Ngòi bút phải mang tính dự báo để xã hội tránh cái xấu, nhân lên cái tốt, cái đẹp

08:03, 19/03/2015

Vấn đề đặt ra trong hoàn cảnh đất nước đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế là người cầm bút tiếp tục nâng cao chất lượng sáng tác văn học - nghệ thuật nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu nhiệm vụ chính trị của quê hương, đất nước!

Với xu thế đổi mới, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là báo in) đã chú trọng tổ chức các trang văn học - nghệ thuật với nội dung đa dạng, hấp dẫn. Qua đó, quy tụ nhiều cây bút viết ký, bút ký, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn… và tác phẩm ăm ắp hơi thở của hiện thực cuộc sống sinh động, giàu chất văn học đã đến với người đọc. Vấn đề đặt ra trong hoàn cảnh đất nước đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế là người cầm bút tiếp tục nâng cao chất lượng sáng tác văn học - nghệ thuật nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu nhiệm vụ chính trị của quê hương, đất nước!

Văn nghệ sĩ các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên tham quan Di tích Vũng Rô (Phú Yên) để hiểu hơn về tráng khúc anh hùng ca trong cuộc kháng chiến  chống Mỹ của Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng 30/4/1975. Ảnh: Bình nguyên
Văn nghệ sĩ các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên tham quan Di tích Vũng Rô (Phú Yên) để hiểu hơn về tráng khúc anh hùng ca trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng 30/4/1975. Ảnh: Bình Nguyên

Như chúng ta biết, văn học - nghệ thuật lấy hiện thực cuộc sống làm đối tượng, lấy con người làm trung tâm cho hoạt động sáng tạo. Như vậy mục đích sáng tạo văn học nghệ thuật không ngoài phục vụ cuộc sống và con người. Điều này chi phối mục đích sáng tác của văn nghệ sĩ và được coi như một nguyên tắc bất di bất dịch.
 
Đã xác định phục vụ cuộc sống và con người thì tác phẩm văn học - nghệ thuật bên cạnh chức năng giải trí, phải hướng tư tưởng, nội dung tới giá trị “chân, thiện, mỹ”, định hướng cuộc sống, nhân loại nhằm nhận diện và đấu tranh, gạt bỏ cái xấu, cái ác để hướng tới sự cao đẹp, vị tha, nhân văn. Để làm được thiên chức đó, thiết nghĩ văn nghệ sĩ bất cứ thời đại nào cũng phải có “lập trường đúng, tư tưởng đúng, thấu hiểu, liên hệ và đi vào đời sống của nhân dân”. Cho nên nhà thơ Tố Hữu đã tự bạch: “Nhân dân là bể/ Văn nghệ là thuyền/ Thuyền xô sóng dậy/ Sóng đẩy thuyền lên/ Thuyền ra khơi xa/ Gió căng buồm lộng/ Buồm ta lao động/ Gió là Đảng ta”… Nhân dân đại diện cho cả dân tộc và trong mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa Đảng với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Nước lấy dân làm gốc”, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; Đảng, cán bộ, đảng viên “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
 
Đặt vấn đề như vậy để chúng ta nhất quán với nhau về tính nhân dân, tính Đảng là yếu tố không thể thiếu trong sáng tạo văn học - nghệ thuật. Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Rõ ràng dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Nhà văn Sô-lô-khốp (Nga) chia sẻ: “Tôi viết bằng trái tim nhưng trái tim đó thuộc về Đảng”. “Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”, đây là vấn đề được Đảng ta trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa luôn đề cao. Đặc biệt mới đây Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”! Trên cơ sở đó, nhiệm vụ của văn hóa được nhấn mạnh là phải: “Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người… Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”… Có như vậy, văn học - nghệ thuật cổ kim và đông tây mới trường tồn các tác gia lớn, tác phẩm mãi để dấu ấn trong tâm trí công chúng. Không đơn cử đâu xa, khi về gắn bó với nông dân đồng bằng Bắc Bộ, nhà văn Đào Vũ thành công với các tác phẩm “Cái sân gạch”; đến với công nhân làm than Quảng Ninh, nhà văn Võ Huy Tâm dựng nên một “Vùng mỏ”; đến với đồng bào công giáo Hà Nam Ninh, nhà văn Nguyễn Khải được bạn đọc nhớ tới “Ngày lễ thánh”… Bám chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, nhà văn Nguyễn Văn Bổng có được “Con trâu”. Chia ngọt sẻ bùi với đồng bào các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc vang danh với “Đất nước đứng lên” hay Nguyễn Trung Thành khắc họa nên dáng vóc “Rừng xà nu”…
 
