Có một "Mặt trận không tiếng súng"

09:05, 28/05/2015

Ở đó, cuộc đấu tranh chống cái ác, cải tạo cái xấu, đưa con người về với ánh sáng hoàn lương diễn ra quyết liệt. "Mặt trận" ấy không còn tiếng súng, nhưng vẫn còn những hy sinh, mất mát và cả đổ máu. Dựa vào những câu chuyện có thật qua lời kể của cán bộ, chiến sĩ Trại giam Đại Bình (thuộc Bộ Công an đóng tại xã Lộc Thành, Bảo Lâm), nhà văn Nguyễn Thanh Hương (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết nên tiểu thuyết "Mặt trận không tiếng súng"...

Ở đó, cuộc đấu tranh chống cái ác, cải tạo cái xấu, đưa con người về với ánh sáng hoàn lương diễn ra quyết liệt. “Mặt trận” ấy không còn tiếng súng, nhưng vẫn còn những hy sinh, mất mát và cả đổ máu. Dựa vào những câu chuyện có thật qua lời kể của cán bộ, chiến sĩ Trại giam Đại Bình (thuộc Bộ Công an đóng tại xã Lộc Thành, Bảo Lâm), nhà văn Nguyễn Thanh Hương (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết nên tiểu thuyết “Mặt trận không tiếng súng”. Hình ảnh người chiến sĩ công an làm công tác giám thị trại giam, cải tạo phạm nhân được khắc họa rõ nét: kiên quyết, cứng cỏi, bản lĩnh, gai góc, nhưng cũng rất gần gũi, nhân hậu, nghĩa tình. 
 
Vào những năm 1977 - 1988, sau ngày thống nhất, đất nước không còn tiếng súng, nhưng công cuộc kiến thiết, dựng xây, hàn gắn vết thương chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng gặp rất nhiều khó khăn. Trại giam Đại Bình cũng nằm trong giai đoạn gian khổ, cam go nhất: giữa một nơi rừng núi hoang vu, những dãy nhà giam phạm nhân chỉ lợp tôn, vách ván; làm nhiệm vụ cải tạo phạm nhân tăng gia sản xuất theo định mức; nơi đây thiếu nước vào mùa khô, thiếu thốn từ bữa ăn đến áo mặc. Khó khăn hơn cả, khi đa số phạm nhân là sĩ quan, binh lính của chế độ cũ Việt Nam cộng hòa, chưa nguôi hận thù; nơi trại giam đóng cũng là nơi tàn quân Fulro ẩn nấp chờ thời cơ ngóc đầu dậy hoạt động ráo riết; tình trạng phạm nhân chống đối, trốn chạy vào rừng...
 
Trên nền bối cảnh cuộc sống khốn khó đó, những mâu thuẫn, tình tiết và cốt truyện đã được xây dựng. Hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân tỏa sáng bằng công việc thầm lặng qua chân dung các nhân vật: Thủ trưởng Hảo (Giám đốc trạm giam), Dũng, Minh, Trung... Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, đầy cam go, bằng chính những gương sáng của các giám thị về lòng quả cảm, sự khoan dung, độ lượng, sự hy sinh lợi ích cá nhân, tình đồng chí đồng đội, đoàn kết thương yêu như anh em một nhà cùng giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ, nhiệt huyết với công việc, luôn gần gũi và thấm đẫm tình người, gắn bó nhường cơm cho phạm nhân... đã đánh thức lương tri nơi phạm nhân. 
 
