Kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật, một trong những bậc tài danh của thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam, sinh ngày 25/12/1910 (*) và mất ngày 18/1/1989.
Kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật, một trong những bậc tài danh của thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam, sinh ngày 25/12/1910 (*) và mất ngày 18/1/1989.
Cách nay gần 30 năm, tôi nhận được phong thư của một người chưa quen biết, gửi đến từ Hà Nội, ghi tên “Tạ Mỹ Duật”. Chuyện tâm tình giữa 2 bác - cháu được bắt đầu từ đó, nhưng vỏn vẹn chỉ qua 4 lá thư, trong khoảng thời gian ngắn ngủi (từ cuối năm 1985 đến tháng 9 năm 1988). Đây là một kỷ niệm đẹp, khó quên, của tôi với một người “bạn lớn”, bởi vì sau lá thư thứ tư, tôi tình cờ đọc bài “Những cống hiến nghệ thuật của kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật (1915 - 1989)” của KTS. Đặng Thái Hoàng, trên Báo Thể thao - Văn hóa, số tháng 1.1989 (*), trong đó có đưa tin bác Duật mất. Từ đó, 4 thư của bác Duật, được tôi lưu giữ cẩn thận trong 26 năm qua. Qua mỗi thư, bác trao đổi, chỉ bảo cho tôi nhiều điều về nghề và nghiệp, nhưng có 2 thư bác viết nhiều về một nỗi niềm làm tôi đau đáu mãi. Đó là chuyện “tác giả - tác phẩm”, gắn với công trình Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt, mà tôi là người có duyên may biết được, nhưng không sao giúp bác có được niềm vui trọn vẹn lúc cuối đời.
Chuyện tâm tình giữa tôi với KTS. Tạ Mỹ Duật, bắt đầu từ sau bài viết “10 năm kiến trúc Đà Lạt (1975 - 1985)” của tôi được đăng trên Tạp chí Kiến Trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 3/1985 (hồi đó, tạp chí ra theo quý, 3 tháng 1 lần). Đây là bài viết đầu tiên của tôi sau 6 năm ra trường, trải qua nhiều năm tháng rong ruổi khắp mọi nẻo đường trên thành phố cao nguyên mát lạnh này, để rồi tiếp sau đó là những ngày lục tung các bản vẽ thiết kế được thẩm định, lưu giữ tại cơ quan quản lý xây dựng nơi tôi công tác, để tự tìm hiểu, nhận xét, bình phẩm về kiến trúc những công trình được xây dựng tại thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng, sau 10 năm kể từ ngày thống nhất đất nước (năm 1975). Bài viết của tôi có đề cập đến công trình “NGHĨA TRANG LIỆT SĨ ĐÀ LẠT”, với chú thích tên 2 tác giả là “KTS. TẠ MỸ DUẬT - NGUYỄN HỮU TIỀM”.
Chuyện cũng bình thường và đơn giản, vì với trách nhiệm của người viết, tôi đã ghi lại đúng tên của 2 người, có kèm theo chữ ký, trên ô tên thiết kế của bản vẽ được duyệt. Nhưng với bác Duật, lại là nỗi niềm riêng đến không ngờ. Bài viết đăng chưa lâu, tôi nhận được lá thư đầu tiên của bác Duật. Thư bác viết (tóm lượt): Tháng 8 năm 1984, bác đưa một đoàn KTS người Pháp đến thăm Đà Lạt, khi đến công trình Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt, bác khoe với người bạn Pháp “Đây là một công trình mà tôi là đồng tác giả với anh bạn KTS Trần Hữu Tiềm”, nhưng không ngờ cô hướng dẫn viên, thông thạo tiếng Pháp, chỉ giới thiệu tên có 1 người thiết kế (là KTS. Trần Hữu Tiềm). Bác viết: “Tôi ngẩn người, không biết nói sao! Có thể người bạn Pháp kia cho tôi là “nói mép” chăng?”. Bác có nhờ cô hướng dẫn viên về nói lại cho địa phương đính chính giúp, vì “trước đây đã có lần tôi phải viết thư đến anh Nguyễn Lập, KTS, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Lâm Đồng, một đồng chí lãnh đạo, đồng thời một bạn đồng nghiệp, để nói với anh về vấn đề này”. Sau đó bác sang Pháp và câu chuyện đã khép lại đến thế.
