Tôi gặp Huệ vào một buổi chiều, khi đó tôi đang lang thang vác máy ảnh trên những triền đồi đi tìm "khoảnh khắc" của ống kính.
1.
Tôi gặp Huệ vào một buổi chiều, khi đó tôi đang lang thang vác máy ảnh trên những triền đồi đi tìm “khoảnh khắc” của ống kính. Nhìn thấy tôi, Huệ nói:
- Anh gì ơi? Anh chụp người hay chụp cảnh?
- Chụp mũ.
Tôi nói đùa rồi nhìn cô gái vừa cất tiếng hỏi, bên cạnh là một đàn bò đang nhởn nhơ trên những triền đồi. Đỉnh đồi in bóng một cây đa cổ thụ giữa bầu trời xanh thẳm. Tôi nảy ra ý định:
- Này cô gái! Làm mẫu cho anh chụp một tấm ảnh nhé?
- Sẵn sàng.
Huệ trả lời.
Vậy là Huệ, cô gái chăn bò đã vào bức ảnh, tham gia triển lãm và sau đó theo một ông tây sang tận bên kia bán cầu. Người mua bức ảnh đó là một ông tây đi du lịch.
|
Minh họa: PHAN NHÂN |
2.
Mười năm sau, cũng vào một buổi chiều. Tại tiền sảnh của một cuộc triển lãm, có hai vợ chồng ăn mặc trông sang trọng đang đi dạo. Nhìn thấy tôi, người đàn ông, sau khi chào xã giao, cất tiếng hỏi:
- Xin lỗi, có phải ông là nhà nhiếp ảnh H B?
- Vâng, có việc gì không ông?
- Tôi muốn nhờ ông một chút việc?
- Vâng, ông cứ nói.
Sau khi tự giới thiệu về mình là Việt kiều ở Mỹ, người đàn ông đưa cho tôi một tấm ảnh và nói:
- Ông còn nhớ tấm ảnh này chứ?
- Tất nhiên.
- Người trong ảnh chính là vợ tôi.
- Xin lỗi, chị là… Huệ. Lâu ngày quá, vả lại trông chị bây giờ cũng khác xưa.
Người đàn bà mỉm cười:
- Vâng, đã mười năm rồi còn gì. Nếu không có cuộc triển lãm này thì tôi cũng không nhận ra ông.
Mười năm, quãng thời gian đủ để tôi và Huệ khác nhau nhiều thứ. Huệ đã từ một cô gái trở thành một quý bà. Còn vùng đồi nơi tôi và Huệ gặp nhau nay đã trở thành một khu du lịch hấp dẫn.
3.
Huệ được sinh ra vào năm cuối cùng của chiến tranh chống Mỹ. Càng lớn, Huệ càng khác so với bạn bè đồng trang lứa. Sở hữu vẻ đẹp nửa đông nửa tây đã gắn Huệ với biệt danh “con lai”.
Trước đây, người ta lạ vì tại sao một cô gái đẹp như mẹ Huệ lại chịu làm vợ một sĩ quan ngụy thất thế, không có tương lai. Đến khi Huệ được sinh ra và khi Huệ lớn lên, nhìn vẻ khác lạ của Huệ thì người ta mới giải đáp được tại sao lại có cuộc hôn nhân gượng ép đó.
Rồi Huệ lớn lên trong nỗi mặc cảm ngấm dần như một thứ a xít ăn mòn để lại cho trái tim Huệ một lỗ thủng.
Cho đến một ngày, khi đó Huệ đã ngoài 20 tuổi. Có một người đàn ông đặt chân đến vùng đất này. Sau khi tìm hiểu, khảo sát, lập dự án. Người đàn ông đó đã đầu tư vào đây, biến vùng đồi hoang vu thành một khu du lịch. Rồi Huệ, cô gái chăn bò đã trở thành thư ký của ông giám đốc.
Chuyện của Huệ nay lại được người ta thì thầm theo một chiều hướng khác. Có người nói, ông giám đốc chính là cha đẻ thực sự của Huệ. Có người lại nói, ông tây đi du lịch tình cờ gặp Huệ, và để chiếm trọn trái tim người đẹp, ông đã đầu tư vào vùng đất này một dự án du lịch. Biến tiềm năng nơi đây thành hiện thực.
4.
Sau khi kể chuyện đời mình cho tôi nghe. Huệ nói với tôi:
- Em phải cảm ơn anh về bức ảnh.
- Chính tôi phải cảm ơn Huệ mới phải chứ.
- Chính người đàn ông mua bức ảnh đó là ông chủ của em.
- À, thì ra là vậy. Khi đó ông hỏi rất kỹ về lai lịch của bức ảnh.
Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ đó, một hôm, cũng vào một buổi chiều, tôi nhận được thư của Huệ, thư viết rằng:
“… anh ạ, chồng em và gia đình đã quyết định ở hẳn lại vùng đất thân yêu mà nhiều duyên nợ này. Chúng em sẽ tổ chức đám cưới vào ngày khánh thành nhà máy chế biến thức ăn gia súc… do chồng em làm giám đốc. Em rất mong sự có mặt của anh và nếu không từ chối, em mong anh là người chụp ảnh chúng em trong ngày trọng đại đó…”.
5.
Tôi lại có thêm một bức ảnh chụp Huệ được tham dự triển lãm. Bức ảnh đó tôi chụp Huệ ngay trên vùng đất ngày xưa tôi đã từng chụp Huệ. Một bức ảnh có nhiều nét khác bức ảnh ngày xưa về thiên nhiên và con người. Riêng nụ cười của cô gái trong bức ảnh thì vẫn thế: nụ cười như sóng vỡ dưới ánh mặt trời bình minh. Trong bức ảnh có một chi tiết không khác xưa đó là cây đa cổ thụ in giữa nền trời xanh thẳm. Một cây đa hàng trăm năm tuổi, qua bao biến thiên của lịch sử vẫn đứng như thách thức thời gian. Nhìn bức ảnh đó, tôi lại nhớ đến câu nói của Huệ vào lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt:
“- Anh gì ơi! Anh chụp người hay chụp cảnh?”.
Truyện ngắn: Phan Xuân Hậu