Kiến trúc nhà thờ Giáo xứ Ka Đơn: Dưới góc nhìn văn hóa

04:03, 11/03/2015

Một công trình kiến trúc tuyệt đẹp và dù không lộng lẫy, bề thế nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi thường thấy của một không gian thờ tự chứa đựng yếu tố tâm linh.

Một công trình kiến trúc tuyệt đẹp và dù không lộng lẫy, bề thế nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi thường thấy của một không gian thờ tự chứa đựng yếu tố tâm linh. Không mang con mắt của kiến trúc sư, chỉ đơn thuần dưới góc nhìn của một người trải nghiệm như rất nhiều người khác đã từng đến đây cảm nhận, nhà thờ Ka Đơn (huyện Đơn Dương) thực sự là một “bản hòa tấu”, trong đó chứa đựng những giai điệu quyến rũ về bản sắc văn hóa và sự tôn trọng đối với thiên nhiên và con người.
 
Toàn cảnh nhà thờ Ka Đơn
Toàn cảnh nhà thờ Ka Đơn

Sẽ không ngoa ngôn khi nói rằng, trong vòng nhiều năm trở lại đây, rất ít công trình của mảnh đất Nam Tây Nguyên làm được điều nói trên như kiến trúc của nhà thờ Ka Đơn. Sự tôn trọng đối với văn hóa bản địa, nhất là đối với thiên nhiên, luôn là thứ đã được định vị trong bất kỳ công trình kiến trúc nào kể từ khi người Pháp quyết định biến Đà Lạt và các vùng vệ tinh xung quanh trở thành nơi nghỉ dưỡng của cả xứ Đông Dương. Mà những điều ấy, dường như ngày càng ít dần đi trong vô vàn những công trình đang được xây lên mỗi ngày. 
 
Bê tông và kính, hình khối xếp lớp lên nhau... chiếm lĩnh không gian thoáng đãng, xóa dần đi những mảng xanh bất tận, vốn là “đặc ân” mà tạo hóa hào phóng ban tặng cho mảnh đất này. Nhìn trên tổng thể, các công trình kiến trúc ấy cứ nhàn nhạt, vô vị, ảm đạm trong những ngày mưa, nhức mắt trong mùa khô hanh hao. Không cần xét đến yếu tố tôn giáo, mang yếu tố tâm linh của một kiến trúc nhà thờ, công trình nhà thờ Giáo xứ Ka Đơn thực sự là dòng suối mát, làm dịu đi “cơn khát” của rất nhiều người “nặng lòng” với thiên nhiên đầy sức sống của mảnh đất này.
 
Thiết kế nhà thờ Ka Đơn theo tư tưởng chủ đạo ban đầu của Cha Quản xứ - Linh mục Nguyễn Đức Ngọc, đó là phải đơn sơ, ít màu sắc, ít trang trí, dân dã, trân trọng vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu; nhà thờ khiêm tốn hòa mình vào thiên nhiên; đậm nét văn hóa Churu, tôn tạo nét riêng của mảnh đất. Theo Linh mục Ngọc, ông muốn những điều này bởi vì Giáo xứ Ka Đơn vốn là một vùng đất vẫn còn nhiều khó khăn, nơi tập trung nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nếu nhà thờ quá hoành tráng sẽ bị nhiều người chê trách. Và ông cũng cho rằng, tất cả đều phải hướng tới sự đơn sơ, giản dị, nhà thờ to lớn đến đâu cũng có thể xây dựng được, nhưng chẳng có công trình nhân tạo nào vượt qua được giá trị bao la của tự nhiên. Chính những tư tưởng này đã là mối dây liên kết xuyên suốt trọng tâm nghiên cứu thực hiện luận văn cao học chuyên ngành kiến trúc với đề tài: Sự trở lại của hồn địa - thiết kế nhà thờ Ka Đơn” của hai kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng - Phân viện kiến trúc, Trường Đại học Kỹ thuật Berlin (CHLB Đức).
 
Với Nguồn cảm hứng - Hồn địa (Genius Loci) thì mảnh đất nhà thờ đã sẵn có đất đỏ, núi non, nắng gió và ánh sáng; thiên nhiên đã là trang sức chính cho nhà thờ và chẳng cần phải thay đổi bất cứ điều gì...
 
Nhìn từ xa, nhà thờ Ka Đơn gần như một ngôi đình làng của người Việt, nhưng khi chạm vào những viên gạch đầu tiên dưới mái hiên mới cảm nhận rõ như đang đi vào một ngôi nhà truyền thống của người Churu bản địa. Nhà thờ gần như là một không gian mở với sự ngăn cách tượng trưng bằng những lam gỗ, gần như không có sự chia cắt, dù giữa những lam gỗ ấy là hệ thống kính trong suốt để hút ánh sáng, màu sắc của tự nhiên vào nhà thờ, đồng thời không ngăn cản tầm nhìn ra cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp ở bên ngoài. Nhà thờ Ka Đơn cũng không có bậc thềm, không tiền sảnh, không cột trụ uy nghi, tất cả được tiếp nối giữa không gian tâm linh và thế giới bên ngoài một cách hoàn hảo. Ranh giới ấy chỉ ngăn cách bằng một bước chân. 
 
Cũng theo lời của Linh mục Ngọc, yếu tố nhân văn và sự tôn trọng con người, tôn trọng thiên nhiên chính là những gì thiết kế nhà thờ Ka Đơn muốn hướng đến. Sự tôn trọng con người, chính là nhà thờ không to lớn để người nghèo không bị choáng ngợp, không bậc cấp để bước chân người nghèo, người khuyết tật dễ dàng tìm đến trong mỗi ngày chúa nhật; mảnh đất phía nam của sông Đa Nhim với núi sau lưng, thông phủ đầy những triền đồi, bạt ngàn những thung lũng rau xanh ở phía trước, nhà thờ nằm giữa không gian ấy, vùi mình vào không gian ấy, chính là nét đẹp và sự tôn trọng đến thiên nhiên tươi đẹp của mảnh đất ấy.
 
Như lời của một kiến trúc sư người Đức khi đến đây đã ghi lại: “Có những nơi làm nhà rất cao nhưng thành ra lại thấp, còn ở Ka Đơn tôi thấy nhà làm thấp nhưng vẫn lồng lộng cao”.
 
Chính sự tôn trọng thiên nhiên, văn hóa và con người nơi đây, công trình kiến trúc nhà thờ Giáo xứ Ka Đơn đã được nhận Giải thưởng Kiến trúc tôn giáo - Kiến trúc thánh Fondazione Frate Sole lần thứ IV - năm 2011, tại Italia.
 
Không cần xét đến yếu tố riêng biệt của một công trình tôn giáo, chỉ xét đến thiết kế kiến trúc hoàn toàn tôn trọng tự nhiên, thấm đẫm màu sắc văn hóa bản địa, chứa đựng những giá trị nhân văn, có lẽ nhà thờ Ka Đơn thực sự đã là “bài văn mẫu” cho rất nhiều các công trình kiến trúc “chẳng giống ai” đang mọc lên như nấm mỗi ngày. Thiên nhiên và con người đang sống trên mảnh đất tươi đẹp này xứng đáng có được sự tôn trọng.
 
ĐẶNG TUẤN LINH