Truyền dạy chỉnh chiêng

08:02, 05/02/2015

Bấy lâu, triển khai chương trình bảo tồn văn hóa cồng chiêng, Lâm Đồng cũng như cả Tây Nguyên chỉ chú tâm vào việc truyền dạy cách diễn tấu chứ chưa thực sự quan tâm đến việc dạy "cho cái tai nó biết nghe cái tiếng nói của yàng" - chỉnh chiêng! Đã đến lúc đặt ra vấn đề này một cách nghiêm túc để các địa phương quan tâm và thực hiện!

Bấy lâu, triển khai chương trình bảo tồn văn hóa cồng chiêng, Lâm Đồng cũng như cả Tây Nguyên chỉ chú tâm vào việc truyền dạy cách diễn tấu chứ chưa thực sự quan tâm đến việc dạy “cho cái tai nó biết nghe cái tiếng nói của yàng” - chỉnh chiêng! Đã đến lúc đặt ra vấn đề này một cách nghiêm túc để các địa phương quan tâm và thực hiện!
 
Người “biết nghe cái tiếng nói của yàng”
 
Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, số lượng người “có cái tai biết nghe cái tiếng nói của yàng” - người biết chỉnh chiêng - là rất ít; có khi cả buôn mới may mắn có một người, có khi vài ba buôn mới có một nghệ nhân. Trong hàng trăm hoặc vài trăm nghệ nhân cồng chiêng mới có một hoặc hai người chỉnh chiêng cũng là chuyện thường thấy. Nói cách khác, người chơi được cồng chiêng thì nhiều, nhưng người có khả năng chỉnh chiêng lại vô cùng hiếm có.
 
Không giống như ghita - người chơi đàn giỏi cũng là người biết “lên giây” ghita một cách thuần thục; chiêng thì khác, người “lên giây” (chỉnh âm) phải là người có cái tai nghe “của yàng” mới “sắp xếp” lại “cái tiếng nói của yàng”. Nói cách khác, nghệ nhân chỉnh chiêng chắc chắn phải là người có khả năng thẩm âm ở mức “siêu” và biết cách chỉnh sửa chiêng một cách thuần thục. Có thể hiểu, ngoài kỹ thuật “gõ, đập, ghè” nhuần nhuyễn, nghệ nhân chỉnh chiêng còn là người có cái lỗ tai nghe chuẩn tiếng chiêng với một cao độ và âm sắc riêng biệt của từng chiếc. Ví dụ, bộ chiêng droòng của người Mạ và người Kơho ở Lâm Đồng gồm 6 chiếc từ lớn đến nhỏ thứ tự có tên là vàng (mẹ), rđơm, dờn, thoòng, thơ và thi; thứ tự 6 chiếc này có cao độ từ thấp nhất (vàng) đến cao nhất (thi) và khoảng cách âm thanh giữa các cao độ luôn luôn không đổi (có thể hình dung như khoảng các dây mi đến dây la rồi đến dây rê của đàn ghita). Những cao độ ấy khi phát ra âm thanh được ghi là “héc” (hz); mỗi chiếc chiêng trong dàn chiêng droòng có 6 cao độ và 6 cao độ này có khoảng cách luôn bất biến, và đó là những định âm luôn cố định. Các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng nói chung và cả nghệ nhân chỉnh chiêng nói riêng hầu hết là những người không hề biết đến hệ thống lý thuyết âm nhạc phương tây là gì. Tuy nhiên, nghệ nhân chỉnh chiêng lại là nhưng người có đôi tai cực thính trong việc phân biệt khoảng cách âm thanh giữa các cao độ của từng chiếc chiêng trong dàn chiêng - phân biệt đến từng hz (ví dụ như cao độ của chiếc thi là 600hz thì cao độ của chiếc thơ luôn luôn phải là 450hz). 
 
