Trở lại với đời, tên nguyên tác La Terre Gourmande (Dải đất háu ăn), tác phẩm của Jacques Danois là một cuốn tiểu thuyết thời sự, tại đó tác giả buông cho trí tưởng tượng nhập hòa hiện thực thông qua những nhân vật mà một nhà phê bình châu Âu gọi là bán hư cấu (semi-fiction).
LTS: Nhà báo, nhà văn Jaques Danois (1927 - 2008) từng có mặt ở Việt Nam từ những năm 1960 đến 1975 với tư cách là đặc phái viên của Hãng PT-TH Luxembourg (RTL). Ông đã chứng kiến tận mắt những tội ác do quân đội Mĩ và tay sai gây ra ở nước ta, là tác giả hơn 50 tác phẩm văn chương được đánh giá cao. Nhân “Trở lại với đời” do nhà báo Phan Quang dịch từ 20 năm trước được tái xuất bản vào tháng 4/2015, Lâm Đồng Cuối tuần trân trọng giới thiệu bài viết của dịch giả về cuốn tiểu thuyết “Trở lại với đời”.
|
Jacques danois |
Trở lại với đời, tên nguyên tác La Terre Gourmande (Dải đất háu ăn), tác phẩm của Jacques Danois là một cuốn tiểu thuyết thời sự, tại đó tác giả buông cho trí tưởng tượng nhập hòa hiện thực thông qua những nhân vật mà một nhà phê bình châu Âu gọi là bán hư cấu (semi-fiction). Nhân vật trong tác phẩm không nhiều, chừng một tá, hầu như đều có nguyên mẫu trên đời. Họ sống cạnh nhau hay cách xa nhau nửa vòng trái đất, mà số họ phận hầu như thường xuyên hiện hữu bên nhau, người này là chiếc kính lúp làm nổi rõ người kia hơn. Khung cảnh là một góc rừng nào đó tại vùng biên giới Campuchia - Thái Lan gần một thị trấn có thật trên bản đồ: Aranyaprathẹt, một nơi chẳng phải là Campuchia cũng chẳng phải là Thái Lan nhưng mọi thứ sẽ phải đi qua chốn này - tác giả mượn lời nhân vật. Mọi thứ, vào thời bình là những du khách qua đường Bangkok viếng đền Angkor Thom, Angkor Wat và những trùm buôn lậu cổ vật quý hiếm. Mọi thứ ngày nay (thời điểm những năm 1979 - 1984) là dân tị nạn Khơme, các nhà báo, chính khách, nhà kinh doanh, sĩ quan quân đội Thái, các nhà làm công tác từ thiện cùng đủ loại gián điệp nườm nượp tới lui. Mọi thứ, là gạo và thực phẩm cứu trợ, là vũ khí tiếp sức cho các nhóm tàn quân Pôn Pốt bị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Campuchia đánh cho tan tác, chỉ còn một số toán chui lủi trong rừng sâu mà vẫn sống khá đàng hoàng nhờ có lương thực, thực phẩm, vũ khí từ nơi khác đưa đến tận tay. Dân tị nạn đông vô số, nơi có một vạn người tị nạn người ta hô lên mười vạn; các vị quốc tế có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thì đếm đi đếm lại ba lần cùng một gia đình ấy và nhân lên hai mươi lần vẫn số chiếc xe bò ấy. Một khi đã lên được một bản thống kê giả mà chuẩn xác về số lượng người tị nạn rồi, người ta sẽ phân phát cho họ gạo và dầu ăn mua từ các doanh nghiệp Thái; chỗ thừa ra sau khi cứu trợ, ba phần tư được Khơme đỏ bán lại cho người Thái, người Thái bán lại cho các tổ chức quốc tế cứu trợ nhân đạo... Nhiều người Thái là người Tàu, họ sinh ra ở đây và lấy vợ người Thái. Với số tiền kiếm được, Khơme đỏ mua vũ khí. Mua ở đâu? Mua ở các công ty bán gạo cứu trợ.
