"Nghiên cứu folklore theo hướng tiếp cận liên ngành"

09:06, 11/06/2015

"Nghiên cứu folklore theo hướng tiếp cận liên ngành" là cuốn sách do các tác giả của Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng (Hội VHNT Lâm Đồng) thực hiện và vừa được Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản.

“Nghiên cứu folklore theo hướng tiếp cận liên ngành” là cuốn sách do các tác giả của Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng (Hội VHNT Lâm Đồng) thực hiện và vừa được Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản.
 
Theo Phó GS Chu Xuân Diên (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM) thì “Các nhà folklore (và nhân học văn hóa) coi việc nghiên cứu folklore như một nhánh... Với tư cách là một nhánh, một bộ phận của nhân học văn hóa, folklore học cũng có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề chung như của nhân học văn hóa”. Phó GS Chu Xuân Diên còn cho biết thêm: “Đối với các nhà folklore học nghiên cứu folklore theo cách tiếp cận nhân học văn hóa thì sự phân hóa chủ yếu là ở quan niệm về phạm vi của đối tượng nghiên cứu”. 
 
Theo hướng nghiên cứu trên, TS Lê Hồng Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng, chủ biên tập sách - thay mặt tập thể các nhà khoa học làm nên cuốn sách “Nghiên cứu folklore theo hướng tiếp cận liên ngành” đã viết trong “Lời nói đầu”: “Nếu chỉ thuần túy theo hướng ngữ văn, chắc chắn là tôi đã không thấy hết những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của kho tàng folklore nói chung, văn học dân gian nói riêng... Từ loại hình văn hóa và văn học, chúng tôi quan tâm đến nhiều thể loại, tiểu loại: huyền thoại, sử thi, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, truyện trạng, ngụ ngôn, văn cúng, thơ, tiểu thuyết, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội... Dù có đề cập đến văn học viết thì cơ bản cũng từ cái nhìn văn hóa và nhấn mạnh giá trị văn hóa của văn học; thi pháp thể loại hay thi pháp tác phẩm không phải là hướng tiếp cận của tập sách này”. Và, xin được nhấn mạnh: Sản phẩm vừa được xuất bản của Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng là sản phẩm của tập thể các hội viên (có mở rộng) về “Nghiên cứu folklore theo hướng tiếp cận liên ngành” như tên gọi của chính công trình.
 
Ở “Nghiên cứu folklore theo hướng tiếp cận liên ngành” của Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng, nhiều cái tên đã trở nên quen thuộc đối với giới nghiên cứu khoa học xã hội trong tỉnh Lâm Đồng và trong cả nước: Chu Xuân Diên, Lê Hồng Phong, Lê Đình Bá, Mai Minh Nhật, Ngọc Lý Hiển, Nguyễn Ngọc Chiến, Đặng Quốc Minh Dương... Song, nói như chủ biên Lê Hồng Phong, điều quan trọng là “Các tác giả xuất phát từ nhiều ngành, chuyên ngành khác nhau nhưng cách tiếp cận liên ngành làm nên sự thống nhất tương đối của họ”. Có thể kể ra đây một vài tác phẩm của “cách tiếp cận liên ngành” trong “Nghiên cứu folklore theo hướng tiếp cận liên ngành”: “Huyền thoại về sự ra đời và tên gọi của một số dòng họ của người Cil ở Lâm Đồng” (của hai tác giả Lê Đình Bá và Mai Minh Nhật), “Tín ngưỡng và phong tục trong truyện cổ Mạ và K’Ho” (Lê Hồng Phong), “Đặc trưng hoa văn trang trí của dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng” (Ngọc Lý Hiển), “Tục uống rượu cần và đánh chiêng qua những câu chuyện cổ” (Trần Thanh Hoài), “Trang phục của nhân vật trong sử thi Tây Nguyên” (Phạm Văn Hóa)... Thêm nữa, vẫn với hướng tiếp cận liên ngành, từ Tây Nguyên, các tác giả còn mở rộng thêm ra các vùng, các lĩnh vực khác: “Vai trò của nữ giới và nam giới M’Nnông trong gia đình và cộng đồng truyền thống” (Lê Thị Thanh Đạm, Võ Thị Thùy Dung, Nguyễn Thị Ngọc Thảo), “Văn hóa tộc người trong sử thi Xơ Đăng” (Lê Ngọc Bính), “Văn hóa Chăm trong truyện cổ tích (Trần Thị Yến), “Văn hóa Hàn trong truyện cổ tích” (Lưu Thị Hồng Việt), “Truyện trạng dân gian từ góc nhìn văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á” (Nguyễn Ngọc Chiến), “Motif suy nguyên trong kiểu truyện con vật tinh ranh” (Đặng Quốc Dương Minh)... 
 
“Nghiên cứu folklore theo hướng tiếp cận liên ngành” xuất bản trung tuần tháng 4/2015 được xem là công trình nghiên cứu khoa học lớn nhất từ trước tới nay của đội ngũ các nhà khoa học là hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng, sau tác phẩm “So sánh folklore” cũng của tập thể này được xuất bản năm 2013.
 
KHẮC DŨNG