Tôi chở anh bằng xe máy đi Sài Gòn. Hai anh em dừng chân nghỉ ở một quán nước bên đường thuộc khu vực huyện Trảng Bom - Đồng Nai. Tôi kêu chủ quán cho hai ly nước mía, một cô gái chừng ba mươi tuổi đang thao tác máy ép mía lên tiếng gọi...
Tôi chở anh bằng xe máy đi Sài Gòn. Hai anh em dừng chân nghỉ ở một quán nước bên đường thuộc khu vực huyện Trảng Bom - Đồng Nai. Tôi kêu chủ quán cho hai ly nước mía, một cô gái chừng ba mươi tuổi đang thao tác máy ép mía lên tiếng gọi:
- Ba ơi, phụ cho con một chút.
Khi đó trong quán khá đông khách.
- Ừ ba ra ngay - Một người đàn ông nhỏ thó, mái tóc bạc trắng, nét mặt phúc hậu, mang nước cho chúng tôi:
- Mời hai chú uống nước.
Rồi ông nhìn chằm chằm vào anh Hùng. Anh Hùng đang ngả lưng trên ghế dựa. Tôi bất giác cảm thấy khó chịu về cái nhìn quá kỹ như soi mói của ông ta. Rồi ông ta bất chợt kêu lên: - Hùng! Có phải thằng Hùng rái cá, tiểu đoàn đặc công 81 không? Anh Hùng mở mắt ngồi ngay dậy nhìn người chủ quán một hồi lâu:
- Đúng em là Hùng tiểu đoàn đặc công 81 đây, nhưng em chưa nhớ ra anh.
- Chiến! Anh là Chiến đây, chú có nhớ trận đánh cầu Rạch Chiếc không?
- Ôi anh Chiến, em nhớ rồi. Hai người ôm chầm lấy nhau, sau một hồi cười mà như mếu, họ buông nhau ra, anh Chiến lại cười khà khà rồi nói:
- Thế mà cũng bốn mươi năm rồi, run rủi sao, hôm nay anh em mình lại được gặp nhau. Thôi uống nước đi rồi về nhà anh, chú phải ở với anh hết ngày và đêm nay đấy.
- Em đồng ý cả hai tay hai chân luôn.
Tôi thực sự xúc động trước cuộc hội ngộ tình cờ của hai anh, rồi cả ba anh em về nhà anh Chiến. Mất gần nửa tiếng đồng hồ đi xe máy chúng tôi đã có mặt ở nhà anh.
|
Minh họa: Hồ Toàn |
Căn nhà nhỏ làm theo lối kiến trúc của Thái Lan, nằm lọt thỏm giữa khu vườn, rộng khoảng 2.000 mét vuông, cây trái có đủ loại. Có lẽ chủ nhân của nó chăm chút lắm nên cây cối đều xanh tốt, dưới tán vườn rất sạch sẽ. Những cây chôm chôm, mít, bưởi quả sai chíu chít. Một bầy gà khoảng năm chục con đang kiếm ăn dưới tán vườn, thi thoảng lại ẩu đả với nhau ồn ào. Khung cảnh ở đây thật thanh bình. Một người phụ nữ khuôn mặt phúc hậu ra mở cửa, thấy chúng tôi chị hỏi anh Chiến:
- Nhìn anh vui thế kia chắc hai chú đây là bạn chiến đấu ngày xưa.
- Em đoán cứ như thần, giới thiệu với em: Đây là Hùng, bạn chiến đấu của anh. Trận đánh cầu Rạch Chiếc, Hùng bị thương phải về tuyến sau, rồi từ đó hai anh em mất liên lạc. Tình cờ hôm nay chú ghé quán con Phương uống nước, anh em mới nhận ra nhau, còn kia là chú Huy bạn của Hùng. Chị cười sởi lởi mời khách vào nhà. Anh Chiến tiếp lời chị:
- Hôm nay tớ sẽ đãi hai chú toàn cây nhà lá vườn nghe!
Rồi ba anh em đi lùa bắt được một con gà, gia vị và rau cũng có sẵn trong vườn. Nửa tiếng đồng hồ, chị đã làm xong món nhậu, một chai rượu nếp cái hoa vàng được anh mang ra, chị nói:
- Ba anh em nhậu và trò chuyện nhé, tôi phải ra phụ cho con Phương.
- Rồi, bà cứ đi đi! Anh nói: - Con cái trưởng thành hết ở nhà cũng buồn nên bà ấy thường ra phụ bán với con Phương cho khuây khỏa.