Nguồn vũ khí từ lục địa chuyển tới Hồng Kông bằng đường đường sắt đóng trong những thùng dán nhãn đề thiết bị công nghiệp, quá cảnh đường không từ Hồng Kông (hồi ấy thuộc Anh) đến thủ đô Bangkok, rồi từ đây lên xe lửa về Aranyaprathẹt...
Thế còn quân đội Việt Nam? Sau khi đã đánh đuổi Khơme đỏ khỏi thủ đô Pnôm Pênh bằng những trận thắng vũ bão và giúp giải phóng nước Campuchia, tại sao ở lại nước bạn lâu đến thế? Họ bắt buộc phải làm như vậy - lời một nhân vật khác lý giải. Người ta một lần nữa đã tỏ ra vô cùng xảo quyệt. Người ta đã hối thúc quân Pôn Pốt tiến công Việt Nam ở tỉnh Tây Ninh. Người ta bảo đảm với Pôn Pốt rằng nếu có chuyện gì xảy ra, người ta sẽ bảo vệ chúng đến cùng. Bọn Pôn Pốt nghe lời, liên tiếp gây thêm nhiều tội ác. Việt Nam đành phải đánh trả. Lúc này không ai buồn động đậy một ngón tay út để cứu Khơme đỏ. Bắn một mũi tên trúng hai con chim là thế. Một mặt gạt bỏ được guồng máy giết người ghê tởm có thể làm cho người ta lúng túng trước quốc tế, mặt khác khiến cho Việt Nam chịu tiếng là xâm lược, bành trướng, v.v... Việt Nam giảm uy tín, bạn bè quay lưng lại, viện trợ quốc tế bị cắt, Việt Nam gặp khó khăn mọi bề và điều đó hiện nay (1979-1984) vẫn đang tiếp diễn.
Báo chí truyền thông quốc tế có mặt thường xuyên ở đây, hùng hậu đến vậy, sao không ai có động thái nào cảnh báo nhân loại? “Chúng tôi tường thuật các sự kiện xảy ra ở cái góc xa xôi này của thế giới mà phần đông những người làm tường thuật chẳng ai biết mô tê gì cả” - ông nhà báo trả lời. Hơn thế, các nhà báo Âu Mỹ đến đây tác nghiệp sẽ “có được tất cả khi nói dối”. Còn những người trung thực, tôn trọng sự thật khách quan thì cho dù danh tiếng đã lẫy lừng như ông nhà báo Mỹ luống tuổi nọ hay chân thành thơ ngây như cậu phóng viên người Pháp mới vào nghề kia sớm muộn rồi cũng sẽ bị gạt ra rìa, bị gọi về nước hoặc bị cài bẫy để sa vào tình thế buộc phải bán mình cho cơ quan tình báo…
Dựng nên những nhân vật với những việc làm, lời nói và suy nghĩ như trên, phải chăng tác giả Jacques Danois là một người có khuynh hướng thiên cộng sản? Không. Thần tượng của ông dường như hiện thân ở người bác sĩ già, ông tây sống cô đơn trên ngọn núi cao biên giới, ông chữa bệnh cho mọi người, từ những dân thường người Thái gặp nạn trong rừng, anh tàn binh Khơme đỏ ốm đau, ông nhà báo Mỹ đột quỵ ở lưng chừng đèo và cả một số chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam mắc sốt rét ác tính. Quan điểm chính trị - triết học của ông được giãi bày đầy đủ và có khi lê thê nữa qua những trang nhật ký của chàng thanh niên Tây Âu nồng nhiệt rời quê hương sang góc trời biên giới này tham gia tổ chức cứu trợ nhân đạo, để chẳng được bao lâu thì vỡ mộng hoàn toàn.
