Ðứa con của núi rừng (truyện ngắn)

09:04, 09/04/2015

Ông Vũ Cao sinh hạ có đến mười người con, cả trai lẫn gái. Thời "phong kiến - đế quốc" thì cái chuyện sinh nở đông con cũng là chuyện bình thường. "Trời sinh voi - Trời sinh cỏ", ông bà xưa thường nói vậy. Duy có điều ông đặt tên các con có phần khác thường, toàn tên của các loài bò sát rằn ri, rắn rết, cạp nong, cạp nia, hổ mang, thằn lằn... nghe đến phát khiếp.

Ông Vũ Cao sinh hạ có đến mười người con, cả trai lẫn gái. Thời “phong kiến - đế quốc” thì cái chuyện sinh nở đông con cũng là chuyện bình thường. “Trời sinh voi - Trời sinh cỏ”, ông bà xưa thường nói vậy. Duy có điều ông đặt tên các con có phần khác thường, toàn tên của các loài bò sát rằn ri, rắn rết, cạp nong, cạp nia, hổ mang, thằn lằn... nghe đến phát khiếp. Nhưng đến đứa con thứ mười ông lại đặt tên là Cộc - Vũ Cộc. Tên Cộc nghe nó cộc lốc, ngắn ngủn nên khi Cộc đi học mới đổi Cộc ra Cốc. Cốc nghe chẳng hay ho văn vẻ gì, nhưng còn dễ nghe hơn là Cộc.
 
Minh họa: Hồ Toàn
Minh họa: Hồ Toàn
 
Gia đình ông Cao thuộc loại nghèo nhất xã. Vợ chồng ông sống nhờ vào cái quán nước, đắp đổi qua ngày và nuôi sống chừng ấy miệng ăn. Quán nước cũng chẳng khang trang rộng rãi gì, trông nó lụp xụp, nhờ bốn cây cột tre chống đỡ, quán ở vùng quê nghèo mà. Nhưng được cái nó núp bóng dưới hàng cây cổ thụ xanh mướt, mùa hè gió nồm từ sông Trà thổi thốc vào mát rượi nên khách vãng lai ghé quán uống chén nước ngày càng đông và, nhờ đó ông bà kiếm được đồng ra đồng vào nuôi con.
 
Cốc là bạn học cùng trường với tôi, đứa xóm trên, đứa xóm dưới nên hai đứa chơi thân với nhau. Những buổi trưa hè tôi thường đến quán nước để cùng Cốc ôn bài hay chơi đánh đáo đánh bi hoặc hóng chuyện người lớn: Ngày xửa ngày xưa làng ta thế này thế khác… 
 
Nhưng, một hôm tôi bị cảm sốt, ho gà bà vừa cho tôi uống thuốc “cây nhà lá vườn”, vừa nghiêm mặt dặn dò:
 
- Từ nay cháu không được đến chơi cái quán ông Cao ấy nữa!
 
- Vì sao cháu lại không được đến chơi ở cái quán ấy nữa?
 
- Cháu phải nghe lời bà. Lớn lên cháu sẽ hiểu.
 
Tôi đem chuyện hỏi mẹ, mẹ bảo:
 
- Chuyện này mẹ lén bà nói cho con biết, để bụng. Không được nói với ai, nghe chưa?
 
- Dạ!
 
- Từ ngày mẹ về với cha con, sinh sống ở cái làng này, mẹ đã nghe bà con xầm xì về cái quán ấy. Nghe đâu nhà ấy có con sâu thuốc nước. Cứ vài năm con sâu nước phải bỏ độc cho một người. Nếu không, gia chủ phải thế mạng. Không thế thì nhà ấy phải khốn khổ, làm ăn không ra gì lại còn gặp tai họa là khác. Nghe đâu đã có vài người ở làng khác đã chết vì con sâu nước ấy.
 
- Sao nhà ấy ác thế! Nuôi nó làm gì? Nó ở trên núi bắt về nuôi à?
 
- Mẹ nghe kể rằng, con sâu nước ấy nuôi từ ria mép của con cọp. Người ta lấy râu mép của con cọp cấy vào búp măng non, lâu ngày nó sinh ra sâu. Khi sâu lớn lên, lúc nó ngủ thường nhễu ra nước bọt, lấy nước bọt ấy cho vào nước để thuốc. 
 
- Sao dân làng không giết nó đi?
 
- Con sâu ấy chỉ thả ra vào ban đêm. Ban ngày họ nhốt nó kỹ lắm, nó lại không chịu được ngột (ngạt) thở. Ai đến quán mà để úp nón hay mũ thì được người nhà nhẹ nhàng và tế nhị lật ngửa ra.
 