Anh Hùng nói:
- Vậy là anh chị thanh thản quá rồi.
- Ừ đúng vậy, nhưng ngồi không mãi cũng buồn, may mà tớ có mảnh vườn này để làm bạn, thôi bây giờ ta uống cái đã. Anh châm ba ly rượu đầy rồi nói: - Trăm phần trăm nghe!
Ba anh em cụng ly. Sau khi uống cạn ly rượu anh Chiến khà một tiếng đầy sảng khoái và hỏi:
- Thế cuộc sống của cậu từ bữa bị thương đó cho tới nay thế nào?
Anh Hùng cũng uống hết ly rồi thủng thẳng kể:
- Sau khi bị thương em được chuyển về bệnh xá dã chiến của trung đoàn, sơ cấp cứu xong, em được chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị mất năm tháng mới khỏi. Em cứ tiếc mãi là không được cùng các anh đánh vào dinh Độc Lập. Khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, cả bệnh viện như vỡ tung. Từ các bác sỹ, y tá, cho tới những người bị thương đều hét ầm lên. Giải phóng rồi, giải phóng rồi… Những đồng chí bị thương nặng lúc đó cũng chẳng biết đau là gì nữa, cứ hò hát, rồi cười, rồi lại khóc trong niềm vui chiến thắng, không ai giữ ý tứ gì cả. Những cô y tá và những bác sỹ nữ, cũng cứ ôm chầm lấy cánh thương binh. Cảnh trong bệnh viện khi ấy đúng là một ngày hội, mà em còn nhớ mãi. Sau những phút sung sướng ấy, em lại nghĩ tới đồng đội của mình đã nằm lại dọc đường chúng ta tiến vào Sài Gòn, và nhớ nhất là trận đánh cầu Rạch Chiếc hôm ấy. Trước khi em bị thương thì Bảo, Vinh, Quyết… đã hy sinh. Anh em đã cùng nhau vào sinh ra tử bao nhiêu năm. Em bị thương nhưng cũng được chứng kiến ngày giải phóng, còn các đồng chí ấy thì…
Anh Hùng bỏ lửng câu nói, và nước mắt anh cứ trào ra, sau một hồi kìm nén cảm xúc, anh kể tiếp:
- Em được đưa ra Bắc, nằm ở trại ăn dưỡng thêm mấy tháng, và được ra quân với thương tật hạng hai. Em về được mấy năm thì lập gia đình. Kinh tế thời đó quá khó khăn, vợ em làm ruộng, chế độ thương tật của em không đủ trang trải cuộc sống, khi hai đứa con liên tiếp chào đời. Đến năm 1985 em quyết định đưa vợ con vào Lâm Đồng làm kinh tế. Hiện em đang định cư ở huyện Di Linh. Em mời anh chị bố trí thời gian lên nhà em.
- Ừ anh hứa sẽ lên thăm chú, và chú phải đưa anh lên Đà Lạt nghe.
- Em nhất trí, và sẽ làm hướng dẫn viên cho anh nhưng anh bố trí lên vào mùa thu, khi ấy Đà Lạt mới thơ mộng làm sao. Còn anh cuộc sống từ sau giải phóng thế nào?
- Được rồi, giờ ba anh em zô tiếp trăm phần trăm rồi anh kể cho mà nghe.
Ba anh em lại cạn ly, anh Chiến nói:
- Cái thứ nếp cái này được uống với bạn hiền, sao mà ngọt thế!… Thực ra cuộc sống của anh sau giải phóng cũng không có gì đặc biệt, nhưng nếu hai chú muốn nghe thì anh sẽ kể! Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cả thành phố chìm trong cờ và hoa, bao nhiêu tiếng cười và nước mắt. Những người lính, những gia đình ly tán bao năm giờ được gặp lại… không thể nào nói hết được phút giây sung sướng ấy. Bọn anh được phân công tiếp quản và bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp, truy quét những phần tử còn chống đối, vận động ra đầu thú. Công việc lút đầu, không có cả thời gian nghỉ, mệt mỏi nhưng mà vui. Khi ấy anh cũng mới hơn hai mươi tuổi nên hăng lắm. Anh phục vụ trong quân đội đến hết năm 1977 thì chuyển về Đồng Nai, công tác ở huyện, rồi lập gia đình. Anh được ba cháu, các cháu đều đã trưởng thành và ở riêng, đứa bán quán mà các chú gặp là đứa thứ hai. Anh nghỉ hưu năm 2009, còn cuộc sống hiện tại thì hai chú thấy rồi đó.
Suốt từ đầu cuộc gặp gỡ cho tới lúc ngồi nhậu, tôi thấy hai anh cứ nói về trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc, cho tới khi anh Hùng bị thương, nhưng không nghe nói chi tiết của trận đánh, tôi rất muốn được biết nên đề nghị:
- Em rất muốn biết chi tiết từ đầu của trận đánh giữ cầu, hai anh có thể kể cho em nghe được không?
Hai anh nhìn nhau cười, anh Hùng nói:
- Em cũng không được tham dự từ đầu đến cuối nên lần đánh thứ hai em cũng không biết, vậy anh Chiến kể đi em cũng muốn nghe.
Anh Chiến ngồi im lặng một lúc, như để hồi tưởng lại quá khứ, rồi bỗng anh sôi nổi hẳn lên. Anh cầm ly rượu uống cạn và hào hứng kể cứ như trận đánh vừa mới diễn ra ngày hôm qua:
- Chú Hùng còn nhớ ngày đầu anh em mình gặp nhau không?
- Làm sao mà em quên được.
- Ừ chính là bắt đầu từ đó. Hôm đó vào khoảng sáu giờ chiều, anh đang nằm nghỉ trên võng ở rừng cao su, thì nhận được lệnh, dẫn đường cho bộ đội đặc công đánh một chiếc tàu quân sự trên sông Sài Gòn. Cấp trên biết rõ anh là người thông thạo địa hình, nên được chọn. Vừa nghe nói dẫn đường cho bộ đội đặc công thì sướng lắm, được sát cánh cùng bộ đội đặc công là một vinh dự mà trong quân ngũ ai cũng mơ ước. Trong suy nghĩ của anh, đặc công là những người xuất quỷ nhập thần, võ nghệ cao cường, đầy mưu trí và dũng cảm, đánh đâu thắng đó, là đơn vị đặc biệt trong quân đội, nên anh háo hức lắm và lên đường ngay. Đến nơi tập kết, gặp các đồng chí đặc công, sau khi thống nhất các phương án, một tổ ba người đi đánh hôm đó có chú Hùng, Dũng và anh Thắng. Mười hai giờ đêm bắt đầu xuất phát, một tiếng đồng hồ sau anh đã đưa ba người tiếp cận bờ sông, nơi con tàu 11.000 tấn chở đầy vũ khí đang neo đỗ. Mỗi người với một trái bọc phá nặng 30kg trườn suống sông, hẹn gặp nhau ở điểm tập kết. Ba người đi khỏi, anh về nơi tập kết vừa lo vừa hồi hộp. Khi tiếng nổ vang cả vùng trời, tiếng còi báo động rú lên, các loại ca nô rồi trực thăng kéo tới bắn loạn xạ, anh căng mắt theo dõi, và các chú cũng về được an toàn. Sau trận đánh đó, anh chính thức được biên chế vào tiểu đoàn 81 đặc công, và thân với chú Hùng từ đó. Hùng có biệt tài nhịn thở dưới nước, có khi được tới năm phút nên được anh em gọi là Hùng rái cá. Hai anh em còn sát cánh cùng nhau nhiều trận khác… Cho đến đầu năm 1975, tin chiến thắng dồn dập trên khắp các mặt trận. Để mở đường cho bộ đội đánh cơ quan đầu não của địch trong Sài Gòn thì cầu Rạch Chiếc rất quan trọng, chỉ cách dinh Độc Lập 7km, ta cần phải chiếm giữ. Cầu là cửa ngõ vào Sài Gòn ở phía đông. Chiếc cầu dài khoảng hơn 100m. Bọn ngụy cũng hiểu rõ tầm quan trọng của cây cầu nên chúng bố trí lực lượng dày đặc, ngoài hệ thống lô cốt xung quanh cầu, với khoảng hơn 400 lính, được trang bị hỏa lực mạnh như M16, M79, cối 61 và súng chống tăng… Chúng còn cài bom dưới chân cầu nếu không giữ được, chúng sẵn sàng đánh sập cầu, để ngăn không cho đại quân của ta tiến vào. Nhiệm vụ đánh và giữ cầu được giao cho đặc