Người thầy thuốc từ một nước Bắc Âu sau nhiều năm chìm nổi một mình tìm đến vùng đất thanh bình và nhốn nháo này chữa bệnh làm phúc. Tiền công duy nhất của ông, phần thưởng lớn nhất ông nhận được là nụ cười em bé ông cứu sống. Một con người lập dị? Chắc chắn ít hay nhiều. Một nhà trí thức lớn lên ở một thành phố phương bắc với những dãy nhà gạch cổ, bầu trời gần như xám xịt quanh năm. Chàng sinh viên từng có mối tình đầu lãng mạn với một cô gái tóc vàng gặp tình cờ trong một chuyến đi chơi bằng xe đạp. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa, anh khước từ làm nội trú, anh không mở phòng khám tư, anh tình nguyện sung vào đội quân lê dương sang Đông Dương cùng với những tên SS Đức quốc xã cũ, chỉ anh vì say mê phiêu lãng, phiêu lãng với chữ P viết hoa, anh ước mơ quanh năm được tắm nắng mặt trời. Anh có biết đâu phiêu lãng mãi thì đến lượt nó Phiêu lãng trở thành Chán nhàm. Quá đau đớn phải chứng kiến những cảnh giết chóc, máu me do chiến tranh xâm lược gây nên cũng những số phận trẻ em bị hành hạ, người thầy thuốc đã trốn chạy mọi sự trên đời. Ngôi nhà sàn ông sống trên chóp một ngọn núi cũng là phòng ông điều trị bệnh nhân. Ban ngày cứu người đưa đến từ các nẻo đường rừng biên giới đông nam Á. Ban đêm mơ về phương bắc trời Âu với những dãy phố hẹp, vị nồng đồng quê, đôi mắt những thiếu nữ da trắng càng lớn lên màu tóc càng ngả sang vàng.
Tại góc rừng biên giới này, người thầy thuốc già không cô đơn. Có một cô gái người Thái với khuôn mặt hiền từ, nụ cười thường trực đã rời bỏ gia đình trong ngày hôn lễ cổ truyền, một mình leo dốc lên đây sống với ông. Nàng vừa là hộ lý vừa là y tá khoác tấm áo choàng trắng giúp việc bác sĩ, vừa là người bạn lòng của ông tây già mũi lõ. Đêm đêm trong căn phòng đã tắt hết đèn để cho ánh trăng mờ hắt qua cửa sổ, nàng hóa thành tiên nữ apxara múa ru ông tây già ngủ và mơ về phương Bắc của ông, hai bàn tay thon thả của nàng tiên uốn lượn như ve vuốt ánh trăng.
Cô gái - nàng tiên ấy có một người anh trai mà cô thân quý. Anh vẫn hay leo dốc lên đỉnh núi này khuyên em gái bỏ lão già mũi lõ trở về với gia đình. Anh có cái khác cô em là anh rất say mê phim hành động Mỹ; mỗi khi có dịp về thị trấn là xem liền hai, ba bộ phim trong một buổi sáng. Anh muốn hành động như những nhân vật trong phim, họ dám làm mọi việc để có nhiều tiền, để mau chóng trở nên giàu có. Anh ngưỡng mộ những người Mỹ cao lớn, tóc vàng, khỏe mạnh, họ đấm đá nhau, dùng súng bắn nhau, bỏ ra cả tệp đô la xanh ra trả công cho nhau không hề do dự. Những bộ phim ấy cùng với những chiếc quần bò xanh của lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam sang Thái Lan nghỉ phép giữa hai trận đánh vào những năm 1960 đã phá vỡ xã hội truyền thống Thái, làm tan nát nhiều gia đình Thái, khiến cho cái xã hội thanh bình, nền nếp, thành kính của những người dân Thái sùng đạo Phật dần dần trở thành lỗi thời, lố bịch trong mắt chàng trai, may mà nụ cười đôn hậu đến nay vẫn tiếp tục nở trên môi nhiều cô gái Thái. Và cuối cùng chàng trai, trong một lần đến thăm em gái đã đang tâm gây nên cái chết cho viên thầy thuốc già bởi muốn đoạt cho bằng được cái ví tiền dày cộm những tờ đô la xanh của ông nhà báo Mỹ vừa được người thầy thuốc cấp cứu và cho phép nghỉ dưỡng tại ngôi nhà sàn của ông.
