Theo nhà sử học Katharine Antolini, ngay từ những năm 1850, Ann Maria Reeves Jarvis, một người phụ nữ ở bang West Virginia - Mỹ đã tổ chức các câu lạc bộ Ngày Của Mẹ (Mother's Day) để cố gắng giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh. Nhưng chính Anna Marie Jarvis, con gái của Ann Maria Reeves Jarvis mới là người có công lớn nhất, đã cống hiến cả cuộc đời để đấu tranh vì Ngày Của Mẹ...
Theo nhà sử học Katharine Antolini, ngay từ những năm 1850, Ann Maria Reeves Jarvis, một người phụ nữ ở bang West Virginia - Mỹ đã tổ chức các câu lạc bộ Ngày Của Mẹ (Mother’s Day) để cố gắng giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh. Nhưng chính Anna Marie Jarvis, con gái của Ann Maria Reeves Jarvis mới là người có công lớn nhất, đã cống hiến cả cuộc đời để đấu tranh vì Ngày Của Mẹ. Đau buồn sau khi mẹ mất năm 1905, cô thề rằng sẽ nối gót mẹ thành lập một ngày lễ dành riêng cho các hiền mẫu. Vào năm 1908, cô đã mang 500 đóa hoa cẩm chướng đến tặng cho từng người mẹ tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Andrew, và đó là Ngày Của Mẹ chính thức đầu tiên. Vào năm 1914, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã ký sắc lệnh lấy ngày Chủ Nhật thứ 2 tháng 5 để kỷ niệm Ngày Của Mẹ của nước Mỹ. Nhiều quốc gia trên thế giới về sau đã theo truyền thống đó. Ngày Của Mẹ đến nay vừa đúng 101 năm.
Trong mênh mông sách vở cuộc đời, có những câu chuyện về mẹ khiến nhiều người bị ám ảnh. Chuyện thứ nhất: Ở xứ nọ con cái đi học trường điểm thì gia đình phải nộp gạo hàng tháng cho nhà trường. Ngày nọ thầy thủ kho nhận gạo từ một bà mẹ lam lũ một thứ gạo hết sức hỗn độn, có gạo trắng, gạo đỏ và lại có cả hạt bắp lẫn vào. Thầy giáo nhăn mặt: Sao chị lại đóng thứ gạo rẻ tiền thế này? Thấy người đàn bà nhẫn nhịn cúi đầu vâng dạ, thầy giáo đành nhận. Tháng sau cũng vậy. Nhưng đến tháng thứ ba thì thầy không chịu được nữa: Chị đùa với nhà trường đấy à? Tôi không nhận gạo của chị nữa. Người mẹ thả túi gạo xuống và ngồi bệt xuống đất, chùi nước mắt: Thưa thầy, để có túi gạo đó tôi phải đi ăn xin khắp nơi. Bấy giờ người thầy mới nhận ra đôi chân tật nguyền của người mẹ. Ông nói: Sao chị không nói sớm, tôi sẽ thông báo cho nhà trường để cấp học bổng cho con chị. Người mẹ vội xua tay: Đừng, thầy đừng nói ra, con tôi sẽ bị xấu hổ với bạn bè. Ban giám hiệu cảm phục người mẹ đã quyết định thầm lặng hỗ trợ cho cậu bé.
Chuyện thứ hai: Cậu bé mồ côi bố có người mẹ bị chột một mắt đã không muốn giới thiệu cho ai gặp mẹ mình bởi sợ bạn bè trêu chọc. Ngày nọ, người mẹ nhớ con bèn đứng ngoài hàng rào nhìn ngắm cậu chơi trong sân trường. Thế nhưng cậu la toáng lên: Sao bà lại đến đây? Bạn bè tôi biết được bà là mẹ tôi thì tôi sẽ làm sao? Quả nhiên sau đó cậu bị chế giễu. Cậu khóc vì tủi nhục và chạy về nhà tức giận quát mẹ: Bà hãy biến mất khỏi đời tôi đi. Người mẹ làm theo ý con, chỉ chăm sóc cậu từ xa. Rồi cậu trưởng thành, lấy vợ và giàu có, hàng tháng gửi tiền về cho mẹ và nghĩ thế là làm tròn bổn phận. Cho đến khi người mẹ qua đời, cậu về để tang và nhận từ tay người hàng xóm lá thư của mẹ. Trong lá thư, người mẹ xin lỗi vì ngày xưa đã sinh ra cậu bé không lành lặn mà bị hỏng một bên mắt. Mẹ đã để bác sỹ lấy con mắt của mình để mang lại ánh sáng cho con. Và từ đó dung nhan xấu xí… Người con đã bật khóc nức nở, lòng tràn đầy hối hận...
Chuyện thứ ba là một cổ tích: Phù thủy cho người mẹ một điều ước. Người mẹ ước con mình sẽ được ai ai cũng thương mến. Từ đó cậu con trai làm gì cũng được yêu mến, chiều chuộng. Tuy nhiên, vì thích gì được nấy cậu đã trở nên ích kỷ, vô cảm và tàn bạo. Người mẹ nhận ra nếu cứ như thế, đứa con sẽ không thể nào cảm nhận được hạnh phúc chân chính và cầu mong phù thủy hãy cho con trai trở lại cuộc sống bình thường. Hãy nhảy xuống vực - phù thủy nói. Và người mẹ lập tức nhảy xuống vực sâu để mong cầu hạnh phúc chân thực cho con…
Xin khép lại bằng câu chuyện năm trước. Sau trận động đất, đội cứu hộ Nhật Bản đào bới đã phát hiện người mẹ chết trong tư thế nằm trùm lên che chở cho đứa bé. May mắn thay, đứa bé còn sống. Và tin nhắn trên điện thoại người mẹ cao cả ấy chỉ có một câu: “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”… Cả thế giới đã không ngăn nổi nước mắt…
Vậy đó, nhớ một câu người Việt Nam hay nhắc: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”…
HẠ NGUYÊN