Chuyện ấy thực hư thế nào mẹ chả biết. Có thể đó chỉ là lời đồn đại vô cớ, thêu dệt ác ý, ganh ghét trong làm ăn… nhưng bà đã cấm thì con phải vâng lời, không nên đến chơi ở cái quán ấy nữa, đặc biệt không được uống nước ở quán ấy. Con có khát nước thì chạy về nhà mình mà uống, nghe chưa?
 
- Dạ!
 
Chẳng biết có phải vì chuyện con sâu nước ấy không, nhưng quán ngày càng vắng khách, bốn cây cột tre xiêu vẹo, mưa dột, gió táp bốn bề trông thật tiêu điều. Con cái ông Cao phiêu bạt tứ xứ tìm kế sinh nhai, chỉ còn lại mình Cốc sống với ông bà. 
 
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, con cái ông Cao đều tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Người vào du kích, tự vệ, người làm việc ở ủy ban hành chính lâm thời của xã, người làm giao liên…
 
Cốc là cậu học trò hiếu động, ngang ngạnh. Không có đám đánh lộn của trẻ con nào mà Cốc không tham gia. Cốc có khí phách của anh hùng hảo hớn hay “ra tay” bênh vực người yếu thế bị kẻ mạnh ức hiếp. Khi cha mẹ trăm tuổi, anh em Cốc chung tay và được ủy ban giúp đỡ lo việc hậu sự, mồ yên mả đẹp.
 
Sau đó, Cốc được các anh Việt minh giác ngộ về đấu tranh giai cấp, về thân phận người nô lệ, bị áp bức bóc lột. Được giác ngộ, Cốc quyết chí thoát ly tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, giành độc lập cho đất nước.
 
Cuộc đời Cốc tưởng chừng được mở mày, mở mặt từ đấy. Nhưng không, sau chín năm kháng chiến, sau thắng lợi của trận Điện Biên Phủ oai hùng - Hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời chia làm hai miền theo giới tuyến quân sự tạm thời. Cốc không đi tập kết ra Bắc như bao đồng đội mà được ở lại miền Nam, tiếp tục cuộc đấu tranh theo một hình thức khác.
 
Sống dưới “chế độ mới” của anh em nhà Ngô Đình Diệm, Cốc ngày càng nhận ra bộ mặt thật tàn ác của kẻ thù. Chúng ra sức đàn áp và trả thù những người tham gia kháng chiến trước đây: ức hiếp, tra tấn, tù đầy, giết chóc... không bút mực nào tả xiết. Anh em nhà Cốc bị truy lùng gắt gao. Một lần trốn chạy cuộc vây ráp, bắt lính của quân chính quyền cũ, trước mặt là vực nước sâu thường gọi là hang thuồng luồng hung dữ, sau lưng là quân lính ác ôn đang hò hét đuổi theo. Không còn đường thoát, Cốc quyết định nhảy xuống vực thuồng luồng vì nghĩ rằng đường nào cũng chết, “ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” và, anh may mắn thoát chết. Từ đó, anh nhận ra thế sống hợp pháp không còn thích hợp nữa, nên quyết định “lên núi” theo cách mạng. Đó là bước ngoặt có ý nghĩa quyết định cuộc đời Cốc, cũng từ ngày ấy anh đổi họ Vũ thành họ Đinh - Đinh Cốc theo họ đồng bào Ê-đê lúc bấy giờ.
 
Lên cứ được một thời gian anh được kết nạp Đảng, bước đầu được phân công, mở lớp dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc. Một buổi dạy học, một buổi theo đồng bào phát rẫy làm nương, “chọc lỗ bỏ hạt”. Dần dà anh chiếm được tình cảm của đồng bào dân tộc. Họ dạy anh cách đi rẫy, cài bẫy săn thú rừng, anh chỉ cho đồng bào cách làm ăn dưới vùng xuôi, đưa trâu bò, heo gà ra xa nhà sàn...
 
Quanh năm anh sống với “Rau ranh - ốc đá là cá nậu nguồn”, với rau tàu bay, củ mài, măng rừng... với bếp lửa nhà sàn, bập bùng ánh lửa đêm đông rét buốt, với gió đại ngàn. Để chống lại các cuộc vây ráp của quân thù dồn dân lập ấp chiến lược, dựa vào thế núi hiểm trở, anh hướng dẫn đồng bào lập làng chiến đấu, lập bẫy đá hầm chông, ngăn bước tiến hành quân của đám lính đánh thuê hung ác.
 