công và biệt động, gồm hơn hai trăm cán bộ và chiến sỹ, trong đó có tiểu đoàn 81 của anh và Hùng. Sau khi trinh sát tiếp cận vẽ được sơ đồ, vị trí các lực lượng của địch, tất cả các chiến sỹ đều mặc quần cộc, người trét đầy bùn, áp sát trận địa. Một mũi đánh đầu cầu phía bắc, bọn anh đánh đầu cầu phía nam. Trước khi nổ súng, tất cả cán bộ và chiến sỹ tham gia trận đánh, đều hứa quyết tâm, đánh và giữ bằng được cầu, dù có phải hy sinh đến người cuối cùng. Ba giờ ba mươi rạng sáng ngày 28/4 ở đầu cầu phía nam, 60 khẩu B40, B41 đồng loạt khai hỏa vào các mục tiêu đã chọn, các lô cốt thì bị các chiến sỹ dùng thủ pháo tống vào. Bọn ngụy bị bất ngờ không kịp trở tay, một số chết, số còn lại hoảng sợ bỏ chạy tán loạn, những đồng chí mang AK bắt đầu nổ súng. Toàn bộ trại lính bốc cháy dữ dội. Bọn anh nhanh chóng làm chủ được đầu cầu phía nam, và vô hiệu hóa được hai quả bom dưới gầm cầu. Cùng lúc ấy, đầu cầu phía bắc cũng khai hỏa. Bọn ngụy ở đầu cầu bắc chống trả quyết liệt. Một ổ đại liên bắn như vãi đạn. Bọn anh liền đánh sang đầu bắc để hỗ trợ, Hùng vác khẩu B40 đang chạy, một quả M79 nổ ngay trước mặt, chỉ cách chừng hai mét, Hùng bị một mảnh găm vào làm vỡ đầu gối, một mảnh găm vào mắt trái, Hùng đổ ập xuống mặt cầu. Anh phóng một quả B41 vào ổ đề kháng nhưng bị trật, Dũng nói: - Để em. Rồi Dũng quỳ hai chân xuống mặt cầu, ngắm rất kỹ, trái đạn lao đi đỏ rực, ổ đề kháng câm tịt. Chưa kịp đứng lên thì Dũng lại gục xuống. Anh chạy lại hỏi: - Sao thế Dũng? Dũng chỉ nói được: - Em bị trúng đạn rồi, và Dũng cũng hy sinh. Đến hơn bốn giờ sáng thì bọn anh làm chủ hoàn toàn cây cầu.
Sau khi ta chiếm được cầu, bọn địch điên cuồng nã pháo vào, đạn pháo nổ khắp nơi, khói bụi mù mịt. Ở dưới sông , những chiếc tàu chiến bắn lên như mưa, trên trời thì trực thăng gầm rú bắn xuống, rồi xe tăng, xe thiết giáp từ Sài Gòn kéo ra. Tình hình khi đó hết sức khó khăn, nhiều đồng đội của anh bị thương, một số bị hy sinh. Đạn và lương thực cũng đã cạn, bọn anh được lệnh tạm thời rút ra để bảo toàn lực lượng, chỉ bí mật ém lại một bộ phận nhỏ. Sau khi củng cố lại lực lượng, chuẩn bị kỹ các phương án tiếp tế. Ngày 28/4 ta lại tiếp tục đánh.
Sau khi ta rút, bọn ngụy chiếm lại được cầu, chúng bố trí lực lượng rất đông và nhiều hỏa lực mạnh. Đợt này ta chỉ có hơn 100 cán bộ và chiến sỹ, được chia làm ba mũi đánh trên ba hướng. Trận này, bọn anh đánh vỗ mặt như vũ bão, tập trung dập tắt những ổ đề kháng mạnh của địch ngay từ phút đầu. Ta đã tiêu diệt gần như toàn bộ, còn số ít địch hoảng loạn bỏ chạy, và bọn anh lại làm chủ được cầu. Suốt ngày 29 địch tổ chức nhiều đợt phản công, hòng chiếm lại cầu, nhưng bọn anh đã chiến đấu xuất sắc, đẩy lùi toàn bộ những đợt phản kích của địch.
Sáng 30/4, bọn ngụy thua trận ở các nơi chạy về, đến cầu gặp bọn anh, chúng co cụm lại phản kích để mở đường về Sài Gòn. Nhưng trước sự chiến đấu dũng cảm của bộ đội đặc công, bọn chúng cũng phải quay đầu tháo chạy.
