(LĐ online) - Phố phường thực chất chỉ là phần "lẩy" ra của đồng quê. Chẳng có thành phố nào trên thế giới này có thể bao trùm tất cả một giang sơn, một xứ sở, một vùng đất đâu. Quá trình hình thành "phố" là quá trình tụ họp ấy mà. "Phố" là tập hợp con của tập hợp mẹ đồng quê, xứ sở. "Phố" được che chở bởi chốn xứ thôn trang đó. Người ta bảo "Ra phố", nhưng lại là "Về quê". "Về quê", nghe sao mà gần gũi, bình thường, tất yếu...
“Cuối con phố đã là quê/
Người qua đó với bộn bề màu xanh”(*)
(LĐ online) - Phố phường thực chất chỉ là phần “lẩy” ra của đồng quê. Chẳng có thành phố nào trên thế giới này có thể bao trùm tất cả một giang sơn, một xứ sở, một vùng đất đâu. Quá trình hình thành “phố” là quá trình tụ họp ấy mà. “Phố” là tập hợp con của tập hợp mẹ đồng quê, xứ sở. “Phố” được che chở bởi chốn xứ thôn trang đó. Người ta bảo “Ra phố”, nhưng lại là “Về quê”. “Về quê”, nghe sao mà gần gũi, bình thường, tất yếu. Có sống mấy đời ở đô thị, vẫn cứ “Về quê”. Chỉ ở đồng quê mới có mùa màng, và mùa màng thời tiết, cỏ cây, vạn vật, sinh cảnh trong trời đất của xứ sở, đất nước, mới bày ra, con người mới cảm nhận hết vẻ đẹp thiên nhiên, sự đáng sống của cõi người.
|
Đường qua Tam giác Mạch, Hà Giang (Ảnh: Nguyên Khang, Bảo Lộc, Lâm Đồng) |
RỘNG
Nên thôn trang là không gian vĩnh cửu của nghệ thuật. Làng quê là chất liệu suối nguồn của nghệ sĩ. Nhiếp ảnh, nghệ thuật trực tiếp nhất, gọn ghẽ nhất, quyết liệt nhất, để cảm nhận hay thu vào rõ nhất chiều mênh mông của thực thể quê xứ đó. Ngắm đi, những bức ảnh bao la của Dương Minh Long chụp về miền đồng bằng Bắc Bộ ở cuối sông Hồng. Những làng mạc cổ xưa kinh Bắc ẩn sau màu vàng của cánh đồng. Những điếm canh giữa đồng hoang vu. Những con trâu lững thững. Những rặng tre xa xa. Những nông phu lội đồng nói bằng thứ ngôn ngữ thinh lặng. Những cử nhân, tiến sĩ, luật sư tương lai ở thời cưỡi trâu tắm đồng. Xem đi, những bức ảnh thôn trang qua chiếc cầu treo giản dị như một cung đàn của Trương Công Khả về Nam Bộ. Xem đi những chiếc xuồng xuôi ngược sông nước ở miền hạ lưu Mekong, qua ảnh của Tam Thái. Xem đi, thôn quê qua những đường nét nương đồi trà mênh mông diễm lệ của Phạm Bình ở B’lao. Quên được không những làng quê bé bỏng như rơi xuống “đậu” trên những sườn núi Tây Bắc qua ảnh của Hoàng Thế Nhiệm. Có nhớ những làn sương phiêu lãng kéo qua đỉnh nhà thờ, cùng những thửa ruộng bậc thang vốn là không gian mưu sinh bình thường của cư dân Lào Cai đẹp đến độ phải xếp thành Di sản quốc gia. Có nhớ những bức ảnh trẻ em Mèo trèo lên cây cao chơi vơi để bắt côn trùng vào mùa mận núi trổ hoa như tuyết rơi của Trần Tấn Vịnh. Xóa khỏi tâm trí được không những bức ảnh của Dương Thanh Xuân chụp đồng lúa miền duyên hải Tuy Hòa vào buổi chiều khói lên khi dân cày đốt đồng. Và hẳn cũng khó quên những bức ảnh phụ nữ Banah, Jrai gùi thổ sản, cõng con lên rẫy, qua nương của Trần Phong ở bắc Tây Nguyên. Bỏ qua được không những xóm vạn đò ven sông Hương qua ảnh của Phạm Bá Thịnh. Không thể quên những bóng dừa nghiêng ra phía biển của Đào Hoa Nữ, hay những rẫy nương Tây Nguyên trắng xóa hoa cà phê của Phạm Huỳnh. Tất nhiên càng thêm yêu sự thanh bình của xứ sở qua những bức ảnh của Bùi Bé Tư chụp về sếu đầu đỏ trong ráng đỏ hoàng hôn về trên dải phù sa châu thổ Nam Bộ. Và biết bao nhiêu những lò gạch, ruộng mía, vườn cam, làng gốm, làng sọt, làng rượu, làng nước mắm… của hàng ngàn nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp hay tài tử trên khắp đất nước này.
