Một hành trình thơ...

10:04, 09/04/2015

Nhà thơ Hữu Thỉnh - tác giả của trường ca "Đường tới thành phố", một trong những trường ca viết thành công về đề tài chiến tranh cách mạng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, lúc đầu trường ca được mang tên "Hành trình qua dây thép gai". 

Nhà thơ Hữu Thỉnh - tác giả của trường ca “Đường tới thành phố”, một trong những trường ca viết thành công về đề tài chiến tranh cách mạng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, lúc đầu trường ca được mang tên “Hành trình qua dây thép gai”. Đó là một cái tên ấn tượng về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, một hành trình qua những giới hạn ngặt nghèo của số phận cả một dân tộc và của mỗi con người. Đường tới thành phố Sài Gòn mang tên Bác Hồ kính yêu ngày 30/4/1975 là một cuộc hành trình dài qua biết bao hy sinh gian khó, từ hậu phương tới chiến trường, từ rừng núi xuống đồng bằng, từ đồng bằng vào thành phố. Những câu thơ hay nhất, cảm động nhất trong trường ca của Hữu Thỉnh là viết về hậu phương. Ở đó có người mẹ: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/ Mừng thì mừng mà thương mẹ biết bao nhiêu” và: “Từ chịu đựng neo đơn của mẹ/ Bao việc làng, việc nước lớn dần ra”. Từ một người chị ở hậu phương: “Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc” đến một người vợ trong vùng địch tạm chiếm: “Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”. Có lẽ không có sự hy sinh nào bằng sự cô đơn: “Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra/  Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại/ Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một mình/ Những đêm trở trời trái gió/ Tay nọ ấp tay kia/ Súng thon thót ngoài đồn dân vệ”. Chiến tranh không chỉ là sự phân chia chiến tuyến của sự hy sinh đối diện trực tiếp ngoài mặt trận dễ nhận thấy mà chiến tranh ngay ở trong số phận của từng con người của những ranh giới mỏng manh mà vượt qua đó còn khó hơn nhiều trong sự thầm lặng mất mát vô danh. Nhà thơ Thanh Thảo cũng khá nổi tiếng với trường ca “Những người đi tới biển”  là một hành trình từ hậu phương vào mặt trận, từ Trường Sơn xuống bưng biền kênh rạch Nam bộ. Ở nơi địa bàn khắc nghiệt này mà người dân đã phải gài những bãi mìn ngay trước mảnh sân nhà kề cận cái chết. Những người lính mà: “Những năm/ Chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách/ Những năm/ Một chiếc áo có thể sống lâu hơn cuộc đời”. Tổ quốc với người lính thật là thiêng liêng và giản dị, nhưng không giản đơn mà qua bao trăn trở mới có thể: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi ai mà không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn gì Tổ quốc/ Cỏ sắc mà ấm quá phải không em”. Còn Tổ quốc trong thơ Hữu Thỉnh thì “Trời ơi nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao “Tổ quốc”. Với người lính, Tổ quốc gần trong gang tấc từ ngọn cỏ, gốc sim thân thiết biết chừng nào. Tổ quốc hiện lên từ hình ảnh người mẹ cảm động biết bao trong thơ Hữu Thỉnh: “Mẹ nén đau giấu tờ báo tử/ Sáng mai lại tiễn con lên đường nhập ngũ/ Bốn ngàn năm đất nước mấy khi yên” để làm nên đại thắng mùa xuân bắt đầu từ những hy sinh thầm lặng vô giá như thế.
 
Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 được trưng bày tại Tp.HCM. Ảnh: Thanh Toàn
Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 được trưng bày tại Tp.HCM. Ảnh: Thanh Toàn

