Vũ Trung Uyên - người tựa vào âm nhạc đi theo kháng chiến

09:05, 02/05/2015

Vũ Trung Uyên sinh năm 1937 (tuổi Sửu) tại xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, tên thật là Võ Văn Duật. Thời 9 năm kháng chiến, hàng ngày nơi sân trường trước khi học tập, cùng với bạn bè anh được hát các bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao để chào cờ, và bài Hồ Chí Minh muôn năm để suy tôn Bác. Rồi được nghe ca khúc Lá quốc kỳ cùng một số bài ca cách mạng nữa…

“Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”, tôi bắt đầu nghe chuyện về Vũ Trung Uyên từ những ngày anh ở chiến khu qua lời kể vài người thân quen. Lúc ấy tôi chỉ là cậu sinh viên nơi giảng đường Đại học Đà Lạt trong lòng đô thị miền Nam tuy chưa được diện kiến nhưng đã cảm kích anh từ đó. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được gặp anh ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Khánh ở số 6 Phan Đình Phùng Tp Nha Trang. Nghe văn nghệ sĩ thời ấy thỉnh thoảng gọi thân mật Vũ Trung Uyên là “Nhà Nho yêu nước”, bởi anh rất giỏi chữ Hán, lại biết tiếng Pháp và nghiêm túc trong công tác cũng như cuộc sống đời thường.
 
Vũ Trung Uyên sinh năm 1937 (tuổi Sửu) tại xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, tên thật là Võ Văn Duật. Thời 9 năm kháng chiến, hàng ngày nơi sân trường trước khi học tập, cùng với bạn bè anh được hát các bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao để chào cờ, và bài Hồ Chí Minh muôn năm để suy tôn Bác. Rồi được nghe ca khúc Lá quốc kỳ cùng một số bài ca cách mạng nữa… Đến những năm 1953, 1954, Vũ Trung Uyên vừa học thuốc Bắc để chữa bệnh, vừa tham gia du kích xã chống càn chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp, vừa tham gia phong trào văn nghệ địa phương. Lúc này còn được người anh con cậu ruột là nhạc sĩ Nhật Lai (anh của nhà thơ Nguyễn Mỹ) dạy cho hát. Khi Hiệp định Genever ra đời, trước lúc tập kết ra Bắc, nhạc sĩ Nhật Lai đã tặng lại anh Duật cây đàn guitar gỗ. Hồi ấy ở miền quê kháng chiến ai có được cây đàn này vô cùng quý giá. Đây như một sự trao truyền thêm chất men âm nhạc từ người bà con đi trước. Được đắm mình trong dòng suối ca nhạc cách mạng đầy hưng phấn của thời trai trẻ, đã sớm tạo nên lực hút vô hình mầu nhiệm níu kéo Vũ Trung Uyên bứt khỏi Sài Gòn hoa lệ vào đầu xuân 1962 nhanh chóng quay về Phú Yên lên chiến khu tham gia kháng chiến.
 
Trước đó có một thời gian rời Phú Yên lánh nạn vào Sài Gòn tránh địch săn lùng, anh vừa học văn hóa vừa mua sách âm nhạc về tự học, tự trau dồi chuyên môn nhạc lý.
 
Dù khó khăn gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; song ở đâu cương vị nào, việc sáng tác âm nhạc đối với Vũ Trung Uyên đều cần thiết và tự nhiên như cơm ăn, nước uống, khí trời để thở. Lúc phụ trách Huyện Đoàn kháng chiến, anh cho ra đời 2 ca khúc: Câu chuyện con cù lần và Những bước chân đi (1963). Khi làm học viên cán bộ Khu V anh sáng tác bài hát Ta đi trên đường vinh quang (1964). Nhất là khi anh về nhận công tác Chính trị viên Đoàn Văn công Tỉnh ủy Phú Yên, sau đó mấy tháng người Trưởng đoàn trên đường lưu diễn hy sinh anh kiêm nhiệm luôn Trưởng đoàn văn công. Vừa tay súng vừa tay đàn, vừa chỉ huy sản xuất để có cái ăn, vừa chỉ huy hoạt động biểu diễn cho bộ đội và đồng bào xem. Vậy mà chỉ hơn năm, anh sáng tác một loạt các ca khúc kịp thời phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng, như: Bài ca xuống đường; Tiến công và nổi dậy; Bài ca Đội nữ pháo binh; Sông núi đẹp mùa hoa dũng sĩ; Hát mừng đơn vị 202; Đẹp vô cùng anh giải phóng quân. Và để chuẩn bị phục vụ cho Tổng tiến công Tết Mậu Thân, anh đã viết ca khúc hùng tráng Đường về Nhạn Tháp vào đầu năm 1968 trên nền nhạc 2/4, trong đó đoạn kết như một lời hịch đầy lạc quan tin tưởng:
 
“Đi đi lên sức mạnh dời non, trai gái trẻ già một lòng    
Đi đi lên, đây là thời cơ muôn thuở của chúng ta hằng mong
Trời bừng ánh rạng đông, cách mạng ắt thành công”.
 
Vũ Trung Uyên còn viết ở nhiều thể loại khác nữa, nhằm phục vụ bộ đội và các chiến dịch càng nhiều càng tốt, như: kịch dân ca Tấm ảnh đánh rơi; Kịch nói Đả kích Thiệu - Kỳ; Tiểu phẩm hài Ba râu háp; hoặc các vở bài chòi: Đêm hành quân thương về quê mẹ; Gương hy sinh anh dũng Lê Văn Liêu… cùng nhiều sáng tác thơ ca. Nhưng sáng tác ca nhạc cách mạng phục vụ chiến trường là dấu ấn đậm nét của cây bút Vũ Trung Uyên trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ở căn cứ. Sau 1975, anh còn viết lời cho nhiều ca khúc của nhạc sĩ Bằng Linh ở Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh tỉnh Phú Khánh. Thơ Vũ Trung Uyên giàu nhạc điệu nên nhạc sĩ Văn Chừng - Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phổ thơ anh thành ca khúc cùng tên Cây Kơ-tem. Đặc biệt đối với bài hát một thời đình đám Tiếng hò trên đồng lúa Tuy Hòa, Vũ Trung Uyên đã sáng tác toàn bộ lời ca và viết phần nhạc dạo mở đầu bản nhạc tạo cảm hứng để nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy hoàn chỉnh tác phẩm có tiếng vang này.
 
Giờ đây giữa thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, nhớ lại kỷ niệm của một thời gian lao mà anh dũng lòng Vũ Trung Uyên không khỏi bồi hồi xúc động nhớ đến những đồng đội trong Đoàn Văn công của mình đã hy sinh khi tài năng nghệ thuật đang phát triển và khát khao cống hiến… Vũ Trung Uyên trải lòng mình qua những vần thơ Tiếng hát Nguyên tiêu như một thông điệp gửi đến đồng đội người còn kẻ mất, hôm qua, hôm nay và cả mai sau:
 
Thành phố đường về, các bạn ơi!
Hy sinh xương máu của bao người
Xuân này hoa trái từ xuân ấy
Ghi khắc trong tim đến vạn đời.
 
TƯỜNG VĂN