Ký ức về Đà Lạt đấu tranh cách mạng qua hệ thống trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng

09:04, 02/04/2015

Diện tích và không gian "Những sự kiện nổi bật trong phong trào đấu tranh cách mạng của quân dân, thành phố Đà Lạt" ở phần trưng bày về nội dung "Nhân dân Lâm Đồng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ" tuy còn khá khiêm tốn nhưng đã gây được sự chú ý và thu hút người xem...

Diện tích và không gian “Những sự kiện nổi bật trong phong trào đấu tranh cách mạng của quân dân, thành phố Đà Lạt” ở phần trưng bày về nội dung “Nhân dân Lâm Đồng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ” tuy còn khá khiêm tốn nhưng đã gây được sự chú ý và thu hút người xem. Bởi tất cả đã được tái hiện một cách khá sinh động qua các tổ hợp ma-nơ-canh kết hợp với những hiện vật gốc và đặc biệt là được sự dẫn dắt, kể chuyện lịch sử của các thuyết minh viên.
 
 
Khởi đầu là sự ra đời của Chi bộ Đảng Tân Việt năm 1929 tại một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ còn được gọi là Nhà Thiếc - nhà số 5A. Hồ Tùng Mậu - Đà Lạt. Chi bộ do đồng chí Trần Hữu Duyệt - một trong những người có công gieo mầm cách mạng trên mảnh đất cao nguyên Lâm Viên làm bí thư. Và chỉ sau một thời gian ngắn, Chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên của Đà Lạt thành lập (1930) trong căn phòng phía trên ga ra Khách sạn Palace. Từ đây có sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân Lâm Đồng nói chung và nhân dân Đà Lạt nói riêng ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chất lẫn về lượng. Điển hình là các cuộc đấu tranh, đình công của công nhân Nhà máy chè Cầu Đất, Hãng thầu Si - đéc cùng với những hoạt động “xuất quỷ nhập thần” của Đội cảm tử Phan Như Thạch, các đội biệt động thành. Những cuộc đấu tranh chính trị của bà con tiểu thương chợ Đà Lạt và học sinh, sinh viên Đà Lạt mà đỉnh cao là những năm 1966, cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, đặc biệt là cuộc tập kích chiến lược “TK70” vào thành phố Đà Lạt... đã làm cho địch bao phen khốn đốn, kinh hoàng trên mảnh đất mà chúng những tưởng là rất yên bình này. Tất cả đều được tái hiện lại thông qua những hình ảnh, tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng. Khi đến đây, người xem không khỏi xúc động khi tận mắt nhìn thấy những hiện vật lịch sử, những kỉ vật của các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng chiến đấu, hi sinh cho nền hòa bình, thống nhất của Tổ quốc. Đó là chiếc máy ảnh của liệt sĩ Lê Trần Thái - chính trị viên Đội cảm tử Phan Như Thạch; thắt lưng, bao súng của đồng chí Nguyễn Tấn Phước - Đội trưởng Đội cảm tử Phan Như Thạch; những bài báo của nước Pháp và Việt Nam lên án hành động dã man của thực dân Pháp trong vụ thảm sát đồng bào, chiến sĩ ta tại Sân bay Cam Ly - Đà Lạt năm 1951. Những bức thêu bài thơ nhắn nhủ đồng đội giữ vững khí tiết đấu tranh cũng như hình ảnh bản đồ Việt Nam và chim bồ câu trắng thể hiện sự lạc quan, tin tưởng về viễn cảnh một Việt Nam hòa bình, thống nhất của các chiến sĩ, đồng bào cơ sở cách mạng của ta bị giam cầm trong nhà lao Đà Lạt. Những hình ảnh của nhân dân và học sinh, sinh viên Đà Lạt những “đêm không ngủ” tại khu trung tâm Hòa Bình trong những năm tháng chống Mỹ. Những bức thư tuyệt mệnh lên án chiến tranh gửi Tổng thống Mỹ và lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới của nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền - người tự thiêu để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.
 
Chiếc máy đánh chữ, con dấu và những quyển tập san, những bản nhạc, bài ca cách mạng của lực lượng học sinh, sinh viên tranh thủ dân chủ tại Đà Lạt. Chiếc đèn pin và đồng hồ dùng để xem giờ G chỉ huy tấn công vào thành phố Đà Lạt trong “chiến dịch TK70” của đồng chí Đinh Sĩ Uẩn - một trong những người chỉ huy cuộc Tập kích chiến lược vào thành phố Đà Lạt năm 1970, sổ tay tự tu của liệt sĩ Lê Thị Pha... Và đặc biệt với sự kiện ngày 3 tháng 4 năm 1975 - ngày thành phố Đà Lạt hoàn toàn giải phóng cũng được khắc ghi với những hình ảnh nhân dân Đà Lạt hân hoan xuống đường chào mừng ngày giải phóng với băng cờ, biểu ngữ trên tay. Lá cờ giải phóng đầu tiên cắm trên nóc nhà trung tâm khu Hòa Bình cũng được trưng bày một cách trang trọng bên cạnh những hiện vật tiêu biểu khác như: những tấm bản kẽm để in ảnh Bác Hồ, in tài liệu để kịp tuyên truyền và chuyển tới nhân dân thành phố trong những ngày đầu giải phóng. Những cặp loa đôi đặt ở trung tâm thành phố để tuyên truyền, kêu gọi lực lượng ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện với chính quyền cách mạng; kêu gọi đồng bào sơ tán trở về ổn định cuộc sống, những băng đeo tay của các đội tự vệ sử dụng để làm công tác ổn định an ninh trật tự trong những ngày mới giải phóng Đà Lạt...
 
Tất cả đã làm cho chúng ta rất đỗi tự hào, nhớ lại những kỷ niệm hào hùng 40 năm về trước của nhân dân Đà Lạt nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Khi đáp lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu, cả dân tộc đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” giành lại non sông gấm vóc từ tay những kẻ ngoại bang. Ngày nay, nối tiếp truyền thống cha ông, thế hệ trẻ Việt Nam lại tiếp tục vững chắc tay súng bảo vệ đất trời và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
HƯƠNG NGÀN