Có thể nói bài thơ viết sớm nhất về ngày chiến thắng ba mươi tháng tư như một khúc khải hoàn, một tiếng reo ca náo nức “Toàn thắng về ta” là của nhà thơ Tố Hữu viết ngày 1/5/1975. Vâng, toàn thắng đã về ta khi chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, khi lá cờ giải phóng được đại đội trưởng Bùi Quang Thận phất cao trong gió lộng, khi toàn bộ nội các, ngụy quyền Sài Gòn cúi đầu xin hàng. Nốt lặng đầu tiên của nhà thơ ngân lên: “Ôi nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/ Trào vui nước mắt cứ rưng rưng”. Thi ca là thế, là sâu thẳm cõi lòng, chạm vào nỗi niềm rung động nhất, có phút nghẹn ngào trong niềm tự hào kiêu hãnh. Chỉ mấy phác thảo thơ mà Tố Hữu đã khái quát được thần thái, sự thần tốc của cuộc chiến qua bao địa danh: “Chặt Buôn Mê Thuột rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế, Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng” và: “Pháo hãy gầm lên đỏ nòng bắn thẳng/  Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn”. Tình cảm dâng đến cao trào hiện ra hình ảnh Bác Hồ đẹp đẽ biết bao: “Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người rực rỡ cờ hoa”. Đồng chí Lê Đức Thọ, một trong những người chỉ huy ở vị trí cao nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh với bài thơ “Trận thắng cuối cùng” viết tại Tân Sơn Nhất ngày 2/5/1975 tràn đầy khí thế của một người trong cuộc, với cái nhìn chiến lược toàn cục của cuộc chiến: “Quanh Sài Gòn đã xiết chặt vòng vây/ Đường 4 cắt rời, Vũng Tàu không lối thoát/ Căn cứ Biên Hòa, Sân bay Tân Sơn Nhất/ Pháo tầm xa đang dội lửa xuống ngày đêm”. Ông đã vẽ lên hình ảnh rất đẹp của người chiến sỹ: “Anh giải phóng quân trên tháp pháo xe tăng/ Tay đón những bông hoa tươi đẹp nhất/Ôi những giây phút này mừng đến rơi nước mắt”. Cũng như nhà thơ Tố Hữu ở phút giây thiêng liêng ông lại nhớ đến Bác Hồ: “Lời Bác dặn đã hoàn thành trọn vẹn/ Giờ này đây Bác ngủ hẳn yên lòng”. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sỹ Phạm Tuyên đã xuất thần thăng hoa kịp thời với ca khúc nổi tiếng: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Hình như trong tấm lòng của mỗi người dân Việt Nam đều thường trực những tình cảm thiêng liêng và quý trọng nhất với hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của mình. Cũng trong những giây phút lịch sử ấy nhà thơ Hữu Thỉnh đã có một tứ thơ khá độc đáo. Qua góc độ ống kính tâm hồn của một nhà báo, ông đã chớp được cận cảnh: “Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập”, một bữa cơm dã chiến mà: “Tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu/ Xích còn vương đỏ đất Phan Rang/ Vừa mới vào mâm anh nuôi bận/ Chia thêm Tổng thống ngụy đầu hàng”. Để có được bữa cơm của ngày hòa bình đầu tiên đó, các anh trong trường ca “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh đã thần tốc táo bạo vượt qua trùng điệp: “Con đường Hồ Chí Minh/ Chiến dịch Hồ Chí Minh / Thành phố Hồ Chí Minh/ Chiến sỹ vừa đi vừa hỏi/ Chiến sỹ vừa đi vừa giục/ Chiến sỹ vừa đi vừa hát/ Cành ngụy trang qua gió thổi ba miền”. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong “Trường ca sư đoàn” của mình có những câu thơ nghẹn thắt trong ngày vui chiến thắng: “Nếu hôm nay tất cả về đông đủ/ Sư đoàn tôi thành mấy sư đoàn”. Đã có bao nhiêu đồng đội nằm dọc chiến trường, bao lớp thay quân lính mới. Ông viết: “Tên tuổi chúng tôi rải rác khắp rừng cây/ Rải rác dòng tên nơi đèo cao vực thẳm/ Người hy sinh và người còn sống/ Cũng đứng trong đội ngũ sư đoàn”.
 