Tác giả Jacques Danois dành tất cả lòng kính trọng và thán phục của mình cho người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, họ đã rời gia đình êm ấm, giã từ quê hương yên bình sang dải đất rừng này giúp bạn diệt quân Khơme đỏ. Biểu tượng là người sĩ quan Hà Nội tóc đốm bạc đã không nề hà cứu mạng tên lính Pôn Pốt lâm bệnh bị rớt lại giữa rừng, cùng đồng đội khiêng đến nhờ viên thầy thuốc già chăm sóc. Anh cũng là người chỉ huy bốn chiến sĩ của mình cáng anh chàng nhà báo Mỹ to béo đột quỵ giữa rừng khi đang cố tìm cách, dù không được phép, lần vào căn cứ địa của quân tình nguỵện Việt Nam. Họ cáng anh ta lên ngôi nhà sàn nhờ bác sĩ cứu chữa giúp, để rồi tất cả năm con người nhân hậu ấy đồng loạt ngã xuống trong đầm máu giữa rừng trên đường trở về đơn vị vì bị tàn quân Khơme đỏ phát hiện và phục kích. “Những con người đáng ra vào những giờ này đang lên lớp, viết văn hay đơn giản là chăm sóc ruộng vườn của họ”. Tạm biệt nhau sau khi nhận bệnh nhân, viên thầy thuốc già như sớm nhìn thấy số mệnh của những con người hào hiệp ấy trong rừng đêm Thái. Và ông đã ngỏ với người sĩ quan Việt Nam lời chào vĩnh biệt: “Trái tim của tôi lúc nào cũng đập vì những người hiến dâng cuộc sống của mình cho một mục tiêu hào hiệp như ông”.
Tác giả Trở lại với đời có những trang viết rất hay về con người Hà Nội và những nét đẹp cổ truyền Việt Nam - những trang viết đặc sắc nhất trong những gì các nhà văn nước ngoài nói về thủ đô Hà Nội mà tôi được đọc. Người Hà Nội dẫn cháu bé đi ngắm trăng trung thu hồ Hoàn Kiếm, ông nội chỉ mặt hồ bảo cháu, mặt trăng muốn tự ngắm mình kia nhưng chỉ có chúng ta mới có thể ngắm trăng thôi. Cháu muốn bắt mặt trăng chớ có nhảy xuống hồ, mà cháu hãy tìm cách bay lên cung trăng. Người Hà Nội cho trẻ ăn quả vải, quả nhãn mùa hè, không dọa đứa nào ăn quả nuốt luôn cả hạt thì rồi sẽ phải mổ bụng ra lấy hạt, người ta khuyên các cháu ăn từ tốn, để còn giữ cái hạt làm hòn bi hay xếp thành đồ chơi... Vâng, nghèo, đất nước Việt Nam còn nghèo lắm, và điều đó trở thành một triết lý, một biểu hiện cao quý và cũng là một lời tạ lỗi với nhân dân họ trước muôn vàn thiếu thốn. Sức mạnh của người mẹ Việt Nam bắt nguồn từ ý chí gánh cho bằng được cái gánh nặng hàng ngày làm sao nuôi sống gia đình, chăm sóc con cháu, họ hàng, bà con. Ở người mẹ Hà Nội cũng như ở bao phụ nữ nước Việt Nam, ý chí đã thay thế vitamin và thuốc bổ.
Phải chăng vì những chuyện đó mà ông thầy thuốc già tự lưu đày không chỉ tin ở Đức Phật, ở Chúa Jesus, ở Thánh Mohammed mà ở Các Mác nữa. Đến góc trời đông nam Á này, ông nhìn thấy Phật trong niềm tin của người nông dân. Ông nhìn thấy sự công bằng trong ánh mắt các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ngã bệnh được ông chăm sóc. Và ông cũng có thấy nữa, ông thú thật với mình, hình bóng Lênin cúi xuống những người lính tình nguyện tin tưởng vào sự công bằng và xả thân vì niềm tin ấy.