Kẻ thù đã đánh hơi rằng, anh là người cầm đầu, là linh hồn của các cuộc đấu tranh chống lại chúng. Chúng treo cái giá đầu anh bằng hàng chục ký muối và vài chục triệu đồng. Vì thế anh phải luôn thay hình đổi dạng: đóng khố, để râu quai nón, tóc để dài khỏa vai, chân trần, ăn trầu môi đỏ chót, ngậm vố (tẩu) phì phà thuốc rê. Về ngoại hình anh thực sự đã thành một người dân tộc, nhưng như vậy cũng chưa đủ an tâm qua mặt bọn thám báo và mật vụ luôn luôn rình rập bủa vây. Anh quyết tâm “cải trang” bước cuối cùng: “cà răng - căng tai” theo tập tục đồng bào Ê-đê và, cũng là lời thề trước “Giàng” đồng tâm hiệp lực chống quân thù, sống chết vào sinh ra tử có nhau.
 
Từ đó đồng bào dân tộc hoàn toàn tin tưởng ở anh, nghe theo sự hướng dẫn của anh. Đồng bào là chỗ dựa luôn chở che cho anh, nhiều phen giúp anh thoát hiểm.
 
Có lần anh dẫn đầu đồng bào dân tộc đấu lý với tên thiếu tá quận trưởng trong cuộc vây ráp, lùng sục đốt phá buôn làng tìm diệt Đinh Cốc. Tên quận trưởng hống hách, quát tháo: 
 
- Chúng bây có biết thằng Đinh Cốc không? Quan biết nó đang ở trong cái buôn này. Hãy chỉ mặt nó cho quan sẽ được trọng thưởng. Che giấu sẽ bị bắn bỏ. Nào! Già làng, nó có trong đám người này không?
 
Già làng lên tiếng: - Nếu quan biết thằng Cốc có mặt ở đây thì cần gì phải hỏi. Nó đi ra Bắc theo Book Hồ rồi.
- Sao già làng biết nó ra Bắc theo Book Hồ?
 
- Thì trước khi đi nó có đến chào tao mà.
 
Trong khi già làng và tên quận trưởng đối đáp với nhau thì Đinh Cốc lưng mang gùi măng đang đứng ung dung trước mặt tên quận trưởng và phì phèo tẩu thuốc rê phả khói xám khét lẹt.
 
- Thằng này... Tên quận trưởng chỉ vào Cốc: - Lùi ra sau. Mày hút thứ thuốc gì hôi mù trời đất. Đinh Cốc rút tẩu thuốc ra khỏi miệng, tủm tỉm cười và “vâng lời” tên quận trưởng lùi ra xa.
 
Đuối lý và trước áp lực của đồng bào, tên quận trưởng ra lệnh rút quân. Đồng bào cũng rút về cứ, giết con heo cúng Giàng, ăn mừng cuộc đấu tranh thắng lợi.
 
Năm 1975, quân đội ta giải phóng Kontum - Ban Mê Thuột... được lệnh của cấp trên anh huy động đồng bào nổi dậy phá tan ấp chiến lược, đánh chiếm, giải phóng quận lỵ miền núi phía tây Quảng Ngãi.
 
30/4/1975, quân ta giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, anh cùng đồng bào mitting mừng chiến thắng, cùng nhân dân củng cố chính quyền, tổ chức sản xuất để đảm bảo cuộc sống bình thường. Năm sau đó, tại Đại hội tỉnh Đảng bộ, anh trúng cử TUV kiêm Bí thư huyện ủy miền núi ấy. Nghe nói sau này anh lấy vợ, vợ anh là một bông hoa miền sơn cước.
 
Hòa bình, bà con quê hương cũ khuyên anh trở lại sinh sống nơi chôn nhau cắt rốn, trở lại làng Lộc, nhưng Đinh Cốc quyết định ở lại làm ăn sinh sống cùng đồng bào dân tộc, nơi anh gắn bó suốt những năm dài kháng chiến. Rừng núi đã cưu mang, đùm bọc, chở che anh. Anh nặng ân tình với đồng bào dân tộc, với núi rừng Trường Sơn.
 
Anh nói vui: Giàng đã quyết định như vậy. Hãy nghe theo lời Giàng.
 
Trong giọng nói của anh như còn phảng phất hương ổi rừng, mùi sim chín... như còn nghe tiếng thì thào của gió rừng, tiếng róc rách của nước chảy đầu nguồn, tiếng hú của đàn sói hoang, tiếng rậm rịch của bước chân voi, tiếng chim kêu vượn hót, tiếng trở mình của đất núi, mùi ẩm mốc của lá rừng rơi rụng và tiếng xào xạc của rừng cây đại ngàn.
 
Đinh Cốc đã là đứa con của núi rừng Trường Sơn.
 
Truyện ký: NGUYỄN TÙNG CHÂU