Ai đó từng thống kê, có 95% những tác phẩm ảnh Việt Nam đạt giải quốc tế là khai thác các góc độ của làng quê. Không có cuộc thi ảnh lớn trên thế giới nào mà không có nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tham gia. Và không cuộc tham gia nào mà không được vinh danh, đoạt giải. Hơn ba mươi năm đất nước thực sự hội nhập quốc tế, nhiếp ảnh là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất đến giờ hội nhập được toàn diện với thế giới và đủ tự tin để ngồi chung chiếu, đứng chung bậc với bất cứ nền nhiếp ảnh lớn nào ở châu Á.
Thu quê hương vào trong ống kính, để in ra, hay phổ biến trên Internet, nhiếp ảnh đã thuận theo tự nhiên mà thành nghệ thuật của trái tim, tự thân, tình yêu quê xứ thật, tiếng vọng từ đất Mẹ, chứ không phải nghệ thuật công chức, nghệ thuật “chỉ huy”, hay nghệ thuật mưu sinh. Và suốt mấy chục năm nay, từ miền núi đến đồng bằng, tỉnh lẻ cho đến thủ đô, có cuộc thi hay triển lãm ảnh nghệ thuật lớn nào trên khắp đất nước này mà ở đó làng quê không là chất liệu chính chứ. Vì sao những bộ bưu ảnh người ta đều in những làng quê ra để rao chào, hấp dụ bốn phương. Vì sao Hankemp lại nổi tiếng với những bộ ảnh chụp về đời thường của con người Việt Nam.
SÂU
Ngày còn sống, có lần nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh nói với tôi cái duyên sâu của nghệ thuật nằm ở sự chân thật, chứ không phải sự hơ hớ hay phô bày, mà làng quê Việt Nam là nơi “đẻ” ra sự chân thật. Ông nổi tiếng khi là nhân chứng chép sử bằng ảnh chụp về nạn đói năm 1945 ở Bắc Việt. Nhưng ông bảo cho chính tâm hồn mình, ông lại thích cái đẹp, cái đẹp mộc mạc, đơn giản, như sương khói miền cao Sapa hay thôn nữ ở làng mạc Bắc Bộ đó. Tôi nhớ tấm hình ông chụp cô gái quê ngã người nằm lên đống rơm, mặt ngước lên trời, ngậm một cọng rơm khô, là tấm ảnh mà các nhà làm tranh thêu lao vào khai thác, thêu đi thêu lại nhiều nhất để bán cho nước ngoài kiếm lợi. Còn nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ cà kê là sống cùng với làng quê, ở cùng dân nông, nhìn họ làm, nghe họ thở… là niềm hạnh phúc lớn lao hơn cả của chị, hơn nhiều lắm những tấm ảnh mà chị chụp được sau những chuyến đi sáng tác. Chị yêu những làng quê chị đi qua, dù sinh ra thì mỗi người chỉ có một quê, và chị vốn đã quen thuộc khi sống ở phố quá lâu rồi. Đến độ chị dồn cảm xúc ấy mà xuất bản cuốn sách kỳ công với nghệ thuật nhiếp ảnh mà ở đó chất đầy những đồng quê, thôn trang, làng mạc, sông hồ đã qua. Sách nặng đến 3,5kg, đặt một cái tên nồng nàn quê xứ: "Việt Nam, những nẻo đường…” vậy mà Đào Hoa Nữ nói vẫn chưa thể trả hết ân nợ cho đồng quê.
