Về Bằng Lăng nghe chiêng ngân từ cội nguồn

09:05, 02/05/2015

Thị trấn Bằng Lăng (Đam Rông) đón hơn 500 nghệ nhân cồng chiêng là người Mạ, K'Ho, Chu ru, M'Nông đến từ 12 huyện, thành trong tỉnh bằng cái nắng tháng Tư oi nồng. Những cây bằng lăng dăm ba tuổi mới ra lứa hoa đầu, màu tím biêng biếc như làm dịu cơn nóng rát. 

Thị trấn Bằng Lăng (Đam Rông) đón hơn 500 nghệ nhân cồng chiêng là người Mạ, K’Ho, Chu ru, M’Nông đến từ 12 huyện, thành trong tỉnh bằng cái nắng tháng Tư oi nồng. Những cây bằng lăng dăm ba tuổi mới ra lứa hoa đầu, màu tím biêng biếc như làm dịu cơn nóng rát. 
 
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng năm 2015.Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng năm 2015.Ảnh: NGUYỄN DŨNG
 
Với chủ đề “Sức sống cội nguồn”, Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng 2015, lần đầu tiên được tổ chức ở một phố huyện xa xôi làm lòng người xốn xang. Đêm xuống, không gian tĩnh lặng như vỡ òa khi ánh đèn sân khấu, tiếng chiêng trầm hùng vang lên. Dòng người nô nức đổ về trung tâm huyện xem hội. Đêm hội văn hóa M’Nông kể rằng: Dưới những vòm rừng, những đồi núi nhấp nhô phía Nam Trường Sơn Tây Nguyên là mái nhà chung của 4 dân tộc anh em cùng sinh sống: M’nông, Mạ, K’Ho, Churu... Tiếng cồng chiêng từ xa xưa là tiếng gọi của Yàng, tiếng nói của núi rừng vang vọng, giao cảm giữa con người với thần linh, con người với thiên nhiên, với cộng đồng. 8 đội cồng chiêng đến từ 8 xã trong huyện Đam Rông đã chào đón bè bạn bằng tiếng chiêng như tiếng lòng, bếp lửa bập bùng và vũ điệu xoang cuồng nhiệt không dứt. Đêm hội đã tôn vinh 24 nghệ nhân đã có công trong việc gìn giữ, bảo tồn và truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho thế hệ sau. 
 
... Dòng suối Bằng Lăng chảy qua thị trấn, còn hoang sơ, bỗng một sáng cũng âm vang tiếng cồng chiêng khi hội thi các trò chơi dân gian được tổ chức ngay giữa làn nước trong mát. Những “thử thách” như bắt vịt dưới suối, bắt heo, vớt xoài trên suối, lấy nước bằng ống bương, tấu chiêng đốt chuối non... không thể “làm khó” được những người con sinh ra từ núi rừng, lớn lên bằng nguồn suối. Tiếng hò reo cổ vũ, nồng nhiệt, tiếng cồng chiêng dồn dập thúc giục, những nụ cười vỡ òa, những tràng pháo tay làm náo động cả một vùng bãi. Cũng quyết liệt thi thố để thể hiện mình, nhưng không phải vì cạnh tranh “ăn thua” để giành chiến thắng, mà là giao lưu trong tình đoàn kết, thân ái. 
 
Hội thi diễn tấu cồng chiêng là hoạt động trọng tâm nhất của lễ hội. Những nét đẹp, những giá trị của di sản được phô diễn. Các nghệ nhân người K’Ho ở Đức Trọng tái hiện một ngày hội mùa với tiếng chiêng rộn ràng, những bước chân trần khỏe khoắn, hòa cùng điệu múa xoang mô phỏng đời sống lao động sản xuất sống động. Đam Rông trình bày hoạt cảnh gắn liền với sự tích làm cây nêu trong các mùa lễ hội của người Cill với câu chuyện về chàng Tou Bọt; bên cạnh tiếng chiêng gọi thần linh là vũ điệu đầy đam mê, đậm chất ngẫu hứng của các nữ nghệ nhân trẻ, hừng hực lửa, tràn đầy sức sống. Đội chiêng nữ đến từ buôn Bồ Liêng I đại diện cho huyện Lâm Hà trở thành một “hiện tượng” mới trong ngày hội. Vì, nói đến diễn tấu cồng chiêng, người ta nghĩ đến những đôi tay với những nắm đấm “thép” gõ chiêng thuần thục, những đôi chân trần rắn chắc của các chàng “Đam San”; thì Lâm Hà lại mang đến tiếng ngân nga dịu dàng từ những bàn tay mềm mại của các cô gái đón mời khách đến lễ hội mừng lúa mới. Ka Phen đưa bàn tay phồng rộp, chai sần vì đánh chiêng mới thấy sức sống bền bỉ và tình yêu, trách nhiệm với di sản văn hóa dân tộc của các nghệ nhân. Đà Lạt mang đến liên hoan tiếng chiêng theo chân các sơn nữ đi hái rau rừng. Lạc Dương là điệu chiêng vui mừng ngày tái ngộ những người bạn lâu ngày gặp mặt, Đơn Dương gây ấn tượng với tiếng chiêng, khèn, trống hòa trong vũ điệu Arya, trong đó đáng chú ý nhất là nghệ nhân “nhí” Churu mới 5 tuổi trình diễn vũ điệu Arya truyền thống một cách thuần thục. Cùng với biết bao nghệ nhân trẻ tham dự lễ hội đã cho người xem có quyền tin tưởng vào dòng chảy văn hóa truyền thống sẽ luôn có người kế tục, tiếp nối... 
 
