Chúng tôi luôn ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành lại chủ quyền

09:04, 01/04/2015

(LĐ online) - Thời gian qua và hiện nay, tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp do những âm mưu, thủ đoạn thâm độc và ngày càng leo thang của một số bên có chủ quyền trên Biển Đông.

(LĐ online) - Thời gian qua và hiện nay, tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp do những âm mưu, thủ đoạn thâm độc và ngày càng leo thang của một số bên có chủ quyền trên Biển Đông. Tại Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 5 (vòng IV) vừa được tổ chức ngày 26, 27 - 3, Báo Đà Nẵng là đơn vị đăng cai đã quyết định chủ đề hội thảo là “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng”. Hội thảo thu hút sự tham gia của 19 báo Đảng địa phương trong khu vực cũng như sự tham gia tích cực của 28 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Trên tinh thần trách nhiệm và nhất là tình yêu với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm và có giá trị để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền trên báo Đảng về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, góp phần tạo chuyển biến thực sự trong đời sống xã hội… Đặc biệt, hội thảo đã có bài phát biểu của ông Ian Lister và bà Carole Kendal (Vương quốc Anh) bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - một phần lãnh thổ không thể tách rời của đất nước và là máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Được sự giúp đỡ của nhà báo Hồng Loan - Báo Đà Nẵng điện tử, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Ian Lister và bà Carole Kendal, hai người đã tâm sự như sau.
 
1. Bà Carole Kendal: - Từ nước Anh, chúng tôi sang Đà Nẵng dạy tiếng Anh đã hơn 7 năm. Chúng tôi cũng là chuyên gia tham gia hiệu đính trang báo điện tử tiếng Anh của Báo Đà Nẵng. Chúng tôi đã xem Đà Nẵng là quê hương thứ hai. Nhân Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 5 (vòng IV) với chủ đề “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng”, chúng tôi chia sẻ ý kiến của mình về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa vì quần đảo này thuộc quyền quản lý của Đà Nẵng, thành phố quê hương thứ hai của chúng tôi. 
 
Trước hết, các bằng chứng lịch sử dường như khẳng định chắc chắn rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong nhiều thế kỷ và quần đảo này không thuộc Trung Quốc. Tôi tin rằng Trung Quốc đã lợi dụng tình thế khi cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ sắp kết thúc, đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa vào tháng 1 - 1974.
 
Tôi tin rằng, ở thế kỷ XXI, những tranh chấp về biên giới quốc gia nên được đưa ra các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để giải quyết - có lẽ là Liên Hiệp Quốc - và họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng buộc các bên liên quan phải chấp nhận và tuân thủ. Không bao giờ cho phép bên mạnh có quyền đe dọa bên yếu hơn trong đàm phán song phương. Vì vậy, tôi rất mong muốn Việt Nam sẽ đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn, và không nên chấp nhận giải pháp thỏa hiệp song phương. Nếu Việt Nam có bằng chứng rằng Trung Quốc đã vi phạm quy ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thì hãy đệ trình vấn đề này lên Liên Hiệp Quốc để họ phán xét. Nếu Trung Quốc đã vi phạm tuyên bố của ASEAN thì hãy đưa vấn đề này ra ASEAN. Hai tổ chức đã từng giải quyết thành công các vụ việc và hãy để cho họ giúp Việt Nam đưa ra phán quyết cuối cùng.
 
Trong thế giới hiện đại ngày nay, các quốc gia tân tiến không bao giờ tin rằng chiến tranh và xâm lược là những giải pháp tốt nhất cho giải quyết tranh chấp biên giới quốc gia. “Cuộc chiến” chỉ nên diễn ra dưới hình thức tranh luận và các bên liên quan phải chấp nhận kết quả cuối cùng mà không được tỏ ý bất mãn. Chính bản thân Trung Quốc cũng đã được hưởng lợi từ thỏa thuận song phương mang tính ràng buộc với Anh. Họ đã không phải dùng vũ lực để buộc Anh trao trả Hồng Kông năm 1977… Đối thoại, tranh luận và các thỏa thuận mang tính tôn trọng lẫn nhau nên là cách giải quyết vấn đề chín chắn trong thời đại ngày nay.
 
Ông Ian Lister và bà Carole Kendal phát biểu tại Hội thảo
Ông Ian Lister và bà Carole Kendal phát biểu tại Hội thảo

2. Ông Ian Lister: - Rõ ràng Trung Quốc dường như hoàn toàn tỏ ra phớt lờ trước những tuyên bố chính thức từ Bộ Ngoại giao Việt Nam như “không được tấn công tàu đánh cá của chúng tôi”, “rút giàn khoan của nước bạn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và không được hạ đặt trở lại”, “không được thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa”, “không được xây thêm đường băng mới”, “không được đưa du khách Trung Quốc ra quần đảo Hoàng Sa bằng tàu biển”, “rút khỏi quần đảo Hoàng Sa”… Là người viết nhiều thư kiến nghị và được BBC chấp nhận thay vì nhiều năm trước khi điểm tin thời tiết các khu vực trên thế giới chỉ nhắc đến địa danh Tourane thì nay cơ quan truyền thông này đã đổi sang Đà Nẵng… Tôi cảm thấy rằng những thông tin liên quan đến quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp chưa được tuyên truyền nhiều. Rất ít người Việt Nam từng đến quần đảo Hoàng Sa, và rất hiếm ấn phẩm mô tả quần đảo này. Chính vì vậy, để tìm hiểu thêm thông tin về Hoàng Sa, chúng tôi phải tìm trên mạng Internet. Quần đảo Hoàng Sa bao gồm khoảng 130 đảo nhiệt đới hoang sơ, bãi san hô, xung quanh là nước biển trong xanh với hệ thống sinh vật biển đa dạng, nhiều bãi biển cát trắng và thảm thực vật nhiệt đới phong phú. Quần đảo này cách Đà Nẵng khoảng 350km về phía Đông (khoảng 1 giờ bay). Quần đảo Hoàng Sa - một đơn vị hành chính của Đà Nẵng, thuộc chủ quyền của đất nước quý vị - sẽ là một địa điểm rất lý tưởng để phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, với các dịch vụ từ đất liền Đà Nẵng. Vì vậy chúng ta nên làm gì để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của Đà Nẵng, của miền Trung và của Việt Nam nói chung.
 
Chính lý do này, Việt Nam nên tiếp tục đấu tranh để giành sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
 
Vào tháng 4-2013, chúng tôi tham dự lễ khai mạc triển lãm “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại Bảo tàng Đà Nẵng. Chúng tôi đã có cơ hội trả lời phỏng vấn trên truyền hình, và là những người đầu tiên viết vào sổ cảm tưởng tại sự kiện này. Chúng tôi đã viết: “Đây là một cuộc triển lãm tuyệt vời! Sự kiện đã cung cấp các bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Xin chúc Việt Nam sẽ may mắn trong cuộc đấu tranh chính nghĩa bền bỉ để giành thắng lợi. Tất cả những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại thành phố này cũng như những ai dành tình yêu cho Việt Nam luôn luôn ủng hộ Việt Nam!”.
                                                          
ĐAN THANH