Phạm Bình, một kẻ cầm máy sâu sắc và sâu nặng thật sự với Nghệ thuật nhiếp ảnh cho rằng làng quê không chỉ là chất liệu cho người nghệ sĩ, mà nó là điểm tựa của xã hội, đô thị ở xa tít. Muôn đời nay, phố phường có cuồng điên thì làng quê vẫn điềm tĩnh. Phố phường có chảnh chẹ, khoe khoang, thì làng quê vẫn trầm tư, sâu lắng. Trong lòng của nghệ sĩ nhiếp ảnh này, làng quê bao giờ cũng lãng mạn, thênh thang, réo gọi tâm hồn, không giới hạn, như là “cứ điểm” cuối cùng của sự lãng mạn ở dương gian, đời sống này. Bình bảo đến sự nhọc nhằn, gian khổ của họ vẫn cứ đẹp. “Khổ đến thế, như những người vác gạch vào lò, gánh nông sản trên đồng… vẫn cứ thấy họ tỏ ra bình thường, lạc quan”, anh tâm sự. Trong anh, chẳng có sự vĩ đại nào hơn, khi nhìn thấy dân nông đói bụng móc gói cơm ra bẻ ăn như ăn cao lương mỹ vị vào giờ đứng trưa, hay người gánh muối mồ hôi như tắm cố leo tới đỉnh đống muối, rồi dùng tay gạt mồ hôi và… cười. Chụp được nụ cười đó, là chụp “vàng ngọc” chứ là cái gì nữa. Họ đẹp trong sự khổ đau của họ. Họ sống chết với không gian đó, với số phận của mình. Họ sống bền bỉ. Thất mùa: méo miệng. Được mùa: cười. Thất mùa chụp cái đẹp nỗi buồn của thất mùa. Được mùa chụp cái đẹp của sự hân hoan. Có khi, bơi qua cơn chết sống của dòng nước lũ, thoát nạn, sững sờ, rồi cười. Lạc quan cả trong khổ đau lẫn cái chết.
Người ở quê hay cười hơn người ở phố. Người ở quê cười trong hơn người ở phố. Người ở quê cười thật hơn người ở phố. Người ở quê hay cười, vì người quê tin người hơn người phố. Chụp hình người quê họ chào. Chụp hình người phố họ hỏi: “Ai cho chụp?”; “Chụp làm gì?”. Người nông phu là sản phẩm của tự nhiên. Nhưng từng tác phẩm nông nghiệp, như cánh đồng, vườn rau, ruộng mía, rẫy cây trái… là tác phẩm của con người. Nghệ sĩ nhiếp ảnh là người đi tìm những khoảnh khắc của ánh sáng để ghi lại muôn mặt của “tác phẩm” nông dân tạo ra kia, trong background tự nhiên của thế sông hình núi và không gian văn hóa của làng mạc, xã hội, người đời. Những cái đẹp cơ bản nhất của con người, lung linh nhất của xã hội loài người, là sự hồn nhiên, trong trẻo, thuần khiết, lòng bao dung, vị tha, từ bi, bác ái, sẻ chia, tha thứ, chịu đựng…
Bản sắc của một đất nước nông nghiệp, một quê xứ nhiệt đới, một lai lịch dính với đất đai, một xuất xứ gắn với thảo mộc là ở đồng quê, làng mạc. Thế cái kho mỏ của nhiếp ảnh là đây thôi. Cứ thế mà khai quật. Suối nguồn chất liệu bất tận.