Chính vì điều nêu trên mà khi viết về đề tài chiến tranh, nếu chúng ta không xác định được bản chất chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vì độc lập tự do của dân tộc thì chẳng thể nào nhận chân giá trị của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lý tưởng sống của lớp lớp người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”… Ngược lại, ta chỉ thấy những thân phận ủy mị, tâm trạng cá nhân nhỏ bé, những suy tính hơn thua, mất còn… Trong tâm thế ấy, người viết không thể khắc họa nên những nhân vật điển hình, hoàn cảnh điển hình của một thời sáng chói phẩm chất anh hùng cách mạng. Nói như vậy không có nghĩa người cầm bút né tránh tìm hiểu, lý giải “cái riêng”, “cái tôi”, cái cá biệt… Thế nhưng điều đáng nói là tài năng, tính tư tưởng của tác giả có thể hiện được cái “chung”, cái “ta” - đại chúng hay không? Những giá trị đó mới làm nên sức sống, giá trị trường tồn của tác phẩm!.. Điều này lý giải vì sao, có thời điểm và có tác giả đã không cắt nghĩa được vì sao chúng ta phải giải phóng miền Nam? Theo họ: nên chăng thỏa hiệp và chia đôi dòng sông Bến Hải thì phải chăng không tốn xương máu của hàng triệu người! Với luận thuyết ấy, chắc họ đã quên rằng ngày 13/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với báo chí nước ngoài: “Đồng bào tôi và tôi thành thật muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh… Nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả chứ không chịu mất tự do… Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không mất nước, không chịu làm nô lệ”! Chiến tranh và hòa bình là vậy! …Và, gần đây, có nhiều tác phẩm văn chương khi dựng lại thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc hay xã hội bao cấp sau 1975 đã quá nghiêng ngòi bút về những mặt bất cập, mặt trái do thời cuộc, do hoàn cảnh xã hội và thậm chí là do nhận thức để quên đi quy luật vận động tất yếu của cách mạng trong hoàn cảnh lịch sử nhất định… Từ đó họ cường điệu, khuếch đại mặt chưa được, dẫn tới phủ nhận thành quả cách mạng, công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất của Đảng, Nhà nước ta… Một minh chứng thời sự nữa là hành vi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế, vùng lãnh hải của Việt Nam - Giữa lúc Đảng, Nhà nước ta với quan điểm về độc lập tự chủ, hữu nghị, hợp tác và phát triển… đang tập trung đấu tranh, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình thì cũng có một số người nhân danh văn nghệ sĩ vội lên mạng chê bai Đảng, Nhà nước ta nhu nhược, ra sức kích động xã hội biểu tình quá khích, gây mất ổn định xã hội, cổ xúy dùng vũ lực để giải quyết vấn đề biển Đông… Phải khẳng định đó là những người “té nước theo mưa” khi nhìn nhận và lý giải vấn đề, thậm chí chủ quan họ còn muốn khuấy biển Đông dậy thêm sóng làm tình hình phức tạp, rối ren hơn… Trong trường hợp này, thử hỏi đâu là “thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học” của nhà văn chân chính - người luôn tỉnh táo để nắm bắt bản chất, dự báo diễn biến vận động của sự việc và đời sống… Cũng nói thêm là nhân sự kiện biểu tình ở Hồng Kông vừa qua, có người cầm bút còn vung vít luận điểm: “Ở Việt Nam năm 1975 sau khi thống nhất cũng đã có viễn kiến muốn giữ Việt Nam thành một quốc gia hai chế độ: Cả nước thống nhất về quân sự và ngoại giao nhưng miền Nam hoặc riêng Sài Gòn vẫn độc lập về kinh tế, văn hóa, dân sự. Nếu viễn kiến đó được thực hiện thì đất nước đâu đến nỗi khốn đốn và tanh bành như bây giờ”! Vậy xin hỏi nếu viễn kiến đó thành hiện thực thì xương máu hàng triệu người vì sự nghiệp giải phóng đất nước, độc lập dân tộc có ý nghĩa gì khi vẫn còn cảnh phân chia, không phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc? Và điều đó trở thành hiện thực thì không hay việc biểu tình làm rối loạn trật tự xã hội như ở Hồng Kông có xảy ra không? 
 