Bằng vốn sống của người bước ra từ cuộc chiến tranh, nhà văn đã giải quyết những mâu thuẫn thấu tình đạt lý. Có rất nhiều cuộc “đấu lý” giữa phạm nhân và người chiến sĩ công an nhân dân trong tác phẩm, và đây là một cuộc “đối thoại” cụ thể: “- Chúng tôi ở đây, đa số nguyên là lính tráng của ông Thiệu trước đây, nay vào trại của các ông, chúng tôi được gọi là tù nhân hay tù binh ạ? - Nếu trong một trận đánh cụ thể, cả 600 con người các anh ở đây đều bị bắt cùng một ngày thì gọi là tù binh. Nhưng các anh ở các đơn vị khác nhau, các anh bị thua trận khắp miền Nam, các anh được tập trung về đây. - Thế thì gọi chúng tôi là tù nhân phải không. - Các anh là phạm nhân. - Dạ, chúng tôi không vi phạm pháp luật của nhà nước cộng sản, sao gọi là phạm nhân. - Các anh phạm tội làm tay sai cho Mỹ, sát hại đồng bào ta, tức là phạm tội ác với dân tộc mình, vậy các anh là phạm nhân. - Là phạm nhân, sao chúng tôi không được đối xử theo luật quốc tế. - Nghĩa là sao? - Là chúng tôi phải lao động vất vả, ăn uống không đủ. - Trước 1975, đồng bào ta ở miền Nam, nếu ai bị bọn tay sai bán nước cho là phạm tội bị bắt đày ra Côn Đảo, Phú Quốc, bị đánh đập tàn nhẫn, không được ăn được uống. Còn các anh, các anh ở đây, có ai đánh các anh không. Có ai cắm đinh 10 vào đầu gối và đầu phạm nhân như bọn cai ngục của Nguyễn Văn Thiệu không. Có ai bị bỏ đói không, có ai ốm đau bị bỏ vạ không. Không hả? Vậy tại sao các anh lại so sánh. Các anh phải lao động bởi ông cha các anh cũng là người lao động chân chính, phải lao động mới có ăn. Lao động các anh mới thấy quý cuộc sống của mình”... Nhắc lại quá khứ qua lời những nhân vật trong truyện, tác giả đã bác bỏ những luận điệu sai trái, khẳng định đanh thép cuộc chiến tranh vì chính nghĩa; chứ không hướng người đọc đến hận thù, mà là nhắc lại những bài học đau thương của chiến tranh, phải tránh xa chiến tranh, hòa hợp dân tộc để con người không làm đau con người, không còn mất mát, đau thương trên đất nước này, chỉ còn tình yêu thương, đùm bọc, đoàn kết giữa những người con “cùng dòng giống Lạc Hồng”. Đa số phạm nhân đã bị khuất phục bởi tình người mà các cán bộ chiến sĩ dành cho họ. Nhưng vẫn có những đối tượng ngoan cố vượt ngục, những cuộc vây bắt và cả những đổ máu, ngã xuống giữa rừng sâu. Cái đích cuối cùng mà các anh hướng tới chính là phạm nhân trở về đời thường, chung tay xây dựng đất nước.
 
Có lẽ, nói đến hình tượng chiến sĩ công an trong văn học, người ta thường nghĩ đến những phim hành động, bạo lực, trấn áp tội phạm, khô cứng. “Mặt trận không tiếng súng” đã khắc họa rõ nét người chiến sĩ công an vì bình yên cuộc sống, mà lâu nay văn học dường như có phần xao nhãng. Với Mặt trận không tiếng súng, người chiến sĩ công an nhân dân, đặc biệt là các chiến sĩ làm công tác giám thị trại giam, cải tạo phạm nhân - một công việc khó khăn vất vả, thầm lặng - đã bước vào văn chương, trở thành nhân vật chính như một hình tượng với đầy đủ vẻ đẹp nhân văn, gần gũi. 
 
Những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ công an trại giam cũng đã được đền đáp khi những phạm nhân trở về cuộc sống đời thường, có cuộc sống tốt đẹp trên chính mảnh đất màu mỡ với chè, cà phê và sắc đỏ bazan. Đã có những mối tình nảy nở, đơm hoa kết trái giữa phạm nhân và nhân viên trại giam. Phần “Vĩ thanh” gợi lên tình cảm, mối quan hệ tốt đẹp giữa những chiến sĩ công an sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với đời thường và những phạm nhân từng được các anh cải tạo vẫn là những người bạn tốt của nhau. Qua đó cho thấy hòa hợp dân tộc diễn ra ngay chính trong những môi trường tưởng chừng như khắc nghiệt nhất, đã chứng minh rằng không thế lực nào có thể cắt đứt, chia rẽ những con người cùng chung dòng giống. 
 
Tiểu thuyết viết nên từ sự thật gắn với một hoàn cảnh, một giai đoạn lịch sử nên ít đi tính hư cấu vốn có của văn học; chính điều này làm cho tiểu thuyết rất gần với truyện ký, và sự thật thì bao giờ cũng dễ gây xúc cảm với người đọc. Nhà văn Nguyễn Thanh Hương là gương mặt quen thuộc với các đề tài về công an nhân dân, ông tích cực tham gia các vận động sáng tác văn nghệ của lực lượng công an, đặc biệt là cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, truyện ký “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. “Mặt trận không tiếng súng” là tiểu thuyết thứ 8 của ông được xuất bản từ các cuộc vận động sáng tác và vừa được Nhà Xuất bản Công an nhân dân ấn hành, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
THÁI AN