Lá thư thứ hai, bác Duật viết vào ngày 20/1/1986, nói về vai trò của kiến trúc sư nhưng nghe rất đắng lòng: “Hiện nay, trong hoàn cảnh của ta, vị trí vai trò người KTS chưa hẳn đã được xác định một cách rõ ràng như ở nhiều nước. Có lẽ vấn đề sẽ được làm sáng rõ ra qua thời gian, và còn phụ thuộc vào mấy yếu tố: nỗ lực bản thân, sự lớn mạnh của ngành và nhận thức của lãnh đạo” (Bác tự gạch dưới các chữ này). Đến lá thư thứ ba, đề ngày 16/3/1986, bác nhắc lại nỗi niềm day dứt không nguôi: “Vẫn là vấn đề tác giả Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt”. Trong thư, bác Duật nhờ tôi can thiệp với địa phương giúp và có nói đã trao đổi với đồng chí Giám đốc Sở Thương binh - Xã hội tỉnh Lâm Đồng (lúc bấy giờ) nhân dịp ra Hà Nội họp ở Bộ Thương binh - Xã hội. Bác viết tiếp: “Cái nghề nghiệp kiến trúc của chúng ta hiện còn những vấn đề cần phải xác định, và phải quy định Nhà nước nữa. Đối với nhiều nước, thì vị trí kiến trúc trong xây dựng cũng như trong văn học nghệ thuật đã rõ. Còn ở ta, thì nhiều thứ mới khởi đầu...”.
Sau lần gặp gỡ hiếm hoi, được hàn huyên với bác Duật tại nhà riêng (số 10, đường Nguyễn Chế Nghĩa) nhân dịp tôi ra Hà Nội họp, bác viết cho tôi lá thư thứ tư đề ngày 6/9/1988 để nói cho tôi hiểu thêm về chuyện nghề, những trăn trở khi thiết kế công trình nhà ở cao tầng, qua kinh nghiệm của Hà Nội... Ngờ đâu đó là lá thư cuối cùng, vì 3 tháng sau thì bác Duật mất...
Tôi đọc lại lần cuối các thư bức của bác Duật viết cho mình, với ý định tôi sẽ chuyển trả lại bản gốc những thư này cho KTS. Tạ Mỹ Dương (con trai bác Duật) để làm kỷ vật lưu niệm cho gia đình. Tôi viết bài này với mong muốn nhắc lại một sự thật với công luận, điều mà tôi biết được trong 26 năm qua về đồng tác giả công trình Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt là: KTS. TẠ MỸ DUẬT và TRẦN HỮU TIỀM. Đồng thời, muốn gửi đến Đại hội Hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ IX (họp tháng 4/2015) vấn đề “tác giả - tác phẩm” trong sáng tác quy hoạch - kiến trúc, vì đây không còn là “chuyện của riêng ai”, mà là vấn đề chung trong giới kiến trúc sư (nói riêng) và giới sáng tác văn học - nghệ thuật (nói chung). Đây cũng là dịp mỗi kiến trúc sư cần nghĩ đến trách nhiệm của mình, của nghề, nhân ngày Kiến trúc Việt Nam (27 tháng 4) và luôn nghĩ về những đóng góp lớn lao của thế hệ cha anh trong sự nghiệp kiến trúc nước nhà, qua mỗi kỳ đại hội và qua ngày kỷ niệm về nghề hàng năm.
Riêng với KTS. Tạ Mỹ Duật, bài viết này như một nén tâm nhang, tri ân những đóng góp của bác dành cho nghề, cho đời và cho tôi, nhân kỷ niệm lần giỗ thứ 26 của bác Duật.
Đà Lạt, tháng 3/2015
(*) Theo KTS. Tạ Mỹ Dương, năm sinh thật của bác Duật là 1910, nhưng trên giấy tờ ghi ngày 15/8/1915 (không rõ lý do). Vào năm 2010, anh và gia đình tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cụ, dựa trên lá số tử vi được tìm thấy trong tài liệu gia đình, từ đó tính ngược ra ngày tây là 25/12/2010. Vì vậy, KTS. Đoàn Đức Thành có bài viết “100 năm ngày sinh KTS Tạ Mỹ Duật (1910 - 2010)” trên Tạp chí Kiến trúc số 188, tháng 12/2010, ghi ngày, tháng, năm sinh của cụ khác với bài viết trước đó của KTS. Đặng Thái Hoàng, đăng trên Báo Thể thao - Văn hóa tháng 1/1989. Tác giả bài viết ghi theo năm 1910 là vậy.
KTS. TRẦN ĐỨC LỘC