Ở thế giới đầy rối ren ngày nay, người hiền sẽ không lên thiên đàng, kẻ ác xuống địa ngục như Đấng Jehovah, Chúa Kitô hay nhà tiên tri Mohammed hằng dạy. Mà rồi sẽ đúng như lời viên cảnh sát trưởng người Anh ở Hồng Kông đã thốt lên khi được tin đại uý Wayner phụ trách an ninh sân bay bị giết hại, và người ta lại tìm thấy trong túi áo xác ông những gói ma tuý: “Tội nghiệp Wayner, cậu chết rồi mà còn bị bôi nhọ. Tại cậu đã nhìn thấy một cái gì đó đáng ra không nên nhìn và cậu đã bị phản bội bởi một trong những người cộng sự trung thành nhất của cậu”. Cái gì đó là những thùng súng đạn ngụy trang dưới nhãn hiệu thiết bị công nghiệp đưa từ lục địa đến, quá cảnh Hồng Kông và Bangkok để tới thị trấn biên giới Aryanaprathẹt, mà đại úy Wayner đã vô tình nhìn thấy khi kiểm tra an ninh kho hàng hóa ký gửi, và mặc dù sau đó ông đã ra lệnh đóng gói lại ngay như cũ, tiếp tục cho chuyển hàng đi, và ông cũng chưa bao giờ hé chuyện ấy với ai ngoài anh phụ tá tin cẩn, viên trung úy người địa phương có tên là Tieng.
Trong thế giới rối ren này, rốt cuộc con người sẽ trở lại với đời, với xã hội loài người với những khổ đau và hạnh phúc của nó, để cố gắng làm được một cái gì đó vì cuộc đời. Anh chàng tình nguyện viên cứu trợ nhân đạo quốc tế nhìn ra sự thật, đã từ bỏ chuyến bay đưa anh sang Hà Nội quá cảnh về Paris. Anh mua một ít trái cây, ngồi lên chiếc xe bò kéo lúc lắc lăn bánh nhiều giờ trên đường, sau đó đi bộ đến vùng biên giới Thái Lan - Campuchia. Ở “trong ấy” rồi ta sẽ có việc gì đó để làm, giúp đỡ một người, một em bé, một gia đình, còn hơn là ngồi tại thủ đô Pnôm Pênh viết kín hai ngàn trang báo cáo. “Có thể rồi đây chẳng bao giờ có ai nhìn thấy ta nữa, và nếu vậy thì đấy là sự dấn thân đẹp nhất của đời ta”.
Ông nhà báo Mỹ tài năng và danh tiếng sa vào cái bẫy do tình báo chính nước ông chăng, thoát cơn đột quỵ giữa rừng nhờ được quân tình nguyện Việt Nam cứu kịp thời, cuối cùng đã đưa lên đường trở về Mỹ qua sân bay Bangkok. Viên thầy thuốc già người Âu bảo ông nhà báo Mỹ: May mà người sĩ quan Việt Nam đã phát hiện kịp thời và chuyển ông đến cho tôi sơ cứu. “Người ấy đã chịu hiểm nguy tính mạng khi trở lại con đường vừa đi qua - xin ông chớ có bao giờ quên điều đó”.
Người anh trai của cô gái-nàng tiên bị mê hoặc bởi những tờ đô la xanh đã giẫm phải mìn khi chạy trốn. Những tờ giấy xanh anh cướp được đã nhuốm máu đỏ của anh. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, tên cựu tàn quân Pôn Pốt được quân tình nguyện Việt Nam cứu sống quyết định trở về với đất nước Campuchia của y. Đối với y, “những mảnh giấy lộn ấy chẳng đẹp đẽ gì để mà dán lên tường, cũng chẳng đủ rộng để dùng gói cơm nắm”. Một mình, không vũ khí, không gia đình, không bè bạn, y trở về sẵn sàng làm lại cuộc đời.