|
Quê nhà (Ảnh: Quang Vinh, Bạc Liêu) |
BỀN
Làng quê là sản phẩm của tự nhiên. Đô thị thường là sản phẩm của ý chí. Thế nên cánh nhiếp ảnh rất xót khi nghe một dòng sông trong xanh bỗng một ngày ô nhiễm. Một cánh rừng xanh da diết một ngày bị cạo trọc để lấy đất. Một bãi biển tự do của quê xứ bỗng một ngày bị rào lại để đào titan, hay thành sở hữu chung của một doanh nghiệp, làm Resort. Một dải thôn làng yên lành ấm êm bỗng sung nạp để thành sân Golf cho thiểu số người giải trí từ xa tới mà không phải dân quê. Một cánh đồng tươi tốt, không gian mưu sinh của nhà nông vào một giờ hóa thành đô thị cao cấp, phân lô bán nền, khu công nghiệp. Mọi thứ đều có lý lẽ đúng (hoặc có thể sai) để diễn ra, nhưng nhu cầu ghi lại bức tranh dịch chuyển “Đồng quê” đó là cảm xúc tự nhiên, hành động và lao động đẹp, dễ thương, đáng quí của người nghệ sĩ chân chính. Đó là những Nghệ sĩ yêu thôn quê chân thành, thủy chung, thầm lặng, hy sinh, bền bỉ, miệt mài, xem nghệ thuật nhiếp ảnh là sứ mệnh, chứ không phải kiểu người khi cần ảnh để tô điểm trang facebook cá nhân, hay dự thi, kiếm giải thì mới nghĩ đến làng quê, thiên nhiên cùng những buồn vui ở đó.
Mà làng quê, nông thôn, hẳn không chỉ là điểm tựa cho mỗi nghệ thuật nhiếp ảnh. Làng quê gây sinh, nuôi dưỡng tất cả những lĩnh vực nghệ thuật nào phụng sự cho con người, cũng như anh hùng, mỹ nhân, nhân sĩ, hay nghệ sĩ… Như một người bạn thi sĩ mù xa của tôi hiểu và yêu phố phường đến độ trách móc rồi viết ra thơ:
“Sống giữa bốn bức tường đô thị/ Quanh đi quẩn lại một lối về/ Mấy chục năm trời ta hít thở/ Cát bụi lề đường với khói xe/ Buồn tình ta trở lại đồng bằng/ Khi biết đã sang mùa nước nổi/…”.
Đồng quê là chỗ dựa của xứ sở, đất nước. Chiến tranh người ta gọi đồng quê là “hậu cứ”, nhưng công cuộc phát triển người ta gọi nó là “Điểm tựa”. Nên hình như phải dè sẻn khi sử dụng đồng quê. Nên hình như phải nhẹ tay khi ban hành chính sách, luật pháp can thiệp vào đồng quê. Hãy “zoom” đồng quê lại, để nhìn thấu vào nó, không chỉ bên ngoài như cú bấm máy của nhà nhiếp ảnh, bởi cả thế gian, xã hội, dân tộc, thời đại nằm ở đồng quê đó. An bền ở đồng quê, dĩ nhiên an bền tới thị thành. Để khi ta nghĩ đến việc “Về quê” ta thấy sự an lạc đang chờ đón. Để khi ta không hề là nghệ sĩ nhiếp ảnh, hay bất cứ thứ nghệ sĩ gì cả, nhưng trước những góc cảnh ở đồng quê ta thấy hình vóc làng quê vẫn nguyên đầy; núi sông, ruộng đồng, bãi biển không méo mó, hay hao gầy, xanh xao, hoặc cảm giác về một sự bất thường, chơi vơi.
Nhớ giùm cho với, rằng:“Cuối con phố đã là quê” mà tôi vô tình thuộc nằm lòng nhưng chưa rõ tác giả là ai…!
Tùy bút: Nguyễn Hàng Tình