Thầm lặng với từng con chữ… Thầm lặng "Múa bút"… Thầm lặng "Vẽ tâm hồn" nhằm tôn vinh chữ Việt - Đó là những hình ảnh thật đẹp của "Ông Đồ" phố núi Mưu Lê - Chủ nhiệm CLB Thư pháp Lâm Đồng.
Thầm lặng với từng con chữ… Thầm lặng “Múa bút”… Thầm lặng “Vẽ tâm hồn” nhằm tôn vinh chữ Việt - Đó là những hình ảnh thật đẹp của “Ông Đồ” phố núi Mưu Lê - Chủ nhiệm CLB Thư pháp Lâm Đồng.
Với Mưu Lê, thú chơi thư pháp đến với anh như một cái duyên tiền định, hết sức tự nhiên, xuất phát từ niềm đam mê của anh đối với bộ môn nghệ thuật có thể nói là rất “kén” người thưởng thức và giàu hàm lượng trí tuệ này. Nhà thư pháp Mưu Lê tâm sự: “Thực ra, nếu nói rằng tôi đến với thư pháp cũng đúng và thư pháp đến với tôi cũng đúng! Tôi đến với thư pháp rất tình cờ. Cách đây hơn 10 năm, tôi được gặp nhà thư pháp Bùi Hiển khi anh từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt viết thư pháp phục vụ cho một lễ hội tại đây. Khi tận mắt chứng kiến anh Bùi Hiển viết thư pháp, tôi mê quá. Từ đó, tôi trăn trở tại sao mình không thử viết thư pháp. Thế là tôi tự tìm giấy bút và tự mày mò luyện viết thư pháp. Một cái duyên nữa, đó là, khi tôi được kết nạp vào Hội VH-NT Lâm Đồng (chuyên ngành thơ), mấy anh em trong Hội có những câu thơ hay và biết tôi viết được thư pháp nên đã nhờ tôi viết giúp họ một vài câu. Trong quá trình tôi viết như vậy, anh em thấy đẹp, người này nói với người kia,… nhờ tôi viết và họ đã là những chất xúc tác kích thích tôi, khuyến khích tôi nên tôi nghĩ, như vậy tại sao mình không đi vào bộ môn nghệ thuật này”. Thế là Mưu Lê đến với bộ môn thư pháp bắt đầu từ đó.
|
Nhà thư pháp phố núi Mưu Lê thầm lặng “Vẽ tâm hồn” |
Hơn 10 năm gắn bó với nghệ thuật thư pháp, Mưu Lê đã “hạ sinh” không ít những tác phẩm thư pháp tâm đắc, cốt chỉ dành tặng cho công chúng và một số anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà, cùng bạn bè thân hữu gần xa - những ai thực sự yêu thích nghệ thuật thư pháp. Theo anh, yếu tố đầu tiên đối với một người viết thư pháp đó là phải viết chữ đẹp (người viết chữ đẹp chưa hẳn là một nhà thư pháp). Thứ hai là, phải có một tâm hồn nhạy cảm. Điều khó nhất trong viết thư pháp là phải tập trung được tư tưởng lúc “phóng” bút. Bởi lẽ, khi tập trung tư tưởng như vậy thì nét bút của người viết ngoài đẹp ra còn có cái hồn, người xem mới cảm thấy thích thú và bức thư pháp mới sống động. Đem câu chuyện “Vẽ tâm hồn” của “Ông Đồ” thời nay - Mưu Lê chia sẻ với nhà thư pháp cao niên Duy Việt, thường trú tại số 2A Lý Tự Trọng, phường 2 - TP Đà Lạt, chúng tôi được ông bật mí: “Viết thư pháp thì có nhiều người viết rất đẹp nhưng không “có thần”. Còn viết thư pháp mà vừa đẹp lại vừa “có thần” thì Mưu Lê làm được điều đó. Điều tôi tâm đắc đó là, Mưu Lê không học ai hết cả mà tự sáng tạo ra nét viết của mình”. Còn với nhà giáo ưu tú Phan Cư, thường trú ở số 09 Sương Nguyệt Ánh, phường 9 - TP Đà Lạt thì rất đỗi chân tình: “Tôi quen Mưu Lê đã hơn 20 năm nay. Nhìn lại 20 năm trước và hôm nay, tôi nhận thấy rằng thư pháp của Mưu Lê ngày càng thăng hoa và phát triển, bộc lộ rõ tinh thần và ý nghĩa nhân văn sâu sắc”.