Đội chiêng nữ đến từ buôn Bồ Liêng 1 (Lâm Hà)
Đội chiêng nữ đến từ buôn Bồ Liêng 1 (Lâm Hà)
 
Tiếng chiêng là tiếng lòng, về Đam Rông nghe các nghệ nhân kể, rất nhiều câu chuyện về cồng chiêng, nhưng câu chuyện đáng nhớ nhất là: Cả làng đi nương làm rẫy, bỗng nghe tiếng chiêng như ai oán khóc thương, dìu dặt, lưu luyến tiễn đưa; mọi người tưởng buôn làng có người qua đời, liền bỏ dở công việc mà về. Về đến nơi mới biết các nghệ nhân già đang dạy lớp thanh niên đánh bài chiêng cổ truyền về tang ma, mọi người “can ngăn” già làng đừng đánh tiếng chiêng buồn ấy nữa... Chỉ nghe tiếng chiêng thôi đã đoán biết buôn làng có chuyện gì, và cùng nhau chạy đến ngay. Thế mới thấy, cồng chiêng còn là sức sống cộng đồng, tiếng chiêng như có hồn đã ăn vào đời sống tinh thần, đó chính là sức sống từ cội nguồn.
 
Hội thi nhận diện tiếng chiêng đã thử tài thẩm âm chuẩn xác của 72 nghệ nhân của 12 đội cồng chiêng. Các thang âm thanh với 6 cung bậc của bộ chiêng 6 đã được các nghệ nhân nhận diện chính xác. Tuy nhiên cuộc thi được “trò chơi hóa” bằng cách “xếp hàng” âm thanh làm cho nghệ nhân dù nhận định đúng thanh âm, gọi đúng tên gọi của chiêng, nhưng vẫn lúng túng tìm vị trí đứng cho mình, khiến cho những tràng cười “vỡ bụng”, cuộc thi thêm phần hấp dẫn... 
 
Ngày vui nào rồi cũng qua, sau 2 ngày tổ chức, lễ hội đã khép lại trong đêm hội giã bạn đầy lưu luyến. Ngay từ 7g 30 tối, từ sân khấu bùng binh trung tâm huyện không còn chỗ ngồi, mọi người chen chân. Ban nhạc LangBiang với những bài ca về Tây Nguyên bốc lửa. Lời ca, tiếng hát đã đưa người nghe tự hào về Tây Nguyên hùng vĩ, Tây Nguyên đẹp, Tây Nguyên căng tràn nhựa sống bazan, Tây Nguyên anh hùng, bất khuất, và cả những giá trị văn hóa kỳ bí, có sức hút mãnh liệt. 28 giải thưởng các hội thi: tấu chiêng đốt cây chuối non,vớt xoài, bắt heo, lấy nước bằng ống bương, bắt vịt, diễn tấu cồng chiêng đã được trao cho các đoàn nghệ nhân xuất sắc làm cho niềm vui ngày hội càng được nhân lên. 
 
Nghệ nhân nhỏ tuổi nhất liên hoan trong điệu múa Arya truyền thống của người Churu
Nghệ nhân nhỏ tuổi nhất liên hoan trong điệu múa Arya truyền thống của người Churu
 
Tạm biệt Đam Rông, sẽ là những kỷ niệm đẹp về những ngày nắng bỏng rát, với màu tím biếc bằng lăng, với váy áo thổ cẩm xúng xính trẩy hội, cả tiếng cồng chiêng trầm hùng, những điệu múa xoang ngất ngây đầy đam mê... Lễ hội Văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng 2016 sẽ được tổ chức tại Đức Trọng.
 
QUỲNH UYỂN