Mỗi lần được đọc một cuốn sách hay, con người lại nhận ra đời, sâu hơn, chứa chất muôn triệu lung linh mà mình chưa biết, lại soi thấy chính mình như mới được soi thấy hôm nay thôi, tìm được khát vọng sống thanh tao, nâng mình lên một ước mong mới
Mỗi lần được đọc một cuốn sách hay, con người lại nhận ra đời, sâu hơn, chứa chất muôn triệu lung linh mà mình chưa biết, lại soi thấy chính mình như mới được soi thấy hôm nay thôi, tìm được khát vọng sống thanh tao, nâng mình lên một ước mong mới, sống đẹp hơn, cao thượng hơn, rạo rực như gió, rả rích như mưa, mãnh liệt như bão, lâng lâng say đắm như được nhắm men rừng, chỉ có rừng, thiên nhiên rừng bao la mới có, và chỉ có rừng thắm xanh biếc đang nở vô số ngọn búp non tơ mới đưa lại niềm đắm say của riêng rừng, ta ơi rừng đã về đây.
Tác phẩm hay là tấm gương mênh mông và sâu thẳm. Đôi mắt nào thì tấm gương ấy. Tác phẩm chỉ có một, mà lạ thế, nó có thể trở thành hàng triệu tấm gương riêng cho hàng triệu con người, vốn không ai giống ai, riêng đến vô cùng.
May mắn cho đời tôi là được đọc một bản dịch hay hiếm có của nhà báo lớn Phan Quang, bản dịch cuốn tiểu thuyết rất hay La terre gourmande (Mảnh đất háu ăn) của nhà văn lớn Jacques Danois, sinh ra ở nước Bỉ xa xôi, cách đất nước ta hơn một phần tư vòng trái đất, nơi mà tôi chưa từng đặt chân tới.
Cám ơn vô cùng nhà báo tài năng Phan Quang. Cám ơn vô cùng nhà văn lớn Jacques Danois, sắp đến ngày giỗ lần thứ bảy của ông (20/9/2008 - 20/9/2015}, xin ông cho phép tôi cùng người thân được thắp một nén hương trước vong linh ông mà đối với chúng tôi, ông như người thân ruột thịt, xa lạ trên trái đất mênh mông, khổ đau dày vò và trăn trở dưới bầu trời thu Việt Nam đượm nắng, có những chùm mây xốp trắng như bông, im lặng suy tư từ thuở nảo thuở nào.
Ông đã tới Việt Nam từ năm 1960, khi dân tộc chúng ta nén chặt đau khổ tưởng chừng không vượt nổi để đứng dậy làm cuộc kháng chiến mà ông từng nói đến như một thiên anh hùng ca.
Ông đã đến rất sớm với các dân tộc bị áp bức ở châu Phi và châu Mỹ La tinh. Ông đã đến rất sớm với nhân dân Campuchia quay mãi và đau khổ như trái đất, ngoan cường như sấm sét.
Sau khi bị nhân dân Campuchia và quân Tình nguyện Việt Nam đánh tan bọn Khmer đỏ, bọn tàn quân đủ loại, tàn quân Lonnol, tàn quân Bảo hoàng căm thù cộng sản và nông dân, bọn đồ tể, bọn buôn người, buôn máu và buôn thuốc phiện, bọn nhà báo dởm, bọn đào vàng, bọn du lịch trá hình để buôn đồ cổ, bọn căm thù Việt Nam, miệng ra rả gọi Việt Nam là kẻ thù, tất cả bọn chúng chạy về rẻo đất dài dọc biên giới Campuchia - Thái Lan xây dựng 16 căn cứ để cụm lại phản kích.
Jacques Danois đã đến đó, nơi mà ông gọi là “mảnh đất háu ăn” (La terre gourmande), trung tâm của cơn lốc.
Ông là một anh hùng không tên. Ông là chiếc lá rừng xanh thẳm lẩn khuất trong những tán rừng Campuchia vĩnh cửu. Mục đích của đời ông là nụ cười của các em bé. Sung sướng của đời ông là cứu được những người đau khổ. Tâm hồn của ông như ngọn thốt nốt trăm năm, cao vút và ngạo nghễ, cô đơn và nồng nàn yêu thương nhân loại. Nhân loại đau, nhân loại buồn, nhân loại đang vả vào mồm bọn đế quốc nói dối, chặt tung sự lừa mị, nơi này câm lặng thì nơi kia bừng bừng đứng dậy. Ông chữa bệnh cho những con người đau khổ với mong ước là chữa lành vết thương khổ đau cho nhân quần và cho chính ông.
Với ông, lời cám ơn nặng lòng là lời cám ơn không nói.
Nói sao hết lời cám ơn sâu thẳm, như nỗi đau không đáy, không tận, không cùng của dân tộc chúng ta, hôm nay và còn lâu nữa, hình như thế. Không có khổ đau, không có con người. Không có khổ đau không hình thành dân tộc. Có dân tộc nào không trải qua khổ đau sinh nở. Có khổ đau sinh nở nào không mỉm cười buốt thấu xương.
Đối với chúng tôi, ông là người thầy dạy chúng tôi biết đau khổ, thêm một lần sau vạn lần khổ đau, biết nhân ái, thêm một lần sau ngàn lần giết người vì nhân ái.
Ông đã nói với đời rằng: “Ta từ giã cuộc đời, nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục như cổ họng khô đắng của ta, như những giọt mưa trong trái tim ta”.
Ngoài trời không có mưa. Ngoài đời cũng không có tiếng mưa. Chỉ có tiếng vọng của muôn triệu giọt mưa vô hình rỉ rả trong không gian cô đơn mênh mông nhắn về từ xa xăm, gõ nhẹ không thành tiếng vào tâm hồn hoang vắng, bàng hoàng, đau buồn và cô quạnh của chúng tôi, bao bọc bởi chân lý rực cháy tưởng như dè xẻn. Nhà văn lão thành kính mến Jacques Danois ơi!
Nhà văn, thiếu tướng Nguyễn Chí Trung
(Đọc “Trở lại với đời”, NXB Kim Đồng, 2015)