Vi Quốc Hiệp là một nghệ sĩ đa tài. Trước hết anh là một họa sĩ danh môn chính phái, nổi tiếng vẽ chân dung Bác Hồ, các biệt thự cổ Đà Lạt, hoa và những người đẹp. Tuy vậy vẫn có những người chưa phục tài. Anh là một nhà thơ không chuyên, tác giả gần chục tập thơ, mấy trăm bài, nhiều bài được phổ nhạc hẳn hoi nhưng không phải ai cũng thích...
Vi Quốc Hiệp là một nghệ sĩ đa tài. Trước hết anh là một họa sĩ danh môn chính phái, nổi tiếng vẽ chân dung Bác Hồ, các biệt thự cổ Đà Lạt, hoa và những người đẹp. Tuy vậy vẫn có những người chưa phục tài. Anh là một nhà thơ không chuyên, tác giả gần chục tập thơ, mấy trăm bài, nhiều bài được phổ nhạc hẳn hoi nhưng không phải ai cũng thích. Gọi anh là nhạc sĩ cũng đúng, là tác giả của hàng trăm ca khúc, riêng về Đà Lạt đã 10 bài. Bài “Đà Lạt thành phố phải lòng” được nhạc sĩ Doãn Nguyên (con NS. Doãn Nho), Giám đốc Nhà hát giao hưởng phổ thành bài “Đà Lạt thành phố bốn mùa hoa” đã biểu diễn tại thành phố Đà Lạt và Thủ đô Hà Nội. Nhiều ca khúc khác được các đoàn văn nghệ quần chúng đem dự thi trong các Festival đoạt giải cao, 10 huy chương vàng tiết mục, riêng bài “Tượng Bác trên đỉnh Trường Sơn” được 7 huy chương vàng, có 5 huy chương bạc trong và ngoài tỉnh… Sáng tác tiểu thuyết 3-4 trăm trang dưới bút danh Hiệp Quốc Vi cũng bốn, năm đầu sách mà ít người biết đến. Nhưng có một cái tài mà nhiều người thán phục là anh thuộc rất nhiều ca khúc cách mạng, từ lâu tôi gọi anh là cây “từ điển ca khúc cách mạng”.
Công bằng mà nói, thường người ta nhớ những tình khúc ướt át, còn ca khúc cách mạng chỉ số ít bài sống cùng năm tháng, chứ những ca khúc để phục vụ kịp thời ít ai nhắc đến. Đằng này Vi Quốc Hiệp nhớ tất, kể cả những bài không hay, trúc trắc khó thuộc, nhớ không để làm gì, vì có mấy khi hát, thì ra anh nhớ vì không quên được.
Nghe anh kể về cách học hát xưa kia mà cảm động. Mấy chục năm trước có chương trình dạy hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, anh học thường xuyên không bỏ buổi nào. Trước khi tập hát người ta đọc cho chép nhạc trước. Thí dụ: “…sol đen, la đen, vạch nhịp…”. Anh ghi lại bằng chữ, về nhờ anh ruột viết thành dòng nhạc sau. Rồi anh tự học nhạc, kẻ dòng nhạc bằng gỗ dán xé từ vỏ bao diêm Thống Nhất cắt thành bút nhạc có 5 răng cưa, thạo rồi thì dùng tay kẻ 3 dòng trong trang sổ tay. Có đêm trời mưa dừng lại dước mái hiên một nhà lạ ven đường hát theo đài bài hát mới. Chủ nhà ra đi tiểu phát hiện thấy bóng đen tưởng trộm, anh hát thật to lên rồi giải thích cho họ. Nếu kẻ trộm thì phải chạy chứ! Mới đầu phải nhớ lời hát để suy ra nhạc, vài năm sau thì xướng âm được.
