Ngày xuân nói chuyện cồng chiêng

08:03, 12/03/2015

Nói đến văn hóa Nam Tây Nguyên là phải nói đến sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Cồng chiêng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó ẩn chứa các giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc.

Nói đến văn hóa Nam Tây Nguyên là phải nói đến sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Cồng chiêng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó ẩn chứa các giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Đó là tiếng nói, là ngôn ngữ tâm linh, giúp con người hòa đồng với thiên nhiên. Thay cho lời tâm sự giữa con người với thần linh, thắt chặt mối quan hệ giữa con người với con người. Cồng chiêng là người bạn thân thiện của con người ở mọi lúc, mọi nơi, từ khi cất tiếng khóc chào đời, khi làm lễ đặt tên và đến khi trưởng thành, lúc lập gia thất, khi có tuổi và đến lúc nằm xuống dưới lòng đất, tiếng chiêng vẫn theo suốt ngân dài cho đến khi làm lễ bỏ mả. Tiếng chiêng đã gắn chặt với nghi lễ vòng đời, nghi lễ nông nghiệp của người dân tộc Tây Nguyên.
 
Âm vang cồng chiêng - Ảnh: THANH TOÀN
Âm vang cồng chiêng - Ảnh: THANH TOÀN

Ngày nay, đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời kỳ hội nhập quốc tế, “liệu vấn đề cồng chiêng có còn gì để nói”. Mảnh đất cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và Nam Tây Nguyên nói riêng đã được “cày xới” kỹ càng nhiều lần rồi. Ấy vậy mà vẫn còn những khoảng trống cần “khai phá”, cần viết tiếp về văn hóa cồng chiêng của người Mạ, CơHo, Churu một di sản văn hóa đặc thù của vùng đất Nam Tây Nguyên.
 
Văn hóa cồng chiêng đang có nguy cơ mai một dần khi cái thiêng đã và đang biến đổi. Cộng đồng các gia đình dân tộc thiểu số duy trì tín ngưỡng đa thần không nhiều, họ đã và đang chuyển dịch đến tín ngưỡng vô thần. Một khi cái thiêng bị giảm sút thì cồng chiêng trở về với bản thể của nó chỉ là loại nhạc cụ đơn thuần. Mặt khác, cần bình tĩnh và thẳng thắn công nhận rằng trong điều kiện xã hội ngày nay, cồng chiêng đã mất đi môi trường diễn xướng và phát triển.
 
Ngày xưa, người Mạ, Cơ Ho trồng lúa rẫy nên phải có một chuỗi nghi lễ nông nghiệp từ lúc phát rẫy (Nhô sền bri: xem đất), gieo hạt (Nhô làng kòi: xin lúa tốt), cây lúa phát triển (Nhô kiơp mas: trừ sâu bệnh”, lúa trổ bông (Nhô bộ rơnơm: xin lúa chắc hạt), thu hoạch đem vào kho (Nhôrơhe: mừng lúa mới thu hoạch xong). Trong tất cả nghi lễ này, cồng chiêng đóng vai trò chủ đạo cho cuộc lễ và cho hàng múa xoang của các cô gái.
 
Ngày nay, khi đã định canh, định cư và chuyển đổi cây trồng, nương rẫy trở thành những cánh đồng cà phê, chè thì làm gì còn lễ Nhôrơhe ăn trâu mừng lúa mới để thông qua đó cảm ơn với Yang lúa. Không biết cà phê, chè có Yang không? Nếu có thì đó là Yang gì? Vậy những bài chiêng trong nghi lễ nông nghiệp có còn tồn tại hay sẽ mất đi theo các lễ của nó. Phải khẳng định rằng không, ngay từ khi ra đời các bài chiêng đã mang bản chất đa năng. Khi chức năng xã hội tâm linh bị giảm thiểu hoặc mất đi thì vẫn còn chức năng nghệ thuật trình tấu. Do vậy, cồng chiêng không phục vụ cho lễ ăn trâu nhưng cái chất hào hùng, vang vọng của các bài chiêng vẫn được thể hiện. Như thế, nghệ thuật cồng chiêng chẳng những không mất đi mà còn tồn tại và trở thành một bộ phận hữu cơ của nền văn hóa đương đại.
 
Một vấn đề nhạy cảm khác là lâu nay ngành Văn hóa cũng như một số nhà khoa học của địa phương đã “cày xới” rất nhiều về văn hóa các dân tộc Nam Tây Nguyên. Nhưng chưa ai đưa ra được một kết luận là dân tộc Mạ, CơHo, Churu mỗi dân tộc có bao nhiêu bài chiêng, bài chiêng đó trình tấu trong nghi lễ nào? Một thực tế đáng báo động là các nhà làm kinh tế du lịch đang dàn dựng, khai thác cồng chiêng theo hướng “sân khấu hóa”, họ đang chế biến, nhào nặn một sản phẩm cồng chiêng không phải của Bắc Tây Nguyên và cũng chẳng phải của Nam Tây Nguyên, vừa thấy quen quen, là lạ, thực chất là để dung hòa câu khách kiếm tiền. Điều tai hại là họ đã để lại nghệ thuật cồng chiêng cho lớp trẻ sau này ngộ nhận đó là di sản văn hóa của dân tộc mình do cha ông truyền dạy.
 
Sự thất thoát các giá trị văn hóa cồng chiêng không chỉ là nạn chảy máu cồng chiêng, những bộ chiêng quý đã trở thành đồng nát mà đáng báo động hơn là sự ra đi không trở lại của những bài chiêng, điệu chiêng truyền thống cùng với những nghệ nhân đã quá cố. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải việc cư dân các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng lưu giữ được bao nhiêu bộ chiêng, được bao nhiêu bài chiêng trình tấu. Đã đến lúc cần phải có ngân hàng gen cồng chiêng. Nhà nước đã có quy chế về phong tặng nghệ nhân dân gian, cần phải tập hợp danh sách và đề xuất ngay chế độ ưu đãi để họ truyền dạy cho lớp trẻ giữ gìn và phát triển văn hóa cồng chiêng.
 
Với sự nỗ lực chung của Nhà nước, của ngành Văn hóa, sự công nhận và tôn vinh của cộng đồng quốc tế đối với di sản phi vật thể truyền khẩu cồng chiêng Tây Nguyên, chúng ta cần nhận thức sâu sắc giá trị nhiều mặt của cồng chiêng, nâng cao lòng tự hào với di sản quý báu này và quan trọng hơn là tìm mọi cách làm sống dậy, làm phong phú hơn giá trị cồng chiêng, phát huy nó trong đời sống hiện đại để phục vụ đời sống văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
TRẦN CẢNH ĐÀO