Tại một không gian khác mà chúng tôi đã có dịp chứng kiến, không phải trên giấy dó mà là ở trên tường nhà của nhà hàng Tây Hồ… Những con chữ của nhà thư pháp phố núi cứ thế reo vui cùng với triết lý sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với câu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” được anh thể hiện bằng những nét bút tài hoa. Thật không khó để nhận biết những nét chữ quen thuộc của nhà thư pháp Mưu Lê. Anh có thể “múa bút” ở bất cứ đâu như một “cuộc dạo chơi của chữ nghĩa”, lịch lãm và đầy cá tính sáng tạo. Ở một góc nhìn khác, chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh “Ông Đồ” phố núi luôn đồng hành và gắn bó với Ngày Thơ Việt Nam tại Lâm Đồng suốt 9 mùa đi qua. Năm nào cũng vậy, Mưu Lê âm thầm bày giấy mực tặng chữ, tặng thơ, tặng câu đối cho đông đảo công chúng yêu thích nghệ thuật thư pháp. Nghệ thuật thư pháp đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của một bộ phận công chúng phố núi, nhất là giới trẻ mỗi dịp Rằm tháng Giêng về.
Nhà thư pháp trẻ Nguyễn Mậu Pháp - Phó Hiệu trưởng Trường THPT LangBian, huyện Lạc Dương cũng đã có những cảm nhận của riêng mình, đồng thời cũng chia sẻ được những kinh nghiệm bổ ích từ thế hệ viết thư pháp đàn anh đi trước: “Trong viết thư pháp, mỗi người đều có những suy nghĩ, mục đích khác nhau. Có người đến với thư pháp để mưu sinh, có người đến với thư pháp để khẳng định chính mình và có người đến với thư pháp để gởi gắm lòng mình, chia sẻ tâm tình của mình vào trong đó. Riêng đối với Mưu Lê, gần như anh viết thư pháp để gởi gắm vào đó tấm lòng của mình. Tất cả các tác phẩm anh viết đều được anh trao tặng cho anh em, bạn bè hết cả. Từ lối viết chân phương anh đã vượt lên lối viết cách điệu, thể hiện phong cách riêng của mình. Điểm nổi bật nhất trong thư pháp Mưu Lê là chữ viết rõ và dễ hiểu. Anh hay dùng những câu thơ, câu văn mang triết lý nhân sinh, gợi nhiều cảm xúc cho người xem và giàu chất nhân văn. Do đó, bản thân tôi học hỏi được ở anh rất nhiều - Đó là tính kiên trì, nhẫn nại, sáng tạo và cả tính phóng khoáng nữa. Đó là điều mà tôi rất khâm phục”.
Với lối “Vẽ tâm hồn” khá điêu luyện đã được định hình bởi một phong cách rất riêng, cùng với đó là tính kiên trì, sáng tạo và sự phóng túng trong lối viết, nhà thư pháp Mưu Lê đã và đang âm thầm thổi hồn mình vào từng con chữ để dành tặng cho người, dành tặng cho đời. Không “thương mại hóa” nghệ thuật thư pháp, mà xem đó đơn thuần chỉ là cuộc chơi - Một “cuộc dạo chơi của chữ nghĩa” với mục đích duy nhất là tôn vinh chữ Việt - Đó là điều rất đáng quý và rất đáng trân trọng ở nhà thư pháp phố núi - Mưu Lê.
LÊ TRỌNG