Những nghệ nhân chỉnh chiêng trong cộng đồng người thiểu số Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung, chẳng mấy người biết lý thuyết âm nhạc phương tây nhưng họ là những người có đôi tai cực thính trong thẩm âm và có đôi tay cực chuẩn trong quá trình điều chỉnh âm thanh cho từng chiếc chiêng. Già làng Krajan Plin (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) nói: “Hồi trước, cả mấy cái buôn làng dưới chân núi Langbian này (vùng thị trấn Lạc Dương và xã Lát thuộc huyện Lạc Dương ngày nay) chỉ có một mình già làng Păngting Kar là người chỉnh chiêng chuẩn nhất. Giờ ông già mất rồi, không có nhiều người nối nghiệp ông ấy. Mình là già làng, lại là nghệ nhân cồng chiêng nữa nên cũng biết chỉnh chiêng nhưng “cái tai” và cả “cái tay” của mình không chuẩn được như già làng Păngtiêng Kar đâu!”. Có thể hiểu, trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, để tìm thấy một nghệ nhân chỉnh chiêng chuẩn là điều cực kỳ hiếm. 
 
Sinh hoạt cồng chiêng đang là một phong trào “quay trở lại” trong cộng đồng người thiểu số Tây Nguyên
Sinh hoạt cồng chiêng đang là một phong trào “quay trở lại” trong cộng đồng
người thiểu số Tây Nguyên
 
Cần thiết mở lớp dạy chỉnh chiêng
 
Trong thực tế, triển khai chương trình bảo tồn và phát huy nền văn hóa cồng chiêng, nhiều địa phương của Lâm Đồng và cả Tây Nguyên trong những năm qua đã mở rất nhiều lớp truyền dạy cách chơi chiêng cho lớp trẻ. Lúc đầu, ngành văn hóa các địa phương chỉ hầu như chú trọng việc truyền dạy cách sử dụng cồng chiêng, cách diễn tấu các bài bản cồng chiêng chứ không nghĩ đến việc truyền dạy cách chỉnh chiêng cho lớp trẻ. Nay, khi nghĩ đến điều này (truyền dạy chỉnh chiêng), ngành văn hóa lại cũng làm theo cách “mở lớp” một cách đại trà - hễ người nào học đánh chiêng là cũng được học cách chỉnh chiêng! Điều này có thể là không sai nhưng chắc chắn không mang lại kết quả như kỳ vọng, và xem ra có phần “ảo” của những nhà tổ chức, nếu như không muốn nói đến chuyện tốn kém về kinh tế theo cách “truyền dạy” này là không nhỏ. Bởi lẽ, như trên vừa phân tích, nghệ nhân chỉnh chiêng phải là những người “có đôi tai biết nghe “cái âm thanh của yàng” thì mới thực hiện chỉnh chiêng được. Vậy, nên chăng, các địa phương ngay từ bước khởi đầu này nên có cách làm thoát khỏi “phong trào” là nên chọn những người (rất ít thôi) có khả năng trong số người theo học các lớp cồng chiêng để truyền dạy chỉnh chiêng? Rồi, điều cần lưu ý nữa là: Nghệ nhân diễn tấu chiêng thành thục thì nhiều, còn nghệ nhân chỉnh chiêng là vô cùng hiếm! Có nghĩa, không phải bất kỳ ai có khả năng dạy được cho người khác diễn tấu cồng chiêng cũng là người biết chỉnh chiêng!
 
Trong thực tế, nhiều địa phương ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung, việc mở các lớp truyền dạy chỉnh sửa cồng chiêng chưa nhiều, chưa được chính quyền và ngành văn hóa quan tâm đúng mức. Trong khi đó, một số địa phương khi nghĩ đến điều này thì lại làm một cách đại trà - mở lớp hàng loạt và mỗi lớp có đến vài chục “học sinh” theo học chỉnh chiêng - nên chắc chắn hiệu quả mang lại là không cao, nếu không muốn nói là lãng phí tiền bạc của Nhà nước. Theo chúng tôi, việc cần thiết hiện nay là phải mở cho bằng được những lớp dạy và học chỉnh chiêng, nhưng phải chọn lọc: Phải tìm những nghệ nhân biết chỉnh chiêng thực thụ; còn phía học trò thì phải có sự chọn lọc một cách kỹ càng (đôi khi một lớp học chỉ cần một thầy và một trò), học trò phải là người “có đôi tai biết nghe tiếng nói của yàng” để trở thành một nghệ nhân chỉnh chiêng thực thụ về sau!
 
Khắc Dũng