Dần dần trở thành thông lệ, hàng năm cứ vào những ngày sau tết là có vài anh em K'Ho, Mạ ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Huoai điện thoại rủ tôi vào buôn, bây giờ là thôn văn hóa để ăn nhậu tổng kết chuyện đời, chuyện trời. Và cứ mỗi năm câu chuyện mang thêm màu sắc, ngay cả thức ăn và quần áo cũng dần đổi khác…
Sông Đạ Rnga |
Trong những lần gặp tôi, bất kỳ câu chuyện gì ông cũng mở đầu bằng thuật ngữ Antan (Ngày xửa, ngày xưa) rồi nghĩ một tí mới tiếp tục. Ông “Antan”: “Ngày xưa người dân tộc không có nước máy, không biết đào giếng nên chỉ bám theo dòng suối dòng sông để lập buôn làng. Con sông Đạ Rnga được bà con xem là dòng nước thiêng, sông này phát nguyên từ dãy Lú Lùng chảy qua buôn B’Lá rồi qua buôn B’Kọ, Nau Sri xuống Đạ Bin, Sapung đi cả 40 chà gạc (người dân tộc đi rừng mang theo chà gạc để làm vũ khí phòng thân luôn vắt trên vai, đi khoảng 3km đổi vai. Vậy đi 40 chà gạc khoảng 120 cây số). Đối với bà con, buôn làng nào cũng có vài bến nước, bến của đàn ông, bến dành cho đàn bà hoặc bến nước thiêng ở đầu buôn dùng để lấy cúng thần. Người K’Ho được chia làm hai nhóm là Nộp và Srê. Người Nộp sống trên vùng bán sơn địa làm rẫy, người Srê sống ở vùng trũng làm ruộng. Tất cả các cư dân này cho dù sống ở cao hay thấp cũng đều bám theo dòng nước để tồn tại. Người K’Ho, Mạ có thói quen chỉ tắm giặt ở một bến nước cố định. Nơi đó còn gọi là bến tắm, bến tắm thường được hình thành một cách tự nhiên ở những nơi có không gian rộng rãi, thoáng đãng, cũng là nơi giao hòa, hội tụ, hợp nhất giữa trời, đất, nước và con người. Chính vì vậy, nơi ấy đã trở thành không gian văn hóa, không gian tâm linh của các dân tộc thiểu số vùng cao, là nơi vừa trần tục, lại vừa thiêng liêng. Ngày nhà nước đắp đập ngăn dòng chảy sông La Ngà để xây đập thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, hàng trăm gia đình Nộp, Srê phải dời đi nơi khác. Mỗi gia đình này được đền bù cho một căn nhà mới xinh đẹp kể cả giếng đào sử dụng nước ngầm. Vì vậy, mỗi lần tắm giặt một mình lặng lẽ tại giếng, bà con lại nhớ về bến nước nhớ những tiếng cười, nhớ tiếng lội bì bõm, tiếng tóe nước vào nhau rạt rào và nhớ cả những lời hò hẹn. Mất đi bến nước họ cảm thấy mất đi nét văn hóa ven sông của một đời người. Ông K’Prẻoh 68 tuổi người K’Ho, bây giờ là đại gia cà phê, nhà cao cửa rộng ở buôn Bờ Kọ, đã từng là lính chế độ cũ mang lon hạ sĩ nhất. Ông có cha ruột là cán bộ đảng viên nên được tham gia du kích địa phương truy quét FULRO lập nhiều chiến công được Nhà nước khen thưởng. Những ngày sau tết, đại gia K’Prẻoh ngất ngưỡng rượu bia, trong cơn say ngà ngà, ông cầm tay tôi giật giật “Chuyện đánh mấy thằng đó cũng dễ mà khó, ở ven sông này, tụi nó có mấy chục thằng lẩn trốn trong rừng thiếu ăn, thiếu đạn. Mình càn vô cấp đại đội hay tiểu đoàn không cần nổ súng, chỉ bóp “trym” cũng đủ chết, nhưng khốn nỗi bộ đội nhà mình đâu biết thằng nào là FULRO thiệt, thằng nào giả, vì nếu nó bỏ súng là thành dân thường mà. Còn cỡ như tui nhìn mặt biết ngay. Thằng này là K’Pọp con ông K’Sẻ, thằng