Những ngày đầu xuân Ất Mùi, các làng nghề thủ công tại địa phương có một niềm vui mới. Ba nghệ nhân ngành nghề truyền thống đã được UBND tỉnh trao bằng công nhận danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp...
Những ngày đầu xuân Ất Mùi, các làng nghề thủ công tại địa phương có một niềm vui mới. Ba nghệ nhân ngành nghề truyền thống đã được UBND tỉnh trao bằng công nhận danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Cả ba “tân” nghệ nhân đều là những người gắn bó với nghề gỗ, trong đó có hai nghệ nhân chuyên về cưa lọng, nghề thủ công truyền thống của phố núi Đà Lạt.
* Ông Ngô Văn Nghĩa: “Cưa lọng đã trở thành nghiệp của tôi”
Sinh năm 1954, ông Ngô Văn Nghĩa là một trong những người học nghề cưa lọng từ trường kỹ thuật Lasan và gắn bó với nghề cưa lọng lâu nhất Đà Lạt, từ năm 1970, khi ông còn là cậu thợ trẻ cho tới bây giờ, ông đã trở thành ông chủ của cơ sở cưa lọng Nghĩa Hảo. 45 năm trong nghề, ông Nghĩa đã gắn bó với thăng trầm của nghề cưa lọng, từ những lúc cực thịnh cho tới khoảng thời gian khó khăn. Ông bảo, suốt đời ông đã gắn bó với cưa lọng, dù làm thợ tư nhân, làm xã viên trong HTX mỹ nghệ Lam Sơn của Đà Lạt hay tự đứng lên làm chủ cơ sở như bây giờ. Sản phẩm từ cơ sở Nghĩa Hảo khá đa dạng, đường nét đơn giản nhưng tinh tế, đặc biệt có tính ứng dụng cao, không chỉ là đồ mĩ nghệ mà còn có thể sử dụng được trong sinh hoạt như chặn giấy, hộp đựng danh thiếp… Những sản phẩm của ông có mặt tại nhiều điểm phục vụ du khách, người tiêu dùng và may mắn, theo bước chân đi xa của những người học trò cũ, sang đến cả trời Tây.
Ông Nghĩa bảo, ông may mắn trong đời khi làm nghề, ông đã dạy qua nhiều lớp học trò và trong đó, có nhiều trò giỏi, yêu nghề. Khi học trò ra nước ngoài sinh sống đã tiếp tục duy trì, phát triển nghề, tạo điều kiện cho cơ sở Nghĩa Hảo xuất khẩu hàng sang nước bạn. Bởi vậy, ông có hàng xuất đều đặn sang Đức và Hoa Kỳ, tuy số lượng chưa nhiều nhưng mang lại nguồn thu, đồng thời, động viên ông tiếp tục sáng tạo những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách nước ngoài. Lời chia sẻ của người nghệ nhân rất cảm động: “Cả đời tôi đã gắn bó với nghề cưa lọng, chưa hề làm một công việc khác. Với tôi, cưa lọng không chỉ là nghề mà đã trở thành nghiệp”.
* Ông Lê Thanh Phương: “Tôi đã chờ ngày này gần 40 năm”
Sinh năm 1956, ông Lê Thanh Phương là gương mặt được nhiều du khách khắp nơi quen thuộc bởi cơ sở Ngàn hoa Đà Lạt của ông là một điểm tham quan miễn phí khá hấp dẫn của thành phố Hoa. Ông Phương cũng là một thợ cưa lọng có tiếng trong nghề với thâm niên làm việc 39 năm. Chuyện nghề của ông rất thăng trầm với nhiều công việc khác nhau. Từ xã viên của HTX Mỹ nghệ Lam Sơn, tới chủ cơ sở hoa gỗ Thanh Phương, làm thiết kế cho Công ty Rừng Hoa Đà Lạt và hiện giờ là chủ cơ sở Ngàn Hoa Đà Lạt. Sản phẩm nghệ thuật của ông Phương là sự phối trộn độc đáo giữa tranh cưa lọng với hoa tươi bảo quản, hai sản phẩm mỹ nghệ nổi bật của Đà Lạt. Showroom của ông nằm trong khuôn viên bảo tàng Lâm Đồng là một điểm tham quan nổi tiếng, được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Đà Lạt.
Gắn bó với nghề, ông Phương còn là một người thầy của rất nhiều người thợ trẻ, trong đó có không ít người khuyết tật. Ông là người trực tiếp dạy nghề cho Dự án “Việc làm cho người khuyết tật và nhóm người dễ bị tổn thương” của Hội Chữ thập đỏ Đà Lạt nhiều năm và dù ở vị trí nào, ông cũng dạy nghề và nhận nhiều thợ là người khuyết tật vào làm việc. Gắn bó với nghề gần 40 năm, ông rất vui khi được công nhận danh hiệu nghệ nhân: “Tôi đã chờ ngày này suốt 40 năm nay, giờ tôi đã được thỏa nguyện và tiếp tục sống với nghề”.
* Nguyễn Minh Tuấn: Cán bộ Đoàn trở thành nghệ nhân trẻ
Sinh năm 1978, quê gốc An Giang, Nguyễn Minh Tuấn theo gia đình trở thành cư dân của xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh từ khi còn bé. Anh đã là một cán bộ đoàn rất nhiệt tình, từ năm 2000 tới 2008, với vai trò Phó Bí thư rồi Bí thư xã Đoàn xã Tân Nghĩa. Đồng thời là con nhà nòi, nối nghiệp người cha là ông Nguyễn Văn Siếu, Tuấn tiếp thu nghề trồng cây cảnh, chế tác gia công mặt hàng gỗ mỹ nghệ, đá với việc thành lập cơ sở Minh Tuấn vào năm 2005. Anh cũng là Chủ nhiệm bộ môn bonsai của Hội Sinh vật cảnh huyện Di Linh. Sản phẩm của Nguyễn Minh Tuấn rất mới, kết hợp đa dạng gỗ mỹ nghệ - gỗ lũa - đá cảnh…, được đánh giá cao tại nhiều hội chợ, triển lãm, trưng bày mỹ nghệ trên toàn quốc.
Là cựu cán bộ đoàn, Tuấn rất nhiệt tình dạy nghề cho các bạn trẻ. Cơ sở của anh đã dạy nhiều bạn trẻ học, làm nghề và Tuấn tự hào, nhiều bạn trong số đó đã trưởng thành, giỏi nghề và sinh sống bằng nghề đã học. Chàng cán bộ đoàn còn giữ nguyên bầu máu nóng thanh niên cho hay: “Tôi đã chọn và gắn bó với nghề gỗ mỹ nghệ nhưng trái tim trẻ không bao giờ ngừng đập trong ngực”. Đang độ tuổi thanh xuân, Nguyễn Minh Tuấn đang ấp ủ nhiều dự án làm việc và cống hiến, dâng cho đời, cho người chút hương sắc từ cây, từ gỗ, từ đá và từ bàn tay người nghệ nhân.ª
DIỆP QUỲNH