và là “tác phẩm không thể không đọc khi nghiên cứu về Thơ mới”. Cũng nghiên cứu sâu, tiến sĩ Lê Hồng Phong với bài “Văn học dân gian (VHDG) không chỉ là văn học” đưa đến bạn đọc LangBian nhiều thông tin về phương pháp tiếp cận khoa học đối với VHDG. Đáng lưu tâm là, tác giả nhấn mạnh đến “mối quan hệ tay ba” giữa VHDG và văn học viết: tương đồng, khác biệt và tương tác. Và, nói đến VHDG là nói đến văn hóa.
Tạp chí LangBian số Xuân Ất Mùi 2015 còn có những nhạc phẩm xuân của các nhạc sĩ tên tuổi: Đình Nghĩ (Đà Lạt bừng xuân), Dương Toàn Thiên (Cảm ơn em-mùa xuân), Dương Toàn Thắng (Đà Lạt chiều xuân). Cũng góp phần làm nên ấn phẩm Xuân LangBian “nặng ký” thêm còn có những tác phẩm ảnh nghệ thuật của Võ Văn Nghệ, Vũ Hồng Quang, Phan Văn Em; những bức họa của Đông Hồ, Vi Quốc Hiệp, Nguyễn Văn Lại… Xin trân trọng một ấn phẩm Xuân đặc biệt, một thành quả lao động sáng tạo hết sức nghiêm túc.
TĨNH XUYÊN