Vào năm thứ 2 Đại học Mỹ Thuật bạn bè đã phát hiện ra anh hát hay, hát khỏe lại thuộc nhiều bài nên bầu làm quản ca của lớp. Họ hỏi anh: có dạy được hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” của Hồ Bắc không? Anh nhận lời, họ chưa tin lắm, mời một nhạc sĩ trường âm nhạc về thẩm định mới tin. Hôm ấy rất vui, không phải anh chỉ thuộc tất cả các bè của hợp xướng này mà 6 hợp xướng khác nữa: “Bộ đội về làng” của Lê Yên, “Sông Lô” của Văn Cao, “Sóng Cửa Tùng” của Doãn Nho, “Miền Nam anh dũng bất khuất” của Phạm Tuyên, “Bè xuôi sông Hồng”…
Vi Quốc Hiệp có sức nhớ lạ kỳ. Anh thuộc 20 bài về Hà Nội, 5 bài về Hạ Long (Quảng Ninh), 5 bài Thanh Hóa, 6 bài Quảng Bình. Về tỉnh nào hát bài tỉnh đó, tiếp xúc ngành nào hát bài ngành ấy. Giao thông 10 bài, biển đảo 10 bài, quân đội khoảng 20 bài… Vừa rồi gặp NS. Nguyễn Tài Tuệ ở Đại Hội V Hội VHNTDTTS ở Hà Nội, anh hát cho tác giả nghe bài “Lê Quang Vịnh”, Tài Tuệ thốt lên: “Trời ơi, giờ mà còn có người nhớ đến bài hát này của tôi à?”. Đó là bài ông sáng tác hơn nửa thế kỷ trước. Đến Vĩnh Phúc, Vi Quốc Hiệp hát “Tiếng bom Lê Độ” của Vân Đông mà anh em địa phương không ai biết, còn bài “Nguyễn Viết Xuân tôi nghe rõ lời anh” thì có người lõm bõm.
Tại Nhà Sáng tác Đà Lạt, Doãn Nho vừa chơi Piano vừa ngoái lại hát “Sóng cửa Tùng”, có ý mời người ngồi dưới hát theo hưởng ứng mà im lặng hết, Vi Quốc Hiệp cất tiếng hát luôn bè 2, bè 3 trước sự ngạc nhiên của các nhạc sĩ tên tuổi: Đức Minh, Đinh Quang Hợp, Thuận Yến, Hoàng Dương, Nguyễn Tài Tuệ…
Một lần ra Hà Nội, Vi Quốc Hiệp đèo nhà văn Đỗ Chu đến tập thể Mỹ Đình thăm nhạc sĩ Hồ Bắc đang nằm trên giường bệnh, anh hát “Tấm áo mẹ vá năm xưa” và trọn vẹn hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” khiến ông vô cùng cảm động, và đó cũng là lần cuối tác giả thưởng thức tác phẩm của mình!
Lại vẫn đoàn Vĩnh Phúc hôm dự trại sáng tác Đà Lạt. Cử tọa biết có nhà thơ Bùi Văn Dung, tác giả lời ca khúc “Gửi nắng cho em”, hỏi “Ai hát được bài này?” thì người nọ nhìn người kia, rút cục lại chỉ Vi Quốc Hiệp đứng lên. Có hôm anh cùng hát với Thuận Yến mà tác giả quên bài của mình, hát sai, Vi Quốc Hiệp sửa lại. Thuận Yến cười: “Lâu quá, tao quên mất rồi…”.
Hai lần Hội VHNT Lâm Đồng tổ chức lễ tưởng niệm Văn Cao và Nguyễn Đình Thi, tìm văn công để hát “Sông Lô” và “Người Hà Nội” không được đành nhờ Vi Quốc Hiệp.
Ra giêng Vi Quốc Hiệp trình làng một lúc 2 album: “Đường xuân” và “Đà Lạt tình yêu của tôi”. 27/7/2015 sẽ cùng nhà báo, đại tá nhà thơ Lê Anh Dũng tổ chức 1 show diễn tại nhà Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Ở đó, Vi Quốc Hiệp sẽ trình bày cả 15 ca khúc viết về Nguyễn Văn Trỗi mà anh thuộc.
Tôi hỏi thế anh có nhớ bài nào về anh hùng của Lâm Đồng không? Anh hát luôn “Khúc hát tình yêu” viết về anh hùng, liệt sĩ công an Lâm Văn Thạnh.
Tôi nghe nói có lần anh thi hát với nhạc sĩ Mạnh Đạt (được coi là nhạc sĩ thuộc nhiều bài hát nhất trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam) xem ai nhớ nhiều bài. Cứ người này hát xong 1 bài, thì người kia hát tiếp, ai không tìm ra bài để hát nữa là thua. Cuối cùng ai thắng? “Cũng ngang ngửa!” - Vi Quốc Hiệp cười. Bây giờ NS. Mạnh Đạt không còn, có lẽ anh hết đối thủ? Vi Quốc Hiệp bảo còn Nguyễn Thụy Kha nữa chứ, nhưng Nguyễn Thụy Kha nghiêng về ca khúc tiền chiến, và cũng chưa tỷ thí lần nào.
CHU BÁ NAM