Đừng gọi tôi là quan lớn

09:05, 18/05/2015

Tháng 9/2012, tôi có dịp về thăm quê ở Ba Vì (nay thuộc Hà Nội). Mỗi lần về quê tôi vẫn giữ nếp đến thăm khắp lượt ông bà, chú bác trong họ nội - ngoại. 

Tháng 9/2012, tôi có dịp về thăm quê ở Ba Vì (nay thuộc Hà Nội). Mỗi lần về quê tôi vẫn giữ nếp đến thăm khắp lượt ông bà, chú bác trong họ nội - ngoại. Minh, em họ tôi nói:
 
- Anh hãy đến thăm chú Quyền, chú ấy ốm nặng anh ạ.
 
Chú Quyền là em bằng vai bố tôi. Bà nội tôi là chị ruột bố chú, bố tôi và chú Quyền là anh em con cô, con cậu.
 
Buổi chiều tôi đến nhà chú, chú đang nằm trên giường. Tôi chào chú, rồi đỡ chú dậy, chú nhận ra tôi ngay và thăm hỏi chuyện vợ con. 
 
Tôi hỏi chú bệnh lâu chưa, chú nói bệnh người già ấy mà. Chú gần 90 tuổi rồi còn gì.
 
Giọng chú vẫn khỏe, gãy gọn. Chú khoe cháu nội chú, thằng bé 19 tuổi vừa được giải thưởng trong cuộc thi tìm hiểu về “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, rồi chú nói: 
 
- Cụ Hồ vĩ đại lắm, hiếm có đấy anh ạ. 
 
Thật không ngờ từ khi biết chú là người trong nhà, đã hơn 50 năm, hôm ấy tôi mới được nghe chú kể rằng chú được gặp Bác Hồ, được bắt tay Bác thật lâu.
 
***
 
Chú Quyền tên đầy đủ là Phạm Ngọc Quyền, sinh năm 1927, mười sáu tuổi chú đã cao 1,78m, cơ thể cân đối, sức vóc vạm vỡ, khuôn mặt đẹp, cày bừa thành thạo. Vậy mà, sức vóc ấy tưởng là phúc cho gia đình chú, hóa ra thành họa. Đó là, một buổi sáng tháng 6 năm 1943, chú đang cày ruộng, bỗng có một đám người Việt, tay gậy tay thước đi cùng một viên quan ba Pháp ập đến, họ lôi chú ra xe ô tô đậu ở bờ đê sông Hồng. Về đến phủ Quảng Oai cách quê nhà 4km, chú mới hiểu rằng mình bị bắt đi lính cho Pháp.
 
Họ cho chú ăn no và phát luôn hai bộ quần áo lính, giày cao cổ. Buổi tối họ đưa chú cùng nhiều thanh niên lên ba chiếc xe ô tô bịt kín, khoảng 11h đêm xe dừng lại, mọi người được biết đó là cảng Hải Phòng. Họ đưa tất cả xuống tàu thủy.
 
Sau nửa tháng lênh đênh trên biển, tất cả lên đất liền rồi được đưa vào rừng. Sau vài ngày mọi người được biết nhiệm vụ của họ là giúp “nước mẹ đại Pháp” đánh phát xít Đức đang xâm chiếm Pháp. Vài tuần sau chú Quyền và mọi người cùng đi hiểu rõ hơn rằng người Pháp thiếu lính nhiều quá, họ phải bắt lính ở các nước thuộc địa như Việt Nam, Lào, Campuchia.
 
May mắn cho chú là qua bao trận giao tranh, chú vẫn sống sót và cùng đoàn quân Pháp trở về Pari khi Đức, Ý, Nhật bại trận và đầu hàng quân Đồng minh. Về Pari chú được biên chế vào lực lượng bảo vệ thủ đô. 
 
Cuối năm 1945 xem báo, chú Quyền thấy đất nước đã được độc lập tự do. Chú tò mò khi nhân dân ta luôn nhắc đến và tôn vinh công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Bác Hồ...
 
Chuyện đáng nhớ nhất đời chú đó là, chú được gặp Bác Hồ ngay trên đất Pháp - chuyện mà có nằm mơ chú cũng không bao giờ dám nghĩ tới. Năm 1946 Bác sang Pháp với tư cách là nguyên thủ quốc gia được chính phủ Pháp mời. Hôm ấy vào buổi chiều, chú được nghỉ, chú đến với bà con Việt kiều, mục đích chỉ để thăm hỏi đồng hương. Thật ngẫu nhiên đúng lúc Bác Hồ đang đứng cùng rất đông bà con Việt kiều, chú cố len vào để được nhìn thấy Bác. Lắng nghe Bác nói chuyện thật giản dị dễ hiểu, về Tổ quốc, về độc lập tự do. Bỗng Bác đi tới trước mặt chú rồi hỏi:
 
- Chú bị bắt lính phải không, quê chú ở đâu? 
 
