Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư

09:04, 23/04/2015

Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân quê ở Long An, chị đã từng được nhiều bạn đọc biết đến qua bài thơ "Con tem quân đội". Một bài thơ lục bát dung dị mà ân tình, tha thiết với người lính. 

Đừng trách gì nhé anh, hãy nghe em kể hết
Những nghĩ suy nông nổi của một thời
Những trống trải không cách gì xua đuổi
Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư
 
Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư
Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất
Sẽ không biết tự khuyên mình những lời nghiêm khắc nhất
Không một lần dám sống hy sinh
 
Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen
Em đâu biết tin ai một điều gì tuyệt đối
Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa tim kia đành giữ lại… để nghi ngờ
 
Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa
Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa
Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen, đất đỏ
Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa chữ “dòng kênh”
 
Sẽ… rất nhiều, anh hiểu phải không anh
Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ
Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ
Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh
 
Anh có lạ lùng khi em nói em ghen
Với quá khứ anh, những tháng ngày đánh Mỹ
Em ghen với mắt nhìn tự tin, với nói cười thoải mái
Ghen với những say mê em chưa có một lần
 
Em ghen với bạn bè anh, ghen với những tâm hồn
Từ dạo ấy tháng Tư giải phóng
Để rồi anh đi, cái vỏ ốc bỗng vỡ tan dễ dàng như bong bóng
Những khát vọng, tin yêu em đã gặp chính mình
 
Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm
Lòng vẫn nghĩ: tháng Tư làm nhân chứng
Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn
Làm thế nào em có thể đền ơn!
 
Tháng Tư ơi xin đẹp mãi tâm hồn.
 
ĐINH THỊ THU VÂN
                                                  Long An, 30/4/1981
LỜI BÌNH:
 
Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân quê ở Long An, chị đã từng được nhiều bạn đọc biết đến qua bài thơ “Con tem quân đội”. Một bài thơ lục bát dung dị mà ân tình, tha thiết với người lính. Với “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư”, giọng thơ nhỏ nhẹ giàu nữ tính mà nhiều cung bậc tâm trạng, chị chọn cho mình lối tự sự chân thành nhưng cũng rất dịu dàng cá tính. Với giọng “kể” thơ này, nếu tình cảm không thật, không nồng hậu sẽ dễ bị “trượt” ra khỏi đường ray tâm hồn. Đầu tàu của trái tim đa cảm, nhiều thổn thức, tự bộc bạch khao khát được chia sẻ của nữ thi sĩ đã đi về tới đích của bến đỗ yêu thương, của niềm tin day dứt, của: “Tháng Tư ơi xin đẹp mãi tâm hồn”. 
 
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết: “Thơ là ký ức tuổi thơ còn sót lại”, với nhà thơ Hữu Thỉnh thì: “Tôi rất tin thơ là kinh nghiệm sống”. Thơ chính là sự hoàn thiện chính mình, có sức lan tỏa lay thức. Mở đầu bài thơ nữ thi sĩ thật khiêm nhường trước khi đặt ra câu hỏi: “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư”. Bằng một lối rủ rỉ tâm tình: “Đừng trách gì nhé anh, hãy nghe em kể hết - Những nghĩ suy nông nổi một thời”. Nếu như nhiều người viết về Ba mươi tháng Tư bằng những nhịp thơ hào hùng với khí thế người chiến thắng, đan cài bao hình ảnh, sự kiện của cuộc chiến đầy khói bom súng đạn, thì Đinh Thị Thu Vân để lắng lại một khoảng thời gian với nhiều trải nghiệm đến ngày 30/4/1981, chị mới viết về những chấn động của tâm hồn mình. Sự kiện 30/4 như một cái cớ để con tim “nông nổi” nhưng không “nông cạn” một thời của chị cuộn lên bao ký ức và bao dự cảm tương lai với những câu thơ trải lòng da diết. Có không ít quặn thắt và khát khao để hướng tới những gì tốt đẹp, để xứng đáng với ngày 30/4 lịch sử. Chị viết: “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư” thì em: “Không một lần dám sống hy sinh” rồi: “Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối - Còn nửa kia đành giữ lại…để nghi ngờ” và: “Có thể rồi quên cả màu của lúa - Quên bài địa lý quê hương những miền nào đất đen, đất đỏ”… Tất thảy với những tự vấn thảng thốt và đầy trực cảm: “Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ - Con ốc đa nghi cuộn mình trong vỏ” đã hiện lên chân dung của một nữ thi sĩ mảnh mai có chút gì yếu đuối nhưng rất thật lòng. Thơ chính là sự chắt lọc của tâm hồn, và sự kiện ngày 30/4 đã thanh lọc lại tâm hồn, lối nghĩ, cách sống.
 
Bài thơ tựa như có hai đoạn, hai cung bậc tâm trạng từ tự vấn đến tự tỉnh, từ day dứt đến giải thoát. Tôi thích những câu thơ đầy nữ tính và cũng đầy cảm thông chia sẻ của một tâm hồn thật đa cảm khi chị viết về “ghen”: “Anh có lạ lùng khi em nói em ghen - Với quá khứ anh những tháng ngày đánh Mỹ”. “Ghen” là thuộc tính tình cảm thường trực của người phụ nữ: có yêu mới ghen. Ở đây chị ghen: “Em ghen với ánh mắt nhìn tự tin với nụ cười thoải mái - Ghen với những say mê em chưa có một lần - Em ghen với bạn bè anh, ghen với những tâm hồn” thì cung bậc của ghen thật đẹp và cao cả biết bao. Đây cũng là trường hợp rất hiếm, đột biến “ghen” trong thơ tình từ trước tới nay. Chính cái chất thăng hoa giàu chất nhân văn ấy đã chắp cánh cho thơ chị bay lên từ cuộc sống đời thường dung dị đến gần lại với vẻ đẹp lý tưởng, khao khát hướng thiện của con người. Để: “Từ dạo ấy tháng Tư giải phóng” chị như: “Cái vỏ ốc bỗng vỡ tan dễ dàng như bong bóng - Những khát vọng tin yêu em đã gặp chính mình”. Từ hướng ngoại đến hướng nội, con đường của thi ca đã góp phần lay thức, hoàn thiện nhân cách của một con người. Tuy không viết trực diện về ngày đại thắng 30/4, không có khói bom và súng đạn, nhưng những diễn biến của một hành trình sống và trải nghiệm, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân đã làm được một công việc đầy khó khăn đó là những va chấn của sự kiện lịch sử, âm hưởng của nó vẫn còn vang vọng mãi đến mai sau. Không chỉ thay đổi cả một đời sống dân tộc từ chiến tranh sang hòa bình mà còn “lột xác” được cả cá thể của một con người. 
 
Kết thúc bài thơ là một lời chia sẻ tâm tình, bởi chị đã: “Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm - Lòng vẫn nghĩ tháng Tư làm nhân chứng - Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn - Làm thế nào em có thể đền ơn!”. Vâng, tháng Tư như một con người, cá thể không chỉ là một nhân chứng lịch sử mà còn là nhân chứng cuộc đời. Và tôi cứ nghĩ bài thơ này chị có thể viết ra khi gặp một biến cố nào đó trong cuộc đời chăng? Và ngày 30/4 là cứu cánh, là điểm tựa, là hy vọng, và chúng ta làm thế nào có thể đền ơn được với những mất mát hy sinh của biết bao đồng đội để có một ngày 30/4 trọn vẹn trong đời…
 
Nguyễn Ngọc Phú