Sau mỗi ngày lên rẫy, vất vả với cuộc sống mưu sinh; người già, người trẻ xã Liêng Srônh (Đam Rông) lại quây quần bên nhau. Thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau những âm sắc linh thiêng của tiếng chiêng xứ sở.
Sau mỗi ngày lên rẫy, vất vả với cuộc sống mưu sinh; người già, người trẻ xã Liêng Srônh (Đam Rông) lại quây quần bên nhau. Thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau những âm sắc linh thiêng của tiếng chiêng xứ sở.
|
Tranh thủ tập luyện trong giờ nghỉ ngơi |
Lớp học cồng chiêng tại xã Liêng Srônh (Đam Rông) do Phòng Văn hóa thông tin huyện và Đoàn xã phối hợp tổ chức từ tháng 5/2015. Cứ tối thứ hai, ba, tư, sáu hằng tuần; hàng chục chàng trai, cô gái trẻ người K’Ho chỉ mới từ 15 - 20 tuổi lại cùng nhau tập luyện. Ông Rơ Ông Ha Jràng (70 tuổi) vừa được công nhận là nghệ nhân trong Lễ hội cồng chiêng vừa qua, hiện đang giảng dạy chính tại lớp học, trăn trở: “Bây giờ nhạc hiện đại nhiều. Tiếng chiêng không còn vang lên nhiều như xưa. Chiêng là báu vật ông cha để lại. Nếu không truyền cho con cháu thì sau này những người già chết đi còn ai đánh chiêng nữa, nên dạy thôi”. Anh Rơ Ông Ha Doanh, Bí thư Đoàn xã, tâm sự: “Sinh ra và lớn lên trong tiếng chiêng truyền thống, nên trong mỗi người con chúng tôi đều có sẵn tình yêu với cồng chiêng. Bởi thế, khi có chủ trương của tỉnh, của huyện về mở lớp cồng chiêng tất cả các bạn đều hào hứng tham gia lớp học”.
Không qua nghiệp vụ sư phạm, ông Ha Jràng dạy bằng kinh nghiệm. Ông cầm tay từng học trò rồi chỉ từng nhịp một. Cũng có khi ông ngồi, mắt lim dim nhưng đầy tập trung để nghe tiếng cả dàn chiêng. Cùng giúp ông Ha Jràng còn có những người già khác như ông Liêng Hót Na K’Ràng, bà Kơ Să Ka Bài, bà Pang Sim Ka Làng… và nhiều người khác nữa. Họ quây quần ở đây cùng dạy, cùng học, cùng chuyện trò và cùng say đắm trong tiếng chiêng truyền thống. “Lớp học trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, thành cầu nối giúp người dân nhận thức cao hơn về việc cần lưu giữ văn hóa cồng chiêng”, anh Ha Doanh nói.
Không chỉ dạy đánh chiêng, trong diện tích chật hẹp được tận dụng ở nhà giữ xe Trường Tiểu học Liêng Srônh, dưới ánh sáng của bóng đèn duy nhất móc trên hàng rào dây thép gai, bà K’Bài và bà K’Làng đang say sưa dạy múa. Đã ngoài 60 nhưng các bà vẫn hết lòng truyền thụ cho lớp trẻ. Bà K’Bài, chia sẻ: “Thời gian đầu, các cháu múa chưa đúng, chưa đẹp. Chúng tôi hướng dẫn từng động tác chậm rãi đám trẻ nhớ rồi mai này mấy đứa múa được theo tiếng cồng chiêng”.
Đêm Liêng Srônh có chút gì hơi oi bức nhưng những người “thầy” và các bạn “học trò” nơi đây vẫn say mê tập luyện. Những giọt mồ hơi rơi xen với những nụ cười. Trong phút nghỉ ngơi, Phi Srônh Ha Tìm vẫn gõ gõ chiêng, tự mình chỉnh lại lỗi mà quên không để ý mép tay phải đã rớm máu. Khi tôi sốt sắng chỉ vết thương trên tay, cậu chỉ cười và bảo “em và mấy bạn mới đánh thường bị vậy, chứ đánh quen như mấy anh thì tay sẽ chai, chẳng đau nữa đâu”. Hóa ra vậy, những chàng trai nơi này không chỉ chai sạn giữa lòng bàn tay bởi quanh năm cầm cuốc, cầm xà gạc mà còn chai sạn ở mép tay bởi đêm đêm vẫn luyện tập đánh cồng chiêng. Còn những cô gái như Ka Tuyền, Ka Nhung; họ tranh thủ hoàn thành việc nhà để tối về đi học múa. Những đôi chân không nhịp nhàng theo điệu múa. Các em vui vẻ: “Các bà, các mẹ ai cũng biết múa, nên chúng em cũng phải học chứ. Học để múa trong các dịp lễ hội và múa trong những ngày diễn văn nghệ ở trường nữa”. Không đơn giản chỉ để vui chơi, cũng không vì khoản thu nhập nào, những người già, người trẻ nơi đây cùng nhau dạy và học để giữ gìn truyền thống của ông cha.
Ông Nguyễn Hoàng Mai - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Đam Rông, cho biết: “Hiện, toàn huyện Đam Rông đã có 5 xã mở lớp học cồng chiêng. Đây là cơ hội để các bạn trẻ duy trì truyền thống của cha ông”.
Nhịp sống hiện đại đang gõ cửa các buôn làng, những giá trị truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một. Bởi vậy, việc các địa phương thành lập lớp truyền dạy cồng chiêng là hết sức cần thiết. Và điều đó đang thực sự hiện hữu mỗi ngày trên mảnh đất khó Đam Rông. Nơi đây, cồng chiêng đang được nối nhịp từng ngày. Dòng chảy văn hóa của người bản địa Tây Nguyên hôm nay có thể có ít nhiều biến đổi để phù hợp với thời cuộc, song nó là giá trị trường tồn không thể mất đi.
NGỌC NGÀ