Khoảng hơn 7 giờ sáng ngày 30/4, tất cả bọn anh vẫn nằm dưới công sự thì nghe tiếng xe tăng mỗi lúc một gần, có lẽ bọn địch lại phản công để chiếm lại cầu. Những khẩu B40, B41 đều hướng về phía động cơ xe tăng, chiếc xe tăng đầu tiên xuất hiện, rồi hai chiếc, ba chiếc. Trung, một chiến sỹ còn rất trẻ, mới mười tám tuổi, Hùng biết rồi đấy, Trung vác khẩu B40 nhảy lên khỏi công sự, chưa kịp bắn thì cậu ấy phát hiện lá cờ đỏ sao vàng trên nóc xe. Trung hét lên, xe tăng của ta. Không ai bảo ai, tất cả rời công sự nhảy hết lên mặt cầu, ôm chầm lấy nhau đầy sung sướng.
Đồng chí tiểu đoàn trưởng đứng nghiêm báo cáo với đồng chí chỉ huy, vừa bước từ xe tăng xuống.
- Báo cáo đồng chí, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ!
Đồng chí chỉ huy nói:
- Cảm ơn các đồng chí đã giữ được cây cầu, bây giờ tất cả lên xe tiến vào Sài Gòn.
Trên đường tiến vào dinh Độc Lập, không gặp bất cứ một kháng cự nào từ phía bọn ngụy.
Giọng anh Chiến bỗng chùng xuống, có vẻ như đang rất xúc động, rồi anh chậm rãi nói tiếp:
- Cái ngày 30/4 lịch sử ấy, và trận đánh cuối cùng trong đời lính của tớ là bảo vệ thành công cầu Rạch Chiếc. Toàn bộ cán bộ và chiến sỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Giữ được cây cầu trong suốt ba ngày đêm, trong điều kiện vô cùng gay go và ác liệt. Nhưng trong ba ngày ba đêm ấy, chúng ta đã mất đi hơn năm mươi đồng đội, khi chỉ còn cách chiến thắng trong vài tiếng đồng hồ…
***
Sáng sớm hôm sau, ba anh em chúng tôi có mặt trên cầu Rạch Chiếc. Cây cầu ngày xưa đã được thay thế bằng một cây cầu mới, hiện đại, rộng 48m, có tới mười làn xe. Cây cầu hiện đã và đang chuyên chở bao nhiêu niềm vui và hạnh phúc của chúng ta, những người đang sống. Anh Chiến bùi ngùi nói:
- Mình ở gần đây nên cứ vào ngày 28/4 hàng năm, mình lại đến cầu, thả hoa xuống sông để tưởng nhớ anh em, đồng đội của mình.
Lần đầu tiên sau bốn mươi năm, anh Hùng mới có dịp về lại chiến trường xưa. Anh cứ đứng lặng người, hết nhìn cây cầu rồi lại nhìn xuống dòng sông, nét mặt thẫn thờ. Nước từ một con mắt còn lại cứ chảy tràn trên khuôn mặt khắc khổ, và không muốn rời cây cầu.
Anh Chiến đưa chúng tôi qua nghĩa trang liệt sỹ. Đứng trước một số bia mộ của đồng đội, chúng tôi thấy dòng chữ: Liệt sỹ đặc công vô danh. Nước mắt của hai anh lại chảy dài làm tôi cũng không cầm lòng được. Sau khi thắp nén tâm nhang lên các phần mộ, anh Hùng cứ thì thầm gọi tên đồng đội, như các bạn chiến đấu của anh vẫn còn sống. Kiên ơi, Cường ơi, Tài ơi… Các cậu nằm ở chỗ nào? Hãy thông cảm cho mình nhé! Bởi sau bốn mươi năm mình mới về thăm các cậu được, hãy tha lỗi cho mình… trong lòng mình vẫn luôn nhớ đến các cậu... Đất nước mình đang phát triển mạnh mẽ, ngày một giàu đẹp, các cậu cũng rất vui, phải không?
Mặt trời đã lên cao, nắng trải vàng như rót mật trên thành phố Hồ Chí Minh. Nhịp sống sôi động của thành phố anh hùng, lại bắt đầu một ngày mới… Với tôi, là người sinh sau ngày đại thắng, cũng chỉ biết chiến tranh qua sách báo, phim ảnh. Nay, được anh Chiến kể lại, được chứng kiến cây cầu thênh thang… càng thấy giá trị của máu xương mà cha anh ta đã từ bao thế hệ đã đổ xuống, để có được ngày hôm nay.
Truyện ngắn: DUY LƯU