Văn nghệ sĩ Lâm Đồng tiếp xúc và tìm hiểu đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng Bidoup - Núi Bà. Ảnh: B.N
Văn nghệ sĩ Lâm Đồng tiếp xúc và tìm hiểu đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng Bidoup - Núi Bà. Ảnh: B.N

Để nâng cao chất lượng tác phẩm văn học - nghệ thuật ở phạm vi địa phương; theo tôi, hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng trong thời gian gần đây, có điều đáng mừng là Hội đã chú trọng tổ chức cho hội viên đi thực tế ở cơ sở trong và ngoài tỉnh. Ở Lâm Đồng, đó là các đợt thực tế - sáng tác tại Đức Trọng, tìm hiểu vấn đề dân tộc miền núi - xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm hay Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Qua các đợt thực tế, cũng là dịp để văn nghệ sĩ thoát ly “tháp ngà”, thoát khỏi chủ đề tình yêu chung chung, mơ màng “chàng, nàng” với những cảm xúc gượng ép… Đây cũng là dịp tăng cường hiểu biết, nhận thức thêm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tìm hiểu đời sống nhân dân… Những chất liệu nóng hổi và sinh động ấy đã làm nên sức sống của tác phẩm. Có thể là tác phẩm phản ánh những mặt tốt hoặc vạch một cách khách quan, khoa học mang tính xây dựng về những vấn đề bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách, hình thức tổ chức quản lý xã hội hay phát triển kinh tế… Song tất cả đã có tham vọng mong muốn góp phần cùng các địa phương, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là nâng cao đời sống nhân dân trên các phương diện: kinh tế, văn hóa, dân trí… Qua những đợt thâm nhập thực tế ấy, trước mắt các cây bút của Hội vẫn còn vắng những tác phẩm thật nổi trội… Song tin rằng thực tế đời sống sinh động, phong phú đã gieo trong từng văn nghệ sĩ khát vọng sắp tới phải viết cái gì, viết cho ai và viết như thế nào..!
 
Làm gì để đáp ứng yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay là nâng cao chất lượng sáng tác văn học - nghệ thuật cũng như tầm vóc của văn nghệ sĩ? Theo tôi: 
 
- Văn nghệ sĩ phải khẳng định mình là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Cây bút là ngọn giáo “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Văn nghệ sĩ phải là tiếng nói chính trị của đất nước, dân tộc, địa phương. 
 
- Văn nghệ sĩ phải sâu sát, gắn bó với hiện thực đời sống, đồng cam cộng khổ và phản ánh kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân thông qua hình tượng nghệ thuật mang tính điển hình, giàu sức thuyết phục!
 
- Ngòi bút của văn nghệ sĩ phải mang tính dự báo để xã hội tránh cái xấu, nhân lên cái tốt, cái đẹp! Hiện nay, chúng ta cần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch trong và ngoài nước. Văn nghệ sĩ phải hoàn toàn “miễn dịch” với hiện tượng “tự diễn biến” và cái đang ồn ào là xu hướng “giải thiêng” nói xấu, hạ bệ hình tượng lãnh tụ, anh hùng dân tộc, phủ nhận sạch trơn quá trình đổi mới tích cực của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam!
 
ĐAN THANH