Cô gái - nàng tiên một thân một mình gom củi hỏa táng viên thầy thuốc người bạn lòng, rải tro ông xuống dòng sông chảy, rồi không chút do dự đi về phía có những con người. Chỉ còn nằm lại trong rừng sâu biên giới, anh sĩ quan người Hà Nội cùng bốn đồng đội của anh đã cùng nhau cứu sống ông nhà báo Mỹ đột quỵ vẫn được trả tiền công hậu hĩnh để nói dối, cứu sống tên tàn quân Pôn Pốt, cứu sống chàng trai Thái bị mê hoặc bởi những tờ đô la xanh và các bộ phim hành động. Thể phách họ nằm lại đó, tinh anh hào hiệp và dũng cảm của họ đã trở về với đời trong niềm tin và ý chí của dân tộc họ.
* * *
Việc chuyển tiểu thuyết La Terre Gourmande sang tiếng Việt đối với tôi là chuyện gần như tình cờ. Khoảng cuối 1984 hoặc đầu 1985, tôi nhận được cuốn sách mới in do tác giả gửi biếu. Đọc thích thú quá, tôi cho nhà văn Nguyễn Văn Bổng mượn xem. Anh lại chuyển cho nhiều bạn nữa của anh tại Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Vũ Tú Nam thời ấy làm Giám đốc Nhà Xuất bản Tác phẩm mới gửi tôi bức thư tay đề nghị dịch luôn cho để nhà xuất bản anh kịp ấn hành.
Tôi xin phép tác giả. Jacques Danois vui lắm: “Tôi viết về Việt Nam và Đông Dương. Không có bản tiếng Việt, làm sao những người bạn của tôi ở Việt Nam có thể đọc”. Ông đề nghị bản dịch in xong, xin gửi nhanh cho ông một bản.
Tình hình nước ta hồi ấy gặp nhiều khó khăn về KT-XH. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã đẩy lùi đối phương nhưng tình hình vẫn căng thẳng lắm. Ở phía Nam, ta đã có kế hoạch từng bước rút quân tình nguyện tại Campuchia mà vẫn giúp bạn ổn định được tình hình. Trong bối cảnh ấy, quý báu xiết bao tấm lòng của một nhà văn phương Tây, qua tác phẩm của mình, góp phần làm sáng tỏ trước dư luận thế giới nhiều sự hiểu sai hoặc cố tình bị xuyên tạc về Việt Nam. Trở lại với đời ra mắt độc giả mấy tháng sau ngày nguyên tác phát hành tại châu Âu là một nỗ lực đáng ghi nhận của Nhà Xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nhà Xuất bản Hội Nhà văn). In lần đầu 10.200 bản trên giấy sản xuất thủ công vàng khè tại thành phố Hồ Chí Minh, bán hết trong mấy tuần.
Năm sau, tôi nhận được thư tác giả Jacques Danois gửi từ thủ đô Adbijan nước Bờ biển Ngà bên bờ Đại Tây Dương, nơi đóng Văn phòng UNICEF Khu vực Trung Phi và Tây Phi, mà anh làm Giám đốc phụ trách Thông tin và Đối ngoại: “Anh Phan Quang thân mến, cảm ơn anh về bản dịch cũng như những lời thân thiết qua mấy dòng anh đề tặng tôi cuốn sách “của chúng ta”. Tôi hy vọng năm tới sẽ lại sang Việt Nam để được tự tai mình nghe anh nói cho hay anh đã viết những gì trong Lời giới thiệu (bản tiếng Việt). Rất nóng lòng gặp lại anh và các bạn Việt Nam. Tôi hy vọng mọi sự đều tốt đẹp dưới bầu trời Hà Nội. Anh biết đấy, tôi yêu thành phố Hà Nội và yêu nước Việt Nam của anh đến dường nào”.
PHAN QUANG