Đọc lại những bài thơ, trường ca viết về ngày 30 tháng 4 đều có một nét đặc biệt là các nhà thơ sau những nhịp thơ cuồn cuộn hào hùng khí thế chiến thắng thì đều tìm cách lý giải về cội nguồn chiến thắng. Những bài thơ ngắn ghi nhận những cảm xúc trực tiếp thì các trường ca lùi lại thời gian để có cái nhìn toàn diện. Và chính thể loại có độ dài với những chương đoạn, với sức tải nhân vật, sự kiện có khả năng tung tẩy qua nhiều cung bậc tình cảm đã tạo sức thuyết phục và lay thức hơn nhiều. Nhà thơ Tố Hữu đã lý giải về mạch nguồn, lý tưởng của người chiến sỹ giải phóng quân trong “Toàn thắng về ta”: “Tổ quốc cho anh dòng sữa tự hào/ Thời đại cho anh ánh sao trí tuệ” và: “Vũ khí chính là anh, lòng yêu thương mênh mông/ Vũ khí chính là anh, lửa căm hờn nóng bỏng”. Còn nhà thơ Hữu Thỉnh - một người con trung du Bắc bộ, một người lính xe tăng trong bữa cơm chiều ở Dinh Độc Lập bỗng bất ngờ nhận ra: “Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/ Rau muống xanh như hái tự ao nhà”. Khoảng cách chiến trường và hậu phương đã rút ngắn lại như thế đó. Đó cũng chính là sức mạnh tổng hợp của ý chí toàn dân tộc. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong ngày vui toàn thắng, cái chất lính, chất thi sỹ mộng mơ của anh khi nhìn lên bầu trời Sài Gòn bỗng thấy: “Trong giọng hót ngày hòa bình vui lạ/ Có phải chim từ nơi súng nổ bay ra/ Tôi cứ nghĩ đàn chim ở tay người cầm súng/ Trái tim vui suốt dải đất hai miền”. Đó là vẻ đẹp tâm hồn hướng thiện của người chiến sỹ khi: “Sư đoàn tôi vừa đi qua chiến tranh/ Hòa bình đến trên bàn tay lắp đạn/ Hái một trái sầu riêng đang độ chín”. Và thật tinh tế lắm người lính thi sỹ Hữu Thỉnh mới có những phát hiện: “Tháng tư này cây cỏ cũng ra tù/ Mùa hạ đón bằng cơn mưa nồng nhiệt”. Nhà thơ Xuân Diệu trong một bài thơ viết ngay sau ngày 30 tháng 4 có một tựa đề rất nồng nàn và náo nức: “Tôi muốn đi thăm khắp cả miền Nam”. Miền Nam từ lâu đã là một tình cảm thân thiết trong mỗi con người đất Việt. Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Một miền Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát để đi đến ngày toàn thắng. Thi sỹ Xuân Diệu đã thốt lên những câu thơ chan chứa tình người: “Hai tháng rưỡi về thăm thấm vào đâu với bao nhiêu năm cách trở/ Chưa ôm hết vòng tay thương/ Chưa chứa đầy mắt nhớ/ Lòng tôi còn nguyên nợ với miền Nam”. Và thật cảm động biết bao khi nhà thơ Phùng Khắc Bắc viết trong “Ngày hòa bình đầu tiên”: “Anh về quê không mang súng/ Mẹ giục: ăn đi, con! - Hòa bình trong canh cua mồng tơi, cà/ Và/ Mùi ổ rơm”. Ôi cái mùi ổ rơm quê kiểng, rơm rạ của hồn quê mà nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết: “Cái ổ rơm bọc tôi như kén bọc tằm/ Tôi thao thức trong mùi mật trong của ruộng”. Sức mạnh của chiến thắng từ cội nguồn sâu thẳm thế đó. Và tâm thức Việt của người lính cũng bắt đầu như thế đó… 
 
Ngày ba mươi tháng tư là một dấu mốc quan trọng, một điểm tựa tinh thần lớn lao, một bệ phóng cho tương lai. Đường đến Sài Gòn ba mươi tháng tư qua bao nhiêu cung đường, qua bao giới hạn, qua bao địa hình, qua bao số phận. Và thơ - chính là những “va chấn” tâm hồn ghi lại trung thực nhất những khoảnh khắc bất chợt, những lan tỏa bất ngờ, những cung bậc thiết tha. Khi là một tiếng reo vui, khi là một nỗi quặn thắt nén lòng, khi là những rưng rưng trong nụ cười và nước mắt. Thơ chính là phiên bản âm tính sâu sắc và cảm động, là những thước phim ghi lại qua ống kính tâm hồn để mãi ngân vang ngân xa đồng cảm và đồng điệu. Các nhà thơ - những người thư ký tâm hồn của thời đại đã bằng chính cuộc đời mình đo cuộc hành trình trên dây thép gai để cùng dân tộc đi đến ngày toàn thắng…
 
NGUYỄN NGỌC PHÚ