Về miền Tây, không thể không một lần bạn nghe ca cải lương, xem biểu diễn đờn ca tài tử. Và tới Bạc Liêu, thật thiếu trọn vẹn nếu chưa thăm Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - đây là di tích lịch sử văn hóa lưu giữ, tái hiện nhiều hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp một soạn giả nổi tiếng gần 100 năm trước, nơi vinh danh đờn ca tài tử Nam bộ.
Về miền Tây, không thể không một lần bạn nghe ca cải lương, xem biểu diễn đờn ca tài tử. Và tới Bạc Liêu, thật thiếu trọn vẹn nếu chưa thăm Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - đây là di tích lịch sử văn hóa lưu giữ, tái hiện nhiều hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp một soạn giả nổi tiếng gần 100 năm trước, nơi vinh danh đờn ca tài tử Nam bộ.
|
Phục dựng hình ảnh sinh hoạt đờn ca tài tử |
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh ngày 22/12/1892 tại tỉnh Long An. Cha là Cao Văn Giỏi, bần nông, có thời là nghệ nhân thổi kèn, đánh trống nhạc lễ, sau làm thầy tuồng cho gánh hát bội. Mẹ là Đỗ Thị Tài. Gia đình có 6 anh em, ông thứ 6 nên mọi người gọi là Sáu Lầu. Mới 4 tuổi, ông đã theo cha mẹ tha phương, sau định cư tại thị xã Bạc Liêu. Ở miền đất cuối trời Nam này, năm 1901, Sáu Lầu vào tu học ở chùa Vĩnh Phước An, sau học chữ quốc ngữ. Năm 1908, theo học đàn thầy Nhạc Khị và trở thành học trò giỏi. Năm 1915, Cao Văn Lầu cưới vợ và sống chung với nhau 3 năm nhưng không có con nối dõi. Với tư tưởng phong kiến hẹp hòi “Tam niên vô tử bất thành thê”, mẹ buộc ông phải chia tay vợ. Từ sự nhớ thương người vợ khôn nguôi đã thôi thúc ông viết tuyệt tác “Dạ cổ hoài lang”. Thế nhưng sau một thời gian chia tay, tình cảm vợ chồng không thể xa lìa, họ nối lại tình nghĩa phu thê, có con cái đề huề.
Bản Dạ cổ hoài lang do Cao Văn Lầu “chấm máu, nước mắt” làm mực viết ra nhạc có lời như sau: “Từ là từ phu tướng/ báu kiếm, sắc phán lên đường/ vào ra luống trông thơ nhạn/ năm canh mơ màng/ Trông tin chàng/ Gan vàng càng lại thêm đau/ Lòng dầu say ong bướm/ Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang/ Đêm luống trông tin bạn/ Ngày mỏi mòn như đá vọng phu/ Vọng phu vọng luống trông tin chàng/ Xin đó chớ phụ phàng/ Chàng chàng có hay/ Đêm thiếp nằm luống những sầu tây/ Bao thuở đó đây sum vầy/ Duyên sắc cầm tình thương với nhau/ Nguyện cho chàng/ Đặng chữ bình an/ Trở lại gia đàng/ Cho én nhạn hiệp đôi với đó đây”.
