Vách tường gạch cũ

09:04, 23/04/2015

Thế hệ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và những người bạn thật sự là thế hệ kim cương của nền văn học nghệ thuật nước nhà, điều đó khó ai có thể bàn cãi. Ở Gác Trịnh một năm, tôi nhận ra không chỉ có thế, những người bạn ấy đã cư xử với nhau rất mực trân quý, khiến tôi nhiều lần phải đứng sững lại vì quá cảm động.

Thế hệ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và những người bạn thật sự là thế hệ kim cương của nền văn học nghệ thuật nước nhà, điều đó khó ai có thể bàn cãi. Ở Gác Trịnh một năm, tôi nhận ra không chỉ có thế, những người bạn ấy đã cư xử với nhau rất mực trân quý, khiến tôi nhiều lần phải đứng sững lại vì quá cảm động.
 
Họa sỹ Đinh Cường ngồi bên vách tường gạch cũ thời trai trẻ - Gác Trịnh bây giờ
Họa sỹ Đinh Cường ngồi bên vách tường gạch cũ thời trai trẻ - Gác Trịnh bây giờ
Trước ngày kỷ niệm 13 năm ngày nhạc sỹ Trịnh Công Sơn qua đời, 1/4/2014, những người bạn của nhạc sỹ cũng đã khiến con tim của những người quen biết rung lên. Đầu tiên là cuộc điện thoại cho tôi của nhà thơ Lữ Quỳnh hôm 28/3/2014. Ông gọi và báo vừa mới ghé đến thăm Gác Trịnh, nhờ người chụp ông ngồi cạnh vách tường gạch cũ trong căn nhà đó một tấm ảnh, rồi lại nhờ đặt mua những đóa hoa hồng bạch dành cho Trịnh Công Sơn trong ngày 1/4. 
 
Tại sao lại là vách tường gạch cũ? 
 
Những ngày về Huế hồi tháng 10/2013, họa sỹ Đinh Cường đã yêu cầu những người chủ trương Gác Trịnh cạo hết lớp vôi ở bức tường phòng bên trong gian nhà đi, để trả lại nguyên trạng thuở xưa cho bức vách. Tại cái vách tường gạch cũ đó, năm xưa những người bạn của Trịnh Công Sơn như Ngô Kha, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Lữ Quỳnh… đã từng đối ẩm, từng hun đúc bao hoài bão sáng tạo. Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, một người bạn của Trịnh kể, ông đã từng nhiều khi ba giờ sáng mới rời khỏi cuộc rượu để trở về nhà. Họa sỹ Đinh Cường đã đem về cho Gác Trịnh bức ảnh chụp ông ngồi ở bức tường đó khi còn trai trẻ, chung quanh chai lọ ngổn ngang. Ông nói ngày đó cả ông, Trịnh Công Sơn và họa sỹ Bửu Chỉ đã vẽ rất nhiều chân dung bè bạn rồi gắn lên vách tường cũ ấy. Ở đó thưở ấy còn có một cái ghế, để khi nào ai mỏi thì ngồi lên. Chiếc ghế ấy bây giờ Gác Trịnh đã sưu tầm được, và họa sỹ Đinh Cường đã vẽ một bức tranh về nó: Chiếc ghế gỗ và ba bông hồng vàng. 
 
Buổi tối 28/3/2014, tôi nhận qua email bài thơ của họa sỹ Đinh Cường cảm tác từ bức ảnh chụp nhà thơ Lữ Quỳnh bên vách tường gạch cũ. Đoạn cuối bài thơ buồn thật buồn: 
 
“mười ba năm sao Sơn
đầu tháng tư giỗ bạn
nhìn bức tường gạch cũ
nhớ bao đêm cơ hàn
bao đêm Nguyễn Trường Tộ 
nay có Lữ Quỳnh về
vừa ghé thăm Gác Trịnh
gởi hình qua nhớ thêm…
nơi bức tường gạch ấy
bao chân dung bạn bè
đêm uống rượu say vẽ
Bửu Chỉ, rồi Sơn, tôi
nay hai người đi trước
sáng nay còn mình thôi
mình đi trong mưa bay
mưa nhòa như nước mắt”
(Nhìn Lữ Quỳnh ngồi bên vách tường gạch cũ ở Gác Trịnh)
 
Ở tại nhà Đinh Cường ở Virginia (Pháp), họa sỹ đã dành một góc để nhớ bạn. Có khi nhớ, ông ra khu suối sau rừng nhặt một viên đá cuội lau khô để trên bàn, như để nhớ một lời trong ca khúc Trịnh “Tôi xin làm đá cuội”
 
Tối 30/3/2014, tôi lại nhận được qua email một bài thơ khác của Đinh Cường: “Không còn Sơn nâng chén rượu sương mù”. Trong một bức tranh vẽ sơn dầu trên giấy năm 1977, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết ngay trên tranh dòng chữ “những Đơn Dương xưa nâng chén rượu sương mù”. Và đó là lý do để Đinh Cường nhớ bạn, bằng những câu thơ tân hình thức:
 
“… ôi sáng nay sao nhớ bạn
ở Đơn Dương. đêm Sơn viết thư cho Dao Ánh
tôi vẽ ké thêm mấy cánh hoa quỳ. Sơn nói vẽ thêm
hai cây nến trắng. nên đến giờ cứ nhớ hoài thôi
hai người bạn gặp nhau. không ngủ. ngồi nghe vượn hú
 
sáng nay sương mù nhiều quá, tự pha ly cà phê uống
cà phê trồng ở Trại Hầm - Đà Lạt. người bạn gởi cho
nói là cà phê sạch. hỏi ra bên này kêu là organic
tiếc là không còn Sơn để nâng chén rượu sương mù…”
 
Vậy đó, đây là những dòng thơ chân thật của họa sỹ - thi sỹ Đinh Cường, một người bạn từ vách tường gạch cũ. Nhiều khi tôi đến đó, nghe những câu thơ trong vách tường ấy vọng vang, cùng những đĩa màu và những âm vang giai điệu bay lên…
 
Họ vẫn còn sống đó, giữa không gian siêu thực Huế.
 
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC