Vấn vương Người ở đừng về

09:03, 26/03/2015

Tháng giêng. Mưa xuân phấp phới của vùng Kinh Bắc càng làm trái tim những liền anh, liền chị thêm xôn xao. Năm mươi làng quan họ nằm yên ả dọc dòng sông Cầu "nước chảy lơ thơ" đang chuẩn bị vào hội. Và 3 xã của tổng Nội Duệ xưa mà hôm nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão thuộc hiện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã khai hội với tên gọi truyền thống: hội Lim...

Tháng giêng. Mưa xuân phấp phới của vùng Kinh Bắc càng làm trái tim những liền anh, liền chị thêm xôn xao. Năm mươi làng quan họ nằm yên ả dọc dòng sông Cầu “nước chảy lơ thơ” đang chuẩn bị vào hội. Và 3 xã của tổng Nội Duệ xưa mà hôm nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão thuộc hiện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã khai hội với tên gọi truyền thống: hội Lim. Còn xuân lắm, mới 12, 13 tết thôi, khi dư âm của mùa xuân còn tràn ngập, hội Lim thu hút hàng vạn người đam mê câu quan họ, đam mê những tà áo tứ thân và những người nông dân giản dị thoắt biến mình thành những nghệ sỹ thực thụ…
 
Hát quan họ trên thuyền
Hát quan họ trên thuyền
 
Trong số những làng quan họ cổ nằm rải suốt dọc bờ con sông Cầu thơ mộng, tổng Nội Duệ xưa được coi là làng quan họ gốc. Bởi vậy, hội Lim cũng mang trong mình đầy đủ những yếu tố văn hóa của một làng đồng bằng Bắc bộ đồng thời lại có nét rất riêng, lễ hội của những người nghệ sĩ. Phần lễ diễn ra trang nghiêm với lễ rước, hát quan họ thờ thần. Nhưng nếu phần lễ thường chỉ dân địa phương chú tâm tới thì du khách thập phương lại say mê với phần hội. Hàng trăm liền anh liền chị, sau cả một năm cày cấy vất vả, hôm nay xuất hiện ở hội với tư cách người nghệ sĩ. Khăn đóng, áo chùng thâm ô che; áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ và đĩa trầu têm cánh phượng, họ xuất hiện rực rỡ và khác biệt. Tích xưa kể rằng, trai gái hai làng quan họ đã “kết chạ”, kết làm anh em bạn thì không được phép cưới nhau. Từ lệ làng ấy, biết bao mối tình chớm nở trong những đêm trăng quan họ đã phải câm lặng. Và mỗi năm một lần, họ gặp lại nhau trong hội Lim, tình ấy, cảnh ấy như hòa quyện trong câu hát. Nếu như người H’Mông vùng cao phía Bắc có phiên Chợ Tình dành cho đôi lứa lỡ duyên thì người quan họ có hội Lim, giúp người nông dân - nghệ sỹ có chỗ trút nỗi lòng “yêu nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”.
 
Sau hàng trăm năm truyền lưu và phát triển, những bài bản dân ca quan họ đã lên tới con số hàng trăm, từ những làn điệu phổ biến như Mời trầu, Ngồi tựa mạn thuyền, Xe chỉ luồn kim, Ngồi tựa song đào… cho tới những câu hát đối đáp tức cảnh sinh tình, bật ra ngay tại “canh” quan họ giữa hai làng. Du khách nghe quan họ với tâm thế một người thưởng thức; với người nghệ sỹ, đó là tâm tình, là kí ức, là hi vọng, là ước mong cho một năm mới tươi sáng. Cả khu vực hội rộng rãi, trên bến dưới thuyền, sân chùa và khoảng đồi rộng rãi, khách có thể thưởng thức giọng hát từ bất cứ vị trí nào, trên chiếc thuyền hoa lửng lơ giữa dòng, bên mái đình chênh chếch hay thảm cỏ rộng dài. Đặc biệt, đêm hát thi, hát đối trên đồi Lim, những liền anh, liền chị của những làng quan họ đã rèn luyện cả năm để chứng tỏ tài năng của mình chỉ trong một đêm ngắn ngủi. Những bài bản hay nhất, cổ nhất, những câu đối đáp phong phú nhất thường được biểu diễn đúng dịp này, tiếp tục góp thêm những “chồi non” trong “rừng” dân ca quan họ. Người hát say sưa, người nghe cũng say sưa, dường như hơi lạnh đầu xuân càng khiến người hát, người nghe gần nhau hơn. 
 
Và cứ mỗi độ xuân đến, khách du lại nao lòng chờ ngày khai hội. Đến hẹn lại lên, chờ nhau tại hội Lim, chờ nhau trong câu quan họ, chờ nhau giữa lất phất mưa xuân và nghẹn ngào câu hát “Người ở đừng về”.
 
DIỆP QUỲNH