này lạ nhưng nước da tái tái là chính hắn rồi. Mấy thằng quen hoặc bà con thì dễ òm, mình bắn tiếng với chúng nó rằng sẽ an toàn nếu về với bà con, tao dẫn đi trình diện rồi về nhà làm ăn. Mình còn nhớ vào cuối tháng 5/1975 được đi càn chung với bộ đội là Trung đoàn 66 và Trung đoàn 24 có ông Phạm Xuân Thệ là trung đoàn phó, người chỉ huy đánh vào dinh Độc Lập, nghe nói ổng lên tướng rồi nhưng không biết còn sống hay chết”! (Còn sống, tôi mới thấy ổng trên TV, hàm trung tướng, về hưu rồi, tôi trả lời). Ông KPreỏh gật đầu khà khà ly rượu: “Ông này hơi bị giỏi à nha! Ổng cho lính đi vận động, truy quét, tiêu diệt FULRO, vừa cảm hóa bà con dân tộc K’Ho ở vùng này. Ban ngày, ổng cho bộ đội cùng với dân lên rẫy trồng tỉa, thu hoạch lúa bắp. Ban đêm tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ buôn làng. Tết 1976, bộ đội và bà con cùng nhau ăn tết theo từng hộ. Tết đó được chuẩn bị đầy đủ lắm à nha! Có bánh chưng, thịt heo, giò, dưa hành. Mỗi gia đình dân tộc K’Ho đều có 3 chiến sỹ đến cùng ăn, ở, sinh hoạt và chuẩn bị tết với không khí đầm ấm vui vẻ. Kết quả “trận chiến Tết” ấm tình quân dân không tiếng súng đã làm cho lực lượng FULRO bị cảm hóa và dần bớt hung hăng đến khi tan rã. Bây giờ mấy thằng theo rừng núi đó có thằng giàu sụ, ông muốn đến ăn tết với tụi nó không, tôi dẫn đi nhưng đừng nhắc tới chuyện ngày xưa sợ nó buồn, tội nó ông ơi!”.
Ông K’Hải |
Trên đường đi thỉnh thoảng thấy anh xoa trán. Tôi nhìn lên thấy vài ba đốt đỏ bầm nên hỏi, được anh trả lời “Sáng nay bị ba cây nhang đâm vào. Số là rằm tháng giêng nào, tôi cũng vào nghĩa trang thắp nhang cho ông Hoàng Nhật Giang, chủ doanh nghiệp trà Bảo Tín, tôi xem ông ấy là người bố thứ hai của tôi. Năm 1992 khi vợ chồng tôi vào Bảo Lộc, đời sống quá khó khăn nên vào nhà ông xin làm phụ hồ, do làm việc có tinh thần trách nhiệm nên được ổng thương như con rồi hướng dẫn công ăn việc làm từ phụ lên thợ hồ rồi làm thầu khoán xây dựng mới có ngày nay… Đó là người tôi thương tưởng cho đến lúc cuối đời”. Khi được hỏi vì sao anh mang họ K’? Thường một người Kinh được bà con cho mang họ mình phải là công dân ưu tú gắn bó với buôn làng bằng cái tâm!”. K’Hải bập điếu thuốc lá lặng lẽ “Đó là một quá trình dài, người chăm lo cho cá nhân thì cuộc sống riêng dư dả, người lo cho xã hội bằng cái tâm thu nhập ít hơn nhưng được mọi người trân trọng. Tôi trở nên khá giả từ buôn làng nhờ trồng chè rồi làm thầu khoán xây dựng mua đất xây nhà rồi bán, nhưng tiền bạc biết bao nhiêu là đủ. Sống với bà con 15 năm tại đất rừng, tôi nhận ra một điều, mỗi lần đám cưới cha mẹ hai bên gia tộc phải mặc quần áo truyền thống, khi chết cũng phải mặc quần áo kèm theo cái mền 2x2m truyền thống để chôn, giá tiền cả triệu bạc. Khi gia đình của ai rơi vào thời điểm đó phải chạy đôn chạy đáo, nhiều khi có tiền mà không mua được trang phục nên trông rất tội nghiệp. Chính vì thế tôi bỏ ra thời gian để nghiên cứu hoa văn, họa tiết và các loại sợi và khung cửi để bà con trở lại nghề, chủ yếu là phục dựng lại nghề dệt của buôn một thời nổi tiếng.