Dạ cổ hoài lang ban đầu tưởng sớm chìm sâu vào tâm sự não nề của một người - người vợ nhớ thương, nhắn gửi chồng nơi sa trường, thế nhưng chẳng mấy chốc đã ngấm vào lòng người Nam bộ. Năm 1936, với giọng ca ngân nga, chậm rãi của Năm Nghĩa qua bài “Văng vẳng tiếng chuông chùa” (nhịp 8) được giới mộ điệu gọi tắt là bài vọng cổ. 11 năm sau, giọng ca nghệ sĩ Út Trà Ôn qua bài “Tôn Tẫn giả điên” bằng lối ca luyến láy ngọt mùi truyền cảm, xen lẫn các câu hò, điệu lý… đã định hình vị trí vững vàng cho bài vọng cổ. Dạ cổ hoài lang có nét nhạc dễ nghe, có cấu trúc thanh âm, điệu thức gần với những điệu dân ca Nam bộ như ru em, hò cấy lúa, lý con sáo, lại có cả cách tụng hơi Ai của sư sãi miền Nam và lối nói thơ Lục Vân Tiên… Danh tác mang trong mình cả 3 điệu thức đặc trưng của 3 miền và giai điệu Hành vân, Xuân nữ được thể hiện trên nền điệu thức oán phương Nam. Giai điệu phong phú nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa dân ca và cổ nhạc, giữa ca và nói; không hời hợt dễ dãi mà theo nguyên tắc lấy yếu tố dân tộc làm gốc rễ cho yếu tố hiện đại phát triển. Những lời ca từ như: phu tướng, kiếm sắc, tin nhạn, nghĩa tào khang, én nhạn hiệp đôi… mang hơi hướng bác học đã hòa với những lời dân dã: lên đàng, đừng lợt phai, trở lại gia đàng… tạo cho tác phẩm chất “kinh điển” mà vẫn đậm tinh thần dân dã. Vì thế tác phẩm không chỉ được nhiều tầng lớp công chúng khác nhau đón nhận, dân chúng cảm nhận sự gần gũi mà giới học sĩ cũng mến yêu. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho rằng ông có ít nhất 3 bài hát ảnh hưởng, vay mượn điệu thức của bài Dạ cổ hoài lang, trong đó có bài “Điệu buồn phương Nam” được bình chọn là bài dân ca hay nhất.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu mất ngày 13/8/1976. Trong cuộc đời sáng tác, soạn giả để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị: Minh Loan thưởng nguyệt, Thu Phong, Chiếc hoa, Oanh vàng, Bái đường, Ái cầm, Long châu… Trong đó, nổi tiếng nhất có bản “Dạ cổ hoài lang” sáng tác năm 1919, là tiền thân của bài vọng cổ ngày nay. Dạ cổ hoài lang ra đời nhanh chóng chiếm vị trí chủ chốt trong đờn ca tài tử và trở thành “bài ca vua” trong sân khấu cải lương Nam bộ.
Tháng 8/1919, tại Bạc Liêu, Cao Văn Lầu công bố bản nhạc lòng bất hủ “Dạ cổ hoài lang”. Qua gần 100 năm, bản “Dạ cổ hoài lang” nguyên thủy từ nhịp đôi được các thế hệ nghệ sĩ phát triển thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và nhịp 64; từ 20 câu rút còn 6 câu rồi 4 câu. Mỗi một giai đoạn phát triển, bản “Dạ cổ hoài lang” lại tự hoàn thiện mình, không ngừng thâm nhập sâu rộng trong công chúng. Theo một nhà nghiên cứu: “Cái gốc của bài vọng cổ là Dạ cổ hoài lang của bác Sáu Lầu, viết theo nhạc dân tộc: hò, xự, xang, xê, cống. Quá trình phát triển không làm biến dạng bài Dạ cổ hoài lang mà vẫn tạo sự đồng dạng nhưng ở một cấp độ cao hơn, rộng hơn”. Năm 1963, tại rạp Quốc Thanh - Sài Gòn, các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà báo đã tổ chức buổi nói chuyện về nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển của bản Vọng cổ nhằm tri ân nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Tiếp theo, có nhiều sự kiện tương tự. Năm 1989, UBND tỉnh Minh Hải (nay chia hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) đã tổ chức Hội thảo về Cao Văn Lầu nhân 70 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang. Năm 2009, ngành văn hóa Bạc Liêu cùng Hội Sân khấu TP. HCM có tổ chức Hội thảo khoa học “90 năm - bản Dạ cổ hoài lang” nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Về tác phẩm này, Nhà nghiên cứu âm nhạc, GSTS Trần Văn Khê khẳng định: “Trong số cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như bản Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ; từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu”.
Vinh danh đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là niềm tự hào của Việt Nam nói chung cũng như của 21 tỉnh, thành phía Nam nói riêng, tối 25/4 Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 được Chính phủ tổ chức trọng thể với chủ đề “Tình đất phương Nam”. Đây cũng là dịp công chúng gần xa tưởng nhớ, tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu!ª
LAN HỒ