Chú lúng túng, tim đập loạn, rét Pari lúc ấy là 8 độ mà người chú toát mồ hôi, chú chưa trả lời được thì Bác hỏi lại: - Chú bị bắt lính bao giờ, quê chú ở đâu?
 
- Dạ… dạ, thưa quan lớn con bị bắt lính năm Quý Mùi 1943 ạ. Thưa quan lớn con ở tổng Phú Xuyên, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây ạ.
 
Bác nhìn chú với ánh mắt hiền từ và bàn tay Bác đặt lên vai chú, Bác nói:
 
- Đừng gọi tôi là quan lớn, tôi không phải là quan lớn, chú nhớ nhé, gọi tôi là Bác. Tôi được nhân dân Việt Nam trong đó có anh em bà con nhà chú bầu làm Chủ tịch nước. Chính phủ ta sẽ có đối sách để họ trả về nước những người như chú, trước mắt chú cứ chấp hành tốt pháp luật nước Pháp, đoàn kết với bà con Việt kiều, ủng hộ nước nhà mới độc lập, chú nhớ chưa.
 
- Dạ… dạ… con xin nhớ lời quan, à quên, cháu xin nhớ lời dạy của Bác ạ…
 
Thật là hạnh phúc không ngờ đối với chú. Một vị lãnh tụ cao nhất nước mà lại quá bình dị dễ gần. Cả đời chú không quên đâu Hương ạ. Làm thằng lính, nhìn thấy chỉ huy, dù họ chỉ là cấp bậc hạ sỹ cũng sợ chứ đừng nói quan năm quan sáu với lại cấp tướng; vậy mà, vị Chủ tịch của một nước quá gần gũi với quần chúng nhân dân. Hôm ấy chú còn tiếp tục được nghe Bác Hồ hỏi chuyện hoặc trả lời bà con Việt kiều ở Pari. Bác nói toàn chuyện dễ hiểu, không cao xa.
 
Ước mong ngày trở về Tổ quốc của chú mãi tới năm 1954 mới thực hiện được khi chúng ta giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Việc trao trả tù binh Pháp về nước đã tạo điều kiện để chúng ta đấu tranh buộc chính phủ Pháp phải cho những thanh niên bị bắt đi lính cho Pháp trong đại chiến thế giới thứ hai về nước.
 
Mãi tháng 2 năm 1955 tàu Pháp mới cập đến Hải Phòng trả những người Việt Nam về quê mẹ. Tuy nhiên, ngày ấy những người bị bắt làm lính cho Pháp bị nằm trong thành phần “không trong sạch”, do vậy chú Quyền đã nhiều năm suy nghĩ về bình đẳng, tự do. Ở xã, người ta không làm như Bác Hồ đã nói mà chú Quyền đã nghe ở Pari năm 1946, do đó chú sống khép kín, ít quan hệ với mọi người, kể cả anh em họ hàng với chú. Gái làng không ai lấy chú, chú phải đi xã khác, ngay cả nghe Bác đọc thơ chúc Tết những năm từ 1957 đến 1969 chú cũng chỉ mở thật khẽ, chú mặc cảm với chính mình vì quá khứ “làm cho Tây”. Mỗi lần nghe đài thấy Bác cùng đi tát nước với nông dân, lội đồng thăm lúa, rồi quan tâm thăm hỏi người già, trẻ nhỏ... hình ảnh của Bác làm chú luôn cảm thấy ấm áp. Nghe lời Bác gia đình chú vẫn làm tốt nghĩa vụ công dân. 
 
Năm 2003 tôi có dịp về quê, vẫn gặp chú đi cày ruộng, lúc ấy chú là người duy nhất bằng tuổi với các ông các bà trong họ hàng nhà tôi còn sống và khỏe mạnh. Năm 2012, khi sắp vào cõi vĩnh hằng, tôi mới được nghe chú kể chú được gặp Bác Hồ. Kết luận câu chuyện, chú bảo tôi: - Cháu là người thứ hai sau thằng Tuấn (con độc nhất của chú) để chú kể chuyện này mà thôi, kể cho người khác ai người ta tin! Tôi là người ghi lại câu chuyện này thì thấy rằng câu nói của Bác “Tôi không phải là quan, đừng gọi tôi là quan lớn” còn mãi tính thời sự đối với chúng ta.
 
Chú Quyền đã mất tháng 6/2013.
 
Nguyễn Thanh Hương
(Ghi theo lời kể của cụ Phạm Ngọc Quyền, xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội)